Cố gắng làm điều gì đó thật tốt cho đời
[12/02/2016 17:37 | Những người Bạn | Nhận xét(0) | Đọc(5096) ]
Nguồn: Tự viết || Sưu tầm | Lớn | Vừa | Nhỏ
Nguồn: Tự viết || Sưu tầm | Lớn | Vừa | Nhỏ
Mồng bốn Tết Bính Thân (11-2-2016) tôi đến chúc Tết nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Tôi đã đến nhà ông ở xóm Cò, làng Khương Hạ (Hà Nội) nhiều lần nhưng lần nào cũng lạc. Tìm mãi không thấy nhà, tôi gọi điện hỏi ông. Ông bảo cứ nhìn thấy đường có lát nắp cống bằng bê-tông mà đi. Khốn nỗi chỗ ngã ba tôi đứng ngã nào cũng có đường cống lát bằng bê-tông. Biết được nguyên nhân như vậy ông bảo tôi cứ đứng ở đó ông ra đón. Hơn ba phút sau tôi đã thấy ông đạp xe ra đón.
Cảm nhận đầu tiên của tôi khi nhìn thấy ông, đó là trông ông khỏe mạnh, đi đứng thoải mái không phải đi lom khom hay chống gậy như năm ngoài tôi đến chúc Tết. Vào thời điểm này năm ngoái căn bệnh thoát vị đĩa đệm cộng thêm căn bệnh đau thần kinh toại, khiến ông đau hết nửa người không đi được, nhiều lúc phải bò lê bò càng. Nhờ có thầy lang ở Việt Yên ( Bắc Giang) tận tình cứu chữa trong ba tháng ông đã bình phục như bây giờ. Năm ngoái khi đến chúc Tết ông, tôi đã được gặp thầy lang này. Thầy cho biết đã có nhiều năm làm việc tại Trung Quốc, cho nên đã học được cách chữa bệnh thoát vị đĩa đệm. Tôi còn nhớ chuyện ông kể năm ngoái: Khi bệnh tình quá nặng ông nói vợ làm mâm cơm thật thịnh soạn để mời bạn bè đến ăn một bữa. Vợ, con hỏi nguyên do, ông bảo, muốn có bữa cơm chia tay bạn bè trước lúc đi xa. Thật mừng năm nay hai căn bệnh nói trên của ông đã khỏi tới 80-90%.
Tuy nhiên tôi nhận ra nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có khác hơn năm ngoái đó là ông để râu. Hình thức trông có vẻ già đi nhưng cách ông nọi chuyện nhất là đôi mắt vẫn tinh anh như trước. Bên chén nước chè ngày xuân, nhâm nhi mấy hạt mứt sen, ông kể cho tôi nghe những suy nghĩ của mình về cuộc sống, sau khi quyết định ngừng viết văn. Ông bảo cuộc đời ngắn lắm Hồng à, cố gắng làm điều gì đó thật tốt cho đời. Ông động viên tôi tiếp tục sáng tác những bức ảnh phong cảnh, viết những bài báo về con người ở hồ Hoàn Kiếm. Ông và nhà thơ Bảo Sinh là một trong những khách quý tham dự lễ khai mạc phòng triển lãm ảnh với chủ đề “Sắc mầu Hồ Gươm” của tôi. Triển lãm lần đầu được tổ chức tại Trung tâm Thông tin Văn hóa hồ Hoàn Kiếm, số 2 phố Lê Thái Tổ, từ ngày 4 đến 19-10-2015. Phát hiện thấy chất họa trong các bức ảnh triển lãm của tôi, nên ông dẫn tôi lên tầng hai để giới thiệu phòng tranh của con trai ông, họa sỹ Nguyễn Phan Bách.
Vào những ngày Tết như thế này, họa sĩ Bách vẫn cặm cụi, lẵng lẽ vẽ. Mỗi lần gặp các họa sĩ nổi tiếng ngoài đời, trên vô tuyến tôi thường có cảm giác họ đầy chất nghệ và tài hoa, họ thật đáng ngưỡng mộ. Nhưng khi nhìn thấy họ làm việc đơn lặng trong phòng vẽ mới thấy để được mọi người ngưỡng mộ, thán phục người họa sĩ đã phải lao động sáng tạo cật lực cả ngày lẫn đêm. Họa sĩ Bách cho tôi xem những bức ảnh chân dung anh mới vẽ. Cảm nhận đầu tiên của tôi đó là những bức tranh trông rất có hồn, thông qua những nét vẽ phóng khoáng, không cần tỉa tót nhiều. Họa sĩ Bách nói với tôi ngoài phòng tranh ở đây anh còn một xưởng điêu khắc nữa. Nghề báo của chúng tôi càng tiếp xúc được nhiều đối tượng, càng bám cuộc sống càng có nhiều tác phẩm hay thấm đẫm chi tiết của cuộc sống. Còn đối với những họa sĩ như anh Bách, càng thăng hoa khi chỉ sáng tác một mình trong không gian tĩnh lặng.
Nhà văn Nguyên Huy Thiệp báo cho tôi một tin vui số tranh ông tự vẽ trên đĩa men nung tại Bát Tràng đã được hai nhà sưu tập mua hết với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng. Cho nên năm nay không còn tác phẩm nào để tặng tôi nữa. Mặc dù tôi đã được ông tặng hai chiếc. Ông cho tôi xem một số đĩa mà ông để lại làm kỷ niệm. Đó là những đĩa vẽ chân dung nhà văn Tô Hoài, Văn Cao...
Cũng như mọi năm, năm nay tôi lại xin phép nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được chụp ảnh cùng ông bên pho tượng phật cao ba mét và cành đào ngày xuân Bính Thân. Hy vọng sau này tôi có được bộ ảnh xuân với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.
Hà Hồng
Đánh giá bài viết