Nhật ký mười ngày Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội (Ngày 03-06/10/2010)
Ngày 3-10
Hoạt động nổi bật của ngày 3-10 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm đó là Giải chạy báo Hà Nội Mới mở rộng lần thứ 37 - Vì hòa bình - 2010. Từ sáng sớm mọi ngả đường đến phố Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Tràng Tiền , Hàng khay đều cấm các phương tiện đi lại. Để đến cơ quan ở phố Hàng Trống chúng tôi phải đi phố Quang Trung, Nhà Chung, Nhà Thờ. Trời mát, không mưa, rất lý tưởng cho các vận động viên chạy quanh hồ.

Giải chạy báo Hà Nội Mới mở rộng lần thứ 37 - Vì hoà bình - 2010 là một trong mười sự kiện trọng điểm mừng Đại lễ. Cuộc thi có sự tham gia của 2000 vận động viên đến từ các quận, huyện, các tỉnh thành phố. Trong đó có 200 vận động viên cấp đội tuyển của 26 tỉnh, thành phố. Có 300 vận động viên nước ngoài cùng tham gia (là cán bộ nhân viên các đại sứ quán nước ngoài ở Hà Nội ).


Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
http://hohoankiem.org/_data/d061010x/dailehhkx1.jpg

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
http://hohoankiem.org/_data/d061010x/dailehhkx2.jpg


Về đích đầu tiên nội dung nam THCS là vận động viên Tưởng Phi Biểu. Điều bất ngờ cho mọi người khi biết Phi Biểu không phải là “ vận động viên” chạy. Em chính là một vận động viên môn võ. Phi Biểu cho chúng tôi biết: Do yêu môn chạy cho nên em ngừng tập võ một tháng để tập chạy.

Bà Kate Harrisson ( Phó Đại sứ quán Anh ở Việt Nam ) nêu cảm nghĩ của mình: Mặc dù mới sang Hà Nội được ba tháng, nhưng tôi thật sự bị quyến rũ bởi vẻ đẹp của con người, phong cảnh, cuộc sống nơi đây... Cuộc sống ở Hà Nội thật tươi đẹp và thanh bình.

Buổi tối tại sân tượng đài vua Lý Thái Tổ mọi người được xem một chương trình văn nghệ đặc sắc: Lung linh đêm hồ Gươm. So với các tối hôm trước, tối 3-10 mọi người đi chung quanh hồ thấy thoải mái hơn vì công an đã cấm xe máy từ xa. Khu vực phố Hàng Khay, Đinh Tiên Hoàng, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục là nơi tập trung nhiều người nhất. Khoảng 23 giờ, chúng tôi có mặt trên phố Tràng Tiền, đường vẫn đông nghịt người. Các phố chung quanh khu vực hồ như Hai Bà Trưng, Quang Trung, Hàng Bông, Lý Thái Tổ... luôn trong tình trạng tắc đường.

Ngày 4-10


Thời tiết ngày 4-10, trời âm u lúc sáng, trưa hửng nắng, đầu giờ chiều mưa từng cơn nhỏ, tôi mưa.

Theo yêu cầu của mấy người bạn, chúng tôi làm người hướng dẫn viên du lịch. Đi đến đoạn đối diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chúng tôi gặp một cụ già chít khăn đỏ, mặc áo đỏ, chống gậy đi cùng cô cháu gái. Hỏi chuyện cô cháu gái chúng tôi được biết: Cụ tên là Nguyễn Văn Minh, nhà ở Thanh Trì - Hà Nội. Năm nay cụ vừa tròn 90 tuổi. Chiếc khăn đỏ cụ chít trên đầu, áo đỏ cụ mặc là do hội những người cao tuổi của xã tặng.

-Vì sao cụ đến đây ? Chúng tôi hỏi.
- Cụ bảo: Nghìn năm có một ngày Đại lễ, tôi nhờ con cháu cho ra hồ, để hưởng không khí ngày hội. Kính trọng người già là một cử chỉ văn hóa của người Hà Nội. Nhìn thấy Cụ già chí khăn đỏ mọi người chạy đến bắt tay, chúc cụ sống lâu hơn nữa.

Sau khi dẫn các bạn của mình đi chung quanh hồ, chúng tôi dẫn mọi người đi dọc phố Hàng Đào, Hàng Ngang, và tới một địa điểm lý tưởng để ăn trưa đó là Nhà hàng Chả cá Lã Vọng. Sau đó Chúng tôi đến số nhà 38 Hàng Ngang để thăm quan. Ngôi nhà này trước kia bán yếm đào đỏ cho con gái Hà Thành. Bây giờ ở đây chúng tôi có thấy bán yếm dệt bằng tơ tằm, tiếc rằng không có yếm đào đỏ.

Buổi tối trời mưa, số người đến hồ không đông bằng các tối trước. Tuy vậy trước tượng đài vua Lý Thái Tổ mọi người vẫn tập trung đông để xem các điệu múa cổ của Hà Nội.

Ngày 5-10

Nhân dịp ngày đại lễ, chúng tôi quyết định mua một vật nào đó để làm kỷ niệm. Vật mà chúng tôi chọn là chiếc đĩa đồng, mạ vàng đặt trong hộp gỗ với giá 500 nghìn đồng, tại Trung tâm Thêu – In - May cờ công nghệ cao, 67 Hàng Trống.

Để tăng thêm ý nghĩa của vật lưu niệm, chúng tôi đến gặp người khắc bút ( bác Lê Văn Quý ) ở đền Bà Kiệu để ghi vài dòng kỷ niệm. Biết được ý tưởng của chúng tôi bác Lê Văn Quý ủng hộ ngay và lấy giá “ hữu nghị ” 30 nghìn đồng.


Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
http://hohoankiem.org/_data/d061010x/dailehhkx3.jpg


Đi chung quanh hồ mọi người phát hiện hoa xếp ở hồ Hoàn Kiếm không phải do thành phố bỏ tiền ra mua mà do “xã hội hoá ”. Công ty HUD và một số đơn vị khác đã tài trợ cho việc trang trí hoa chung quanh hồ Hoàn Kiếm.

Đầu đường Âu Cơ có mô hình hoa đào đỏ thắm cao chừng 3m, ở vườn hoa đối diện Trung tâm Thương mại tràng tiền có những bông hoa đào, đường kính hơn một mét. Đây là địa điểm thu hút nhiều bạn trẻ đứng ở đây để chụp ảnh.

Ngày 6-10

Đầu giờ chiều 6-10, chúng tôi may mắn chụp được ảnh Cụ Rùa nổi. Địa điểm Cụ nổi sát đình Trấn Ba. Hằng chục người ở đây đã được xem Cụ nổi. Trước đó khoảng chín giờ sáng Cụ Rùa nổi ở khu vực đường đôi Đinh Tiên Hoàng.

Góp vui với nhân dân cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng, nhiều đoàn nghệ thuật đã đến đây biểu diễn. Lúc đến trước cổng đền Ngọc Sơn, chúng tôi gặp một đoàn người nước ngoài mang mặt nạ diễu hành trên vỉa hè. Đoàn diễu hành đã thu hút được sự chú ý của nhiều người.


Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
http://hohoankiem.org/_data/d061010x/dailehhkx4.jpg


Những ngày này đi chung quanh hồ, chúng tôi thấy có một điều lạ: người dân tộc thiểu số mang búp – bê thổ cẩm, bạc trắng, vòng đeo tay đến hồ để bán. Thấy họ ngồi thành hàng, y như phiên chợ ở miền ngược.

Một hoạt động làm nhiều thích thú là được xem, nghe hát xẩm trên xe ô-tô chạy bằng điện. Xe đi đến đâu mọi người dịch chuyển đến đó . Ai cũng muốn nghe những ca từ đẹp trong bài “ Xẩm tầu điện ”. “ 36 phố phường Hà Nội”....

Buổi tối, tại Vườn hoa Lý Thái Tổ Chương trình Hùng khí Thăng Long và bài ca đất nước tiếp tục làm ấm lên không khi kỷ niệm ngày Đại lễ./.

( còn nữa )

Hà Hồng
Khach | Dang nhap