Vì sao 'Thăng Long tứ quán' còn im tiếng? Không rõ

[30/04/2013 21:39 | Thư viện | Nhận xét(0) | Đọc(6141) ]
   Nguồn: Tự viết || Sưu tầm | Lớn | Vừa | Nhỏ
hohoankiem.org
Chùa Vua thực ra bao gồm chùa Hưng Khánh thờ Phật và điện Thiên Đế (tức quán Đế Thích xưa) thờ Vua cờ Đế Thích. Tuy nhiên, những chi tiết hấp dẫn và dễ ám ảnh lòng người như thế lại chưa thấy xuất hiện quanh khu vực chùa khiến hàng vạn du khách qua lại hè phố Thịnh Yên mỗi ngày vô tình bỏ lỡ cơ hội chiêm ngưỡng một di tích độc đáo.

Highslide JS
Chùa Vua - Di tích lịch sử cách mạng độc đáo của Hà Nội - Một trong "Thăng Long tứ quán xưa".


Nằm giữa khu phố Thịnh Yên bán buôn sầm uất, chùa Vua được đông đảo người dân Hà Nội tới lui thăm viếng vào mỗi tiết rằm, mùng 1 (âm lịch), hoặc các dịp lễ hội hàng năm. Chùa Vua vốn là một trong “tứ quán” nổi danh của thành Thăng Long xưa: “Thăng Long tứ quán”. Nhưng, ngoài hai tấm biển ở hai bên tam quan có lưu dòng chữ: “Di tích lịch sử Cách mạng - chùa Vua - quán Đế Thích” và “Di tích đã được xếp hạng - Cấm vi phạm”, không còn chỉ dẫn nào giúp khách viễn du có thể tường tận hơn những sự tích nhuốm màu huyền thoại của ngôi chùa cổ này...  

“Thăng Long tứ trấn” từ lâu đã quen thuộc với cư dân Hà Nội. Bốn ngôi Đền thiêng trấn giữ bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc của thành Thăng Long vẫn còn nguyên dấu tích và được truyền tụng đến hôm nay: Trấn Đông có đền Bạch Mã (hiện nằm trên phố hàng Buồm) thờ thần Long Đỗ - được coi như thành hoàng xưa nhất của Hà Nội. Trấn Tây có đền Voi Phục (nằm trong khuôn viên Thủ Lệ), thờ hoàng tử Linh Lang, con trai thứ tư của vua Lý Thánh Tông. Trấn Nam có đền Kim Liên (nằm tại phường Phương Liên) thờ Cao Sơn Đại Vương. Trấn Bắc có đền Quán Thánh (trên đường Thanh Niên) thờ Huyền Thiên Trấn Vũ.

“Tứ quán Thăng Long” ít được nhắc tới hơn, nhưng cũng là những di tích không thể lãng quên khi Hà Nội đón chào tuổi tròn thiên niên kỷ. “Quán” được coi như nơi tu hành của những người theo đạo Giáo, vốn rất phát triển ở nước ta cho đến đời nhà Mạc. Từ giai đoạn Lê Trung Hưng, đạo Giáo bắt đầu lụi tàn, suy thoái, những đạo quán dần được chuyển đổi thành chùa, làm nơi thờ Phật.

Chùa Vua còn lưu một phần dấu vết của Đế Thích quán, cùng với Huyền Thiên quán đã thành chùa Huyền Thiên (trên phố Hàng Khoai), Đồng Thiên quán nay là chùa Kim Cô (tọa lạc tại phố Đường Thành) và Trấn Vũ quán chính là đền Quan Thánh…

Thăng Long có “tứ quán” và “tứ trấn”, nhưng thực chất lại chỉ có bẩy địa danh… bởi đền Quán Thánh đã thuộc về cả hai “hạng mục”. Tất cả những nơi thờ tự linh thiêng này đều đã được nhà nước xếp hạng di tích cấp quốc gia từ lâu…

Mang trong mình nhiều giai thoại và biết bao thăng trầm dâu bể qua  trăm năm có lẻ, nhưng cả khách thập phương và những cư dân sinh sống liền kề với “Thăng Long tứ quán” xưa, hầu như ít có điều kiện hiểu, cảm được trọn vẹn số phận lịch sử của di tích.
Các nhà quản lý văn hóa Hà Nội chưa tạo ra một điểm nhấn nào níu chân du khách, giúp mọi người thấm hơn giá trị vượt thời gian của mái ngói rêu phong, cổng tam quan hay những bức tượng cổ lâu đời.

Không hề bị tác động bởi không khí ồn ã xô bồ của khu vực chợ Trời, chùa Vua vẫn giữ được dáng vẻ thâm nghiêm, trầm mặc. Thực ra, trong khuôn viên này là quần thể gồm chùa Hưng Khánh thờ Phật và điện Thiên Đế, chính là quán Đế Thích xưa… Đây cũng là nơi một người con Kẻ Mơ - Hà Nội, chàng thanh niên Nguyễn Phong Sắc, Bí thư xứ ủy Trung Kỳ, người phụ trách trực tiếp cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930 - 1931 đã  trú ẩn, để lẩn tránh sự truy bắt của thực dân Pháp. Chùa Vua mở hội từ ngày 5 đến 9 tháng giêng âm lịch, với tục đấu cờ tướng nức tiếng khắp vùng, luôn thu hút được nhiều kỳ thủ tham gia.
Tuy nhiên, những chi tiết hấp dẫn và dễ ám ảnh lòng người như thế lại chưa thấy xuất hiện quanh khu vực chùa. Thiếu hoàn toàn những bia đá giới thiệu, những hàng chữ chú giải đầy đủ và cô đọng, hàng vạn khách du qua lại hè phố Thịnh Yên mỗi ngày đều vô tình bỏ lỡ một cách rất đáng tiếc cơ hội chiêm ngưỡng một di tích độc đáo.

Tấm biển “Di tích đã được xếp hạng - Cấm vi phạm” vô hình chung chỉ làm chùn chân người muốn dừng bước, và cũng là một sự giễu cợt khi ngay bên cổng chùa, hàng quán, xe cộ vẫn rải đều…

Không chỉ chùa Vua, những di tích khác của “Thăng Long tứ quán” cũng đang chịu cảnh ngậm ngùi vì chưa thể khiến cho khách thập phương, cả du khách quốc tế tỏ tường hơn thân phận của chính mình.

Di tích chỉ có thể đồng vọng cùng cuộc sống đương đại, khi những người tham gia vào việc giữ gìn, quản lý giúp hiện vật cất tiếng, nói thành lời những bí ẩn đã được lưu giữ qua tháng năm. Chuẩn bị cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, người dân cả nước đang ngày ngày hướng về Thủ đô… Những khoản kinh phí khổng lồ đã được chắt chiu từ nguồn vốn ngân sách, để các cấp, các ngành chung tay tu bổ, tôn tạo, giữ gìn hệ thống di tích rải đều khắp các nẻo đường Hà Nội. Thế nhưng, đôi khi các cơ quan quản lý văn hóa Hà Nội mải mê lo việc lớn mà bỏ qua những chi tiết nhỏ.

Theo Người Hà Nội
hohoankiem.org

  Đánh giá bài viết

Bài viết số 597 đã được: 3.5/10 (21 Đánh giá)


Hãy Register thành viên để có thể viết nhận xét

Nếu bạn thấy bài viết hay vui lòng Bookmark bài viết. Cám ơn bạn!

Bookmark and Share