Hồ Gươm nơi địa linh nhân kiệt, đã ghi dấu nhiều hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm sống và làm việc tại Thủ đô. Tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang, sát cạnh Hồ Gươm, năm 1945, Bác Hồ đã viết bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cho đến những năm sau này Bác Hồ đã ở và làm việc tại nhiều địa điểm, đến thăm cán bộ, nhân viên và làm việc với nhiều cơ quan, đơn vị chung quanh khu vực Hồ Gươm. Dựa trên các sách, báo, bài viết chúng tôi sưu tầm được (chưa đầy đủ) xin giới thiệu những địa điểm nói trên.

Khách thăm quan gian trưng bày ảnh và hiện vật của Bác tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang

Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn độc lập tại số nhà 48 phố Hàng Ngang

Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang nằm giữa trung tâm phố cổ của Hà Nội. Trong  Cách mạng Tháng Tám, người chủ ngôi nhà này là ông, bà Trịnh Văn Bô. Gia đình ông, bà là cơ sở cách mạng từ thời tiền khởi nghĩa. Ngôi nhà có vị trí thuận lợi, hai cửa thông ra hai con phố (48 Hàng Ngang và 35 Hàng Cân). Từ những điều kiện nói trên, Trung ương Đảng chọn ngôi nhà này làm nơi ở và làm việc của Bác Hồ trong những ngày đầu Người từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, từ 25-8-1945 đến đầu tháng 9-1945. Tại ngôi nhà này, Bác Hồ cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã quyết định nhiều chủ trương quan trọng về đối nội và đối ngoại trong tình hình mới; về thể chế và thành phần của Chính phủ mới; về tổ chức ngày Lễ Độc lập. Tại một căn phòng trên tầng hai của ngôi nhà, Bác Hồ đã viết Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong cuốn sách  Những năm tháng không thể nào quên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (NXB Quân Đội Nhân Dân) có kể câu chuyện trong thời gian Bác ở đây:

“Anh chị chủ nhà ở phố Hàng Ngang đã dành cho chúng tôi tầng gác hai. Bác được mời lên tầng ba làm việc cho tĩnh. Nhưng Bác không thích ở một mình, cùng ở với chúng tôi”.

Tầng gác này vốn là phòng ăn và buồng tiếp khách nên không có bàn viết. Bác ngồi viết ở bàn ăn rộng thênh thang. Chiếc máy chữ của Bác đặt trên cái bàn vuông nhỏ, mặt bọc nỉ xanh kê ở góc buồng. Hết giờ làm việc, mỗi người kiếm một chỗ nghỉ luôn tại đó…

Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những người giúp việc trong gia đình không biết ông cụ có cặp mắt sáng, chiếc áo nâu bạc thường để hở khuy ngực, hay hút thuốc lá, ngồi cặm cụi ở đó làm gì. Mỗi lần họ tới hỏi cụ có cần gì, cụ quay lại mỉm cười, chuyện trò đôi câu. Lần nào cụ cũng nói không có gì cần phải giúp đỡ.

Ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa theo Quyết định số 54 VH/QĐ ngày 29-4-1979.

Bác Hồ đi giao thừa ở Hồ Gươm

Trong cuốn sách Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 3 (1945-1946) (NXB Chính trị quốc gia Sự thật), trang 126, có ghi (dựa theo thông tin từ Báo Cứu quốc, số 155, ngày 5-2-1946 và số 156, ngày 6-2-1946): Chiều 30, tháng Chạp năm Ất Dậu, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được một bức thêu bằng lụa đỏ, thêu bài thơ thất ngôn bát cú, nhan đề: Kính tặng các bậc Anh hùng dân tộc của nữ thi sĩ Ngân Giang. Người làm hai câu thơ tặng lại: “Gửi lời cảm tạ Ngân Giang,/ Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”. Buổi tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi chúc Tết gia đình ông Từ Lâm, bán sách ở Cửa Nam; một gia đình nghèo ở ngõ Hàng Đũa (nay là ngõ Lương Sử C); một gia đình buôn bán ở phố Phúc Kiến (nay là phố Lãn Ông); một gia đình công chức ở phố Hàng Lọng (nay là phố Lê Duẩn) và thăm Cố vấn Vĩnh Thụy.

Gần giờ Giao thừa, Người cải trang đến thăm Đền Ngọc Sơn, cùng bà con Hà Nội đón Giao thừa. Việc Bác cải trang thành người dân bình thường đi đón Giao thừa độc lập đầu tiên năm 1946 đã được nhắc đến trong hồi ký của các đồng chí Vũ Đình Huỳnh và đồng chí Vũ Kỳ. Trong cuốn Bác Hồ sống mãi với chúng ta, tập II, NXB Chính trị quốc gia 2005, có công bố hồi ký của hai đồng chí nói trên. Trong hồi ký của mình đồng chí nào cũng cho rằng mình là người duy nhất được cùng Bác Hồ đi đón Giao thừa. Trong khi chưa xác định đồng chí nào được cùng Bác đi đón giao thừa, dưới đây chúng tôi xin trích đăng hồi ký của đồng chí Vũ Đình Huỳnh: “… Buổi chiều tôi chạy quanh mấy nơi, kiếm được cho Bác một cái áo the (tức là áo dài nam kiểu cổ may bằng hàng the), một cái khăn xếp và một cái ba-đơ-xuy bằng dạ. Để che bộ râu của Bác đã quá quen thuộc với người dân Hà Nội, nhất là các cháu thiếu nhi, tôi đưa cho bác cái khăn quàng len của tôi, nhân thể bảo vệ cổ, một công đôi việc. Bác cải trang thử, đi đi lại lại trước tấm gương lớn đặt trong phòng khánh tiết của Bắc Bộ phủ vẻ hài lòng… Thử cải trang xong, Bác cởi ra, lại tiếp tục làm việc… Gần 10 giờ tối, tôi mới đưa Bác đi ngắm cảnh Giao thừa. Để bảo đảm bí mật, tôi dẫn Bác đi theo lối sau, thông sang bên Phủ Thống sứ. Đi theo chúng tôi ở một quãng cách xa có mấy đồng chí bảo vệ. Tôi dặn họ cũng cải trang như những người đi chùa ngày Tết, đừng để Bác biết. Mặc dầu là trong ngày Tết, tôi có đủ lý do chính đáng để lo lắng cho sự an toàn của Bác. Anh Lê Giản, phụ trách công an cho tôi biết một số tên Quốc dân Đảng bị bắt đã khai, chúng có nghe thấy cấp trên của chúng bàn bạc về một vụ mưu sát nhằm vào những người lãnh đạo nhà nước cách mạng, trước hết là Bác Hồ. Trong khi đó thì Bác lại có vẻ rất coi thường mọi chuyện, không thích trong cuộc du xuân có bảo vệ đi kèm một bên.

Tết độc lập đầu tiên Hồ Gươm được trang hoàng rất đẹp. Người đi lễ nườm nượp. Tôi và Bác chen vai thích cánh với các thiện nam tín nữ qua cầu Thê Húc vào Đền Ngọc Sơn… Mặc dầu tôi lo lắng, tuy vậy không ai nhận ra ông già nửa quê, nửa tỉnh trong bộ diện mà Bác khoác lên người. Cái khăn quàng len được quấn kỹ, che cả cằm, cả miệng Bác. Tôi chỉ thấy mắt Bác sáng lên lấp lánh trước quang cảnh của ngày hội. Đây là lần đầu tiên kể từ khi đặt chân lên đất Thủ đô, Bác được đi lẫn trong dân như một người dân để thăm thú những gì là Hà Nội. Bác dừng lại lâu trước những tấm bia, đọc các câu đối, rồi ra đứng ngắm mặt nước hồ lăn tăn ánh điện... Hà Nội đẹp lắm, Bác quay lại nói với tôi. Chúng tôi đi bách bộ quanh hồ một lát, dưới những bóng tối thưa mảnh của hàng liễu, rồi vui chân đến đền Bạch Mã. Trên đường đi Bác nói: “Mình bây giờ mới biết đồng bào Hà Nội ăn Tết như thế nào, hái lộc ra sao… vui quá!”.

Bộ quần áo kaki Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mặc trong lễ Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945

Bác Hồ ở và làm việc tại nhà số 8 phố Lê Thái Tổ

Nhà số 8 phố Lê Thái Tổ là một di tích lịch sử quan trọng liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng. Xưa kia, phố Lê Thái Tổ vốn được gọi là đường Vua Lê hay đường Bờ Hồ, thuộc phần đất của các thôn Khánh Thụy tả, Khánh Thụy hữu, Tự Tháp, Phúc Phố, Tô Mộc. Tất cả những thôn này đều thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ. Di tích nhà số 8 phố Lê Thái Tổ hiện nay không còn nữa nên việc xác định niên đại xây dựng của ngôi nhà chưa cụ thể. Đây vốn là ngôi biệt thự của viên Chánh án người Pháp, có diện tích trên 2.000 m2, kiến trúc 2 tầng với 8 phòng thoáng rộng. Có thể nhà được xây dựng vào những năm 20 của thế kỷ XX, cùng thời với ngôi nhà của Tòa án Tối cao ở phố Lý Thường Kiệt.

Di tích nhà số phố 8 Lê Thái Tổ là nơi Bác Hồ và Thường vụ Trung ương Đảng làm việc từ tháng 8-1945 đến cuối năm 1946. Tại ngôi nhà này, Trung ương đã quyết định nhiều chủ trương như sau:

- Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 6-1-1946.

- Tăng gia sản xuất cứu đói

- Diệt giặc dốt

- Chống bọn phản động Việt quốc và Việt cách

- Chống âm mưu thực dân Pháp tái chiếm Việt Nam

- Chuẩn bị cho Hội nghị Đà Lạt

- Chuẩn bị cho Hội nghị Phông-ten-nơ-blô tại Pháp

Ngôi nhà bị thực dân Pháp cho phá hủy thời Pháp tạm chiếm (1947 -1953).

Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công không lâu , quân Tưởng Giới Thạch kéo vào miền bắc nước ta để tước khí giới quân Nhật. Đi cùng với quân Tưởng là một lũ Việt gian phản động. Vào thời điểm này, Bác Hồ thường làm việc tại Bắc Bộ phủ (nay là Nhà khách Chính phủ). Trước những hành động quấy rối, cướp bóc, ám sát, bắt cóc người… của bọn Việt gian. Xét thấy Bác ở địa điểm nói trên không an toàn cho nên lực lượng bảo vệ đã thường xuyên thay đổi chỗ ở cho Bác. Bởi vậy ngôi nhà số 8 phố Lê Thái Tổ là một trong những nơi ở của Bác trong thời gian năm 1946. Cuốn hồi ký Những năm tháng không thể nào quên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có đoạn ghi: “Có hôm Bác nghỉ ở ngôi nhà số 8 Bờ Hồ, hôm Bác nghỉ ở Bưởi, hôm Bác nghỉ ở một ngôi nhà phía Ngã Tư Sở. Cả ba ngôi nhà này sau chiến tranh đều không còn”. Ngôi nhà Bờ Hồ trong đoạn văn trên chính là ngôi nhà số 8 phố Lê Thái Tổ.

Trong cuốn sách Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 3 (1945-1946) (NXB Chính trị Quốc gia sự thật), trang 18, có ghi: Ngày 25-9-1946, sáng Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư mời thiếu tá Mỹ A.Pát-ti (Archimedes Patti) và ông Cáp-tơ-ních (Capthenique), ông Cơ- náp (Knapp) tới dự bữa cơm thân mật vào lúc 19 giờ 30 phút, tại nhà số 8 phố Lê Thái Tổ (Hà Nội). Trong bữa cơm, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đến tình hình “cuộc chiến tranh không tuyên bố” giữa Pháp và Việt Nam đã bắt đầu và “cuộc xung đột công khai” cũng không còn xa nữa. Người còn nói với A.Pát-ti rằng, nhân dân Việt Nam đang “triển khai kế hoạch hoạt động chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lâu dài chống người Pháp”. Người tỏ ý tiếc khi biết tin Đoàn OSS sắp rời khỏi Hà Nội và Người nhờ chuyển một bức thư tới Tổng thống Mỹ Tơ-ru-man thông báo về những việc làm sai trái của người Anh ở miền Nam Việt Nam như cấm các báo chí, cung cấp vũ khí  và đạn dược cho người Pháp, tước vũ khí các lực lượng cảnh sát Việt Nam”.

Để tỏ lòng biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, được sự chấp thuận của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) và UBND thành phố Hà Nội, năm 2007, Tập đoàn Bảo Việt đã lập một phòng tưởng niệm Bác trên tầng thượng tòa nhà. Tại đây, tượng Bác Hồ bằng đồng được đặt trên ban thờ bằng gỗ giản dị. Phía trên ban thờ là bức hoành phi có bốn chữ "Cần Kiệm Liêm Chính". Hai bên ban thờ là câu đối:

Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết

Thành công, thành công, đại thành công

Trước cửa tòa nhà, UBND thành phố cũng cho dựng tấm bia với nội dung là: "Địa điểm di tích nhà số 8 phố Vua Lê (nay là Lê Thái Tổ) Hà Nội là nơi ở và làm việc bí mật của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ đầu tháng 9 năm 1945 đến tháng 12 năm 1946. Cũng tại đây, các chiến sĩ Vệ Quốc đoàn đã anh dũng bảo vệ nơi ở và làm việc của người, góp phần vào chiến công chung của quân và dân Liên khu I anh hùng trong 60 ngày đêm bảo vệ Hà Nội - mùa đông năm 1946".

Bác Hồ xem triển lãm tranh tại 18 phố Lê Thái Tổ

Trong cuốn sách Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 3 (1945-1946) (NXB Chính trị quốc gia Sự thật), trang 31, có ghi: Ngày 7-10-1945. 9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ khai mạc Triển lãm văn hóa tại trụ sở cũ của Hội Khai trí tiến đức. Trước số sách báo ít ỏi của ta được xuất bản trong thời kỳ bị Pháp - Nhật đô hộ, Người nói: Văn hóa Việt Nam dưới sự áp bức của đế quốc vẫn cố gắng thở, vẫn cố tìm cách phát triển… Sang phòng triển lãm tranh của các họa sĩ có tên tuổi như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung… Người nhận xét: “Những bức tranh này tỏ ra các nghệ sĩ của ta lâu nay đều đã cố gắng tìm một con đường đi. Nhưng tiếc một điều là không muốn đi ở dưới đất mà cứ muốn vụt lên trời: Chất mơ mộng nhiều quá, mà cái chất thật của sự sinh hoạt rất ít”. Người còn nhắc nhở: “…Văn hóa là một kiến trúc thượng tầng; những cơ sở hạ tầng của xã hội có kiến thiết rồi, văn hóa mới kiến thiết được và đủ điều kiện phát triển được. Ngày nay, trước khi đi đến sự kiến thiết nước nhà, chúng ta còn phải qua một thời kỳ tranh đấu cực kỳ khổ sở… Giới văn hóa cũng phải cùng các giới đồng bào đi qua chặng đường ấy. Mong rằng các anh em văn hóa đã cố gắng xin cố gắng, lên mãi, để cùng đồng bào đi đến chỗ hoàn toàn vẻ vang của nước nhà”.

Tòa nhà số 18 phố Lê Thái Tổ được xây dựng năm 1919. Lúc đó là trụ sở của Hội Khai Trí Tiến Đức. Sau Cách mạng Tháng Tám, nơi đây là trụ sở của Ban Thường vụ Quốc hội khóa I. Từ năm 1965 đến 1975 là Câu lạc bộ Thống Nhất, nơi gặp gỡ sinh hoạt của cán bộ miền nam tập kết ra bắc. Sau đó là cơ quan của Cục Văn hóa Thông tin Cơ sở. Hiện nay là Đoàn Nghệ thuật đương đại (Bộ Văn hóa-Du lịch và Thể thao.

Bác Hồ đến thăm Sở cảnh sát trung ương

Trong cuốn sách Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 3 (1945-1946) (NXB Chính trị quốc gia Sự thật), trang 108 và trang 127, có ghi:

Ngày 8-1-1946, buổi sáng sau khi đi thăm Trại giam Hỏa Lò Hà Nội, Bác Hồ đến thăm Sở Cảnh sát Trung ương (phố Hàng Trống). Bác căn dặn các cán bộ chiến sĩ cảnh sát: Ngoài việc giữ trật tự tri an, các anh em còn phải là một người tuyên truyền, phải đoàn kết hợp tác với tự vệ và nhân dân thành phố.

Ngày 2-2-1946, (Mùng một Tết Bính Tuất) vào hồi 7 giờ 30 phút Người về nơi làm việc. Trên đường đi, Người ghé thăm và chúc Tết Sở cảnh sát Trung ương.

Hà Hồng

(còn nữa)

Xem bái tiếp theo: Vùng đất văn hóa Hồ Gươm: Hồ Gươm – Nơi ghi dấu bóng hình của Bác

hohoankiem.org

  Đánh giá bài viết

Bài viết số 992 đã được: 3.3/10 (3 Đánh giá)


Bài viết liên quan Bài viết ngẫu nhiên
Người Hà Nội yêu cây, yêu Hồ Gươm là thế!
Ngụm nước mát giữa trời nóng
Mát thì có mát nhưng...
Vùng đất văn hóa Hồ Gươm: Ước vọng về một cuộc sống hòa bình
Vùng đất văn hóa Hồ Gươm: Tháp Bút
Vùng đất văn hóa Hồ Gươm: Phố Hàng Trống
Vùng đất văn hóa Hồ Gươm: Chuông Nhà thờ Lớn
Vùng đất văn hóa Hồ Gươm: Đình Trấn Ba
Vùng đất văn hóa Hồ Gươm: Đài Nghiên
Vùng đất văn hóa Hồ Gươm: Ba lần biển tiến vào Hà Nội
Cần có biện pháp bảo vệ h...
Tấm thẻ căn cước minh chứ...
Tháng ba mùa hoa gạo nở !
Nguyên nhân làm cây sung ...
Khám phá Việt Nam bằng xe...
" Bổ cập " cá c...
Phóng sự rùa tai đỏ tại h...
Kỷ niệm 590 năm ngày Vua ...
Nắng thu
Xe đạp thiếu nhi thời nay...
Hãy Register thành viên để có thể viết nhận xét

Nếu bạn thấy bài viết hay vui lòng Bookmark bài viết. Cám ơn bạn!

Bookmark and Share