Bài báo Tết viết về những người thực hiện "hohoankiem. org"
Bạn đọc của “ hohoankiem. org” thân mến, nhân dịp đầu năm mới Mậu Tý chúng tôi xin chúc các bạn mọi sự như ý và gửi tới các bạn bài viết : “ Người “ nhặt ” chuyện bên hồ ” của nhà báo Lưu Hương đăng trên số báo Tết Diễn đàn Doanh nghiệp. Nhà báo Lưu Hương là người theo dõi trang Web: “hohoankiem. org” từ những số đầu tiên và đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu về nội dung cũng như hình thức trình bày của trang Web.


Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
http://hohoankiem.org/_data/b060208x/nguoinhat1.jpg


Trong bài báo Người “ nhặt ” chuyện bên hồ, tác giải có nhắc đến từ “ Anh ” mà không nói rõ tên cụ thể. Từ “ Anh ” đó được gọi chung cho những người trực tiếp thực hiện trang Web và những người cộng tác viên thiết. Hy vọng rằng qua bài viết này các bạn thêm hiểu chúng tôi hơn và cộng tác với chúng tôi nhiều hơn nữa.

Người “nhặt” chuyện bên hồ

2133 bước chân ôm trọn vòng hồ Hoàn Kiếm. Bước chân đi mãi thành đường, hơn một con đường hiện hữu, đường dẫn về tâm tưởng, nuôi mạch sống tâm linh vào sinh động của Hồ thiêng, của nét văn hóa người Hà Nội. Cũng coi như hữu duyên khi tri ngộ cùng Anh qua trang Web: http://www. hohoankiem.org. Anh - người kể chuyện đương đại khiến tôi hơn một lần thảng thốt - ngùi ngẫm với chuyện đời quanh một vòng hồ.


Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
http://hohoankiem.org/_data/b060208x/nguoinhat2.jpg


Chớp lấy chút lạnh đầu mùa đông năm nay, tôi để lại buổi chiều tấp nập ngoài kia, cùng Anh ngồi trên hiên gác ngôi nhà cổ. Từ lưng chừng khoảng cách, hồ Hoàn Kiếm vương vấn trong hoài niệm, xa xôi mà cũng gần gũi bởi thanh âm cuối ngày vẫn quanh quất. Câu chuyện xuôi ngược từ hơn 700 ngày trước, thời điểm khai sinh trang Web đầu tiên của một cá nhân về hồ Hoàn Kiếm, mà không, thật ra còn lùi xa hơn nữa từ những ngày Anh lặng lẽ đếm bước mỗi chiều quanh bờ hồ - chạm vào kỷ niệm và nảy sinh dự định ghi lại, chia sẻ ...

Khó nhất khi bắt tay vào xây dựng trang web chính là việc “tìm ra được chủ đề cho các câu chuyện quanh hồ. Tất cả sẽ được ghi dấu lại với một tiêu chí duy nhất-khắc họa lại văn hóa của người Hà Nội.” Anh bày tỏ, hồ Hoàn Kiếm kỷ niệm riêng của mỗi người – slogan khởi thủy của trang web nhưng Riêng là thế mà vẫn chung và từ chung lại tìm thấy cái riêng của mình. Đó là hành trình của đam mê, khám phá để điểm cuối là sự chia sẻ với cộng đồng những con người không phân biệt địa lý cùng có lòng với Hồ Hoàn Kiếm. Tôi hiểu vì sao, sau một thời gian Anh đã chuyển slogan thành “Nét văn hóa của người Hà Nội”, ở đây là nét văn hóa trong ứng xử của người với người, của người với thiên nhiên- thế giới tưởng vô tri mà vẫn có hồn xung quanh ta.


Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
http://hohoankiem.org/_data/b060208x/nguoinhat3.jpg


Người kể chuyện không thể chỉ kể cái mình thấy, mình cảm mà còn đưa đến cho người tiếp nhận những thông tin của quá khứ, của tầng sâu suy tưởng… Hành trang của Anh khi khởi đầu cái nghiệp đam mê ấy là chồng tài liệu cao ngất và có đến gần 40 nghìn bức ảnh tư liệu do chính anh ghi lại được.

Đi giữa thể loại nhiếp ảnh và nghiên cứu lịch sử hay tùy bút, gần 300 câu chuyện của anh trong hai năm qua dung dị như chuyện đời nhưng trữ liệu giầu có hơn bởi nó được nén giữa thông tin, suy tưởng và quan trọng không kém là những khoảnh khắc được ghi lại bằng những bức ảnh. Anh có chút láu lỉnh khi tâm đắc, mình đã chọn được con đường ít cạnh tranh nhất – người thế hệ trước đã khuất, người thế hệ sau chưa sinh ra và người đương đại không phải ai cũng có thời gian mải miết đi quanh hồ để rồi chụp lại những khoảnh khắc bên hồ, thời kỳ đất nước hội nhập kinh tế quốc tế và đón chào đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thang Long- Hà Nội. Nhưng cũng vì thế mà Anh mang niềm tự hào không thể che dấu-rồi đây những câu chuyện anh ghi lại sẽ là tư liệu sinh động về cuộc sống hôm nay với những biến thiên cho dù nhỏ bé nhất gắn với thời đại bởi Hà Nội là thủ đô và Hồ Hoàn Kiếm lại là trung tâm của Hà Nội, vì thế đương nhiên có giá trị như chứng nhân của lịch sử.

Từ sự việc gọi tên các sự kiện và tác động vào sự kiện đó


Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
http://hohoankiem.org/_data/b060208x/nguoinhat4.jpg


Điều thú vị hơn cả với tôi là những câu chuyện của hohoankiem.org được viết ra đầy ngẫu hứng. Không hề có một kịch bản, mỗi ngày, anh lại vác máy ảnh và giấy bút đếm đủ 2133 bước chân quanh hồ. Chuyện “nhặt” có thể ở bước chân đầu tiên hay bước chân thứ 100, hơn 100 đi nữa nhưng đó là câu chuyện không bó hẹp trong khuôn khổ trang web. Dường như anh đã tạo được đời sống độc lập cho những tác phẩm của mình.

Tôi tâm đắc với những câu chuyện mà ở đó, anh đã gọi tên được sự việc, khoác cho nó một giá trị mới để trở thành sự kiện. Không dừng ở đó, Anh còn tác động vào sự kiện để có được một cái kết có hậu hơn.
Qua hai bài viết trên trang Web, ngày 18 và 21 -3-2006, chúng ta được biết Anh đã phát hiện thấy một cây bằng lăng đang “ nghẹt thở ” bởi một chiếc vòng sắt mà ai đó đã vô tình thít chặt từ nhiều năm trước. Cây càng lớn, vòng sắt càng thít chặt hơn. Không chỉ viết bài phản ánh sự kiện nói trên, Anh đã chủ động gọi điện cho Công ty Công viên cây xanh đề nghị cử cán bộ xuống giải thoát cho cây, gỡ vòng sắt khỏi thân cây bằng lăng đối diện Nhà hàng Bốn Mùa. Anh ký sự hình ảnh thân cây trong các khoảng thời gian trước, trong và sau khi được giải cứu bằng những bức ảnh trực diện...

Kéo quá khứ về soi hiện tại

Vì đam mê mà anh “lớn” lên cùng kho tư liệu thu lượm được. Anh đã dùng kinh phí của mình để mua sách, báo, ảnh tư liệu của Thông tấn xã Việt Nam, và “ lang thang” trên mạng để tìm được những bức ảnh, tư liệu quý giá liên quan hồ Hoàn Kiếm. Từ đó, anh có thể lý giải, thậm chí soi xét hay “bắt lỗi” được những ghi chép lịch sử chưa chính xác, như trong bài “ Phát hiện thông tin quý từ bức ảnh tư liệu” ( ngày 30-5-2007), và “ Bức ảnh hé lộ thông tin mới ” ( ngày 20-6-2007 ). Thông tin trong một cuốn sách mới xuất bản cho rằng toàn bộ câu đối ở các lớp cổng đền Ngọc Sơn là của Nguyễn Văn Siêu. Nhưng những bức ảnh tư liệu chụp cổng đền Ngọc Sơn năm 1884 và 1915 mà Anh sưu tầm được lại cho thấy: Thời cụ Nguyễn Văn Siêu xây tháp bút, đài nghiên, đình trấn ba chưa có các lớp cổng như hiện nay.

Còn lại tình người

Thành thật điều tôi lấy làm chưa ứng ý ở hohoankiem.org có lẽ là cách diễn đạt theo lối “thông tấn” của Anh. Có những câu chuyện có thể vô tình Anh chứng kiến hay Anh phải cất công tìm hiểu để ghi lại đầy đủ chất liệu làm thơ, viết văn hay thậm chí dựng phim nhưng anh lại viết rất chân chất. Tôi hay vặn vẹo anh sao lại thế này mà không thế kia, còn anh đáp lại với cái lý không thể bác bỏ dù tôi có cứng đầu đến đâu. Xét đến cùng việc đánh bóng câu chữ chắc gì đã tác động đến người ta bằng việc câu chuyện được kể lại như nó vốn thế. Hohoankiem.org có những mối tình xuyên thế kỷ, có những thân phận người cô quả gắn với bờ hồ mưu sinh hay những duyên cớ bắt nguồn từ nơi này có thể là ngắn ngủi nhưng ghim lại trong suốt đời người. Ngày 21/1 năm nay, sinh nhật lần thứ hai của hohoankiem.org, ngoài những bàn bè cùng anh tạo nên và chia sẻ trang web còn có vợ, chồng nhân vật trong câu chuyện “ Cuộc đời cô bé ăn xin bên hồ ” ( 1-8-2007 ). Đó là vợ chồng anh Hải, chị Phượng những người đã cưu mang có bé ăn xin bên hồ .

Anh luôn mong muốn trang web của mình không phải là sự độc diễn của cá nhân, sự cộng hưởng chia sẻ sẽ nhân lên cho hohoankiem.org sức sống. Và như thế, những sẻ chia phía sau trang web mà anh đón nhận được từ những người bạn như sự tiếp sức của đường chạy còn dài phía trước để đưa hohoankiem.org lan tỏa hơn nữa, hiện hữu hơn nữa…

Ước định khoảnh khắc thiêng

1000 năm trước Lý Công Uẩn đến mảnh đất này, nhìn ra sông Nhị Hà thấy rồng bay lên từ đó đã gọi thế đất là Rồng cuộn, hổ ngồi. Ngày 10/10/2010, thời điểm thiêng liêng ghi dấu Thăng Long-Hà Nội nghìn năm tuổi, Anh cũng có dự định cho hohoankiem.org. Anh mong muốn trang web đủ sự đày đặn để đón giờ thiêng, Anh mong có những tri âm cùng anh xây dựng hohoankiem.org trở thành nhịp cầu để nhớ về, sống cùng và đóng góp cho Hồ Hoàn Kiếm.

Anh nói, ước gì có một tour du lịch chỉ đi quanh vòng hồ với khoảng thời gian một tiếng, một ngày, hay một tháng để anh và những người bạn yêu hồ hoàn Kiếm của mình có thể kể cho khách du lịch nghe những câu chuyện lý thú mà mỗi gốc cây ngọn cỏ là nhân chứng. Không có lợi nhuận nào bằng kinh doanh văn hóa. Bởi ngày nay người ta bỏ ra rất nhiều tiền để đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa hơn là nhu cầu nuôi sống bản thân mình, và tôi tin điều anh đang thai nghén sẽ gặp được đối tác để nó không chỉ là ý tưởng hay mà thôi. Anh còn bật mí dự định, sẽ xin đặt camera từ trên cao quanh Hồ Gươm để mỗi khi có những sự kiện của đất nước, của Hà Nội, hay cụ rùa nổi, có thể truyền trực tuyến đến cả những người Hà Nội, yêu Hà Nội đang ở cách xa cả đại dương…

Tham vọng hay ước định, dù là gì đi nữa, tôi cũng tin Anh sẽ làm được. Bởi con người đã không vô tình với những bước chân của chính mình sẽ không thể dừng lại giữa đường. Tôi đã rất muốn nêu rõ danh tính của Anh. Nhưng anh từ chối. Anh nói, ngoài việc muốn cùng độc giả chia sẻ và cảm ơn những tri âm đã dành cho anh cùng hohoankiem.org anh chỉ muốn mình được làm một người đi giữa đời thường “nhặt chuyện”-những câu chuyện có sức lay động lòng người, làm cho con ngưòi thêm yêu cái đẹp, trọng việc nghĩa, làm điều thiện./.

Đầu xuân 2008
Lưu Hương


Khach | Dang nhap