Tiêu đềXẩm Bờ Hồ ThuộcHà Hồng | Hồ Hoàn Kiếm | Kỷ niệm riêng của mỗi người Th.gianSun, 11 Nov 2012 17:27:13 +0000 Tác giảMr.Hohoankiem Địa chỉxam-bo-ho-t568/ Nội dung Khi sân khấu hát xẩm xuất hiện trên khu phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân từ đầu tháng 4-2006, bỗng nhiên người ta thấy xẩm vẫn còn duyên và mặn mà lắm. Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới http://hohoankiem.org/attachment.php?fid=684 Xẩm là âm nhạc đường phố. Nhưng tại sao nó không gắn với một cái đuôi khác mà lại gắn với Bờ Hồ? Lại có người gọi “Xẩm tàu điện”? Thực ra cách gọi khác nhau nhưng cơ sở để gọi lại không khác: Tàu điện muốn chạy đi đâu thì cũng bắt đầu từ Bờ Hồ và từ đâu về thì cũng dừng ở Bờ Hồ. Tại sao những người hát xẩm không chọn ga Hàng Cỏ cũng là bến Tàu còn đông đúc hơn bến tàu điện? Giản đơn là tàu điện tuy chỉ tối đa có 3 toa, chở ít khách hơn nhưng liên tục chuyến đi chuyến về nên khách luôn luôn mới. Còn tàu hỏa lại không đi về liên tục, hơn nữa, xuống tàu là người ta về nhà hay đến ngay nơi cần đến. Do vậy, bến tàu điện là nơi kiếm tiền thuận tiện hơn chỗ khác, vì thế dân gian gắn xẩm với tàu điện. Trong những người hát xẩm, không có những quy ước về lãnh địa, nhóm này ngồi chỗ này thì nhóm kia tự biết đi chỗ khác. Giữa họ không bao giờ có ẩu đả tranh giành chỗ hát, vì họ rất hiểu câu nói “Đồng cảnh tương lân”. Truyền thuyết kể rằng, vào thế kỷ XIII, Hoàng tử Trần Quốc Đĩnh bị người em trai đâm mù mắt giữa rừng xanh, đoạt ngọc quý để chiếm ngôi vua. Trong cơn mê sảng, Đĩnh mơ thấy mình được ca hát với một bầy tiên nữ trong tiếng nhạc tưng bừng… Tỉnh dậy, Hoàng tử mới biết là mình được những người dân quê thôn dã hết lòng chăm sóc. Qua cơn hoạn nạn và nhớ lại giấc mơ, Đĩnh đã lần mò tự tay chế tác cây đàn bằng một ống tre dài, có cần mềm để nắn tiếng chỉnh âm, lại có dây xe bằng vỏ cây và có que để bật, gõ thành tiếng nhạc. Chàng còn soạn ra cả những bài thơ để hát, kể lể tâm tình của mình, của đời, mang niềm vui đến với mọi người, mọi nhà, tay đàn miệng hát khắp mọi nơi, từ bến sông, bãi chợ, sân đình… Tiếng tăm của chàng ca sĩ mù vang đến tận kinh thành, Thái Thượng hoàng cho vời vào cung, mới hay đó chính là Hoàng tử mất tích năm nào… Từ đấy, Đĩnh ra sức dạy dỗ cho mọi người đàn hát, nhất là những người khiếm thị, vừa là để vui đời, vừa là nghiệp mưu sinh… Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới http://hohoankiem.org/attachment.php?fid=683 Những loại nhạc cụ trong môn nghệ thuật hát xẩm Vậy xẩm ra đời từ khi nào? Có nhà nghiên cứu cho rằng, có thể xẩm ra đời trước khi có hát chèo, là một trong nhiều nguồn góp phần cấu thành hát chèo. Hoặc xẩm chỉ là bản sao vụng về của hát chèo trong điều kiện và hoàn cảnh rất ư hạn chế của lớp người tật nguyền; hoặc đây là mối liên quan ruột rà tất yếu không ai chối cãi giữa hai loại hình, bởi chính nghệ nhân xẩm xếp hát xẩm và chèo cùng loại trung ca, trong khi tuồng vào loại võ ca, ca trù vào loại văn ca. Các nghiên cứu về xẩm cho ra kết quả: Hát xẩm là một thể loại khan xuất hiện ở Hà Nội vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Ban đầu chỉ có xẩm Hà Nội, sau đó đã “loang” ra để có những điệu xẩm Ninh Bình, Nam Định, Hưng Yên… Xẩm có rất nhiều bài, nhưng có 7 bài đặc trưng là Xẩm chợ, Chênh bong, Riềm huê, Ba bậc nhịp bằng, Phồn huê, Hát với ai và Xẩm thập ân với những làn điệu Xẩm chợ, Xẩm thập ân, Xẩm tàu điện... Các bài xẩm về Hà Nội thường nhắm đến hai đích, giới thiệu với người ở quê về đô thị phồn hoa này và “nịnh” người dân thị thành, nơi hằng ngày họ nai lưng kiếm sống. Trong bài “ Hà Nội 36 phố phường” có đoạn: Hà Nội như động tiên sa Sáu giờ tắt hết đèn xa đèn gần Vui nhất có chợ Đồng Xuân Mùa nào thức nấy xa gần xem mua… Trong bài “Vui nhất Hà Thành” có câu: Bắc kỳ vui nhất Hà Thành Phố phường sầm uất văn minh rợp trời Thanh tao lịch sự đủ mùi Cao lâu rạp hát vui chơi đủ đầy Đâu đâu khắp hết đông tây Thăng Long thắng địa xưa nay tiếng đồn Cũ thời băm sáu phố phường Ngày nay mở rộng đến hàng vài trăm Người đi xe chạy ầm ầm Đua chen thương mại bội phần hơn xưa Nhất vui là cảnh Bờ Hồ Những năm 30 của thế kỷ trước, ở bãi An Dương có xóm xẩm. Sở dĩ có tên như vậy bởi xóm có chừng 10 nóc nhà gồm toàn những người hát xẩm. Ban ngày họ đi hát, tối lại về nấu nướng ngủ ở đây. Xóm tồn tại đến năm 1954, sau đó thì mỗi người một nơi. Số lượng người hát xẩm đông nhất là thời kỳ Pháp thuộc và những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Song tưng bừng nhất lại là năm 1954. Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, xẩm còn được “thời sự hóa”. Chẳng hạn để hưởng ứng phong trào bình dân học vụ, các nghệ nhân xẩm đã sáng tác bài “Tiễu trừ giặc dốt” (được trình diễn ở chiếu xẩm Đồng Xuân với lời mới “Tiễu trừ tham nhũng”). Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Nhà nước vận động nhiều nhóm hát xẩm, cử người viết bài hát và đến diễn ở các vùng duyên hải miền Bắc nhằm chống lại phong trào di cư vào Nam do thực dân Pháp lôi kéo. Vài ba chục nghệ nhân hát xẩm ở Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Giang, Hà Nội… đã tham gia cuộc vận động này. Nhà văn Thanh Tịnh được giao phụ trách một nhóm hát xẩm gồm 23 anh chị em khiếm thị, về vùng Bùi Chu, Phát Diệm để hát với mục đích trên. Hòa bình lập lại ở miền Bắc, tại bến tàu điện Bờ Hồ vẫn có khá nhiều người khiếm thị hát xẩm, có một cặp vợ chồng lùn tịt hát rất hay và họ kiếm sống ở đây cho đến khi Mỹ ném bom Hà Nội thì dắt díu nhau đi đâu không rõ. Những năm 70, loại hình nghệ thuật này mai một rồi đi dần vào quên lãng. Kể từ đó những người hát xẩm không còn được hành nghề nữa, hát xẩm tưởng chừng như đã thất truyền. Khi sân khấu hát xẩm xuất hiện trên khu phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân từ đầu tháng 4-2006, bỗng nhiên người ta thấy xẩm vẫn còn duyên và mặn mà lắm. Nhạc sỹ Thao Giang, chủ nhiệm chương trình âm nhạc dân gian “Hà Nội 36 phố phường” và cũng là người có công sưu tầm, khôi phục lại nghệ thuật hát xẩm cho rằng, cách buôn bán, các cửa hàng có thể thay đổi nhưng hồn của bài hát vẫn ở trong tâm thức mỗi người khi họ nghe xẩm. Để phục vụ cho chương trình này, nhóm “Xẩm Hà Nội” đã sưu tầm được khoảng 20 điệu. Ngoài những điệu được phổ từ thơ của Nguyễn Khuyến, Á Nam Trần Tuấn Khải, Nguyễn Bính, như: Mục hạ vô nhân, Anh khóa, Lỡ bước sang ngang, Trăng sáng vườn chè… thì còn nhiều điệu khác, trong đó khá đặc sắc chính là “Xẩm tàu điện” do nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa trình bày. “Xẩm tàu điện” đặc sắc bởi đây chính là điệu xẩm của riêng Hà Nội. Nếu ca trù, hát cô đầu là “đặc trưng” của phố Khâm Thiên, thì hát xẩm là đặc trưng của chợ Đồng Xuân và phố cổ. Những nghệ sĩ yêu xẩm phải kể đến NSƯT Xuân Hoạch (Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam), Văn Tý (Viện Văn hóa dân gian), Thanh Ngoan (Nhà hát Chèo Việt Nam), Đoàn Thanh Bình (Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh), cô “xẩm trẻ” Mai Tuyết Hoa (Viện Âm nhạc)… cùng các nhạc sỹ Hạnh Nhân, Hồng Thái, Lê Cương, Tự Cường… đã tập hợp về Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam của Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Khang và nhạc sỹ Thao Giang từ năm 2003. Đó là những tín hiệu tốt cho một tương lai của xẩm trong văn hóa đường phố của Thăng Long - Hà Nội. Và chắc là sẽ không bị ruồng rẫy như một thời... Nguồn: Báo HNM Generated by Bo-blog 2.1.1 Release