Dân khổ sở vì giấy đi đường Không rõ

[19/09/2021 23:01 | Phóng sự - Tản mạn | Nhận xét(0) | Đọc(1421) ]
   Nguồn: Tự viết || Sưu tầm | Lớn | Vừa | Nhỏ
hohoankiem.org

Trong mười ngày đầu tháng 9, một vấn đề làm người dân Hà Nội khổ sở đó là xin giấy đi đường. Chỉ trong 45 ngày, Hà Nội có 5 lần thay đổi mẫu giấy đi đường. Mỗi mẫu  có “tuổi thọ” không quá 10 ngày.

Giấy đi đường là một loại văn bản, giấy tờ có vai trò rất quan trọng trong quá trình công tác của một người. Nó được xem như là một loại văn bản có tính hợp pháp, là điều kiện để người lao động có thể đề nghị và yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp, công ty hay một đơn vị nào đó phải thực hiện thanh toán khoản tài chính được xem là chi phí cho chuyến đi công tác. Đấy là trước đây còn bây giờ, đối với người dân Hà Nội, giấy đi đường còn là một văn bản cho phép chủ nhân của nó có được ra đường hay không trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội phòng chống Covid – 19.

Đã thực hiện giãn cách mà để người dân đi lại tự do trên đường thì việc giãn cách không có ý nghĩa. Nhưng nếu cấm tuyệt đối không cho người ra đường thì không có ai cung cấp lương thực thực phẩm cho dân, bảo vệ an ninh trật tự, chăm sóc y tế, thông tin đường lối chính sách phòng chống dịch và sản xuất trong những ngành hàng thiết yếu. Chưa kể đối tượng bị ốm đau phải đi bệnh viện, đi chợ (theo phiếu), đi tiêm vắc - xin, xét nghiệm…  Đó là lý do thành phố phải đứng ra tổ chức việc cấp giấy đi đường cho các đối tượng được ưu tiên. Đây là việc làm chưa có tiền lệ, khó khăn, nhất là lần đầu thực hiện tại Thủ đô.

Lần đầu (ngày 24/7), thành phố Hà Nội quy định cơ quan, doanh nghiệp đủ điều kiện, sản xuất, kinh doanh mặt hàng thiết yếu được xác nhận, cấp giấy đi đường cho người lao động. Lần thứ hai, thành phố yêu cầu mẫu giấy đi đường phải đúng theo mẫu của UBND Hà Nội ban hành (không theo mẫu của cơ quan, doanh nghiệp). Lần thứ 3, thành phố yêu cầu người dân muốn ra đường thực hiện nhiệm vụ, công việc phải có giấy theo mẫu của thành phố, đồng thời phải kèm theo lịch trực của cơ quan, lịch làm việc kèm theo giấy tờ tùy thân (yêu cầu lịch trực sau đó được rút lại), giấy phải do chính quyền địa phương xác nhận, đóng dấu. Lần thứ 4 (ngày 3/9), thành phố quy định chỉ 6 nhóm đối tượng được cấp giấy đi đường và phải do Công an Hà Nội cấp. Lần thứ năm ngày 8/9, thành phố Hà Nội chính thức áp dụng giấy đi đường mẫu mới có mã QR (có một số đối tượng vẫn dùng mẫu cũ). Như  vậy chỉ trong 45 ngày, Hà Nội có 5 lần thay đổi mẫu giấy đi đường. Mỗi mẫu  có “tuổi thọ” không quá 10 ngày.

Mỗi lần như vậy là cơ quan, doanh nghiệp, cán bộ, nhân viên trong diện được phép ra đường lại nháo nhào trong hai, ba ngày để thay đổi hồ sơ, xin lại chữ ký, xếp hàng rồng rắn tại UBND phường, cơ quan công an để xin dấu xác nhận, chịu cảnh dồn ứ tại nhiều chốt kiểm tra trên đường vừa mệt, vất vả vừa đối diện nguy cơ mắc Covid – 19 tại nơi đông người.

Các chuyên gia bình luận về phương án quản lý người ra đường của thành phố: Thủ tục đăng ký, phê duyệt và cấp giấy đi đường mới vẫn còn nhiêu khê, rườm rà và khá phức tạp trong khâu thực thi. Việc phân chia tới 6 nhóm đối tượng khiến một số người không biết mình thuộc nhóm nào và cần làm thủ tục ở Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố) hay công an phường (xã, thị trấn)… Quy trình gồm 4 bước và do nhiều khâu, nhiều cấp phê duyệt, xử lý. Với số lượng hồ sơ đăng ký khổng lồ và cách xử lý phức tạp thì dù các cơ quan chức năng rất cố gắng cũng khó đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Hơn nữa “hàm lượng” công nghệ thông tin chưa được ứng dụng nhiều trong thủ tục đăng ký, phê duyệt và cấp giấy đi đường ở Thủ đô, mặc dù chúng ta đang ở thời kỳ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Cuộc chiến chống “giặc” Covid -19 còn kéo dài về thời gian và ngày càng phức tạp vì xuất hiện các biến chủng mới. Chẳng nhẽ mỗi lần bùng phát đợt dịch mới (mong không phải như vậy) thành phố lại ban hành một mẫu giấy đi đường mới? Nhìn trên góc độ toàn quốc, mẫu giấy đi đường thành phố Hà Nội ban hành không “liên thông” được với các mẫu giấy đi đường do các tỉnh thành khác ban hành? Hay đến mỗi tỉnh, thành phố lại phải làm lại từ đầu quy trình xin giấy đi đường.

Theo TTXVN thành phố Đà Nẵng và tỉnh Cà Mau đã cấp giấy đi đường cho người dân bằng mã QR rất hiệu quả. Mã QR, viết tắt của quick response (tạm dịch “Mã phản hồi nhanh”) là dạng mã vạch có thể đọc được bởi một máy đọc mã vạch hay smartphone (điện thoại thông minh) có chức năng chụp ảnh kèm với ứng dụng chuyên biệt để quét mã. Từ ngày 4/9, các sở, ngành và UBND quận, huyện, phường (xã) ở thành phố Đà Nẵng chính thức cấp giấy có mã QR cho công nhân, công chức, viên chức đi đường, đến nơi làm việc. Người dân và đại diện cơ quan, tổ chức chỉ mất khoảng 5 phút điền các thông tin đăng ký để nhận mã QR phục vụ cho việc đi lại trong thời gian Đà Nẵng giãn cách xã hội.

Tỉnh Cà Mau cấp giấy đi đường bằng mã QR - Code trên nền tảng Zalo dịch vụ công trực tuyến. Người dân, doanh nghiệp có nhu cầu cấp giấy đi đường thì chỉ cần đăng nhập vào ứng dụng Zalo và thực hiện các thao tác: tìm kiếm, kết nối dịch vụ công trực tuyến tỉnh Cà Mau trên Zalo; nhắn tin ghi rõ thông tin họ và tên, số điện thoại liên hệ; chụp gửi kèm theo đầy đủ thành phần hồ sơ nêu trên. Sau đó, kết quả sẽ được chuyển trực tuyến bằng hình thức giấy đi đường điện tử có mã QR - Code vào Zalo của từng cá nhân đã kết nối với Zalo dịch vụ công trực tuyến tỉnh Cà Mau. Chỉ trong 3 ngày thực hiện (từ ngày 2/9 đến ngày 4/9) đã có hơn 5.500 lượt người tương tác và gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy đi đường điện tử sử dụng mã QR-Code, có hơn 717 giấy đi đường đã được cấp.

Hiện nay, Việt Nam có nhiều nền tảng, công nghệ phục vụ phòng chống Covid - 19 như nền tảng khai báo y tế, tiêm chủng, xét nghiệm, Bluezone, VHD... hay mới đây là VNEID. Một số địa phương cũng tạo các ứng dụng riêng. Mỗi ứng dụng lại sinh ra một mã QR khác nhau sau khi người dùng khai báo, gây nên tình trạng người dùng khi di chuyển có thể phải cài hàng loạt ứng dụng khác nhau. Bản thân tôi khi đến Bệnh viện Răng  - Hàm – Mặt khám răng cũng được cấp một mã QR. Các lần đến khám tiếp theo không cần khai báo y tế vì đã có mã QR.

Trước thực trạng nói trên, ngày 10/ 9  Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu phải "Cấp tốc": Xây dựng 1 hệ thống qui tắc có ứng dụng chung thống nhất phục vụ công tác phòng  dịch để áp dụng "Thẻ xanh  Covid" tạo thuận lợi nhất cho nhân dân . Ngay ngày  hôm sau  (11/9) Bộ Thông tin và Truyền thông  ban hành "Hướng dẫn kỹ thuật về mã QR cá nhân dùng chung với các ứng dụng chống dịch " được thống nhất trên toàn quốc. Với việc hiển thị và sử dụng một mã QR cá nhân thống nhất, người dân có thể lựa chọn cài đặt, sử dụng nền tảng, ứng dụng phù hợp với nhu cầu, không cần cài đặt nhiều ứng dụng khác nhau. Mỗi mã QR (phiên bản 1.1) mới sẽ chứa chuỗi thông tin gồm số CMND/CCCD, họ tên, ngày sinh, mã người dùng trên nền tảng QR quốc gia, kiểu dữ liệu (tự khai hay khai hộ), cùng một số thông tin mở rộng như: giới tính, số điện thoại, mã số thẻ bảo hiểm. Theo như chúng tôi hiểu các tỉnh, thành phố có thể thêm thông tin chủ mã QR này có phải là đối tượng ưu tiên được ra đường khi khu vực đó thực hiện giãn cách xã hội hay không?

Chúng tôi cho rằng đây là một phương án tối ưu trong giai đoạn hiện nay. Khi mỗi công dân ra đường lực lượng chức năng chỉ cần dùng điện thoại quét mã QR của họ là biết họ có đủ điều kiện ra đường trong thành phố hay liên tỉnh hay không, không phải lo thay đổi mẫu giấy đi đường như hiện nay. Việc làm này không chỉ có ý nghĩa giảm bớt thủ tục, thời gian đi ra ngoài đường, không phải tập trung để làm thủ tục đổi giấy đi đường tại UBND phường xã hay cơ quan công an (bởi vì tất cả các thao tác khai báo đều thực hiện trên máy tính và qua mạng) mà còn có ý nghĩa khẳng định vai trò ứng dụng của công nghệ thông tin, trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Hà Hồng

hohoankiem.org

  Đánh giá bài viết

Bài viết số 969 đã được: 7.0/10 (1 Đánh giá)


Hãy Register thành viên để có thể viết nhận xét

Nếu bạn thấy bài viết hay vui lòng Bookmark bài viết. Cám ơn bạn!

Bookmark and Share