Lời tòa soạn: Sim Sang Joon, tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc, bảo vệ luận án thạc sĩ tại Mỹ; sang Việt Nam năm 1993 làm nghiên cứu sinh chuyên ngành lịch sử tại Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV - Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2001 bảo vệ luận án TS tại trường này. Hiện ông là Giám đốc Chi nhánh Quỹ Viện trợ quốc tế Hàn Quốc ở Việt Nam, đồng thời là Giám đốc điều hành Trung tâm Giao lưu văn hóa Việt - Hàn. Nhân đầu năm mới 2010, ông viết bài "Con rồng và Việt Nam", Hànộimới xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Highslide JS
Múa rồng trong ngày hội.


Con rồng trong tiếng Việt phát âm là "rồng", Hán tự là "long", là loài vật luôn được coi là vật tổ thiêng liêng trong đời sống tâm linh người Việt. Chính vì thế mà những tên gọi gắn với rồng ở Việt Nam có rất nhiều. Bắt đầu từ Lạc Long Quân - Tổ tiên của dân tộc Việt cho đến sự tích con rồng từ trên trời bay xuống hạ giới hình thành nên vịnh Hạ Long nổi tiếng, thêm vào đó còn có cả địa danh Hàm Rồng ở Sa Pa - khu du lịch nghỉ dưỡng ở vùng miền núi phía Bắc có địa hình giống phần xương hàm của con rồng nên cũng được đặt thành tên gọi và sông Cửu Long (chín con rồng) - một nhánh của sông Mê Công ở phía Nam Việt Nam cũng có tên gắn với loài rồng. Ngoài ra còn có vô số tên địa danh khác như: Long Biên, Long Đỗ, Vĩnh Long, Long An, Long Thành, Long Khánh... cũng mang ý nghĩa con rồng như vậy.

Ngay cả tên gọi Thủ đô Hà Nội của Việt Nam ngày nay cũng có lịch sử gắn bó với loài rồng. Cách đây đúng 1000 năm, vào năm 1010 sau Công nguyên bắt đầu triều đại mới của nhà Lý ở Việt Nam. Tư tưởng Phật giáo thống trị và tổ chức quyền lực lấy trọng tâm hào tộc là những điểm rất giống với triều đại Goryeo của Hàn Quốc. Vua Lý Thái Tổ của triều đại Lý này là người đã ra một quyết định rất khác biệt với những triều đại trước đó, đó chính là quyết định dời đô. Sau khi đất nước hoàn toàn được giải phóng khỏi một nghìn năm Bắc thuộc (năm 938), lần đầu tiên vua Lý Thái Tổ đã quả cảm đưa ra quyết định dời đô mà những triều đại trước chưa dám thực hiện. Có lẽ lý do mà các triều đại trước đã không cho thi hành dời đô là vì cố đô cũ Hoa Lư với địa thế là vùng thung lũng nhỏ, chật hẹp đã vô hình trung trở thành pháo đài thiên nhiên bất khả xâm phạm những khi có quân địch bên ngoài tấn công, thế nên các triều vua trước đã rất ngại khi phải di dời khỏi vùng đất này.

Địa danh mà vua Lý Thái Tổ đã định dời đô tới là thành Đại La, Thủ đô Hà Nội ngày nay, cách cố đô Hoa Lư (nay là huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) hơn 100km về phía đông bắc. Vua Lý Thái Tổ sau khi xem thuật phong thủy đã tin tưởng rằng vùng đất này có địa thế "Rồng cuộn hổ ngồi" rất thuận lợi. Hơn nữa khi dời đô, thuyền vua đến bờ sông Nhị Hà, lại thấy quang cảnh rồng bay lên trời nên nhà vua đã đổi tên thành Đại La thành Thăng Long (mùa thu năm 1010). Cũng có thể nêu giả thiết rằng, nhà vua đã nhìn thấy rồng bay lên trời trong giấc chiêm bao của mình. Trong sách Chu Dịch có giải thích "phi long" (rồng bay) chính là thời điểm mà hình tượng con rồng mang ý nghĩa hưng thịnh nhất, thế mà vua Lý Thái Tổ còn nhìn thấy được cảnh rồng "thăng thiên" (bay lên trời) thì quả thực ngài đã vui mừng đến mức độ nào. Sau đó, trong cuốn "Việt sử lược" - tài liệu lịch sử cơ bản của triều nhà Lý, đã có đến 59 lần ghi chép về con rồng trong những nội dung đề cập khác nhau.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, kinh đô Thăng Long cũng biết bao lần thay đổi tên gọi. Năm 1400 là Đông Đô, năm 1406 là Đông Quan, năm 1430 là Đông Kinh, năm 1466 là Trung Đô và cuối cùng từ năm 1830 tới nay là Hà Nội như bây giờ. Chính phủ Việt Nam đã đặt nguồn gốc của Thủ đô Hà Nội bắt đầu từ Thăng Long và từ năm 2005 đã triển khai phát động lễ hội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Bởi năm 2010 là năm kỷ niệm kinh đô Thăng Long cũ tròn 1000 năm tuổi. Lễ hội chính thức diễn ra trong vòng 10 ngày từ ngày mùng 1 đến mùng 10 tháng 10. Ngày mùng 10 tháng 10 năm 1954 là ngày quân dân Hà Nội tiếp quản từ tay giặc Pháp, tức là ngày lễ kỷ niệm giải phóng Thủ đô Hà Nội.

Chắc chắn rằng, năm 2010, kỷ niệm lịch sử 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, chính là một năm dấu mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Năm sau nữa, 2011 lại là năm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI nên ý nghĩa đó càng trở nên quan trọng hơn cả. Việt Nam đã triển khai chính sách đổi mới từ Đại hội Đảng lần thứ VI, tháng 12-1986, nên Đại hội Đảng lần thứ XI năm 2011 tới sẽ mang ý nghĩa kết thúc hoàn toàn quá trình 25 năm thực hiện đổi mới đất nước và đồng thời còn mang ý nghĩa tiến tới mốc 30 năm lịch sử đổi mới đất nước. Thiết nghĩ, chính thời điểm hiện tại này mới là bước ngoặt quan trọng đánh dấu một "phi long" Việt Nam trên vũ đài lịch sử dân tộc!

[b][/b]TS Sim Sang Joon
hohoankiem.org

  Đánh giá bài viết

Bài viết số 523 đã được: 3.7/10 (18 Đánh giá)


Hãy Register thành viên để có thể viết nhận xét

Nếu bạn thấy bài viết hay vui lòng Bookmark bài viết. Cám ơn bạn!

Bookmark and Share