Được ôm Rùa phát hiện từ năm 1914 Không rõ

[20/06/2024 21:05 | Ghi nhanh | Nhận xét(0) | Đọc(47) ]
   Nguồn: Tự viết || Sưu tầm | Lớn | Vừa | Nhỏ
hohoankiem.org

Tôi thật sự háo hức khi đến thủ đô Viên của nước Áo. Háo hức bởi lần đầu đặt chân đến nơi đây để khám phá các công trình nhà thờ, đến các bảo tàng, thưởng thức cà phê...

Nhưng điều tôi háo hức nhất đó là sẽ được tận mắt nhìn tiêu bản Rùa được phát hiện từ năm 1914 tại một vùng gần Hà Nội. Một hiện vật giải mã nguồn gốc Rùa Hồ Gươm. Theo các nhà khoa học đây là loại Rùa có tên khoa học Rafetus Swhinhoie cùng loài với Rùa Hồ Gươm. Năm 2022, tôi tìm thấy một thông tin rất quý, các nhà khoa học đã lưu giữ một cá thể Rùa thuộc loại Rafetus Swhinhoie tại vùng gần Hà Nội trùng loài với Rùa Hồ Gươm. Hiện tại tiêu bản  Rùa này đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Viên (Áo). Làm thế nào để tiếp cận với hiện vật quý hiếm này?  Năm 2023, tôi nói nguyện vọng của mình muốn được đến Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Viên với con gái, cháu ủng hộ ngay và lên kế hoạch đi du lịch Áo. Tuy vậy kế hoạch không thực hiện được vì mùa hè năm 2023 ở Áo rất nóng. Năm nay (2024) con gái tôi lại thực hiện kế hoạch đi du lịch Áo.

Sáng 16-6-2024, tôi  và con gái đến Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Viên. Đến phòng bán vé tôi và con gái mua hai vé. Biết tôi là nhà báo (sau khi xem thẻ), người bán vé cười và nói: Nhà báo được miễn phí. Thế là con gái tôi chỉ mua một vé hết 18 ơ-rô. Thật vui vì thẻ nhà báo của Việt Nam lại có giá trị quốc tế, không mất tiền mua vé vào cửa. Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Viên là một trong những bảo tàng và viện nghiên cứu phi đại học lớn nhất ở Áo và là một trung tâm quan trọng về các vấn đề liên quan đến khoa học tự nhiên. 39 phòng triển lãm của bảo tàng có diện tích 8.460 mét vuông và trưng bày hơn 100.000 hiện vật.

Chúng tôi đến quầy thông tin hỏi khu vực trưng bày tiêu bản Rùa ở đâu, tầng hai, hay tầng ba, với tâm trạng đầy hào hứng muốn sớm được nhìn tiêu bản Rùa. Để chắc ăn trong việc lưu giữ bằng hình ảnh cho sự kiện này, từ tối hôm trước tôi đã chuẩn bị kỹ máy ảnh, pin, thẻ ảnh dự phòng, chuẩn bị tài liệu, ảnh liên quan tiêu bản mà mình đã sưu tầm được. Người ở quầy thông tin trả lời như một gáo nước lạnh dội lên đầu tôi: Khu trưng bày tiêu bản Rùa đang đóng cửa bảo dưỡng. Thế là công toi, từ Việt Nam lặn lội sang đây lại gặp đúng dịp bảo dưỡng. Chẳng biết đến bao giờ lại có cơ hội qua đây? Bảo tàng rộng lớn, tôi bước đi không còn cảm hứng nữa mặc dù trước mắt mình là các mẫu vật cực kỳ quý hiếm được lưu giữ hàng chục, hàng trăm năm, nhiều giống, loài đã tuyệt chủng. Đi đến cuối phòng bầy mẫu vật dê, bò, thấy hai nhân viên bảo tàng đang ngồi ở đó. Với tinh thần còn nước còn tát, chúng tôi đến hỏi thông tin liên quan đến Rùa. Có một thông tin như tia sáng cuối đường hầm. Anh Lubenik Wilhelrn (một trong hai người nói trên), sau một hồi gọi điện thoại hỏi các chuyên gia, đã cho tôi địa chỉ, số điện thoại bà tiến sĩ Silke Schweiger, công tác tại bảo tàng, chuyên gia về lĩnh vực này. Anh bảo cứ liên hệ với bà tiến sĩ xem bà có giúp được gì không.

Con gái tôi đã gọi điện trực tiếp cho bà tiến sĩ Silke Schweiger. Ở Áo mọi người nói tiếng Đức là chủ yếu. Không sao con gái tôi đều nói tốt tiếng Anh, tiếng Đức. Do vậy sau khi nói chuyện với bà tiến sĩ Silke Schweiger con gái tôi thông báo: Mặc dù đang rất bận nhưng  bà tiến sĩ  đồng ý tiếp vào 8 giờ sáng thứ hai (18-6-2024). Trước đó tôi đã soạn một đoạn thông tin tự giới thiệu về mình, nói các thông tin mình biết về tiêu bản Rùa Hồ Gươm và Rùa đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Viên (Naturhistorisches museum wien), cũng như nêu câu hỏi mình quan tâm. Để con gái dịch và gửi Email cho bà tiến sĩ Silke Schweiger.

Đúng 8 giờ kém 15 phút ngày 18-6-2024, chúng tôi có mặt tại cổng bên phải bảo tàng (cửa dành riêng cho cán bộ và công nhân viên). Một ông bảo vệ đứng tuổi, người gầy, hỏi chúng tôi đến đây có việc gì. Sau khi biết lý do, ông ta bảo hai bố con tôi ngồi chờ, đúng 8 giờ sẽ có người tới đón.

Đúng 8 giờ, ông bảo vệ đi tới và bảo người đàn ông vừa đi xe đạp vào nhà gửi xe sẽ tiếp chúng tôi. Một lát sau người cán cán bộ vừa đi xe đạp lúc nãy đến gặp chúng tôi và giới thiệu tên là Georg Gassner là đồng nghiệp của bà tiến sĩ Silke Schweiger. Ông cho biết  bà  tiến sĩ phải đi giảng bài ở trường đại học cho nên cử tôi tiếp thay. Ông Georg Gassner dẫn chúng tôi lên phòng làm việc. Chúng tôi đi qua các buồng làm việc có các tủ tài liệu, cao ngất. Cạnh đó có mấy chiếc thang dùng để trèo lên lấy tài liệu khi cần. Đi qua các bàn, giá, bày la liệt tiêu bản loài bò sát, cả tiêu bản rùa mai cứng. Đến cuối phòng làm việc chúng tôi vỡ òa niềm vui khi nhìn thấy một bình thủy tinh hình trụ ô van, cao khoảng 60 cm đặt trên một xe đẩy. Bên trong là dung dịch trong suốt ngâm mẫu vật Rùa cùng loài với Rùa Hồ Gươm. Tôi ôm bình ngâm tiêu bản Rùa một cách thích thú. Ông Georg Gassner  chiều tôi, bê bình ngâm tiêu bản lên nóc một chiếc tủ, tháo tấm ảnh không cần thiết phía sau để cho tôi chụp ảnh thoải mái. Đây là lúc tôi bấm máy ảnh liên tiếp với nhiều góc độ, khoảng cách khác nhau. Ông Georg Gassner (đã công tác ở đây được 11 năm) cho chúng tôi biết: Tiêu bản Rùa này được ngâm trong dung dịch cồn 70 độ. Ngày mẫu Rùa thu giữ là ngày 12-5-1914, đến nay đã được bảo quản đúng 110 năm và còn nguyên vẹn.

Có 97% số tiêu bản, mẫu vật được lưu giữ trong Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Viên  không trưng bày cho người xem, chỉ phục vụ nghiên cứu và các trường hợp đặc biệt khác. Rùa cùng loài với Rùa Hồ Gươm cũng nằm trong số tiêu bản không trưng bày trong các tủ kính của bảo tàng. Như vậy dù có sang đây nhiều lần, nếu không được các chuyên gia cực kỳ nhiệt tình giúp đỡ như bà tiến sĩ Silke Schweiger và  ông Georg Gassner chúng tôi không thể tiếp xúc với tiêu bản loài Rùa Hồ Gươm. Ông Georg Gassner nói tiếp:  Anh và con gái là người Việt Nam đầu tiên được xem mẫu tiêu bản này. Ông Georg Gassner còn tặng tôi bài viết của các chuyên gia nói về nguồn gốc của tiêu bản  Rùa đang được lưu giữ cẩn thận tại đây. Đây sẽ là tài liệu quý để tôi bổ sung vào cuốn sách Rùa Hồ Gươm mà mình đang viết. Một lần nữa xin cảm ơn bà tiến sĩ Silke Schweiger và ông  Georg Gasser đã nhiệt tình giúp đỡ tôi được tiếp cận với tiêu bản Rùa cùng loài với Rùa Hồ Gươm. Rất mong có một ngày tiêu bản này được giới thiệu tại Việt Nam để đông đảo người dân được biết.

Hà Hồng

hohoankiem.org

  Đánh giá bài viết

Bài viết số 1070 đã được: 0.0/10 (0 Đánh giá)


Bài viết liên quan Bài viết ngẫu nhiên
Tượng quý chùa Báo Ân trưng bày tại Bảo tàng Guimet (Pháp)
Ga tàu điện ngầm Stockholm - Triển lãm nghệ thuật dưới lòng đất
Nhà thờ Duomo - một công trình xây dựng trong hơn năm thế kỷ
Đi đường dài để được ngắm Tháp nghiêng Pisa trong 30 phút
Hồ Como với biệt thự Balbianello đẹp như tranh vẽ
Chuẩn bị cho "trận đánh lớn"
Hồ Gươm, 22-3-2024
Về thôi em về với mùa hoa đỏ
Họp tổng kết Chi hội Ảnh báo chí
Cây đa - Nét dân dã giữa ...
Gõ cửa ngày mới phát ngày...
Gặp hụt Thủ tướng Nhật Bả...
Ước gì người và cảnh hồ H...
Tập huấn hút bùn bằng côn...
Ghi nhanh: 13 Tháng 9 lúc...
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến ...
Quạt phát điện trên nóc N...
Mát lòng ngụm nước trưa h...
Ga tàu điện ngầm Stockhol...
Tags:
Hãy Register thành viên để có thể viết nhận xét

Nếu bạn thấy bài viết hay vui lòng Bookmark bài viết. Cám ơn bạn!

Bookmark and Share