Sau một năm chiến đấu hết mình với “giặc” Covid–19, cuối năm Canh Tý 2020 chúng ta thu được những tin vui: Đại dịch Covid-19 được khống chế. Nước ta trở thành một trong những quốc gia hình mẫu trên thế giới về phòng chống Đại dịch Covid-19. Kinh tế tăng trưởng dương, gần 3%. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp, mở ra thời kì phát triển bền vững mới của đất nước.

Mọi người, mọi nhà đang hân hoan chuẩn bị đón năm mới. Đùng một cái “giặc” Covid-19 quay trở lại với những biến thể mới nguy hiểm hơn. Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố khác xuất hiện F0, các ổ dịch. Các cấp chính quyền thành phố Hà Nội căng mình trước trong và sau Tết, cùng người dân phòng chống dịch. Một chuyên gia Nhật bản chết trong khách sạn và được xác định dương tính với Covid-19. Trước đó chuyên gia người Nhật này đi ăn ở nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người trong thành phố. Hơn nữa, dự đoán dịch bệnh sẽ chuyển theo hướng phức tạp khi dòng người về quê ăn Tết đang quay trở lại thành phố để làm việc từ mồng 6 Tết (tức là ngày 17-2-2021). Do vậy, ngày mùng 5 Tết (tức ngày 16-2-2021) thành phố ban hành quyết định đóng cửa quán ăn, cà-phê, trà đá vỉa hè. Người Hà Nội lại sẵn sàng cho một cuộc chiến đấu mới với “giặc” Covid-19.

Hằng chục năm nay, vào đêm giao thừa, Hồ Gươm luôn là nơi được chọn để bắn pháo hoa. Cũng từng ấy năm, tôi đều có mặt tại hồ vào giờ phút thiêng liêng chuyển giao năm cũ sang năm mới. Năm nay do tình trạng đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trong đó có Thủ đô Hà Nội, do vậy chính quyền thành phố dừng 30 điểm bắn pháo hoa, chỉ bắn tại một điểm. Địa điểm được bí mật đến phút chót. Năm nay chắc không bắn phoa hoa ở Hồ Gươm vì chúng tôi đi “tuần” liên tục những ngày sát Tết đều không thấy bãi bắn pháo hoa nào kể cả trong đền Ngọc Sơn (đến phút cuối chúng tôi mới biết nơi bắn pháo hoa là tại Công viên Thống nhất). Thật buồn vì Tết năm nay hồ Hoàn Kiếm không bắn pháo hoa, tôi đành ngồi ở nhà xem táo quân và đón giao thừa qua TV và cũng là hành động hưởng ứng việc giãn cách phòng chống đại dịch Covid-19, may mà Tết tây năm nay đã được xem pháo hoa ở hồ Gươm. Mà táo quân năm nay nhạt, không gây ấn tượng như các năm trước. Cũng thông cảm với các đạo diễn, nghệ sĩ trong việc  phải đáp ứng yêu cầu của người xem, năm nào cũng phải có kịch bản, cách diễn hay về táo quân.

Trước đó, sáng 30 Tết, tôi có mặt ở Hồ Gươm. Lúc này Hồ Gươm vắng bóng người nhưng tràn ngập ánh nắng, sắc mầu của hoa đào, hoa thược dược và nhiều loài hoa khác. Trong khung cảnh đó tôi đã chụp được nhiều bức ảnh phong cảnh thanh bình ở Hồ Gươm. Chập tối 30 Tết tôi có mặt ở Hồ Gươm, dòng người và phương tiện giao thông ùn ùn đổ về đây. Hồ Gươm “thất thủ” vì tình trạng xe ô-tô con đỗ gần như kín khắp vòng hồ. Tình trạng này diễn ra cả những ngày mồng một, mồng hai Tết. Lực lượng cảnh sát giao thông đành bó tay vì số lượng xe vi phạm quá nhiều. Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên, thứ nhất dọc phố Đinh tiên Hoàng, Lê Thái Tổ trồng “bạt ngàn” hoa đào và các loài hoa. Trong dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, Hồ Gươm đã được lát vỉa hè mới bằng đá và dựng kè hồ bằng những khối bê – tông lớn, đèn được lắp chung quanh mép hồ, một số nơi đèn mầu còn được đặt ở đáy hồ đó là bối cảnh mọi người dừng lại chụp ảnh kỷ niệm. Thứ hai, đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp cho nên nhiều người không về quê ăn Tết mà ở lại Hà Nội do vậy số người đi du xuân đông hơn mọi năm.

Nhân dịp xuân Tân Sửu, thành phố đã cho phép đặt hàng chục mô hình con trâu theo tỷ lệ thật với nhiều mầu sắc khác nhau trên các vườn hoa phố Hàng Khay, Lê Thái Tổ, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Buổi tối chỉ thấy lô-gô Vietinbank của nhà tài trợ sáng bừng, còn “đàn trâu” đứng cạnh đó thì chìm trong bóng tối. Hình như họ chỉ chú ý đến quảng cáo. Hoa chung quanh nơi đặt mô trình mấy con trâu bị nhiều người dẫm nát khi họ đứng đó để chụp ảnh. Mặc dù vườn cỏ lau hồng gần Tháp Bút đã được rào chắn, có nơi còn “cắm chông” thế nhưng một số người thiếu ý thức vẫn “xé rào” nhảy vào vườn cỏ lau để chụp ảnh.

Cứ mỗi độ Tết đến xuân về cánh thợ chụp ảnh lại háo hức, í ới gọi nhau đi chụp cảnh đẹp mùa xuân, lễ hội. Nhưng lo nhất những ngày Tết là trời mưa, không nắng, tiết trời ảm đạm do vậy ảnh chụp khó đẹp. Mười năm may ra có đến hai, ba năm là trời nắng vào ngày Tết, còn lại là âm u, mưa phùn. Thật sung sướng là dịp Tết Tân Sửu năm nay trời chủ yếu  là có nắng đẹp, nhiệt độ dao động trong khoảng 20 độ C. Hơn chục năm nay tôi luôn chụp ảnh những người mặc áo dài, do vậy đã có bộ sưu tập áo dài thay đổi ở Hồ Gươm mỗi năm. Mầu sắc chủ đạo của áo dài năm nay là mầu đỏ, trong chất liệu chủ yếu là nhung. Ngoài ra các chị đứng tuổi còn hay mặc áo mầu đơn sắc. Các cháu thanh niên mặc những chiếc áo dài in hình các loại hoa nhỏ, sắc mầu nhẹ nhàng không tương phản như các cô, các bác.

Đã thành truyền thống, cứ sáng mồng một là tôi dậy sớm xách máy ảnh đi chụp phố cổ. Cũng như mọi năm phố cổ luôn đẹp, lãng mạn vào ngày mồng một Tết. Tuy nhiên chủ đề này năm nay không còn hấp dẫn chúng tôi nữa vì trong năm, qua các đợt giãn cách chúng tôi đã chụp được nhiều con phố Hà Nội không có bóng người, chụp buổi trưa cho nên ảnh căng sáng, cung sắc mầu phong phú hơn so với sáng mồng một năm Tân Sửu do tiết trời âm u, không có nắng. Chủ đề những bức ảnh năm nay tôi chụp là hoạt động của người Hà Nội vào sáng mồng một. Phố Tạ Hiền, Ô Quan Chưởng năm nào cũng đông các bạn trẻ đến đây chụp ảnh. Mới lạ nhất là tại vị trí ngã tư phố Hàng Buồm – Đào Duy Từ có một cửa hàng làm mặt tiền là mô hình toa xe tầu điện với tỷ lệ như thật, rất ấn tượng (phố sách 19-12 cũng có mô hình tầu điện nhưng chỉ bằng 1/3 tỷ lệ thật). Các bạn trẻ đã dùng đó làm đạo cụ để chụp ảnh. Họ làm các động tác chạy cắm đầu đu lên toa xe hay một tay bám tầu điện còn người thì ngả ra sau. Đây là tư thế chuẩn bị nhảy xuống, y như thời trẻ con chúng tôi thường làm. Sở dĩ phải ngả ra đằng sau bởi trên thực tế theo quán tính khi nhảy xuống người sẽ bị chúi về đằng trước. Nếu nhảy xuống mà cúi xuống thì chắc chắn mặt sẽ bị “mài” trên đường. Nếu ngửa ra đằng sau, khi tiếp đất người sẽ dựng lên, chạy vài bước là có thể dừng được ngay mà không bị ngã.

Từ phố cổ, tôi đi theo đường Lương Văn Can ra Hồ Gươm, rồi lượng một vòng. Tuy là sáng mồng một nhưng đã có người đi chụp ảnh kỷ niệm với hoa đào mặc dù trời không sáng và có nắng như sáng 30 Tết. Các năm trước tôi thường thấy một số người đạp xe thể thao, xe máy tập trung ở Vườn hoa Lý Thái Tổ, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, nhưng năm nay thì hoành tráng hơn. Hơn năm chục người với chừng ấy xe mô-tô ba bánh, xe phân khối lớn tập trung ở đây. Tiếng xe nổ phành phạch, rú ầm cả quảng trường, mất cả không khí ngày xuân. Họ là thành viên của Câu lạc bộ mô tô thể thao Thanh Xuân Hà Nội. Trông ai cũng to con, ăn mặc theo thời trang của mình: áo da, mũ lưỡi trai, đeo kính đen. Có hội viên còn cho cả vợ con đi cùng. Hơn chính giờ sáng các xe phân khối lớn, ba bánh rồ ga đi thành từng đoàn tản ra các phố cổ, không gian nơi đây tĩnh lặng trở lại như sáng mồng một các năm trước.

Hà Hồng

hohoankiem.org

  Đánh giá bài viết

Bài viết số 952 đã được: 7.0/10 (1 Đánh giá)


Bài viết liên quan Bài viết ngẫu nhiên
Hồ Gươm, 22-3-2024
Vật lưu niệm: Rùa Hồ Gươm, Tháp Bút, Đài Nghiên, cầu Thê Húc
Người Hà Nội yêu cây, yêu Hồ Gươm là thế!
Ngụm nước mát giữa trời nóng
Mát thì có mát nhưng...
Vùng đất văn hóa Hồ Gươm: Ước vọng về một cuộc sống hòa bình
Vùng đất văn hóa Hồ Gươm: Tháp Bút
Vùng đất văn hóa Hồ Gươm: Phố Hàng Trống
Vùng đất văn hóa Hồ Gươm: Chuông Nhà thờ Lớn
Vùng đất văn hóa Hồ Gươm: Đình Trấn Ba
Rồng thời Lý xuất hiện tr...
Ngẫu hứng Yukiniro Udero
Cử chỉ đẹp
Nắng thu
Các bạn trẻ ơi, di tích đ...
Việc hút bùn thí điểm chư...
Buổi sinh nhật ấm cúng và...
Mỏng manh tính mạng người...
Công trình kè Hồ Gươm đoạ...
Chào năm mới 2014
Hãy Register thành viên để có thể viết nhận xét

Nếu bạn thấy bài viết hay vui lòng Bookmark bài viết. Cám ơn bạn!

Bookmark and Share