Gã khùng bên hồ Hoàn Kiếm

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
http://hohoankiem.org/_data/d130510x/gakhunghhkx1.jpg
Bạn đọc yêu hohoankiem.org thân mến, vừa qua chúng tôi được một phóng viên Lâm Triết phỏng vấn và có bài dăng trên Tạp Chí Người Đô Thị ( Số 71 bộ mới-ra ngày 25-4-2010 ).

Chúng tôi xin trân trọng gửi đến bạn đọc bài viết nói trên. Một lần nữa chúng tôi xin cảm ơn tác giả Lâm Triết bởi những tình cảm của chị dành cho những người yêu hồ Hoàn Kiếm như chúng tôi.

GÃ KHÙNG BÊN HỒ HOÀN KIẾM

Miếng bùn lấy từ hồ Hoàn Kiếm, ép khô được gã cất kĩ vào… két sắt. Đêm đêm, gã mất ngủ vì một cây bằng lăng ven Bờ Hồ bị dây sắt buộc vòng quanh như một người bị siết cổ để rồi ngày hôm sau, việc đầu tiên trong một ngày bộn bề của nghề báo, gã phải gọi điện ngay cho Công ty Công viên cây xanh để …giải thoát cho cây.


Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
http://hohoankiem.org/_data/d130510x/gakhunghhkx2.jpg

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
http://hohoankiem.org/_data/d130510x/gakhunghhkx3.jpg


Với gã mỗi gốc cây, mỗi sự kiện, mỗi con người sinh sống bên hồ đều là chứng tích ngày hôm qua của lịch sử, là sự kiện văn hóa của hôm nay và là sự kế cận của tương lai.
Gã hì hục làm mọi thứ tự nguyện và chẳng danh chính ngôn thuận gì cả. Hay nói cách khác là chả ai khiến gã làm những điều đó. Thế nhưng, nhiều người biết đến gã bởi những bức ảnh độc đáo về danh thắng số một của thủ đô ngàn năm. Gã là Hà Hồng, Phó trưởng ban Khoa giáo, Báo Nhân Dân. Gã nhận mình là phóng viên thường trú ở hồ Hoàn Kiếm.

Chỉ có thể là niềm say mê
Để tìm được người yêu Hà Nội, yêu Hồ Gươm thì không thiếu. Nhưng tìm được một người cần mẫn với Hồ Gươm từng ngày, từng buổi như gã thì ắt hẳn không thể nhiều. Gã là một nhà báo già đời với nghề. Gã là người yêu Hồ Gươm chuyên nghiệp, là một người tự nguyện làm nhiều điều để gìn giữ vẻ đẹp của cái hồ Lục Thủy này .

Một ngày đôi lần, Hà Hồng “kiếm cớ” để lượn quanh hồ Hoàn Kiếm đôi bận. Sáng đến cơ quan, dù chẳng thuận đường, nhưng anh vẫn chọn con đường dài nhất để được đi vòng một vòng quanh hồ. Buổi trưa đi ăn cơm, anh lại kiếm cớ thêm một vòng nữa. Chiều đi họp báo, lại vòng nữa. Mỗi vòng là 2133 bước chân. Nhờ cái sự lòng vòng “ngớ ngẩn”ấy mà đến nay, sau năm năm trời, anh hí hoáy ra được gần 600 bài báo và chụp hàng chục nghìn bức ảnh liên quan đến hồ Hoàn Kiếm , một trang web hohoankiem.org nổi tiếng liên quan đến hồ để mỗi người quan tâm hoặc yêu cái làn nước xanh trong, yêu cái nét thân thương của thủ đô ấy lại tìm kiếm thông tin. Hà Hồng chẳng duy tâm, cũng chẳng phải là nhà nghiên cứu tâm linh gì ghê gớm, nhưng anh có niềm tin tuyệt đối về sự linh thiêng của Hồ. Cả nước chỉ có một thủ đô. Hồ Gươm là cái rốn của thủ đô, là một trong bốn đại trọng huyệt của đất nước.

Một bức ảnh lạ trong phòng làm việc của anh. Hao hao một bức sơn dầu. Người xem thường không xem ảnh bằng mắt mà phải sờ tay vào tận mặt ảnh. Đời thuở lại xem ảnh bằng tay. Thế nhưng không đưa tay ra thì không đặng, nên ai mới nhìn nó cũng phải sờ thử. Đó là một bức ảnh chụp tảo của hồ Gươm. Một chiều đông lạnh lẽo đi bộ đến đoạn đối diện với phố Hàng Khay , anh sững sờ nhìn thấy một dòng tảo chết màu nâu sẫm nổi bật lên nền tảo xanh miên man. Dòng tảo chết màu nâu biến thành hình một con rồng thời Lý cuồn cuộn như đang bay, đang lượn. Với Hà Hồng, đó là những thời khắc đẹp đẽ và độc đáo của hồ Gươm. Bức ảnh độc nhất vô nhị ấy đẹp hiếm có và nó là kết quả của một niềm say mê vô tận, riêng biệt.

Một ngày đẹp trời, Hà Hồng gặp một người đàn ông đứng áp tay vào thân cây lộc vừng đối diện với phố Trần Nguyên Hãn. Thấy lạ, tò mò vào hỏi, anh được giải thích về cảm xạ học, rằng ông ấy đang hấp thụ năng lượng từ cái cây thiêng nhiều năm tuổi. Hà Hồng bảo, chẳng có lí gì mà mình không thử. Anh cũng hì hục đứng áp tay vào thân cây . Nếu người ngoài nhìn vào, chẳng ai không bảo anh là gã khùng.

Tối tối, sau giờ làm việc, anh lại chăm chăm với cái trang web của mình. Đừng tưởng làm một trang web của riêng mình mà đơn giản. Anh phải nhờ người chuyên nghiệp để bảo vệ trang web tránh bị hacker. Hàng tối hì hục đọc báo, sách, tài liệu có liên quan, rồi viết tin, bài, up lên đúng hạn vào thứ năm và thứ bảy hàng tuần , đảm bảo cho nó luôn luôn mới mẻ và thu hút. Thế là từ 22-1-2006 đến giờ, anh cũng đã tích cóp được cả một kho tư liệu về cái hồ mà “ Mỗi gốc cây ngọn cỏ, mỗi tấc đất chu vi quanh hồ là nhân chứng của những câu chuyện, những kỷ niệm đẹp của riêng mỗi người ”.

Tất nhiên, chẳng ai trả tiền cho anh làm cái việc “giời ơi đất hỡi” đó. Vợ thì bảo, đúng là rỗi hơi. Nhưng rồi, niềm say mê của chồng mà tích cực đến thế thì vợ nào chả ủng hộ. Thế là, cứ âm thầm với niềm say mê của mình, mỗi năm anh ra một tập sách dày cộp. Không phải là sách được nhà xuất bản nào in, mà là anh in ra và tự đóng bìa. Nhìn sách mới biết người. Chỉ có tình yêu vô điều kiện với vẻ đẹp huyền thoại của thủ đô mới khiến anh cần mẫn nhặt nhạnh cho đời sau từng nét văn hóa, từng mẩu chuyện sống, từng mảnh đời vẫn đang hiện diện quanh hồ.

“Về hưu, tôi sẽ làm hướng dẫn viên du lịch”
Mong ước của anh là như thế. Anh muốn làm hướng dẫn viên du lịch để hướng dẫn cho người nước ngoài, chỉ mỗi tua quanh hồ Gươm thôi. Anh muốn người nước ngoài đến với hồ không chỉ đơn thuần thấy nó đẹp hay nghe những câu chuyện lịch sử in đầy trên sách du lịch. Anh muốn kể cho họ nghe những câu chuyện văn hóa và đời sống của người Hà Nội. Chuyện một anh xe ôm trước là diễn viên sân khấu, vì không sống được với nghề nên phải dựng xe ở góc hồ đón khách. Chuyện một bà bán xôi bán hàng cả chục năm mà lúc nào cũng nườm nượp khách, dù chỉ là ngồi xổm nơi vỉa hè. Rồi chuyện Cụ Rùa nổi, chuyện thay những chiếc ghê đá bên hồ, chuyện vào thành cổ xem tranh hồ Hoàn Kiếm xưa, chuyện ấp ủ dự án nuôi chim bồ câu để làm duyên cho hồ... đều được anh ghi chép tỉ mỉ, chân thực và thắm tình v.v..Với anh, mỗi nét sinh hoạt của người dân Hà Nội đều là nét đẹp giản dị nhưng bền bỉ của thủ đô từ đời này qua đời khác.

Chính vì thế, anh có một niềm tin vững chắc về một nền văn minh không thể mai một của thủ đô. Anh bảo, nhiều người lo lắng về sự pha tạp văn hóa, về sự thay đổi không giữ được nét truyền thống của thủ đô. Nhưng tôi thì ngược lại. Tôi tin tưởng ở khả năng đồng hóa của nền văn hiến lâu đời. Ai, dù ở đâu, khi đến sống tại Hà Nội cũng phải theo lề thói của người Hà Nội. Lâu dần họ lại tiếp thu sự thanh lịch, nét duy mĩ, tính hướng thiện, thói quen làm việc nghĩa của người Hà Nội. Không khí, nguồn nước linh thiêng của Hà Nội sẽ biến con người trở nên đẹp đẽ hơn, mạnh khỏe hơn, nhuần nhị hơn. Ấy mới nói, không phải ngẫu nhiên mà cụ Lý Công Uẩn lại chọn nơi “ rồng cuộn hổ ngồi “ làm nơi đắc địa để định đô, để giữ vững hồn thiêng dân tộc. Thế mà, hồ Hoàn Kiếm lại là cái rốn thiêng của thủ đô. Tôi thấy mình vinh dự được hàng ngày tận hưởng, chứng kiến nó, ghi lại những điều diễn ra xung quanh nó. Rồi đây, những câu chuyện nhỏ này, những bức ảnh này sẽ là chứng tích để con cháu thấy, ngày xưa các cụ đã từng sống như thế này, đi lại thế kia, ăn uống thế nọ. Và có một gã Hà Hồng là người ghi lại những điều giản dị mà quí báu đó.

Ước mong lớn nhất của anh là sẽ ra được một cuốn sách gồm những bài viết hay nhất về hồ Hoàn Kiếm, được in với chất lượng tốt nhất để kịp ra mắt trong dịp ky niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đến giờ anh vẫn loay hoay vì chưa tìm được nguồn tài trợ đặc biệt cho những dòng tâm huyết của mình. Và hàng ngày, người đàn ông của bộn bề công việc ấy vẫn dành thời gian “ cầm máy ảnh, lang thang bờ hồ, chụp những cảnh vẩn vơ , đôi khi còn tủm tỉm cười...” như gã tự phác họa./.)

Lâm Triết
Khach | Dang nhap