Hơn nửa thế kỷ ngồi khắc bút bên hồ
Một người yêu hồ Hoàn Kiếm, điện thoại cho tôi trách cứ: Anh viết nhiều chuyện bên hồ sao không thấy anh viết về người khắc bút ngồi ở gốc cây đa đền Bà Kiệu ?

Thật ra tôi đã có ý định viết về bác Nguyễn Văn Quý, người khắc bút bên hồ từ lâu nhưng ỷ lại sáng nào đi qua đã thấy ông ngồi ở đây rồi, nên thấy đủng đỉnh chưa cần viết vội. Thỉnh thoảng có nói chuyện với ông nhưng không được nhiều vì ông bận phải khắc chữ cho khách. Sáng nào đi qua đây mà không thấy ông lại đâm lo, chắc ông ốm hay sao mà không ra đây ?


Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
http://hohoankiem.org/_data/d311010x/khacbuthhkx1.jpg


Nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long –Hà Nội, tôi đã mua một chiếc đĩa đồng mạ vàng có khắc hình Vua Lý Công Uẩn để làm kỷ niệm. Chiếc đĩa đặt trong một chiếc hộp gỗ rất đẹp. Để cho vật lưu niệm có thêm ý nghĩa, ngày 5-10-2010, tôi mang chiếc hộp gỗ ra nhờ ông khắc cho mấy chữ.

Trong ngày đại lễ nhiều người đến đây đi xem, đi hội nhiều hơn là khắc bút cho nên tôi có điều kiện ngồi lâu với ông. Từ năm 1960 ông rời thôn Quang Xuyên, xã Thành Công, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, lên Hà Nội ở ngoài bãi sông Hồng, làm nghề khắc bút. Nhà nghèo, gia đình không có điều kiện, cho nên bác Quý chỉ học hết lớp ba. Nhờ viết chữ đẹp cho nên nhiều người có việc cần làm đơn, viết thư lại đến nhờ .


Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
http://hohoankiem.org/_data/d311010x/khacbuthhkx2.jpg


Ra Hà Nội, bác dùng tài viết chữ đẹp của mình để khắc chữ kỷ niệm vào bút cho những người có nhu cầu. Thời đó bác Quý thường ngồi trên thềm nhà bia Alexandre de Rhodes để khắc bút ( Sau này tấm bia được chuyển đi. Vào những năm mới có truyền hình, nơi đây đặt một chiếc ti vi nep- tuyn của Ba Lan để mọi người xem miễn phí. Sau này nhà bia đã bị phá, để xây dựng nhóm tượng đài cảm tử cho tổ quốc quyết sinh ( H. H ) ). Ngồi cùng với bác có ông Nê bán sáo trúc, ông Gia, ông Quý mù chuyên hát xẩm....nay các ông đã “ khuất núi “.

Hằng ngày nhờ có người đến khắc chữ mà bác Quý kiếm được vài chục nghìn có khi hơn một trăm nghìn đồng. Trước đây chỉ có vài đồng. Với số tiền ít ỏi đó bác đã nuôi sáu người con ( ba gái, ba trai ) trưởng thành. Anh con út những năm trước còn chụp ảnh ở đền Ngọc Sơn nay làm việc trong một công ty du lịch.

Hơn nửa thế kỷ, ngồi khắc bút ở đây, bác Quý đã có nhiều kỷ niệm khó quên. Năm 1969, vào đúng ngày Bác mất ( 2-9 ), bác Quý đã thấy Cụ Rùa nổi rất lâu ở đền Ngọc Sơn.

Năm 1972, khi Đế quốc Mỹ ném bom phá hoại Hà Nội, bác Quý cũng không bỏ “ nơi làm việc”. Khi còi báo động đặt trên nóc Nhà hát lớn thành phố rú lên, bác lại chạy sang hầm trú ẩn chỗ dọc đường đôi phố Đinh Tiên Hoàng. Còi báo yên bác lại trở về ngồi dưới gốc đa cạnh đền Bà Kiệu.


Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
http://hohoankiem.org/_data/d311010x/khacbuthhkx3.jpg


Có một lần khi máy bay Mỹ bắn xuống khu vực hồ, một cậu bé trèo lên cây đa trúng đạn. Bác Quý cùng với nhiều người khác phải trèo lên đưa xác cậu bé xuống. Chẳng ai biết cậu bé đó con nhà ai, từ đâu đến.

Năm 2008, có một người đàn ông đứng tuổi, mang một chiếc bút máy hiệu Trường Sơn, trên thân bút có khắc dòng chữ : “ Kỷ niệm những ngày ở Thủ đô”, đến và hỏi bác Quý: “Có phải nét chữ của bác không ? “. Nhìn một lúc bác Quý nhận ra nét chữ của mình. Người đàn ông đứng tuổi đó kể rằng nhờ có chiếc bút này ông đã tìm ra người cháu bị thất lạc trong chiến tranh.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã cho người mang mấy chục chiếc bút máy ra đây nhờ ông khắc chữ hộ để làm quà biếu tặng khách quốc tế.

Dẫn tôi ra gốc cây đa, bác Quý nói: trước đây nhiều người vô ý thức ra đây đại tiện, trung tiện làm bẩn gốc cây đa, vợ tôi là bà Hoàng Thị Được đã đi xin được mấy viên gạch về đây để lát. Gốc đa đã sạch nhất là khi bà con phố Hàng Dầu mang một chiếc bàn thờ ra đặt ở đây.

- Sao bác “ đi làm “ đúng giờ vậy ? Tôi hỏi vì hằng ngày đi làm qua đây tôi đã thấy bác ngồi ở đây rồi.

- Cháu biết không, để có được sức khỏe ngồi ở đây cả ngày là nhờ bác thường xuyên tập thể dục. Môn thể dục mà bác yêu thích đó là đẩy tạ. Trước đây khi còn trẻ đẩy được 60kg , 50 kg nay chỉ đẩy được 40 kg. Bác cười và nói thêm: Mình khỏe vì suốt ngày ngồi ở vùng địa linh, hưởng gió từ hồ thổi đến và dưới vòm cây đa thiêng này.

-Công việc của bác hiện nay thế nào ?

- Ngày nay ít người mang bút đến khắc, nhưng ngược lại có nhiều người mang máy tính số, mũ bảo hiểm, vật lưu niệm đến để khắc. Ngày 5-10 ( trong mười ngày đại lễ ), bác Quý đã khắc hơn 20 vật lưu niệm có hình Vua Lý Công Uẩn và bài Chiếu dời đô.

Câu chuyện giữa chúng tôi với bác Quý bị ngắt đoạn khi một tốp bạn trẻ đến và xin phép được chụp ảnh lưu niệm với người khắc bút, người mà chúng đã từng biết khi xem trên mạng.

Bác Quý vui vẻ nói với tôi: Mình làm nghề thủ công đơn giản, có cái que sắt dùng làm bút mà nhiều người biết quá. Hôm rồi có một đoàn quay phim của Đức có đến phỏng vấn ngay dưới gốc đa này. Khi họ nhìn tôi “múa” bút sắt viết chữ, vẽ hình các vật theo yêu cầu của khách, đạo diễn đoàn làm phim ngạc nhiên lắm. Họ bảo, mọi người ở Đức khi xem đoạn phim này sẽ rất thích thú.


Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
http://hohoankiem.org/_data/d311010x/khacbuthhkx4.jpg


Trong đền Ngọc Sơn có một đình Kính chữ. Đình được xây từ những năm cuối thế kỷ IXX, nhằm mục đích để mọi người đốt những mảnh giấy có chữ, tôn vinh chữ viết, bởi theo quan niệm của người xưa nhờ có chữ viết mà con người trở nên thông thái.... Ngày nay, một người hơn nửa thể kỷ ngồi dưới gốc đa viết những dòng chữ đẹp cho đời.... Phải chăng mạch nguồn văn hóa của người Hà Thành vẫn chảy róc rách từ quá khứ đến hiện tại và cả tương lai!

Hà Hồng
Khach | Dang nhap