Hà thành cà phê Không rõ

[09/11/2012 22:06 | Thư viện | Nhận xét(0) | Đọc(5687) ]
   Nguồn: Tự viết || Sưu tầm | Lớn | Vừa | Nhỏ
hohoankiem.org
Sau năm 1954, cà phê ở Hà Nội hiếm dần. Nguồn cà phê từ Pháp và từ Tây Nguyên không còn, đất trồng cà phê ở Nghệ An dần bị thu hẹp. Thay vào đó người ta nhập cà phê từ Đông Âu và Liên Xô. Tuy nhiên cà phê của các nước Đông Âu thường có vị chua, khác với khẩu vị cà phê từ Pháp hay miền Tây Nguyên.

Highslide JS
Nguyễn Sáng & Bùi Xuân Phái ở quán Cà phê Lâm - tranh sơn dầu của Bùi Thanh Phương


Các quán cà phê tư nhân cũng ít dần và được thay thế bằng các quán cà phê quốc doanh. Có thể kể vài quán cà phê quốc doanh khá đông khách như Bốn Mùa, Nguyên Sinh, Phố Huế... Cà phê cũng chỉ có đen và đá. Thời kỳ bao cấp sữa hộp khan hiếm nên không có cà phê sữa.

Đầu năm 1983, người ta cho sửa sang lại nội thất quán Bốn Mùa, trên tường cho gắn những miếng gốm hình các cô gái mặc áo dài, đội nón lá. Bàn được thay bằng gốc cây to bào nhẵn mặt. Ghế cũng bằng các gốc cây nhỏ. Vào quán, khách có cảm giác đây là nơi triển lãm thớt, nên nhiều người gọi Bốn Mùa là cà phê “thớt”. Dù sao quán quốc doanh này cũng là quán đầu tiên đổi mới nhưng cung cách phục vụ vẫn không thay đổi. Uống cà phê vẫn phải xếp hàng và kì kèo xin thêm cục đá.

Quán cà phê Lâm ở phố Nguyễn Hữu Huân nổi tiếng từ thập niên 60 thế kỷ trước. Khách quen của quán này là các văn nghệ sỹ nổi tiếng như họa sỹ Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, Văn Cao, Nguyễn Trọng Kiệm, Lưu Công Nhân, Nguyễn Sỹ Ngọc...

Nhà văn Nguyễn Tuân cũng thường lui tới đây và có lần ông nói vui: “Hữu ngạn sông Saine có bảo tàng Louvre, tả ngạn sông Hồng có cà phê Lâm”. Thời kỳ này, các họa sỹ phần lớn làm trong các cơ quan Nhà nước, lương thì phải nộp cho vợ mà tranh vẽ ra không bán được cho ai nhưng thú uống cà phê lại không thể bỏ. May mà có quán cà phê Lâm. Không chỉ quý các văn nghệ sỹ, ông Lâm sẵn sàng cho họ mượn tiền mà không bao giờ đòi. Nếu không có tiền các họa sỹ đặt tranh ông sẵn sàng nhận và cực kỳ trân trọng. Nói đúng ra ông Lâm bán cà phê có tiếng từ thời Pháp tạm chiếm Hà Nội.

Đầu thập niên 50, ông bán ở vườn hoa Paul Bert (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ) trên một chiếc xe đẩy. Khách là công chức, nhân viên ở Tòa Đốc lý, sở điện, ngân hàng và bưu điện. Sáng ra họ ngồi trên những chiếc ghế đẩu, vừa uống vừa bàn tán chuyện. Mùa đông, ông pha tới bốn chiếc phin to tướng nhưng vẫn không đủ cho khách. Cảnh sát Pháp thấy khách tụ tập đông lấy cớ bảo vệ an ninh cho Tòa Đốc lý cấm không cho ông bán. Ông thuê nhà ở phố Tông Đản (nay là khách sạn Thăng Long Opera) mở quán. Ông lại kéo được khách về với mình.

Trước năm 1975, số nhà 110 phố Mai Hắc Đế là quán cà phê Hùng “đù”. Người ta gọi như vậy vì ông Hùng là người miền Nam và ”đù” là đặc sản của người bình dân. Khách uống cà phê quán Hùng đa phần là “chất nghệ”. Ngoài cà phê ngon, quán này còn  có chiếc máy quay đĩa  hiệu “Tuổi trẻ” của Liên Xô cùng nhiều đĩa hát của các nước Đông Âu song hát các ca khúc nổi tiếng của phương Tây.

Đặc biệt cà phê Hùng có rất nhiều đĩa của ban nhạc The Beattle. Võ nghệ của Hùng “đù” làm giới anh chị phải nể nhưng so với vợ (người Bình Định) thì ông chỉ là môn sinh. Có lần, khách lạ cù nhầy chuyện tiền bạc, vợ ông xách tai lôi ra đường, ông khách kia không dám ho he cum cúp lủi mất. Tuy nhiên ông bà rất dễ chịu và vui tính.

Có một quán cà phê sinh viên thường lui tới và có câu “Phi cà phê Bích bất thành sinh viên”. Đó là quán cà phê của vợ chồng ông Khoa, bà Bích ở 13 phố Đinh Tiên Hoàng. Quán bà Bích trên gác hai. Đi lên được quán là một “thắng lợi” vì phải qua ngõ hẹp xếp đầy túi xách, va li, qua cầu thang hẹp ẩm mốc. Quán rộng hơn hai chục mét, phía ngoài có ban công nhìn ra hồ Gươm.

Ngồi đây, hồ Gươm bị thu gọn vào trong mắt nên  là chỗ  mà kẻ đến sau chỉ mong người đang ngồi mau mau đứng dậy. Năm 1984, bà Bích về hưu, chẳng biết làm thêm gì để sống, bà tính chuyện bán cà phê. Vốn là con gái cụ Giảng nhưng bà Bích không biết pha chế thế nào. Trước khi mở quán bà Bích phải học mãi mới nắm được bí quyết pha chế. Quán cứ bán hàng còn gia đình vẫn sinh hoạt bình thường. Quán đông không chỉ vì giá rẻ mà cà phê rất tuyệt. Vốn là con gái Hà Nội nên bà Bích rất nhẹ nhàng và lịch sự với khách hàng, ai không có tiền bà cho nợ nên đám sinh viên ưa phá cách càng thích đến quán “bà Bích”.

Quán có một chiếc cát-xét và bà không phải mua băng vì ai thích nhạc gì tự mang đến, tự lắp vào mà nghe. Có khi nhóm này đang nghe, nhóm khác không thích lại cho băng mình thích vào. Song lạ là không bao giờ xảy ra chuyện gì. Từ năm 1990 đến nay quán lúc nào cũng đông. Người ta bán hàng càng đông càng mừng nhưng quán đông bà Bích lại lo vì cái sàn gỗ lâu ngày không được sửa nên ọp ẹp như muốn sập. Quán cà phê bà Bích là mô hình cho kiểu kinh doanh không cần mặt tiền.

Người Hà Nội nói riêng và người Việt nói chung có thói quen uống chè và nước vối. Thế nhưng ngày nay, các quán nước chè vỉa hè một thời ở Hà Nội đang mất dần và thay vào đó là các quán cà phê. Không thể đếm được số quán cà phê ở Hà Nội, tuy nhiên cà phê vẫn không phải là thứ uống bình dân vì giá của cà phê không rẻ.

Không chỉ uống vào buổi sáng như nhiều thành phố, thị xã khác trong cả nước, người Hà Nội uống cà phê bất cứ lúc nào họ thích. Dường như bên ly cà phê, họ sắc sảo hơn trong tranh luận. Người Hà Nội uống cà phê theo cách riêng để tạo ra thứ văn hóa cà phê của riêng mình.

Theo AnninhThudo
hohoankiem.org

  Đánh giá bài viết

Bài viết số 566 đã được: 2.6/10 (19 Đánh giá)


Hãy Register thành viên để có thể viết nhận xét

Nếu bạn thấy bài viết hay vui lòng Bookmark bài viết. Cám ơn bạn!

Bookmark and Share