Việc hút bùn thí điểm chưa làm ảnh hưởng môi trường và vi tảo trong hồ Hoàn Kiếm

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
http://hohoankiem.org/_data/c131209x/hutbunhhkx1.jpg
Trong mười ngày, thí điểm hút bùn hồ Hoàn Kiếm các nhà khoa học của Việt Nam và CHLB Ðức đã tiến hành đo, phân tích liên tục nước hồ Hoàn Kiếm tại ba vị trí trên hồ (khu vực không hút bùn) và ba vị trí trong khu vực hút bùn vào các thời điểm 8 giờ, 12 giờ, 16 giờ. Kết quả bước đầu thu được cho thấy việc ứng dụng công nghệ hút bùn của CHLB Ðức chưa ảnh hưởng các yếu tố môi trường và vi tảo trong hồ Hoàn Kiếm tính đến thời điểm đo đạc.

Trong một phần diện tích hút bùn thí điểm 660 m2 hồ, các nhà khoa học Viện công nghệ môi trường (Viện Khoa học Việt Nam) đã tiến hành đo đạc thường xuyên ba vị trí và liên tục vào ba thời điểm nói trên. Ði cùng thuyền với các nhà khoa học hai lần trong ngày 25-11, chúng tôi thấy các thiết bị phân tích nước rất hiện đại (giá thành khoảng 100 nghìn ơ-rô). Thiết bị đo, phân tích nước hồ bao gồm hai ống nhỏ (to bằng bắp tay, dài chừng 25 cm) có dây nối với thiết bị hiển thị số. Khi đưa hai ống nói trên xuống nước, từ thiết bị hiện thị số đặt trên thuyền, chúng tôi có thể đọc được các thông số về nhiệt độ, lượng ô-xy hòa tan, độ dẫn, độ mặn và đặc biệt hơn là độ đục trong nước hồ.

Ðể xác định độ sâu của hồ tại vị trí đo, chỉ cần dùng một thiết bị như chiếc đèn pin chiếu xuống nước là trên màn hình hiện lên độ sâu của hồ tại vị trí đó. Bằng thiết bị này, và nhiều thiết bị hiện đại khác, các nhà khoa học đã xây dựng được bản đồ độ sâu hồ Hoàn Kiếm. Trên bình diện toàn bộ hồ, vị trí sâu nhất chạy song song với phố Lê Thái Tổ, cách bờ chừng 10 m. Các nhà khoa học đã vẽ được bản đồ về bề dày lớp bùn trong hồ. Từ đó khuyến cáo khu vực tô đen và đỏ trên bản đồ chỉ nên hút từ 10 đến 15 cm bùn vì lớp bùn ở đây mỏng (khoảng 30-40 cm).


Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
http://hohoankiem.org/_data/c131209x/hutbunhhkx2.jpg


Theo các nhà khoa học tại khu vực hút bùn (giữa đền Ngọc Sơn với trạm của Ðội An ninh trật tự hồ Hoàn Kiếm), độ sâu trung bình của nước trong vùng hút bùn thí điểm là 1,1 m và nhiệt độ thay đổi theo các ngày khác nhau dao động từ 15,7 tới 20oC. Các kết quả quan trắc cho thấy giá trị pH trong môi trường nước hầu như không dao động, nằm trong khoảng 9-10. Môi trường nước hồ có tính kiềm, đây cũng là điều kiện rất thích hợp cho sự phát triển của vi khuẩn lam nói chung và vi tảo tiềm năng độc nói riêng. Ðiều này, cũng không có gì khác lạ khi so sánh với các số liệu đã quan trắc và đo đạc hằng tháng suốt từ năm 2008 đến nay.

Hàm lượng ô-xy hòa tan có sự thay đổi lớn, dao động từ 6,13 đến 12,32 mg/l và thay đổi theo các ngày đo được. Hàm lượng ô-xy hòa tan cao trong khi hút bùn là do tốc độ gió trong thời gian quan trắc rất lớn, tạo sóng lớn trên mặt hồ cho nên các phân tử nước trong hồ dao động rất mạnh nhất là ngày 20-11. Ðể đánh giá chính xác hơn, các nhà khoa học đã tiến hành đo và phân tích nước hồ tại ba điểm khác nhau bên ngoài vùng hút bùn tại vị trí phía bắc, trung tâm và phía nam của hồ vào ngày 25-11. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt lớn nào khi so sánh các số liệu đo đạc trong vùng xử lý và ngoài vùng xử lý trong hồ.


Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
http://hohoankiem.org/_data/c131209x/hutbunhhkx3.jpg


Hàm lượng độ đục cũng là một trong các yếu tố đáng quan tâm trong khi sử dụng công nghệ hút bùn của CHLB Ðức. Tuy nhiên, các kết quả phản ánh rất khả quan khi đo và phân tích nước hồ vào lúc trước khi hút bùn và các thời điểm trong khi hút bùn. Tuy nhiên, thậm chí trong hai ngày cuối khi đo, độ đục trong hồ còn được giảm nhẹ.

Các kết quả phân tích ban đầu cho thấy hàm lượng dinh dưỡng ni-tơ và phốt-pho không có hoặc ít biến đổi vào thời điểm trước và sau khi hút. Cụ thể, hàm lượng ni-tơ, phốt-pho trong nước trước khi hút bùn lần lượt là 2,2 và 0,35mg/l. Trong khi hút bùn, lần lượt là 2,7 và 0,35 mg/l. Ðiều đó cho thấy, việc hút bùn bằng công nghệ của CHLB Ðức bước đầu chưa làm thay đổi yếu tố dinh dưỡng ni-tơ và phốt-pho trong hồ.

Chlorophyll a là một chỉ số biểu thị sinh khối thực vật phù du, chlorophyll a càng nhiều chứng tỏ mật độ thực vật phù du càng phong phú.


Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
http://hohoankiem.org/_data/c131209x/hutbunhhkx4.jpg


Các kết quả phân tích bước đầu cho thấy mức độ thay đổi mật độ thực vật phù du qua chỉ số chlorophyll a rất ít từ 487,28 xuống 456,13 (Mg/l vào thời điểm trước và trong khi hút bùn.

Chúng tôi thấy nước thải, sau khi được xử lý (có thành phần chất tụ keo), trong như nước sinh hoạt. Tuy vậy lượng nước thải này (khoảng 660 m3) không cho quay trở lại hồ vì trong nước thải (sau khi xử lý) có hàm lượng Amoni (NH4+) cao gấp đôi so với nước trong hồ. Theo các chuyên gia CHLB Ðức khi hút 660 m3 hỗn hợp bùn nước để xử lý, mực nước hồ chỉ giảm gần 1 mm.

Việc thí điểm hút bùn hồ Hoàn Kiếm được các đơn vị tham gia phối hợp nhịp nhàng, đạt kết quả cao. Tuy vậy chúng tôi thấy một điều chưa hợp lý là bùn đã được ép thành "bánh" khô, đổ vào công-ten-nơ sao không chuyển ngay công-ten-nơ đó đi luôn mà lại phải đưa xe hút bùn chuyên dụng đến hút bùn khô bằng khí? Việc làm này không cần thiết và tốn kém.

Kết thúc đợt thí điểm hút bùn mười ngày, các nhà khoa học đã đưa ra bốn kết luận sau đợt thí điểm hút bùn hồ Hoàn Kiếm.

Thứ nhất: Các chỉ tiêu vật lý được quan trắc ban đầu cho thấy công việc hút bùn được tiến hành rất tốt, không ảnh hưởng đến môi trường trên các thông số pH, nhiệt độ, độ dẫn, độ mặn và đặc biệt hơn là độ đục. Việc hút bùn bằng công nghệ của CHLB Ðức dường như không làm thay đổi độ đục của nước hồ khi hút bùn. Hàm lượng ô-xy hòa tan cao trong khi hút bùn là do tốc độ gió trong thời gian quan trắc rất lớn, tạo sóng lớn trên mặt hồ.

Thứ hai: Các thông số dinh dưỡng ni-tơ và phốt-pho trong nước khẳng định công nghệ hút bùn của CHLB Ðức chưa ảnh hưởng đến dinh dưỡng tại hồ.

Thứ ba: Thực vật phù du không có sự thay đổi nhiều, thể hiện rõ qua số liệu phân tích chlorophyll a và mật độ tế bào vi tảo trong nước trước và trong khi nạo vét bùn.

Thứ tư: Các kết quả phân tích bước đầu nhận thấy việc áp dụng công nghệ hút bùn của CHLB Ðức hoàn toàn chưa ảnh hưởng đến các yếu tố môi trường và vi tảo trong hồ tính đến thời điểm đo đạc.

Bốn kết luận nói trên là những cứ liệu quan trọng để cấp có thẩm quyền hoàn chỉnh phương án hút toàn bộ bùn hồ hoàn kiếm trong thời gian tới.

Hà Hồng
Khach | Dang nhap