Từ tháp Bút qua cổng Long Môn , Hổ Bảng, đường vào đền Ngọc Sơn  bị thu hẹp lại. Cuối con đường là lớp cổng thứ ba có cửa gỗ sơn son, sau hai cánh cửa đó người ta đắp chữ thiện và chữ ác. Mọi người khi đi qua cổng để vào cầu Thê Húc phải đi qua hai chữ thiện và ác. Người xưa cho đắp hai chữ này dường như muốn nói dòng người đi giữa thiện và ác, chỉ cần đi lệch bên này thành ác, hoặc đi lệch bên kia thành thiện. Trong cuộc đời nhiều khi điều ta làm hôm nay được cho là ác nhưng lại tạo  mầm thiện sau này. Ngược lại điều ta làm hôm nay được cho là thiện lại tạo mầm ác sau này. Trong cuộc đời của mình mỗi người phải tự chọn cho mình một đường đi, lối sống tốt nhất khi cái ác, cái thiện đang hiện hữu chung quanh.

Bên trên lớp cồng dầy này đặt một đài Nghiên (Nghiễn đài). Đây là một trong ba công trình trong cụm kiến trúc tháp Bút, đài Nghiên, đình Trấn Ba do Nguyễn Văn Siêu xây dựng trong khoảng thời gian 1864-1865. Mong ước của tôi là được tận tay chạm vào đài Nghiên. Dịp may đã đến, trong thời gian quét vôi cổng đài Nghiên (tháng 6-2015), tôi được anh Vượng cán bộ của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phụ trách đền Ngọc Sơn cho phép lên ngắm đài Nghiên. Đó khối đá hình nửa trái đào bổ theo chiều dọc (kích thước bề dài nhất khoảng 90cm, bề rộng nhất khoảng 80 cm, dầy khoảng 30cm, có ba con cóc bằng đá đỡ đài Nghiên. Ở phía cuống có chạm cành, hoa, lá. Trên mặt đài Nghiên được khoét trũng xuống tượng trưng nơi chứa mực để bút tháp chấm vào và có đề bốn chữ “Thượng Nguyên Giáp Tý” tức năm 1864 (Thượng Nguyên này tính theo lịch Trung Quốc)

Thân  của đài Nghiên có khắc chữ một bài minh của Nguyễn Văn Siêu. Bài minh có nội dung (theo bản dịch của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc): “Xưa lấy hốc làm nghiên, chú giải Đạo Đức Kinh, nghiền ngẫm bên nghiên lớn, viết sách Hán Xuân Thu. Từ đá tách ra làm nghiên, chẳng có hình dáng. Không vuông không tròn dùng vào một việc thật kỳ diệu. Không cao không thấp ngôi ở chính giữa. Cúi soi hồ Hoàn Kiếm ngửa trông ngọn bút đá ứng vào sao Thai mà làm ra mọi biến đổi”. (Hiện nay có nhiều bản dịch bài minh này, nhưng theo các chuyên gia Hán- Nôm chưa có bản nào chuẩn kể cả bản dịch của Nhà Hà nội học Nguyễn Vinh Phúc).

Phía trước cổng đài Nghiên có đắp nổi cuốn thư. Nội dung cuốn thư chính là bài minh của Nguyễn Văn Siêu viết trên thân của đài Nghiên. Theo tài liệu của Phòng Bảo tồn (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội), cuốn thư này được đắp từ năm 1937, nhưng người đắp cuốn thư lúc đó đã đắp sai một số chữ cho nên ảnh hưởng tới nội dung, cụ Bùi Huy Hồng đã phát hiện ra điều đó. Cán bộ Phòng Bảo tồn đã cho sửa lại theo đúng với bản gốc, nhưng lại để mất đi hai chữ Bảo |Đại liền với chữ Đinh Sửu. Bảo Đại Đinh Sửu tức năm Đinh Sửu thời Bảo Đại 1937. Hiện nay chỉ còn chữ Đinh Sửu mà người ta không biết là đinh sửu nào, năm nào trùng tu và đắp cuốn thư này. Đề cập việc nội dung bài minh bị sai lệch, tài liệu của Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho thấy năm Bảo Đại Đinh Sửu (1937), trùng tu đền Ngọc Sơn, lối lên đài Nghiên bị bít lại, có lẽ là để cửa ra vào đền được mở rộng hơn.

Trên cửa ra vào ấy tạo một cuốn thư bằng vôi vữa, ngay dưới nghiên đá. Tong cuốn thư là bài minh nói trên. Vì lối lên Đài Nghiên bị phá bỏ, nên bài minh được tái tạo trong cuốn thư để mọi người không lên được Đài Nghiên vẫn có thể thưởng thức. Bài minh đắp bằng vôi vữa, rồi sơn đen lên các nét chữ, chữ viết theo lối thảo, phải là người tinh tường chữ Hán mới đọc được. Ở hai bên cuốn thư có thêm hai dòng lạc khoản: Bên phải là bốn chữ đắp thành một hàng “Đinh Sửu trùng tu.” Bên trái còn sáu chữ chia làm hai hàng: “Phương Đình tử” (ba chữ tiếp theo mất nét chưa đọc được và mất hẳn hai chữ tiếp theo).

Bên phải cuốn thư, cạnh dòng “Đinh Sửu trùng tu” chắc hẳn còn một dòng nữa, có như thế mới cân đối với hai dòng lạc khoản ở bên trái. Dòng này đoán là “Bảo Đại tuế thứ,” vì lâu ngày dòng chữ bị sứt mẻ, trong một lần quét vôi và tô lại chữ nào đó, người ta bỏ hẳn nó đi, cũng như đã bỏ hẳn hai chữ ở dòng lạc khoản bên trái. Theo ông Phạm Đức Huân, chuyên viên Bảo tàng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, trước năm 1945, còn có người trông thấy dòng chữ đó. Dựa vào dòng lạc khoản “Bảo Đại tuế thứ Đinh Sửu trùng tu” mới biết bài minh trong cuốn thư được tái tạo năm 1937, khi trùng tu đài Nghiên và một số hạng mục khác.

Đoán “Bảo Đại tuế thứ” là căn cứ vào: Đài Nghiên xây năm 1864, đến năm 1965, chỉ có hai năm Đinh Sửu: Năm Đinh Sửu niên hiệu Tự Đức thứ 30 (1877) và năm Đinh Sửu niên hiệu Bảo Đại thứ 12 (1937). Nếu nói trùng tu năm Tự Đức thứ 30 (1877), thì đài Nghiên mới xây sau 13 năm đã phải trùng tu là không hợp lý, vậy chỉ có thể trùng tu năm Đinh Sửu niên hiệu Bảo Đại thứ 12 (1937) là hợp lý.

Trên thực tế khi được trực tiếp sờ được vào đài Nghiên chúng tôi thấy nhiều chữ đã bị đục, tẩy xóa. Nhiều tài liệu cho rằng bài minh bị đục bỏ năm chữ “Thượng thai nhi thổ vân vật”- giải nghĩa: ứng với “bậc bề trên”. Có người ác ý bảo: những chữ này thể hiện sự xấc xược đối với bề trên, cho nên tốt nhất là đục đi. Có tài liệu cho rằng một viên án sát Hà Nội ra lệnh đục những chữ đó là nhằm lấy lòng triều đình Huế. Nhà ông ta ở Huyện Thọ Xương (phố Hàng Khay ngày nay), Hà Nội. Khi biết chuyện đục chữ, những người gia đình họ Vũ họp lại phê phán viên án sát đã không nối tiếp được gia phong, không tôn trọng văn chữ của  một  bậc thầy được người đời tôn xưng là “Thần Siêu”. Trước sự việc này viên án sát nói trên đã nhẩy xuống giếng tự tử.

Nhiều chuyên gia cho rằng đài Nghiên mang hình tượng nửa trái đào do ba con cóc đội hàm chứa một ý nghĩa sâu xa. Theo quan niệm chung của tôn giáo trái đào tượng trưng cho sự cao quý, sang trọng, thanh tao (đào tiên). Người ta đã tìm thấy nhiều nghiên mực hình trái đào, khay hình đào…trong các vật tạo hình của Việt Nam đầu thế kỷ 19. Quả đào còn có ý nghĩa trừ tà, trừ ma. Hình ảnh con cóc có trong các vật tạo hình của người Việt như trống đồng, mang ý nghĩa cầu nguồn nước. Việc đặt ba con cóc đỡ đài Nghiên có hàm ý: nước mực ở nghiên đá này sẽ dồi dào, không bao giờ cạn- đạo đức Nho giáo là vô tận. Cũng có ý kiến cho rằng cóc còn tượng trưng cho tiếng nói của sự phát triển, sự học hành.

Có ý kiến cho rằng cứ vào ngày Tết Đoan Ngọ (5-5 âm lịch) khi mặt trời mọc thì bóng của ngọn bút tháp sẽ chấm đúng vào đài Nghiên. Giả thiết này nhiều người cho rằng không đúng vì nếu xảy ra việc lập đi lập lại vào một ngày nào đó trong năm thì chỉ có thể theo lịch dương vì độ dài các năm khác nhau một ngày, không thể theo lịch âm vì độ dài các năm theo lịch âm có thể khác nhau từ 29 đến 30 ngày. Tôi hy vọng sẽ cùng bạn đọc trở lại vấn đề này khi được hợp tác với các nhà thiên văn học xác định vào thời điểm nào trong năm nối  ba điểm mặt trời, đỉnh tháp Bút và điểm giữa đài Nghiên sẽ thành một đường thẳng.

Nghiên đá được đặt trên một đài cao dưới có vòm cửa cuốn để mọi người đi qua trước khi vào lễ trong đền. Đây là một dụng ý của Nguyễn Văn Siêu trong việc đề cao giá trị của cái nghiên cũng như đề cao văn vật, đề cao Nho học.

Hà Hồng

hohoankiem.org

  Đánh giá bài viết

Bài viết số 996 đã được: 1.0/10 (1 Đánh giá)


Bài viết liên quan Bài viết ngẫu nhiên
Người Hà Nội yêu cây, yêu Hồ Gươm là thế!
Ngụm nước mát giữa trời nóng
Mát thì có mát nhưng...
Vùng đất văn hóa Hồ Gươm: Ước vọng về một cuộc sống hòa bình
Vùng đất văn hóa Hồ Gươm: Tháp Bút
Vùng đất văn hóa Hồ Gươm: Phố Hàng Trống
Vùng đất văn hóa Hồ Gươm: Chuông Nhà thờ Lớn
Vùng đất văn hóa Hồ Gươm: Đình Trấn Ba
Vùng đất văn hóa Hồ Gươm: Hồ Gươm - Nơi ghi dấu bóng hình của Bác
Việt Nam - một trong năm ...
Chuyện cũ kể lại: Nhà sán...
Đài Nghiên rơi lệ
"Balotelli" xuấ...
Vô cảm quá "ông"...
Bắn pháo hoa Tết dương lị...
Hiệu ảnh di động
Cụ Rùa nổi trước ống kính...
Dựng lại cây si bị đổ do ...
Có phải em là mùa thu Hà ...
Hãy Register thành viên để có thể viết nhận xét

Nếu bạn thấy bài viết hay vui lòng Bookmark bài viết. Cám ơn bạn!

Bookmark and Share