Lại nhớ hồ Hoàn Kiếm mất rồi!
[04/10/2016 13:52 | Chuyện bên hồ | Nhận xét(0) | Đọc(5507) ]
Nguồn: Tự viết || Sưu tầm | Lớn | Vừa | Nhỏ
Nguồn: Tự viết || Sưu tầm | Lớn | Vừa | Nhỏ
Đã thành phản xạ tự nhiên, mỗi khi nhìn thấy một bức ảnh xưa cũ về Hồ Gươm, có thể là bức ảnh đen trắng hay, bức ảnh mầu chụp bằng phim nhựa đã phai sắc tôi lại nhớ đến hồ Hoàn Kiếm. Những bức ảnh ghi lại cảnh tượng một cách chính xác, không thêm bớt, trùng khớp với ký ức không phai mờ của mỗi người đã sống trong thời kỳ đó. Vì thế mà chúng ta cứ nao nao khi nhìn bức ảnh xưa. Cảm ơn lắm những nhà nhiếp ảnh có danh và vô danh - tác giả của những bức ảnh xưa cũ đó.
Ngày 2-10-2016 trên Báo điện tử Vietnam.net có đăng chùm ảnh về chợ hoa Hà Nội thời bao cấp, trong đó có bức ảnh với chú thích: “ Hà Nội giữa thập niên 1960 những bà cụ bán vòng hoa và rau bên hồ Hoàn Kiếm”. Tác giả bài viết không nói rõ ai là tác giả của bức ảnh nói trên. Theo tôi tác giả của bức ảnh đó chắc là của một phóng viên ảnh nước ngoài. Bức ảnh với bố cục chặt, mầu sắc chuẩn chỉ có thể là phóng viên nhiếp ảnh thực hiện. Hơn nữa vào giai đoạn năm 1964-1965, chỉ phóng viên nước ngoài mới có điều kiện chụp ảnh mầu. Thời kỳ đó phóng viên trong nước chỉ có phim đen trắng để chụp thôi, trừ trường hợp thật đặc biệt.
Nhìn kỹ bức ảnh chúng tôi phỏng đoán vị trí các bà, các chị ngồi trên phố Hàng Khay gần đoạn cắt phố Đinh Tiên Hoàng. Sở dĩ tôi nói vậy là vì thông qua những bức ảnh tư liệu khác chung quanh hồ chỉ có đoạn này bán hoa. Áo sơ mi bên trong, bên ngoài áo len, quàng khăn đen, đó là thời trang thời bao cấp mà mẹ và các bác của tôi thường dùng. Thời đó có chiến tranh, sợ máy bay phát hiện, cho nên mọi người thường mặc quần áo sẫm mầu. Nhìn ảnh thì phần lớn các cụ đều nhuộm răng đen, có người còn nhai trầu. Bầy giờ thì khó mà tìm ra những người như vậy.
Vòng hoa thời đó được cắm bằng hoa tươi. Bây giờ người ta làm vòng hoa có hơn nửa số hoa cắm là hoa giả.
Một chi tiết của bức ảnh làm cho tôi ấn tượng đó là dãy hầm trú ẩn. Thời đó bờ hồ phía đường đôi phố Lê Thái Tổ, Hàng Khay, đường đôi Đinh Tiên Hoàng được đắp hầm trú ẩn. Mỗi khi có máy bay Mỹ vào đánh phá Hà Nội tiếng còi báo động phát ra từ nóc Nhà Hát lớn, rồi truyền tín hiệu đến những chiếc loa chung quanh hồ, trong đó có chiếc loa đặt trên cây đề Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, và chỗ đầu phố Bà Triệu, đối diện trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm. Khi nghe tiếng còi báo động, cộng với giọng đọc của phát thanh viên: “ Đồng bào chú ý...Đồng bào chú ý...Máy bay địch ....” mọi người đều nhanh chóng chạy ra hầm trú ẩn. Đây là bức ảnh tư liệu mà tôi nhìn thấy hầm trú ẩn rõ nhất.
Tôi còn nhớ vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước, trong khuôn viên của Báo Nhân Dân có một cây mít (sát với tường rào nhìn ra hồ) rất sai quả. Hồi đó tôi và Minh đều có bố mẹ làm ở báo Nhân Dân cho nên thường được bố mẹ cho đến đây chơi, đu rễ cây đa, xem vô tuyến. Kỷ niệm ngọt ngào nhất của hai đứa chúng tôi là được chú Mạnh Hồng, chánh văn phòng cơ quan cho một quả mít, với một yêu cầu, hai đứa mang ra ngoài hồ bổ ra mà ăn, ăn trong cơ quan có mùi thơm ai phát hiện chú sẽ bị phê bình. Thế là hai thằng mượn được một túi du lịch Trung Quốc bên ngoài có in chiếc máy bay dân dụng, khệ nệ bê mít ra hồ. Trèo lên nắp hầm, trải mấy tờ báo cũ và bổ mít...Hiện nay cây mít vẫn còn, nhưng chắc nó già quá cho nên nhiều năm nay không thấy cho quả.
Góc trên bên trái bức ảnh chúng ta nhìn thấy hai loại ghế đều bằng bê-tông (ghế băng và ghế có thành tựa cong như ghế gỗ hiện còn trong Phủ Chủ tịch) hoặc loại ghế mới được đặt ở hồ. Theo tư liệu chúng tôi có được, loại ghế đó là ghế đá thế hệ đầu tiên ở hồ, xuất hiện trước năm 1953.
Kể với các bạn những câu chuyện đó lại thêm nhớ hồ Hoàn Kiếm. Thôi tôi lại xách máy ảnh ra hồ đây.
Hà Hồng
Đánh giá bài viết