Tôi gặp Nghệ sĩ Hà Hồng vào một chiều cuối thu Hà Nội tại tư gia của anh nằm trong ngõ phố Lý Thường Kiệt, trời se se lạnh nhưng vẫn có nắng vàng. Chiều buông chầm chậm trên con ngõ nhỏ chỉ dài chừng 100m, không gian thật yên tĩnh. Tôi đứng trong gian phòng tầng hai ngôi nhà cổ, dưới chân là nền gạch cũ được lát gạch men trắng có từ thời Pháp thuộc. Hà Nội trở về với dáng vẻ trầm mặc, u tịch chôn giấu trong mình những câu chuyện lắng đọng hồn sông núi.
Những gì tôi được chúng kiến trong không gian nhỏ này như một “bảo tàng” về Hồ Gươm. Nhà báo, Ns. Hà Hồng mang nặng những suy tư về Thăng Long - Hà Nội. Anh say sưa nói với tôi, mà không, anh như diễn giải lòng mình trước đám đông về Thăng Long với một tình yêu và trách nhiệm ít người có được. Mỗi hiện vật anh sưu tập là những câu chuyện gắn với nơi mà anh đang sống, chứa đựng nhiều thông điệp từ xa xưa của người Hà Nội, song dấu ấn hay những hào quang từ quá khứ thì vẫn tỏa rạng.
Anh giới thiệu với tôi những bức ảnh mà anh chụp được những khoảnh khắc bên Hồ Hoàn Kiếm. Đúng là hình ảnh đó chỉ xuất hiện trong những thời khắc ngắn ngủi và không bao giờ lập lại. Đó là những hình Rồng hiện lên trên mảnh đất Thăng Long - Nào là những đám mây mang hình Rồng vàng, rong rêu ven hồ cũng kết thành hình Rồng, rồi đến khói nhang cũng vương vần hình Rồng….Nói theo chuyên ngành thì đó là Hiện thực huyền ảo, bởi lẽ nhưng nghĩ suy về nó đã nằm sâu trong tâm khảm của riêng anh với những huyền thoại gắn chặt với mảnh đất này.
Ở đây dù chỉ là một đoạn dây thừng cũng có lai lịch của nó. Anh kể cho tôi đó là một phần chiếc dây mà một giáo dân già dùng để kéo chuông ở Nhà thờ lớn đã mấy chục năm. Bây giờ người ta dùng công nghệ thay thế, có thể đúng giờ hơn nhưng thiếu đi cái âm hưởng mang cảm xúc người vui buồn cùng thế sự. Rồi đến chiếc đồng hồ treo ở Bưu điện thành phố, miếng da của Cụ Rùa đựng trong một chiếc hộp nhỏ trang trọng. Từ chiếc phin pha cà phê tự chế của một thương hiệu cà phê nổi tiếng thời bao cấp cho đến cái thước giây của một nhà may lâu năm ở đất Kinh thành…
Tôi đọc được ước mơ trong mắt anh, muốn biến nơi này trở thành một địa điểm để được nhìn, được nghe anh kể chuyện về Hồ Gươm, về Thanh Long Hà Nội bằng những bức ảnh, bằng những hiện vật mà anh sưu tập được với du khách, với những ai muốn tìm hiểu về mảnh đất Kinh Kỳ, nơi anh sinh ra và lớn lên. Kinh đô 1000 năm trải qua biết bao những thăng trầm, nhưng dường như càng thăng trầm bao nhiêu thì sức sống, sự quyến rũ của nó lại cứ tăng thêm theo những thăng trầm ấy của lịch sử.
Thật đáng trân qúi, trong giới nhiếp ảnh của chúng ta đã có "Ký ức NA" của Ns. Phạm Công Thắng, nay lại thêm "Ký ức bên Hồ Gươm" (NV) là những dấu hiệu đáng mừng. Có thể trở thành một hướng đi trong trào lưu mới?
“Tình yêu bắt đầu từ muôn ngàn xa cách.
Mà vẫn thủy chung hóa đá chờ mong.”
Thanh Bằng