Trong
dịp kỷ niệm 10 năm hợp tác giữa
Việt Nam- CHLB Đức về khoa học và
công nghệ, chúng tôi có dịp tiếp
xúc với chuyên gia Đức tên là
Peter Wener.
Ông là một trong những nhà khoa
học tham gia xây đề án cải tạo hồ
Hoàn Kiếm. Theo ông, công nghệ
thực hiện nạo vét bùn tại hồ là
công nghệ rất hiện đại. Trong quá
trình thi công, hồ được chia thành
20 ô. Thi công ô này xong mới
chuyển sang ô khác. Bằng giải pháp
đặt các ống hút sâu dưới đáy để
hút bùn mà không làm tổn hại lớp
bùn bên trên, và cũng không làm
đục nước. Bùn được hút theo một
đường ống dẫn ra tận đê sông Hồng.
Tại đây có bố trí các xe chở bùn
đi nơi khác đổ.
Chúng tôi không nghi ngờ gì về
hiệu quả công nghệ dự kiến triển
khai ở hồ Hoàn Kiếm mà chỉ nêu
kiến nghị với các chuyên gia Đức
rằng : hồ Hoàn Kiếm là một địa chỉ
cực kỳ nhậy cảm. Mọi việc làm ở
đây không chỉ có sự đồng ý của
UBND thành phố, quận Hoàn Kiếm mà
còn được sự đồng tình ủng hộ của
các nhà khoa học và quần chúng
nhân dân.
Cần có cái nhìn, bước đi “văn hóa”
khi triển khai việc làm cho hồ
sạch hơn, thỏa mãn điều kiện: giữ
nguyên màu xanh nước hồ; bảo đảm
môi trường sống trong sạch cho Cụ
rùa. Sau khi cải tạo hồ, ở đây cần
lắp đặt hệ thống quan trắc không
khí, tiếng ồn, nhất là chất lượng
nước hồ. Hơn nữa để cho truyền
thuyết hồ Hoàn Kiếm còn mãi trong
tâm khảm người dân Hà Nội và người
dân cả nước, các nhà khoa học Đức
cần hợp tác với các nhà khoa học
trong nước, với bác “Đức rùa“ để
bổ sung cho hồ loại rùa cùng loại
với Cụ rùa còn sống trong hồ.
Qua buổi làm việc, chúng tôi được
biết chuyên gia Peter Wener rất
yêu hồ Hoàn Kiếm. Ông đã từng sang
Việt Nam 20 lần. Mỗi buổi sáng ông
đi quanh hồ năm vòng. Ngày
3-10-2006, khi đi tập thể dục buổi
sáng, đến chỗ bến xe ô- tô, ông
phát hiện Cụ rùa nổi, và đã kịp
chụp lại cảnh ý nghĩa đó (có ảnh
kèm theo bài viết này )
Ông Peter Wener tâm sự với chúng
tôi: thông qua dự án cải tạo hồ
Hoàn Kiếm, ông cùng với đồng
nghiệp của mình mong muốn góp sức
làm cho Hà Nội nói chung và hồ
Hoàn Kiêm nói riêng ngày càng sạch
đẹp hơn. Và đó cũng là biểu hiện
sinh động sự hợp tác về khoa học
và công nghệ giữa Việt Nam và CHLB
Đức, hướng tới kỷ niệm 1000 năm
Thăng Long- Hà Nội./.