Xa cách quá ban tổ chức ơi ! Không rõ

[15/10/2009 12:10 | Chuyện bên hồ | Nhận xét(0) | Đọc(5205) ]
   Nguồn: Tự viết || Sưu tầm | Lớn | Vừa | Nhỏ
hohoankiem.org
Một người bạn yêu “ hohoankiem.org” gọi điện hỏi thăm: Anh có đến dự Lễ kỷ niệm 999 năm Thăng Long- Hà Nội và công bố “ Năm du lịch quốc gia – 2010 ” tại Vườn hoa Lý Thái Tổ không ?

Là người say hồ Hoàn Kiếm như tôi ai lại bỏ lỡ một cơ hội như vậy, một bữa tiệc “ ca múa nhạc ” thịnh soạn. Nhưng để dự được "bữa tiệc ” đó tôi cũng “nhừ ” cả người.

Highslide JS   Highslide JS


Năm nay ban tổ chức làm nghiêm. Chỉ ai có giấy mời mới được vào khu vực sân tượng đài. Người không có giấy mời buộc phải đứng, đi trên vỉa hè đối diện, xem biểu diễn qua một màn hình lớn mờ mờ, ảo ảo. Cả đoạn phố Đinh Tiên Hoàng phía trước tượng vua Lý Thái Tổ được ngăn làm đôi, phần phía trong giáp tượng đài dành cho xe ô - tô khách mời ra, vào. Phần còn lại tạo khoảng cách ngăn không cho mọi người lại gần.

Từ phía bưu điện Bờ Hồ, tôi không thể vào dự lễ hội vì không có giấy mời. Làm thế nào để “ lọt ” qua hàng rào các chiến sĩ công an ?

Highslide JS


Nhiều phóng viên rút thẻ, nhưng đều bị ngăn lại vì không có giấy mời. Phỏng đoán tình hình, chúng tôi cho rằng có thể “cửa” phía Ngân hàng Nhà nước (phố Lý Thái Tổ ) dễ hơn, cho nên tôi quyết định đi qua vỉa hè đoạn đối diện với tượng vua Lý Thái Tổ để ra phố Trần Nguyên Hãn, vòng ra Cung thiếu nhi...

Do mật độ người đông, cho nên tôi bị kẹt cứng trong đám người đứng trên vỉa hè. Nhiều người muốn đứng để xem hơn là đi cho nên “ dòng chảy ” bị ngưng lại. Người ép người. Do đã từng bị mất cắp điện thoại di động ở tình huống tương tự, tôi đã để điện thoại vào túi quần mà không để ở bao da bên ngoài. Khuy túi sau đựng ví được cài lại.

Đúng như dự đoán, trong lúc chen nhau, thấy hai tay tôi bận bịu với chiếc máy ảnh, chụp ảnh. Có một anh thanh niên sán đến gần, bàn tay rờ đến bao da đựng máy điện thoại di động của tôi. Không thấy gì người thanh niên đó lảng đi hướng khác. Chắc trong đầu anh ta nghĩ: Hôm nay gặp “.....bà già ”.

Highslide JS


Thoát khỏi đám đông, người ướt sũng mồ hôi, tôi vòng ra đường Trần Nguyên Hãn, đi vào Cung thiếu nhi đoạn giáp với phố Lê Lai. Cổng từ cung mở ra phố Lê Lai đóng chặt. Giá mà mình còn nhỏ sẽ trèo qua hàng rào thấp để vào khu vực biểu diễn. Nhưng làm thế không tiện. Tôi vòng ra đường Lê Thạch.

Thấy mấy anh công an linh động giải quyết cho một số người không có giấy mời, tôi liền tới gần một anh cảnh sát trẻ và nói: Đây là thẻ nhà báo của tôi, tôi có nhiệm vụ phải chụp một và cảnh để đưa lên mạng gấp. Anh linh động cho tôi vào. Chụp vài kiểu xong, tôi ra ngay. Ngần ngừ một chút, anh cảnh sát trẻ nói, chú chụp nhanh rồi ra nhé. Chỉ cần có thế, tôi bước nhanh về phía sân khấu.

Ngay sau các nghi lễ kỷ niệm, có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước là Chương trình nghệ thuật chào mừng 999 năm Thăng Long - Hà Nội - Hội tụ ngàn năm.

Chương trình này có sự tham gia của hằng trăm diễn viên với nhiều tiết mục ca múa nhạc, hoạt cảnh, giới thiệu nét văn hoá đặc trưng của vùng đất nghìn năm văn hiến và những tinh hoa văn hoá nghệ thuật của nhiều vùng, miền đất nước, từ vùng núi cao tây bắc, đông bắc, đồng bằng sông Hồng, miền trung - Tây Nguyên, đến miền đông và miền tây nam bộ.

Nếu không kể sân khấu ngoài sân vận động thì đây là sân khấu ngoài trời lớn nhất mà tôi nhìn thấy. Phải mất hơn một tuần, các hoạ sĩ sân khấu mới dựng xong sân khấu bao gồm: thuyền rồng, Khuê Văn Các, phố cổ, cửa ô.

Chương trình văn nghệ được dàn dựng công phu bao gồm năm chương lớn với các tiết mục vừa mang phong cách diễn xướng truyền thống, dân gian vừa hiện đại, trẻ trung sôi động, theo các chủ đề: Thăng Long mở hội thái bình; giai nhân Hà Thành; tài tử bốn phương; hát trống quân - rước nàng về dinh; nghìn năm Thăng Long.

Chúng tôi như chìm đắm trong không gian của trăm năm về trước khi được cùng nam thanh, nữ tú đất kinh kỳ, kẻ chợ đón bạn bè, du khách bốn phương hội tụ đêm thái bình dưới ánh trăng rằm mùa thu phố cổ.

Hàng nghìn người cùng tập trung, hướng về ban công tầng hai khu phố cổ, khi từ đó phát ra tiếng hát ca trù trong trẻo, giéo giắt của một cô gái trẻ cùng tiếng nhị, tiếng tom chát. Tôi cho rằng đây là tiết mục ấn tượng nhất trong đêm ca múa nhạc hoành tráng này.

Vui đấy, ấn tượng đấy, nhưng tôi lại thấy phảng phất nỗi buồn khi nhìn lại phía sau sân khấu. Ở nơi đấy hơn một nghìn người chen lấn, dồn nén, “ kéo dài cổ ” cốt chỉ nhìn thấy được các cảnh diễn độc đáo phía đằng xa.

Đã thành truyền thống khi đến hồ xem ca nhạc là mọi người ai cũng được xem. Người có giấy mời thì ngồi nghế, ngồi gần, người không có giấy mời thì đứng, người xem ở xa hơn ngồi trên xe máy, xe đạp. Kết thúc mỗi bài hát, vở múa mọi người vỗ tay tán thuởng. Xem “ văn công mậu dịch” mà !

Lần này chương trình hay, súc tích nhưng sao tôi vẫn thấy xa cách quá, ban tổ chức ơi !

Hà Hồng
hohoankiem.org

  Đánh giá bài viết

Bài viết số 215 đã được: 3.7/10 (22 Đánh giá)


Hãy Register thành viên để có thể viết nhận xét

Nếu bạn thấy bài viết hay vui lòng Bookmark bài viết. Cám ơn bạn!

Bookmark and Share