Tượng quý chùa Báo Ân trưng bày tại Bảo tàng Guimet (Pháp) Không rõ

[03/07/2024 22:00 | Ghi nhanh | Nhận xét(0) | Đọc(32) ]
   Nguồn: Tự viết || Sưu tầm | Lớn | Vừa | Nhỏ
hohoankiem.org

Đến Pari lần này, một nhiệm vụ mà tôi tự đặt ra là phải đến Bảo tàng quốc gia Nghệ thuật châu Á (Guimet) để tận mắt chiêm ngưỡng pho tượng quý của chùa Báo Ân, ngôi chùa tọa lạc ngay sát Hồ Gươm với dấu tích còn lại là tháp Hòa Phong.

Chùa được Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai xây dựng từ năm 1842 - 1846 cho nên cũng hay được gọi là chùa Quan Thượng, hay chùa Nguyễn Đăng Giai. Trong chùa có những bức tranh Thập điện Diêm Vương mô tả những hình phạt ở dưới các tầng địa ngục cho nên người Pháp còn gọi chùa là Pagode des Supplices (chùa Khổ Hình). Tuy nhiên, Báo Ân là tên gọi phổ biến nhất của chùa vào giữa thế kỷ XIX.

Chùa Báo Ân là một ngôi chùa lớn, rộng khoảng 40 hécta “quy mô lớn nhỏ 36 tòa, gồm 188 gian, nhà thờ Phật rộng rãi tráng lệ”.

Qua phóng viên Nguyễn Ngọc Duy thường trú của Báo Nhân Dân tại Pari, tôi đã liên hệ (bằng Email) với cán bộ của Bảo tàng Guimet và được biết tại bảo tàng đang trưng bày một pho tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm có nguồn gốc từ chùa Báo Ân.

Ngày 30-6-2024, tôi đến bảo tàng Guimet, chỉ cần đưa thẻ nhà báo là được vào, không phải mua vé. Tôi hồi hộp bước nhanh đến gian trưng bày  tượng gỗ và đồ gốm của Việt Nam tại phòng cuối của tầng một. Vào phòng trưng bày lớn, trước mắt tôi là bốn pho tượng gỗ, phía bên phải là pho tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm. Phía đối diện là một nhân viên bảo tàng ngồi im lặng, bất động như tượng, theo dõi từng cử chỉ của người xem. Họ bảo vệ nghiêm ngặt những pho tượng ở đây. Người đến xem chủ yếu là người châu Á, mọi người đi lại nhẹ nhàng, trao đổi thì thầm để không ảnh hưởng đến nhau.

Qua ảnh trên sách, báo, mạng Internet tôi đã nhìn thấy ảnh pho tượng nhưng khi nhìn trực tiếp với ánh sáng tập trung trên nền phông sẫm màu, pho tượng sống động hơn rất nhiều. Ánh sáng soi pho tượng đủ cường độ để tôi chụp gần ba chục bức ảnh với nhiều góc, nhiều cự ly. Không chỉ chụp toàn cảnh, trung cảnh tôi còn chụp cận cảnh các chi tiết ngón tay, vết nứt, mắt, khuôn mặt... Tôi luôn nghĩ rằng đó là những bức ảnh tư liệu quý,  sẽ được trưng bày trong Không gian Văn hóa Hồ Gươm.

Pho tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm được tạo hình bằng chất liệu gỗ, phủ sơn, thếp vàng. Pho tượng có chiều cao tổng thể  là 151cm, trong đó chiều cao từ chân tới đầu tượng là khoảng 130cm, khoảng rộng lớn nhất giữa hai cánh tay là 140cm. Pho tượng có ba lớp tay: Lớp thứ nhất gồm 6 cánh tay lớn đặt phía trước, lớp thứ hai có 38 cánh tay lớn, lớp thứ ba là hàng trăm cánh tay nhỏ xếp theo hình quạt, khoảng dày nhất gồm 6 lớp tay. Những cánh tay nhỏ này được xếp thành các vòng tròn đồng tâm, tạo thành vầng hào quang vây quanh pho tượng.

Tôi thấy nhiều bàn tay, ngón tay đã bị vỡ, mất ngón, cụt ngón, màu phết lên pho tượng nhiều chỗ đã phai.

Theo các chuyên gia những đặc trưng trong nghệ thuật tạo hình của pho tượng chùa Báo Ân cho thấy đây là hình tướng của Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm.

Trong thời kỳ Thực dân Pháp xâm lược nước ta nhiều chùa, đền, di tích lịch sử bị phá, nhiều cổ vật bị cướp và đưa ra nước ngoài, trong đó có cả những pho tượng quý như pho tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm chùa Báo Ân. Tư liệu cho thấy Pho tượng được ông Gustave Dumoutier lúc đó đang làm trợ lý văn hóa và phiên dịch của Tổng sứ Trung-Bắc Kỳ Paul Bert, đưa về Bảo tàng Guimet năm 1889. Sau khi đến Pháp, pho tượng được trưng bày trong chuyên đề “Pagode Tonkinoise” (Chùa Bắc Kỳ) ở Triển lãm quốc tế tại Paris năm 1889. Vài năm sau pho tượng lại xuất hiện tại vị trí trung tâm trong “Khu trưng bày Đông Dương” của Bảo tàng Guimet. Sau đó pho tượng bị lãng quên trong kho và bị nhầm tưởng thành một bức tượng có nguồn gốc Trung Quốc, niên đại được suy đoán vào thời Ngũ Đại hoặc thời Tống. Đến thập niên 90 của thế kỷ XX, các chuyên gia phục chế hàng đầu của Bảo tàng Guimet đã phục chế lại pho tượng từ hơn 800 mảnh vỡ nhỏ để tái tạo vẻ hoàn chính đến từng chi tiết như hiện nay.

Pho tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm chùa Báo Ân được các chuyên gia nước ngoài đánh giá là một trong số ít hiện vật của Bảo tàng Guimet được các nhà nghiên cứu nước ngoài đánh giá cao về giá trị độc đáo trong nghệ thuật, thẩm mĩ.

Trước khi rời khỏi phòng trưng bày tôi thầm mong một ngày nào đó Pho tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm chùa Báo Ân sẽ được trưng bày ở Hà Nội để người dân được chiêm ngưỡng một tác phẩm nghệ thuật tuyệt tác của người Việt xưa.

Hà Hồng

hohoankiem.org

  Đánh giá bài viết

Bài viết số 1073 đã được: 0.0/10 (0 Đánh giá)


Bài viết liên quan Bài viết ngẫu nhiên
Ga tàu điện ngầm Stockholm - Triển lãm nghệ thuật dưới lòng đất
Được ôm Rùa phát hiện từ năm 1914
Nhà thờ Duomo - một công trình xây dựng trong hơn năm thế kỷ
Đi đường dài để được ngắm Tháp nghiêng Pisa trong 30 phút
Hồ Como với biệt thự Balbianello đẹp như tranh vẽ
Chuẩn bị cho "trận đánh lớn"
Hồ Gươm, 22-3-2024
Về thôi em về với mùa hoa đỏ
Họp tổng kết Chi hội Ảnh báo chí
Hoa hậu thân thiện Dương ...
Ngồi thiền
Sắc mầu tuổi trẻ bên hồ H...
Ghi nhanh 27 Tháng 10: Sậ...
Nắng thu
Tượng quý chùa Báo Ân trư...
Cụ Rùa nổi sáng 20-1-2008
Rùa nổi chiều 29-7-2012
Điểm báo KH&CN trên k...
Món quà đầu năm
Tags:
Hãy Register thành viên để có thể viết nhận xét

Nếu bạn thấy bài viết hay vui lòng Bookmark bài viết. Cám ơn bạn!

Bookmark and Share