Khu vực hồ Hoàn Kiếm được coi như vùng đất địa linh; bảo tàng sống đang sống trong cuộc sống đương đại. Nơi đây còn lưu giữ nhiều “hiện vật” quý báu như đền Ngọc Sơn, tháp Hòa Phong, Tháp Rùa, đền Bà Kiệu…
Hồ lô trên nóc Phương đình (HH)
Nhiều năm đi bộ chung quanh hồ, chúng tôi phát hiện trên nóc các công trình kiến trúc nói trên thường đặt biểu tượng quả hồ lô. Hồ lô được đặt trên nóc Tháp Hòa Phong (một trong công trình kiến trúc thuộc quần thể chùa Báo Ân) có kích thước to nhất (cao khoảng 45 cm, đường kính bầu khoảng 30 cm). Nhìn các bức ảnh tư liệu chụp chùa Báo Ân đầu thế kỷ 20 chúng tôi thấy đỉnh nhiều tháp trong chùa khi chưa bị phá cũng gắn biểu tượng hồ lô.
Biểu tượng hồ lô to thứ hai được đặt trên nóc phương đình của khu tưởng niệm Vua Lê, rồi đến đình Kính chữ trong khuôn viên đền Ngọc Sơn. Biểu tượng hồ lô nhỏ nhất được đặt trên mái nhà đền Bà Kiệu và Tháp Rùa. Đứng trên tầng ba của Tháp Rùa chúng tôi nhìn thấy hồ lô được đắp bằng xi-măng (cao khoảng 20 cm, đường kính bầu khoảng 15 cm). Hồ lô được đặt trên nóc tháp có bốn con rồng chầu chung quanh.
Vì sao biểu tượng hồ lô lại được đặt với mật độ dày như vậy tại khu vực hồ Hoàn Kiếm?
Đọc sách chuyên viết về hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận của Nguyễn Văn Uẩn (Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20), Nguyễn Vinh Phúc (Hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn) và nhiều quyển sách khác có liên quan, chúng tôi không thấy đề cập việc này. Sưu tầm các bài viết trên mạng in-tơ-nét chúng tôi thấy có nhiều giả thuyết, truyền thuyết thần bí của người xưa về ý nghĩa của quả hồ lô, việc đặt quả hồ lô tại một số vị trí trong nhà cũng như trên nóc đình, đền.
Theo bài viết “Quả hồ lô và tác dụng trong phong thủy” (đăng trên NHAXUAN.VN) cho thấy: Thông qua những chữ tượng hình tìm được trên Giáp cốt văn, người ta cho rằng hồ lô đã được trồng ở Đông-Nam Á cách đây hơn bảy nghìn năm trước. Phân tích ngữ âm, ngữ nghĩa theo Hán tự ở phần tên gọi hồ lô thì hình ảnh hồ lô mang biểu trưng của phúc lộc, thăng tiến. Người xưa cũng cho rằng hồ lô là biểu tượng cho sự hài hòa âm, dương.
Sở dĩ người xưa quan niệm như vậy là vì hồ lô vốn là loại quả cùng với họ bầu bí, có hoa tự thụ phấn, do vậy nó tự mang trong mình sự hài hòa âm, dương. Một triết lý mà người xưa thường sử dụng để lý giải về sự tồn tại cân bằng của nhiều sự vật hiện tượng xảy ra trong đời sống thường ngày.
Phật giáo và Lão giáo đều rất xem trọng hồ lô, coi đó là biểu tượng của điềm lành. Hồ lô được dùng làm bình đựng rượu tiên của nhiều vị Phật trong Phật giáo. Lọ nhỏ đựng nước cam lộ của Quan Thế Âm Bồ Tát cũng thường có hình dạng giống hồ lô. Trong Lão giáo, hồ lô là pháp bảo trừ tà, hóa giải tà khí, bắt giữ linh hồn xấu. Theo quan niệm của người xưa, hồ lô còn là tượng trưng của vũ trụ thu nhỏ. Theo Đạo giáo, không gian bên trong hồ lô là thế giới của thần tiên, là vũ trụ độc lập với bên ngoài, có thể biến to, cũng có thể thu nhỏ, thông với bên ngoài bằng một cửa hẹp: miệng hồ lô. Vũ trụ bên trong hồ lô chỉ có hạnh phúc, tiên cảnh, có sự thăng hoa mà không hề có chiến tranh, bất ổn của thế giới nhân sinh.
Hồ lô trên nóc Tháp Rùa (HH)
Tại đền An Thọ (số 12 đường Thanh Niên, Hà Nội) chúng tôi phát hiện một bài thơ có tựa đề: Sơn hà tứ huyệt. Bài thơ sáng tác vào đời Trần (thế kỷ 13) khẳng định nước ta có bốn đại trọng huyệt đó là: Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, Lục đầu Giang (Bắc Giang) (nơi sáu con sông gặp nhau), chùa Hương (Hà Tĩnh). Là một trong bốn đại trọng huyệt của quốc gia cho nên hồ Hoàn Kiếm là nơi tập trung năng lượng của vũ trụ, do vậy việc đặt hồ lô trên nóc các đền, đình khu vực hồ Hoàn Kiếm sẽ hút được nhiều năng lượng vào bầu, làm cho vùng đất này càng trở nên linh thiêng. Hơn nữa, đối với văn hóa phương Đông, hình tượng hồ lô luôn có một sức sống bền vững trong tâm thức của mỗi người cùng ước vọng về một cuộc sống an lành, hạnh phúc. Đó có thể là một trong những lý giải vì sao người xưa lại đặt nhiều hồ lô ở khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Hà Hồng