Vùng đất văn hóa Hồ Gươm: Tháp Bút
Nguồn: Tự viết || Sưu tầm | Lớn | Vừa | Nhỏ
Đền Ngọc Sơn nằm ở phía Đông Bắc hồ Hoàn Kiếm- Hà Nội. Đền là một quần thể kiến trúc liên hoàn tinh tế gồm tháp Bút, đài Nghiên, cầu Thê Húc, lầu Đắc Nguyệt, đình Trấn Ba, tiền đường, chính điện, hậu cung.
Tháp Bút
Từ xưa trên hồ Tả Vọng (hồ Hoàn Kiếm ngày nay) đã có gò đất cao, tương truyền các tiên nữ thường về đây ca hát. Thời Lý Thái Tổ gọi nơi đây là Ngọc Tượng Sơn. Thời Trần gọi là Ngọc Sơn. Trên Ngọc Sơn có ngôi chùa nhỏ về sau bị hủy hoại. Cuối thời Lê Trung Hưng, ông Tín Trai người làng Nhị Khê lập ngôi chùa mới gọi là chùa Ngọc Sơn, bên cạnh đó có đền thờ Quan Đế (Quan Vân Trường). Năm Thiệu Trị thứ ba (năm 1843), con ông Tín Trai lại nhường chỗ này cho Hội Hướng thiện xây dựng lại làm nơi thờ Văn Xương Đế Quân. Thời gian sau lại phối thờ Lã Động Tân, Quan Đế, Trần Hưng Đạo. Năm Tự Đức thứ 18 (năm 1865) Phương đình Nguyễn Văn Siêu đứng ra vận động xây lại đền Ngọc Sơn, đình Trấn Ba, cầu Thê Húc, tháp Bút, đài Nghiên.
Qua lớp cổng thứ nhất của đền Ngọc Sơn, chúng ta sẽ nhìn thấy bên trái là một tháp bằng đá xây trên ngọn núi cũng do đá xếp thành. Núi này có đường kính 12 mét, cao 4 mét. Tháp vuông có 5 tầng, cạnh đáy tầng một là 2 mét, lên đến tầng 5 còn 1,2 m. Cả 5 tầng cao 28 m. Trên tầng 5 là ngọn bút lông cả cán và ngòi cao 0,9 m. Như vậy tổng cộng ngọn tháp cao 28,9 m. Ngăn cách mỗi tầng tháp là một mái nhô ra phía trước khoảng 15cm, ở bốn mặt chung quanh của các tầng đều là những hình thang, càng lên trên càng nhỏ dần. Ở các mặt đó đều có một ô cửa giả thụt vào trong độ 10cm. Về phía Bắc, trong ba ô cửa ba tầng dưới có đề ba chữ lớn “Tả Thanh Thiên”( viết lên trời xanh). Về phía Tây, trong ô cửa tầng dưới cùng, có khắc một bài châm do Nguyễn Văn Siêu biên soạn, nội dung nói về lịch sử núi và bút Tháp. Trên núi đá còn có miếu Sơn Thần, bia đá “Thái Sơn Thạch cảm đương”. Đó là cụm kiến trúc tháp Bút.
Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc ngọn núi xếp bằng đá có tên là núi Độc Tôn chứ không phải Ngọc Bội như sách Đại Nam nhất thống chí đã chép. Bài châm về tháp Bút do Nguyễn Văn Siêu soạn khắc trên thân tháp ở tầng thứ ba mặt nhìn hướng Tây ghi sự thật này: Trên đỉnh núi Độc Tôn có tháp Bút năm tầng. Tháp nhờ núi mà cao thêm, núi nhờ tháp mà truyền mãi. Khoảng năm Lê Vĩnh Hữu (năm 1735 – 1739), Nghịch Phương (tức Nguyễn Danh Phương) lén chiếm núi Độc Tôn ở huyện Phổ Yên xứ Thái Nguyên. Vương sư (Chúa Trịnh Doanh) đi đánh dẹp, đóng quân ở núi Ngọc Bội, liên tiếp phá giặc. Ngày khải hoàn, nhân gò đất cao đắp núi để ghi công, đặt tên núi là Độc Tôn. Sau cuộc chính biến (thay đổi Lê- Trịnh- Tây Sơn- Nguyễn) núi bị gai góc phủ đầy. Trong hồ có miếu Văn Xương. Vào dịp trùng tu miếu, ngó sang bờ Đông thấy có núi bèn phát dọn cỏ cây, xây tháp Bút đối diện với đài Nghiên. Ấy núi là biểu tượng của chiến công mà tháp là biểu tượng của văn vật, cả hai cái đó dựa vào nhau mà tồn tại.
Bình về bài châm nói trên của Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, tác giả cuốn sách Tháp Bút, đài Nghiên, đình Trấn Ba, Phạm Đức Huân cho rằng: Thời nay trọng cả văn và võ là đương nhiên, nhưng ở thời xây dựng tháp Bút tư tưởng trọng văn khinh võ là phổ biến. Nói trọng võ không phải đã lọt tai tất cả mọi người, vì thế Nguyễn Văn Siêu phải nói bằng biểu tượng để tránh những lời bắt bẻ. Hai năm trước khi xây dựng tháp Bút, năm 1863, Nguyễn Trường Tộ trong một biểu gửi triều đình nhà Nguyễn đã công kích tệ trọng văn khinh võ. Theo ông văn ví như chiếc áo đẹp, võ ví như thức ăn tẩm bổ khí huyết, người mà không tẩm bổ khí huyết sẽ suy kiệt và chết, dẫu áo có tốt cũng vô dụng. Ý là nếu đất nước chỉ trọng văn sao có thể giữ được nước. Năm 1858 liên quân Pháp -Tây Ban Nha gây hấn ở Sơn Trà, Đà Nẵng. Năm 1859 triều đình nhà Nguyễn có phe chủ chiến, có phe chủ Hòa. Năm 1862 quân Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kì. Năm 1865 Nguyễn Văn Siêu dựng tháp Bút trên núi đất, kỷ niệm võ công. Tạo hình tượng võ công nâng cao văn vật, văn vật lưu truyền võ công. Xác định vị thế của võ công, vị thế của văn vật là một việc làm đúng lúc, góp phần khích lệ những người đang làm phận sự chống giặc cứu nước và nhắc nhở phải tin vào truyền thống văn võ của đất nước.
Nói về việc xây dựng miếu Sơn Thần và dựng bia đá Thái Sơn Thạch cảm đương, ông Phạm Đức Huấn bình rằng: người xưa dựng miếu Sơn Thần với ý tạo biểu trưng sông núi đất nước nhắc nhở người cầm bút viết sự thật về các vấn đề của đất nước về truyền thống của Thăng Long. Ở chân tháp Bút ngay phía dưới ba chữ “Tả Thanh Thiên”, dựng bia khắc năm chữ “Thái Sơn Thạch cảm đương”. Bia cao 56 cm rộng 23 cm. Bằng kinh nghiệm của bản thân, Phương Đình đoán biết những băn khoăn của người cầm bút đã dựng bia này khích lệ người cầm bút phải vững vàng dám viết sự thật. Phương đình dựng bia có ý nhắc rằng: Người cầm bút phải vững vàng, trong hoàn cảnh ngặt nghèo vẫn phải viết sự thật. Tháp Bút, miếu Sơn Thần và bia “Thái Sơn Thạch cảm đương” là một cụm kiến trúc biểu trưng nhắc nhở về trách nhiệm và tinh thần của người cầm bút, về trách nhiệm của kẻ sĩ.
Một tài liệu nghiên cứu về đền Ngọc Sơn của Sở Văn hóa Hà Nội vào thập niên 70 của thế kỷ trước (do anh Thắng nguyên cán bộ công tác tại ban quản lý đền Ngọc Sơn cung cấp cho tôi) có đoạn:
Hiện nay tháp vẫn giữ nguyên được dáng cũ. tháp Bút xây hình vuông, có 5 tầng các tầng trên nhỏ dần đỉnh tháp là một chỏm mang hình bút lông, cho nên người ta vẫn gọi là bút tháp.
Tháp Bút chĩa thẳng lên trời. Song tạo hình ở đây nặng tính chất tượng trưng với ngọn bút lông. Bút lông múp tròn như một nụ sen, thân bút tròn lẳn và ngắn.
Tháp Bút được xây bằng các viên đá đẽo hình thang gắn liền với nhau thống nhất cách thức lấy từ chân lên đến đỉnh. Ở lưng chừng núi (trụ chân đế) về phía Bắc người ta đã xây một cái miếu nhỏ quay mặt về phía Bắc phía đường đi vào đền. Miếu có chiều rộng 0,7 m cao 1,4 mét dài 0,8 mét 4. Mái chát bằng xi –măng, cửa xây vòm cuốn, phía trên nắp nồi 3 chữ: Sơn Thần Miếu. Hai bên cửa cuốn có đôi câu đối. Cũng ở lưng chừng núi về phía Bắc còn có một cái bia bằng đá nhỏ cao 0,5 m, rộng 0,25 m. Bia ghi năm chữ: “Thái Sơn Thạch cảm đương”. Ngôi miếu này để thờ thần núi cũng như ở trong đền có bàn thờ Thổ Thần. Đó là một tục lệ thờ tự quen thuộc của người Việt, phản ánh tâm trạng yêu quê hương đất nước cầu mong điều tốt đẹp trên mảnh đất mình đang sinh sống. Tuy nhiên ngôi miếu này cũng ít nhiều ảnh hưởng của sự mê tín dị đoan thời thực dân phong kiến trước đây. Tháp Bút đã được xây theo cách thức truyền thống dân tộc với kiểu tháp bốn mặt nhỏ dần ở phía trên. Ngôi tháp này không xa lạ với các ngôi tháp xưa ở các chùa.
Cổng vào đến Ngọc Sơn (tháp Bút bên trái) 1905-1910.
Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Lâm Biền thì những ngôi tháp trong lịch sử tạo hình nước ta buổi đầu thời Lý có nhiều dạng nhưng đa số gắn với chùa, chỉ có duy nhất tháp Báo Thiên ít nhiều mang tính chất gắn với trời và tính chất của một đài kỷ niệm chiến thắng (sau đó lại gắn với chùa). Kể từ thời Trần trở đi thì ngôi tháp hầu như gắn chặt với chùa. Tuy vậy trong mỗi ngôi tháp có thể mang thêm yếu tố của Nho giáo hay Lão giáo, những ngôi tháp nằm ngoài Phật giáo như tháp Bút nói chung hiếm. Sự quy định các tầng tháp tùy theo mỗi triều đại mà có quan niệm khác nhau. Thời Lý có tháp 13 tầng (tháp Long Đọi) thờ Phật Đa bảo (Hà Nam). Có ngôi tháp mang tư cách là một ngôi đền thờ Phật với số tầng không theo quy định. Kể từ thời Trần trở đi, ngôi tháp được quy định số tầng rõ rệt hơn. Người ta cho rằng tháp Phật phải cao 13 tầng, tháp đại Bồ Tát có 9 tầng, các tháp Bồ Tát và La Hán có từ 5 đến 7 tầng, các tháp Đại Hòa Thượng có số tầng ít hơn, thông thường là ba tầng. Nhưng ở ngôi tháp Bút này đã không theo quy định nói trên vì nó không phải ngôi tháp của Phật giáo mà mang tính chất Nho giáo, ngay cái tên tháp Bút và bài châm của Nguyễn Văn Siêu, và đặc biệt là số tầng đã nói lên tháp Bút gắn với Nho giáo, phần nào đó còn bộc lộ tư tưởng Lão Trang. Năm tầng tháp ở đây không có nghĩa là tháp Bồ Tát, mà gắn liền với Dịch học (một trong ngũ linh của đạo Nho). Đó là con số thiêng nằm ở trong cung của Hà đồ và Lạc Thư, là những đồ hình nói lên sự hình thành của thế giới hữu hình. Con số 5 còn biểu hiện cho ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ là 5 yếu tố tạo nên thế giới vật chất. Đó cũng là hiện thực của cuộc sống con người mà ngòi bút các nhà Nho trông vào hiện thực đó miêu tả. Chỉ thế thôi đã nói lên được tính triết học, bao quát và tư tưởng rộng lớn của Nguyễn Văn Siêu muốn gửi gắm vào đó. “Tả Thanh Thiên” như viết lên trời xanh, ngoài ý nghĩa cây tháp Bút cao vút lên tượng trưng cho tinh thần văn vật, cho học vấn của Nho giáo nó như muốn chọc vào trời (chống trời). Tư tưởng ấy chúng ta đã thấy dường như Nguyễn Siêu nói trong câu: Chung màn trời đất” hay “nín hơi lại mà mài cho nhẵn vũ trụ (ở bài minh trên nghiên đá- lớp cổng thứ ba vào đền). Về mặt nào đó tư tưởng này cũng ít nhiều giống câu của Cao Bá Quát: “Kho trời chung mà vô tận của mình riêng”. Đó là sự bộc lộ sâu xa một tinh thần tranh đấu với những thế lực tự nhiên và xã hội để giành lại quyền của con người trong cuộc sống, khá gần gũi với tư tưởng Lão giáo đồng thời nói lên tâm hồn thanh thiên thoát tục của nhà Nho, chán cảnh quan trường mà về ưu ái với cuộc đời. Chỉ một nét nhỏ đó thôi đã nói lên sự trăn trở trong tư tưởng Nguyễn Văn Siêu để lại như một minh chứng cho lòng mình.
Bài và ảnh: HÀ HỒNG
Đánh giá bài viết