Cửa hàng xôi chị Thanh ở chùa Bà Đá

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
http://hohoankiem.org/_data/c300409x/xoichithanhx3.jpg
Nhiều năm nay, cửa hàng xôi của chị Thanh ở cổng chùa Bà Đá luôn đông khách đến ăn sáng. Khách ăn đầu giờ sáng chủ yếu là cậu bé, cô bé học sinh trường tiểu học Tràng An, Tô Hiệu, THCS Hoàn Kiếm. Chúng được bố mẹ đưa đến đây để ăn sáng trước khi vào lớp. Cả bố, mẹ, và các cháu đều khẩn trương, vội vã, sáng nào cũng như sáng nào.

Có một phụ huynh, luôn làm cánh đàn ông chúng tôi chú ý. Chị có dáng cao, chân thon, dài, và bộ mặt buồn, thường đưa đứa con trai đến ăn sáng. Chị thường mặc váy ngắn gần như cả bốn mùa, trừ những ngày đông giá lạnh. Chị Thanh chủ cửa hàng xôi hay nói vui với chúng tôi: Các anh mải nhìn cô chân dài, dáng đẹp mà quên cả ăn xôi của em. Lâu nay chúng tôi không nhìn thấy vị phụ huynh đó nữa. Nghe đâu vị phụ huynh đó đã đi nước ngoài.


Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
http://hohoankiem.org/_data/c300409x/xoichithanhx1.jpg
  
Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
http://hohoankiem.org/_data/c300409x/xoichithanhx4.jpg


Sau khi bọ trẻ ăn sáng và vào lớp học, cánh người lớn chúng tôi là khách hàng chính. Trong số những người hay đến ăn quà sáng ở đây có một vị khách đặc biệt đó là anh Khôi, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm. Nhiều lúc chúng tôi vừa ăn vừa tranh thủ kiến nghị với ông chủ tịch một số việc xảy ra chung quanh hồ Hoàn Kiếm như: vì sao quận không ngăn chặn được tình trạng quảng cáo, khoan cắt bê- tông trên tường; quan điểm của quận về phương án nạo vét hồ do phía Đức đưa ra; tình trạng câu cá trộm bên hồ…

Một vị khách cũng thường lui tới ăn quà sáng ở đây đó là bác Thuý, nguyên chủ Hiệu ảnh Quốc tế ở phố Hang Khay. Bác thường đến đây sau khi đi bộ, tập thể dục chung quanh hồ Hoàn Kiếm.

Mỗi lần gặp bác, chúng tôi lại có dịp được nghe những câu chuyện xưa về hồ Hoàn Kiếm, về cái ngày người thợ ảnh Hà thành vác máy ảnh, chạy theo đoàn quân tiến vào tiếp quản thành phố, ngày 10-10-1954. Hơn một năm nay bác không đi bộ quanh hồ nữa phần vì tuổi cao hơn 90 tuổi, phần vì vừa qua một trận cảm nặng.


Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
http://hohoankiem.org/_data/c300409x/xoichithanhx2.jpg


Và cũng hơn một năm nay chúng tôi không thấy một người thường xuyên đi qua cửa hàng xôi. Chắc ông đã quá già, không đủ sức đi quanh hồ nữa. Dáng người nhỏ, lưng còng, bước đi chậm chạp với sự trợ giúp của chiếc gậy, ông từ từ đi qua quán xôi mỗi ngày. Thấy ông từ xa, chúng tôi thường bảo nhau ngồi cho gọn dành chỗ cho ông đi.

Ông là Nhà giáo nhân dân Nguyễn Văn Huyên, nhà ở phố Nhà Chung. Ông đã từng được đón Phó thủ tướng Chính Phủ, kiêm Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, Nguyễn Thiện Nhân, và ông Nguyễn Quốc Triệu, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đến thăm, khi có đại biểu quốc hội kiến nghị các cấp có thẩm quyền cần quan tâm đến giới trí thức và nêu cụ thể việc cấp nhà cho Nhà giáo nhân dân Nguyễn Văn Huyên.

Với giá bán phải chăng, mỗi xuất chỉ khoảng mười, mười lăm nghìn là có một bát xôi nóng với miếng chả, quả trứng ốp; giò bò, pa - tê hộp; chả cua... cho nên quán của chị Thanh luôn đông khách. Nhiều người vì công việc, nên mua xôi cho vào hộp xốp, mang đến công sở.

Vì là quán bán trên vỉa hè, cho nên khách ăn phải ngồi trên một chiếc ghế nhựa nhỏ. Mỗi lần khách ăn xong, ông chủ quán là Quang đến xếp nghế ngay cho gọn gàng. Anh vốn là người ưa sạch do vậy rất chịu khó nhặt giấy khách vứt xuống đất.

Ông chủ quán có biệt hiệu là Quang trắng, vì anh rất trắng. Một trong những đam mê của anh là đánh bóng bàn. Hằng chiều anh thường vác vợt đi các “trung tâm bóng bàn ” quanh vùng như báo Hà Nội Mới, Giao thông vận tải, câu lạc bộ thể thao quận Hoàn Kiếm ( 42 Nhà Chung )... để đánh. Chúng tôi có nhiều lần “so vợt” với anh Quang Trắng. Anh thiên về lối đánh cắt hơn là tấn công. Do địa điểm đặt bàn bóng ở báo Giao thông vận tải chật hẹp, cho nên lối đánh cắt của anh không phát huy hiệu quả. Mỗi lần chúng tôi thắng hay thua cuộc đều kéo nhau ra quán Vân đầu ngõ Bảo Khánh để uống bia hơi.

Cũng như nhiều hộ gia đình khác ở quận Hoàn Kiếm sống trong khuôn viên của chùa, đền, gia đình anh Quang đang ở trong chùa Bà Đá. Sư thầy đồng ý cho gia đình anh bán hàng xôi đầu giờ sáng trước cửa chùa.

Sau khi thành phố có chỉ thị cấm bán hàng rong một số tuyến phố, quán xôi của chị Thanh không được bán ở đây nữa, phải chuyển sang thuê ở nhà số 73 phố Hàng Trống. Ngôi nhà này trong diện thành phố giải toả để xây đền thờ vua Lê, do vậy để không nhiều năm nay. Qua một ngõ hẹp, ngôi nhà cấp bốn bên trong đã xuống cấp nhiều, khách ngồi ăn xôi bên cạnh bàn thờ gia tiên của chủ nhà.

Khi ngồi ăn xôi ở đây thỉnh thoảng chúng tôi được nhìn thấy một con chim rất đẹp có tên là chim hoàng cung, đuôi nó rất dài. Nó hót liu riu như đang nói chuyện với ai đó. Không biết từ đâu đến, nhưng nó đã quen với những người ở đây. Thỉnh thoảng xà xuống, kiếm vài hạt gạo nếp.

Trong quán xôi này có một cây rất quý đó là cây Mai Thượng Uyển. Hoa của nó nhỏ, có năm cánh màu đỏ tươi. Có người đã triết cành cây mang về nhà trồng.

Tuy là người phụ việc, nhưng hai cô bé Hường và Hồng Anh nói chuyện với chị Thanh chủ quán rất vui vẻ, thân thiện. Chị Thanh cũng coi họ như người thân trong nhà, chứ không mắng mỏ, to tiếng với người giúp việc như bà chủ cửa hàng phở gần đấy.

Rồi đây khi nhà số 73 giải toả, không còn cửa hàng xôi của chị Thanh nữa, chúng tôi sẽ gặp khó khăn vào đầu giờ làm việc: tìm chỗ ăn sáng.

Hà Hồng
Khach | Dang nhap