Phường bán yếm lụa Hàng Đào xưa Không rõ

[01/08/2012 15:21 | Thư viện | Nhận xét(0) | Đọc(6275) ]
   Nguồn: Tự viết || Sưu tầm | Lớn | Vừa | Nhỏ
hohoankiem.org
Từ dòng chữ Hán trên ngôi đình cổ số 38 Hàng Đào có thể khẳng định, nửa phần đầu của phố này xưa là một chợ bán yếm lụa to nhất, nhộn nhịp nhất ở Thăng Long.

Highslide JS
Yếm, trang phục truyền thống của thiếu nữ Thăng Long - Kẻ Chợ xưa. Ảnh: Tư liệu


Tháng 4/2000, ngôi nhà cổ (ngôi đình thì đúng hơn) số 38 Hàng Đào, đã được tôn tạo. Thế là giữa một dãy phố buôn bán sầm uất nhất Hà Nội, bắt đầu từ Hàng Đào, Hàng Ngang, kéo dài đến Hàng Đường và mặt tiền chợ Đồng Xuân mới, đã xuất hiện ngay một ngôi đình được phục chế với hệ thống cổng, sân, nhà hai tầng bên trong, các câu đối, các vách ngăn… cho đến sân sau trồng hoa cỏ hẹp và thắt lại theo địa hình đúng như ở các ngôi nhà hình ống vốn san sát bên nhau ở phố Hàng Đào. Bên trên cổng là một hàng chữ Hán đen, nổi bật trên nền vôi vàng: Quyến yếm thị đường. Thì ra đây là ngôi đình của chợ bán yếm lụa ngày xưa của Hà Nội.

Theo giáo sư Trần Quốc Vượng, ngày xưa Thăng Long là một thành phố sông, hồ. Số 38 Hàng Đào, xưa có lẽ là một chợ bán yếm của một phường nghề chuyên nghề dệt nhuộm truyền thống. Dãy nhà số chẵc được xây dựng theo thuật phong thuỷ, bao giờ cũng thấp hơn dãy nhà số lẻ. Xưa, bên kia phố Hàng Đào có hồ Thái Cực thông với Hồ Gươm bằng một con lạch nhỏ, sau bị lấp lại thành phố Cầu Gỗ. Cũng ngày xưa ấy, hai phường Đông Lạc và Thái Cực cùng chung một phố bán hàng vậy nên Hà Nội 36 phố phường đã có tình trạng “một phường hai phố” và “một phố hai phường”.

Các nhà tôn tạo ngôi đình Đồng Lạc số 38 Hàng Đào này đã hết sức chú ý đến cổng đình. Các cánh cửa của cổng ra vào vẫn được phân bổ theo nguyên tắc truyền thống: cửa giữa to cao, cửa hai bên thấp. Tất cả những chữ Hán ở cổng đình và ở một số câu đối treo ở gian trong, cách cổng đình một cái sân giời và ở trên gác hai của ngôi đình đều được cán bộ Viện Hán Nôm đến dập chữ, rồi thuê thợ phục hồi như cũ.

Vật thể quan trọng nhất còn lại của đình Đồng Lạc chính là một tấm văn bia gắn trên tường bên phải gần điện thờ trên tầng hai. “Trăm năm bia đá cũng mòn”, tấm văn bia dầu dãi nắng mưa rất khó đọc, tuy thế giáo sư Trần Quốc Vượng vẫn đọc được bốn chữ “Quyến yếm thị đình” (diễn nôm: Đình của chợ bán yếm lụa).

Người soạn văn bia là ông Phạm Đình Hoãn, cử nhân, quê ở phủ Khoái Châu Hưng Yên. Đình này được lập ra từ thời Hậu Lê. Cũng theo giáo sư Trần Quốc Vượng, văn bia đã cho hay: Đình Đồng Lạc, được sáng lập từ thời Hậu Lê do ông Nguyễn Công Trung và bà Nguyễn Thị Từ dựng lên đầu tiên và đã từng bị hoả hoạn trước năm 1856.

Có thể hình dung ra một nửa phần đầu của phố Hàng Đào xưa là một chợ bán yếm lụa to nhất, nhộn nhịp, đông đúc người bán mua nhất ở Thăng Long. Thứ yếm dệt từ chất liệu tơ tằm được ưa chuộng bởi khi mặc người ta cảm thấy vừa dễ chịu thoải mái, lại vừa kín đáo.

Tất nhiên, trước khi có văn hoá mặc yếm thì phải có nghề dệt vải cổ truyền trước đã. Theo truyền thuyết, nghề trồng dâu nuôi tằm ươm tơ lụa có ở nước ta từ thời Hùng Vương và công chúa Thiều Hoa con vua Hùng thứ 6 đã phát minh ra nghề dệt lụa. Xung quanh Thăng Long xưa, dệt lụa xuất hiện như một nghề truyền thống vời các làng Nghi Tàm, làng Dâu, Thuý Ái…

Tờ tằm nhỏ từ con tằm đã cho ra các sản phẩm phong phú: tơ, lụa, lượt là, gấm, vóc, nhiễu, the, đoạn, lĩnh, dũi, địa, nái, sồi, thao, vân,… Thế kỷ 18, người Việt còn dệt được các loại lụa đẹp từ các vân tinh xảo: vân tứ quý, vân hồng điệp, vân trúc điều, vân phương thọ, vân chữ hỉ, chữ triệu… Trong cuốn Vương quốc đàng ngoài, tác giả Baron đã mô tả: “Kỹ nghệ dệt tơ lụa ở đây rất phát triển đến nỗi kẻ giầu, người nghèo đều mặc quần áo bằng tơ lụa”. Và cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, giáo sĩ Bissachèse đến Thăng Long và các tỉnh Bắc Kỳ đã nhận xét: kỹ thuật của nghề dệt ở Thăng Long và Bắc Kỳ đã đạt tới mức độ cực thịnh.

Trong tổng thể bộ trang phục phụ nữ xưa, cái yếm là đồ lót mặc trong cùng, ôm lấy khuôn ngực, che chắn và trang điểm bên trong, làm đẹp bên trong.

Yếm cổ là một miếng vải đặt chéo lên ngực người phụ nữ, góc trên cổ khoét tròn. Yếm cổ xẻ khoét xuống thấp hơn, hình chữ V. Nếu sâu hơn nữa gọi là yếm cánh nhạn. Nhưng yếm được tạo dáng rất ý tứ, không bao giờ lộ vùng ngực thái quá như các loại yếm hiện đại bây giờ.

Trong nếp nhà truyền thống, phụ nữ thường tự mua lấy tơ tằm mà may yếm cho mình. Vậy mà Thăng Long - Kẻ chợ lại xuất hiện cả một chợ dành cho phường bán yếm? Có giả thuyết cho rằng, cái ngày huy hoàng “yếm lụa” xa xưa ấy, từ các chốn làng quê, những sản phẩm tuyệt hảo của tơ tằm đã đổ về đây để đàn bà, con gái Thăng Long, những ngày sắp hội, rủ nhau đến chọn tơ tằm may yếm. Không chỉ thế, họ còn sắm sửa lụa là gấm vóc để may quần áo tứ thân, ngũ thân, áo cánh, thắt lưng, khăn vấn… Ngôi nhà 38 Hàng Đào đáng được tôn tạo vì ý nghĩa văn hoá của nó.

Theo VnMedia
hohoankiem.org

  Đánh giá bài viết

Bài viết số 545 đã được: 3.4/10 (19 Đánh giá)


Hãy Register thành viên để có thể viết nhận xét

Nếu bạn thấy bài viết hay vui lòng Bookmark bài viết. Cám ơn bạn!

Bookmark and Share