:: MenuL * Local port file *

Trang trước

Trang 1Trang 2Trang 3

Góp ý

Thông tin
Cập nhật 21.02.2007 (mồng 5 tết)

Ra Tháp Rùa sáng mồng ba tết

Chỉnh cỡ font chữ: Mặc định | To vừa | To

Các bạn của “ hohoankiem.org” thân mến, nhân dịp năm mới, chúng tôi xin kể các bạn nghe một số câu chuyện đầu xuân bên hồ Hoàn Kiếm. Trước khi nghe chúng tôi kể chuyện, các bạn hãy pha một ấm chè hay một tách cà- phê, nhớ mở hộp mứt nhé….Có như thế nghe mới “ngọt”, mới xuân.

Sáng mồng ba tết (19-2-2007 ), đến bên cây lộc vừng chín gốc, chúng tôi lại bắt gặp cán bộ của Đài Khí tượng cao không ( Bộ Tài Nguyên và Môi trường ) đang bơm khí nhẹ cho bóng bay ( theo yêu cầu mỗi ngày phải bổ sung khí một lần cho một quả bóng). Đó là các kỹ sư Lê Văn Bắc và Trần Quang Khải. Vì đã có lần chúng tôi đến các trạm cao không ở khu Pháo đài Láng ( Hà Nội ), Đà Nẵng, nên chúng tôi chẳng mấy chốc quen nhau, khi gợi lại những câu chuyện lãng mạn của “ dân “ khí tượng.

Cho chúng tôi lên thuyền, ra hồ để chụp vài hình ảnh các anh đang thay bóng được không ? Chúng tôi mạnh dạn đề nghị.

Và thế là chúng tôi được anh Khải đưa ra hồ để thay bóng. Quả bóng mà chúng tôi hướng tới là quả bóng nằm ở vị trí xa nhất so với cây lộc vừng chín gốc ( nơi đặt các bình khí ). Muốn tới đó, thuyền chúng tôi phải đi qua Tháp Rùa.

Sáng mồng ba Tết, trời có gió mạnh nên việc thay quả bóng xẹp hơi bằng quả bóng căng hơi khá vất vả. Chúng tôi đã chụp được một số ảnh cán bộ cao không, thay bóng giữa hồ rất đẹp.

Trên đường trở về, gió thổi mạnh, quả bóng xẹp hơi chúng tôi mang theo thuyền như cánh buồm làm cho thuyền tròng trành. Con thuyền lao thẳng vào bờ bê-tông bó đảo Rùa, thuyền nghiêng, nước ùa vào khoang. Kỹ sư Khải nhẩy xuống Tháp Rùa kéo thuyền ra khỏi chỗ mắc cạn, và tát nước.


Người điều khiển thuyền nói với chúng tôi: phải mất năm phút mới khắc phục được sự cố. Cơ hội “ bỗng nhiên” xuất hiện, chúng tôi tranh thủ chạy lên gò rùa ,chụp ảnh trong năm phút.

Các bạn của “ hohoankiem.org” biết không, đối với chúng tôi năm phút đó thật giá trị. Chúng tôi chụp lia lịa. Theo cầu thang gỗ nhỏ, chúng tôi lên tầng ba của Tháp Rùa. Mấy năm trước, sàn của tầng ba Tháp Rùa, nơi đặt tượng Thánh Mẫu và Trần Hưng Đạo, được láng bằng xi- măng cát vàng, nay được lát bằng gỗ lim, đánh véc-ni sáng bóng. Từ tầng hai lên tầng ba có một cánh cửa lim rất nặng, phải dùng đầu đội lên. Có một khung gỗ cong sơn son thiếp vàng, áp sát trần. Dưới ban thờ có một cái chuông đồng cao khoảng 30 cm.

Đã thành thông lệ, những ngày giáp Tết âm lịch, vào lúc trời nhá nhém tối, chúng tôi thường thấy có thuyền chở nhiều người ra Tháp Rùa. Mang theo nhiều gói to, nhỏ.

Đứng trên bờ, chúng tôi ao ước khi nào lại có dịp ra Tháp Rùa. Ước mơ đó bất ngờ được thực hiện, do thuyền bị mắc cạn, nước tràn vào khoang thuyền.

Được lên Tháp Rùa vào ngày mồng ba Tết Đinh Hợi, đối với chúng tôi là một kỷ niệm khó quên./.

:: MenuL * Local port file *

Ra Tháp Rùa sáng mồng ba tết Ba nụ hoa xuânNgười lái xe gặp “ hạn” đầu năm
 In ra  Đầu trang