» Vị trí : Đang xem tin
Chuyên mục: Những người Bạn
Công trình kè Hồ Gươm đoạt hai giải thưởng
Cập nhật: 28-10-2022 | Đã xem: 579

Tối 27-10-2022, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức lễ trao Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ và Giải thưởng WIPO năm 2021.

Theo ban tổ chức,  trong 30 năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam – cơ quan thường trực đã tổ chức thành công 27 lần Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam  dành cho các lĩnh vực công nghệ ưu tiên : Cơ khí tự động hóa; Sinh học phục vụ Sản xuất và đời sống; Công nghệ Thông tin, Điện tử và Viễn thông; Công nghệ Vật liệu mới; Tiết kiệm Năng lượng và Sử dụng năng lượng mới; Công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên.

Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam đã thu hút được sự tham gia tích cực của đông đảo các nhà khoa học, các nhà sáng tạo trong cả nước. Nhiều công trình đoạt giải đã và đang áp dụng trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, góp phần thúc đẩy sản xuất của các doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, thay thế nhập khẩu và tạo ra thị trường công nghệ phục vụ đời sống – xã hội và an ninh - quốc phòng. Đã có khoảng 3.000 công trình tham gia và gần 1.000 công trình đoạt giải.
Năm 2021, Ban Tổ chức Giải thưởng đã họp và quyết định trao giải cho 45 công trình bao gồm : 4 giải nhất, 8 giải nhì, 14 giải ba và 19 giải khuyến khích.

Bốn giải Nhất được trao cho các công trình :
Lĩnh vực cơ khí – tự động hóa :
Công trình " Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị xì tháo thuốc nổ phục vụ xử lý bom mìn, vật nổ cơ động " của Trung tá, TS. Tô Đức Thọ Cục Khoa học quân sự - Bộ Quốc phòng và các cộng sự.

Lĩnh vực công nghệ vật liệu :
Công trình " Ứng dụng công nghệ phễu bê - tông (Top-Base) trong việc gia cố nền đất yếu tại Việt Nam " của tác giả KS Phạm Thành Công và các cộng sự - Tập đoàn GFS.

Lĩnh vực sinh học phục vụ sản xuất và đời sống:
Công trình "Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống chè PH8 cho năng suất cao, chất lượng tốt góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất chè cho các địa phương trong cả nước " của tác giả TS. Nguyễn Thị Minh Phương và các cộng sự - Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm  miền núi phía Bắc, tỉnh Phú Thọ.

Lĩnh vực công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên :
Công trình " Công nghệ, sản phẩm, giải pháp kỹ thuật, biện pháp thi công kè bảo vệ bờ hồ Hoàn Kiếm " của tác giả TS. Hoàng Đức Thảo, Công ty cổ phần khoa học công nghệ Việt Nam (BUSADCO), tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) xét và trao bằng chứng nhận và Huy chương vàng cho hai công trình :
Công trình: "Công nghệ, sản phẩm, giải pháp kỹ thuật, biện pháp thi công kè bảo vệ bờ hồ Hoàn Kiếm " của tác giả TS. Hoàng Đức Thảo, Công ty cổ phần khoa học công nghệ Việt Nam, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Công trình: "Ứng dụng công nghệ phễu bê tông (Top-Base) trong việc gia cố nền đất yếu tại Việt Nam" của tác giả KS Phạm Thành Công và các cộng sự - Tập đoàn GFS.

Như vậy công trình kè Hồ Gươm bằng bê – tông cốt phi kim của Công ty BUSADCO đã nhận cùng lúc hai giải thưởng: Giải sáng tạo Khoa học Công nghệ  và WIPO. Trả lời câu hỏi của chúng tôi về cảm tưởng sau khi biết công trình đoạt cùng lúc hai giải thưởng ông Hoàng Đức Thảo, Tổng giám đốc  BUSADCO cho biết: Tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi công trình của chúng tôi đạt cùng lúc hai giải thưởng nói trên.

Kè hồ Hoàn Kiếm được làm bằng cấu kiện kè bê - tông cốt phi kim được thiết kế và sản xuất riêng cho công trình. Đây là thiết kế kế thừa và phát triển từ công nghệ nền đạt giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Công nghệ đợt 5 năm 2016: “Cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông hồ và đê biển BUSADCO”. Kè hồ Hoàn Kiếm có chiều dài 1540 mét; cao trình kè thay đổi từ +8.00m đến +8.57m, cao độ đáy hồ trung bình +5.6m. Thời gian thực hiện: từ tháng 06/2020 đến tháng 08/2020. Công trình đã hoàn thành sau 65 ngày, về đích trước 2 tháng so với thời gian yêu cầu của hồ sơ mời thầu

Công trình Kè hồ Hoàn Kiếm là tổ hợp của công nghệ chế tạo; thiết kế sản phẩm; giải pháp kỹ thuật công trình và biện pháp thi công mang tính sáng tạo vượt trội, chưa từng thực hiện ở đâu. Công trình hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng mang lại hiệu quả đặc biệt về kỹ thuật, kinh tế - xã hội, văn hóa, xử lý dứt điểm tình trạng sạt lở, lún sụt, sập xệ, nhếch nhác trước đây. Công nghệ mới bền vững, đáp ứng Quy chuẩn quốc gia công trình bậc 1 có tuổi thọ hơn 100 năm, vì vậy, hằng năm sẽ không phải duy tu, sửa chữa, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng, bảo đảm thẩm mỹ, bản sắc văn hoá lịch sử khu vực Hồ Gươm – di tích quốc gia đặc biệt. Kè Hồ Hoàn Kiếm được tính toán kỹ lưỡng, tỷ mỉ về kỹ thuật, mỹ thuật, văn hóa và bảo vệ môi trường, góp phần cải tạo, chỉnh trang bờ hồ đồng bộ với hệ thống chiếu sáng cảnh quan, chiếu sáng đô thị tạo cảnh quan đô thị, tạo bộ mặt khang trang cho khu vực xung quanh hồ nhưng vẫn đảm bảo được tính lịch sử, không gian văn hóa cho người dân thủ đô cũng như du khách đến với Hà Nội. Tăng giá trị sử dụng công trình cũng như góp phần vào nhiệm vụ tạo môi trường trong xanh, sạch đẹp, văn minh cho Thủ đô Hà Nội.

Ngày 19-8-2020, trước khi hợp long kè Hồ Gươm một ngày, tôi gặp anh Hoàng Đức Thảo, đội mũ cối, đang đứng tần ngần trên đầu cầu Thê Húc. Anh tâm sự: Ngày mai hợp long kè rồi anh à, thế là sau 65 ngày thi công cấp tập cả ngày lẫn đêm, chúng tôi đã hoàn thành công việc của mình trước thời hạn 2 tháng. Tôi có trao đổi với anh, công trình thật sự có ấn tượng khi dùng cấu kiện bê – tông phi kim, có mác bê -tông lên 400. Tuy vậy, nhìn thấy mái bê – tông trắng toát ngăn cách mầu xanh của hồ “lục thuỷ” với “rừng” cây chung quanh hồ, tôi nói, có vẻ chưa ổn anh Thảo à. Anh Hoàng Đức Thảo cũng đồng ý quan điểm đó và cho biết có ý định “nhuộm xanh” mái kè bê – tông, nhưng cấp trên không duyệt. Anh Hoàng Đức Thảo vui mừng báo tin: Cho đến nay, sau 2 năm hoàn thành, công trình kè bảo đảm chất lượng bền vững, ổn định cấu kiện, đáp ứng tất cả các mục tiêu của dự án đề ra, nhất là rêu đã phủ lên bờ kè, màu sắc hài hòa với hồ nước, hàng cây chung quanh hồ và các di tích lịch sử, góp phần làm tăng vẻ mỹ quan cho khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Tối 27-10-2022, anh Hoàng Đức Thảo đưa cả gia đình, anh em, bạn bè hơn 30 người từ Vũng Tầu ra Hà Nội, đến nhà hát Lớn để nhận giải thưởng. Anh là một nhân vật được giới truyền thông chú ý, do vậy khi nhìn thấy anh, các nhà báo vây chung quanh để phỏng vấn.
Thật vui vì một người từ phương nam xa xôi đã làm đẹp cho Hồ Gươm bằng một công trình xây dựng có chất lượng cao, với tuổi thọ dự kiến hơn 100 năm!

Hà Hồng

TIN MỚI NHẤT
1. Một kỷ niệm làm báo của bố tôi (Cập nhật: 2-6-2024 | Đã xem: 26)
3. Người gắn bó với Hồ Gươm nhiều năm (Cập nhật: 24-1-2024 | Đã xem: 303)
4. Món quà đầu năm (Cập nhật: 2-1-2024 | Đã xem: 286)
5. Hai niềm vui trong một buổi chiều. (Cập nhật: 13-10-2023 | Đã xem: 396)
6. Dịp tổng hợp lại các tri thức về Hồ Gươm (Cập nhật: 21-9-2023 | Đã xem: 298)
7. Chú Đức Lượng (Cập nhật: 16-9-2023 | Đã xem: 315)
8. Buổi sinh nhật ấm cúng và vui vẻ (Cập nhật: 11-9-2023 | Đã xem: 327)
9. Đại tá, nhà báo, NSNA Trần Hồng (Cập nhật: 7-9-2023 | Đã xem: 283)
11. Gặp người Hà Nội ở Stockholm (Cập nhật: 7-8-2023 | Đã xem: 213)
CÁC TIN KHÁC
1. Hội ngộ nhóm chụp ảnh Hồ Gươm (Cập nhật: 31-10-2016 | Đã xem: 4354)
2. HOHOANKIEM.ORG với sáu năm tồn tại và phát triển (Cập nhật: 29-1-2012 | Đã xem: 6376)
3. Cảm nhận của người được tặng ảnh (Cập nhật: 19-6-2022 | Đã xem: 347)
6. Gặp người Hà Nội ở Stockholm (Cập nhật: 7-8-2023 | Đã xem: 213)
7. Độc đáo "Sắc mầu Hồ Gươm" (Cập nhật: 26-11-2015 | Đã xem: 5821)
9. Dịp tổng hợp lại các tri thức về Hồ Gươm (Cập nhật: 21-9-2023 | Đã xem: 298)
10. Nồi bánh chưng trong ngõ nhỏ (Cập nhật: 8-2-2016 | Đã xem: 5236)
KháchLogin
Đang tải bộ tìm kiếm . . .