Ngõ chúng tôi ở thuộc quận Hoàn Kiếm, cách hồ Hoàn Kiếm theo đường chim bay và trăm mét. Mấy anh em cùng trang lứa sống với nhau vài chục năm,  thành lập một nhóm, gồm mười người. Cứ ngày lễ, ngày Tết lại gặp nhau, tổ chức những bữa liên hoan vui vẻ. Trong ngõ có vấn đề gì  cùng bàn bạc rồi ra “nghị quyết”.

Highslide JS     Highslide JS


Có gia đình mới đến định chuyển cột điện ra nơi khác xa cửa nhà mình làm ảnh hưởng hệ thống chiếu sáng và vị trí đặt loa của phường, anh em ra “nghị quyết” không được làm, gia đình đó phải chịu. Thấy đường vào ngõ chênh quá cao giữa vỉa hè và nền đường. Anh em trong nhóm ra “nghị quyết” các thành viên đóng tiền thuê người hạ thấp vỉa hè. Trong ngõ có nhà nào to tiếng với nhau là mọi người cùng ra dàn hòa. Nhà ai có chuyện hiếu, hỷ anh em đều có mặt. Mọi việc trở nên thuận lợi bởi trong nhóm chúng tôi có anh tổ trưởng dân phố, chúng tôi thường nói đùa là “trưởng thôn”.

Tết năm nay nhóm chúng tôi ra “nghị quyết” mới, từ nay trở đi sẽ cùng nhau nấu nồi bánh chưng Tết. Mục đích nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, cùng nhau “ôn nghèo, kể khổ” và hướng lớp trẻ quay trở về với truyền thống xưa.

Để cho buổi nấu thành công chúng tôi cắt cử nhiệm vụ cho từng thành viên. Vợ chồng anh “trưởng thôn” chịu trách nhiệm gói bánh và nấu. Một thành viên quê ở Hà Tây (trước đây) lo kiếm khoai và mía... Do vậy bữa liên hoan bên nồi bánh chưng, ngoài rượu đặc sản quê, mực nướng, chúng tôi còn có món khoai nướng, mía lùi.

Highslide JS


Tham dự buổi tôi nấu bánh chưng không chỉ có thành viên trong nhóm chúng tôi mà gần như mọi người trong ngõ cũng tham gia. Có người là đại biểu quốc hội, họa sỹ, nhà báo, công an, chủ doanh nghiệp... Có người đang làm việc, cũng có người đã nghỉ hưu.

Thấy ngõ chúng tôi tụ tập nấu bánh chưng vui vẻ, đôi vợ chồng trẻ công tác ở Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đến thuê nhà  cũng ra xin phép được góp vui, gọi là “nhập gia tùy tục”.

Tất cả thành viên trong nhóm chúng tôi năm nay mỗi người được hai chiếc bánh chưng do một thành viên trong nhóm là đại biểu quốc hội tặng.

Các cháu bé rất khoái ăn khoai nướng và mía lùi. Đối với chúng được ăn những thứ đó như ăn đặc sản. Còn đối với chúng tôi đó là món ăn thường xuyên thời bao cấp.

Nhìn ngọn lửa bập bùng, nước luộc bánh chung sôi ùng ục, lửa kêu tanh tách... chúng tôi lại nghĩ đến mẹ mình. “Bà Dương bánh chưng” đó là cách mà mọi người thường gọi mẹ chúng tôi khi bà còn sống. Mẹ chúng tôi, thời bao cấp là chuyên gia gói bánh chưng cho cả cơ quan. Bà gói nhanh thoăn thoắt, cái nào cái ấy vuông chằn chặn.

Highslide JS


Cả ngày ngồi gói cho cơ quan, tối về bà lại gói cho gia đình. Cả ngày anh em chúng tôi lo rửa lá dong, chuẩn bị bếp, củi. Khoái nhất là được mẹ cho một nắm đậu xanh mới nấu chín to bằng quả trứng gà. Chúng tôi bao giờ cũng được mẹ làm cho chiếc bánh nhỏ xinh. Đó là chiếc bánh chín đầu tiên  và chúng tôi đương nhiên được ăn sớm nhất....

Nhìn nồi bánh chưng khói bốc nghi ngút, tỏa mùi thơm “nức mũi” ...chúng tôi có cảm giác như đang xem những “thước phim tư liệu” thời thơ ấu chạy nhảy bên nồi bánh chưng.

Những điều đã qua sẽ còn là mãi mãi. Nhớ lắm tuổi thơ ơi !

Hà Hồng
hohoankiem.org

  Đánh giá bài viết

Bài viết số 257 đã được: 4.5/10 (22 Đánh giá)


Hãy Register thành viên để có thể viết nhận xét

Nếu bạn thấy bài viết hay vui lòng Bookmark bài viết. Cám ơn bạn!

Bookmark and Share