Ông chủ quán nước đầu ngõ Hàng Bông
Nguồn: Tự viết || Sưu tầm | Lớn | Vừa | Nhỏ
Như thường lệ, vào sáng mồng một Tết sau khi dậy sớm, đi săn cảnh phổ cổ tôi lại ngồi nói chuyện với một người Hà Nội đầu tiên mà tôi gặp. Sáng mồng một Tết năm Mậu Tuất-2018 tôi gặp bác Hồng Võ nhà ở 204 phố Hàng Bông, người chủ quán nước đầu ngõ Hàng Bông (Cấm chỉ). Thấy tôi bác đã niềm nở mời chào:
- Năm mới, năm mới mời anh chén nước trà nóng
Vừa đỡ trên tay bác chén chà nóng đầu xuân, tôi vừa được nghe bác kể chuyện Tết, chuyện ngày xuân. Bác bảo ngày mồng một Tết như hôm nay là ngày Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy. Năm nay tôi đã 87 tuổi rồi nhưng năm nào vào ngày mồng ba Tết tôi cũng sang Gia Lâm chúc Tết thầy dậy tôi hồi lớp một. Thầy năm nay đã gần 100 tuổi. Tôi biết ơn thầy bởi vì thầy không chỉ dậy chữ mà thầy còn rèn chúng tôi trở thành những đứa trẻ ngoan. Sau khi Cách mạng tháng 8 thành công gia đình của bác đã hiến một phần diện tích nhà đối diện với vườn hoa Cửa Nam cho Nhà nước. Bác còn nhớ như in thời thơ ấu thường chạy sang vườn hoa Cửa Nam đối diện để chơi, nơi đây có đặt tượng bà đầm xòe (tượng nữ thần tự do). Pho tượng này trước đó được đặt tại nóc Tháp Rùa. Hay nhảy lên tầu điện chạy qua nhà để lên Bờ Hồ chơi.
Sau khi giải phóng Thủ đô năm 1954, bác Hồng Võ vùng với bẩy thầy giáo trẻ Hà Nội tình nguyện đi tỉnh Hải Dương để dạy học. Một trong những người học trò lớp 10 bổ túc mà bác Hồng Võ dậy chính là đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị. Hồi đó đồng chí Phạm Thế Duyệt từ Quảng Ninh về học bổ túc văn hóa một năm lớp 10.
Tính đến đời chắt thì gia đình bác có bẩy đời sống ở Hà Nội. Đầu thế kỷ 20, tại khu vực này nhà bác có bốn gian nhà bằng gỗ lim. Bố của bác từng dậy văn Trường Thăng Long nổi tiếng (Ngôi trường mà Đại Tướng Võ Nguyên Giáp từng dậy).
Nay đến tuổi về hưu ngày nào bác Hồng Võ cũng dậy sớm từ bốn giờ sáng, mở quán nước chè phía trước cửa, quãng hơn 8 giờ sáng thì dọn quán cho con trai mở cửa hàng sửa chữa điện thoại di động. Cửa hàng nước của bác đề giá đàng hoàng: chè năm nghìn đồng, cà-phê từ 10 đối với cà phê pha sẵn và 20 nghìn đồng đối với cà phê pha phin. Nói vậy thôi chứ bác chủ yếu là mời khách qua lại nơi đây uống nước đâu có lấy tiền, chủ yếu là trò chuyện với mọi người. Bác bảo sáng chủ nhật là thời gian những người bạn già tụ đến đây để tọa đàm những vấn đề xã hội mọi người cùng quan tâm, để uống nước chè do bác mời. Bác hơi nặng tai phải nói to bác mới nghe được, chủ yếu bác nhìn miệng người đối thoại với mình để đoán nội dung. Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nói giọng Hà Nội, nhưng bác lại hỏi tôi có phải người miền trung không? Tôi thắc mắc sao bác lại hỏi như vậy? Bác bảo người Hà Nội nói giọng nhẹ hơn, không nói nặng như người miền trung. Bác nhận xét thật chuẩn xác bởi mẹ tôi là người Hà Nội nhưng bố tôi lại là người Hà Tĩnh.
Cuộc nói chuyện giữa tôi với bác Hồng Võ sáng mồng một Tết năm Mậu Tuất tạm dừng vì có hai vị khách Đài Loan (Trung Quốc) vào quán. Bác nặng tai nhưng cũng biết được hai vị khác đó muốn uống cà - phê phin nổi tiếng của Hà Nội.
Hà Hồng
Đánh giá bài viết