Chàng Khum, nàng Ban lại về bên hồ
Các bạn của “ hohoankiem. org” thân mến, cứ vào dịp cuối tháng ba, đầu tháng tư, hoa Ban lại nở trắng nhiều nơi bên hồ, đối diện Trung tâm Thương mại Tràng Tiền, vườn hoa đối diện Công ty Điện lực Hà Nội; sân tượng đài vua Lý Thái Tổ...


Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
http://hohoankiem.org/_data/b270408x/hoavanno2.jpg


Khi chúng tôi chụp cảnh hai bạn trẻ ngắm hoa Ban, một người đàn ông đứng tuổi đi ngang qua, vừa nhìn con chim nhỏ trên cành cây vừa nói: “ Chàng Khum, nàng Ban lại về bên hồ ”.


Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
http://hohoankiem.org/_data/b270408x/hoavanno1.jpg


Truyền thuyết của người Thái kể rằng: “Thuở ấy, có một chàng trai tên là Khum đem lòng yêu cô gái tên là Ban. Khum vừa giỏi làm nương, lại có tài săn bắn. Ban thì khéo tay dệt vải lại vừa có giọng hát làm say đắm nhiều chàng trai.

Thế nhưng, cha nàng Ban vì ham giàu, cho nên đã đồng ý gả nàng cho con trai nhà giàu, vốn là một thanh niên lười nhác lại có tật gù lưng. Trong bước đường cùng, nàng Ban đã chạy sang bản của Khum để cầu cứu. Nhưng chẳng may khi đến nhà Khum, thì được tin chàng đã theo cha đi mua trâu ở bản xa.


Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
http://hohoankiem.org/_data/b270408x/hoavanno3.jpg


Nàng bèn lấy chiếc khăn piêu của mình, buộc vào nơi cầu thang nhà người yêu, rồi bươn bả đi tìm chàng. Nàng đi hết núi này, rừng khác, gọi tên người yêu đến khản cả giọng, nhưng chàng ở xa nào có nghe thấy. Cuối cùng kiệt sức, nàng ngã gục sau khi vượt qua một dãy núi cao.

Nơi nàng nằm xuống, sau đó mọc lên một cây hoa mang búp trắng như búp tay người con gái. Và chẳng bao lâu, loài hoa ấy mọc lan ra khắp núi rừng Tây Bắc, và hàng năm cứ mỗi độ xuân về, hoa nở trắng như bông. Người ta đặt tên loài hoa đó là hoa Ban.


Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
http://hohoankiem.org/_data/b270408x/hoavanno4.jpg


Chàng Khum, khi về đến nhà, thấy chiếc khăn piêu của người yêu vắt nơi cầu thang, biết là có chuyện chẳng lành, bèn vội vã đi tìm. Đi mãi hết mường này, bản khác, cuối cùng, chàng kiệt sức, ngã xuống. Sau khi chết, chàng hóa thành con chim sống lẻ loi trong rừng, và cứ đến mùa hoa ban nở, lại hót vang như tiếng gọi người yêu tha thiết tự năm nào”.

Hiện nay, trong cộng đồng các dân tộc Tây Bắc đang tồn tại đồng thời nhiều câu truyện cùng có nội dung giải thích nguồn gốc hoa Ban. Cách dẫn dắt và tên nhân vật của các truyện tuy có khác nhau, nhưng đều giống nhau ở chỗ dùng hoa Ban làm biểu tượng cho tấm lòng thủy chung trong tình yêu đôi lứa.

Dường như hiểu được mối tình của chàng Khum và nàng Ban, cho nên Công ty Công viên cây xanh thường trồng hai cây Ban cùng một chỗ.

Từ núi rừng Tây Bắc, Chàng Khum và nàng Ban đã về bên hồ Hoàn Kiếm, mượn những cơn gió, thầm thì kể cho mọi người nghe về mối tình chung thuỷ bằng hương, sắc và tiếng chim hót lảnh lót./.
Khach | Dang nhap