"Tôi ghen với ai yêu Hồ Hoàn Kiếm hơn tôi"
(VTC News) – Ngày nào cũng đi bộ vòng quanh hồ, ghi lại hàng trăm câu chuyện, hàng chục ngàn bức ảnh, giữ từng miếng bùn của hồ như báu vật…

Mỗi lần gặp, thấy anh hay kể về hồ Hoàn Kiếm rất say sưa, tôi nghĩ anh là người Hà Nội, sống gần hồ, yêu hồ và biết về hồ cũng là lẽ thường. Mới đây, đọc trang web về hồ Hoàn Kiếm (www.hohoankiem.org) tôi mới biết anh đã “sinh” ra “đứa con tinh thần” này để gửi gắm niềm đam mê và tình yêu của mình với hồ Hoàn Kiếm.

Anh là Hà Hồng, một nhà báo kỳ cựu hiện đang làm việc tại báo Nhân dân, nhưng anh muốn được nói đến mình như một người Hà Nội bình thường với tình yêu và đam mê cháy bỏng dành cho hồ Hoàn Kiếm.

Mỗi bước chân - một câu chuyện


Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
https://hohoankiem.org/attachment.php?fid=102
Anh Hà Hồng, người "ghen" với ai
yêu hồ Hoàn Kiếm hơn mình.
Anh kể, năm 2000, anh gần như bị stress trong công việc, căng thẳng và mệt mỏi, đọc sách thấy nói cách giảm stress tốt nhất là đi bộ, anh liên tưởng đến cái thảm dưới sàn trong phòng làm việc của Lê-nin có vết mòn dấu chân ông, hay nhà văn Accađi Gaida (Liên Xô cũ) chuyên viết truyện tranh cho trẻ em cũng hay đi đi lại lại… trong những lúc tập trung cao độ để suy nghĩ nên lúc đó anh thấy không có gì lý tưởng với anh bằng việc đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm vì “nó gần với cơ quan mình”. Một buổi chiều sau giờ làm việc, anh bắt đầu chuỗi ngày đi bộ quanh hồ, anh đi nhiều đến nỗi đếm được tất cả 2173 bước chân của mình một vòng quanh hồ.

Vừa đi vừa đếm giúp anh giảm stress và luyện thói quen tập trung, đi từ siêu thị Intimex đến trước báo Hà Nội mới, tới Hàng Khay anh nhớ lại ngày học lớp 3, anh cùng các bạn đến thăm nhà cô giáo ở gần hồ, không gặp được cô nên anh “xúi” các bạn ra bờ hồ ngồi chia cam (quà cho cô giáo) ra ăn – đến giờ nghĩ lại anh còn… xấu hổ vì lời “xúi” của mình!

Cứ đi đến đâu, anh lại nhớ đến kỷ niệm, đến câu chuyện mà anh biết, và trong đầu anh nảy ra ý định “sao mình không viết sách về 2173 câu chuyện quanh hồ, mỗi bước chân là một câu chuyện để sau này kể cho mọi người nghe!”.

Rồi anh lọ mọ viết bản thảo về các câu chuyện của mình, cất đi, định để khi về hưu sẽ mang ra làm nhật ký về hồ Hoàn Kiếm. Nhưng đến năm 2006, anh gặp Phan Anh – một chuyên gia tin học, người bạn trẻ này đã giúp anh thiết kế trang web về hồ Hoàn Kiếm (www.hohoankiem.org) giúp anh lưu lại những câu chuyện, những thông tin của mình, đây cũng là nơi để nhiều người cùng chia sẻ về hồ Hoàn Kiếm (HHK).

Anh lao vào "yêu" HHK với niềm đam mê và nhiệt huyết tràn trề, từ tình yêu đơn thuần về một cái hồ đẹp và lãng mạn của Thủ đô, anh dồn tâm sức tìm hiểu nó, nghiên cứu nó, đọc sách về nó, lang thang để cảm nhận nó, viết về nó… rồi từ đó anh thấy yêu văn hóa của người Hà Nội lúc nào không biết, hiểu hơn về Hà Nội xưa lúc nào không biết.

Qua tìm hiểu, anh biết HHK là một trong “sơn hà tứ huyệt” (Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, Lục đầu giang và Chùa Hương-NV) mà theo các nhà phong thủy học thì là nơi tinh túy, là đất thiêng, là vùng địa linh nhân kiệt, nơi kết tinh văn hóa không phải ở đâu cũng có. Anh nghĩ, phải chăng vì thế mà cái hồ nhỏ bé thế mà chỉ một loài rùa tai đỏ hay một chấm tảo nở bung là cả nước lại “nháo nhác” lên lo lắng, quan tâm…“Chỉ cần nhìn cuộc sống quanh hồ, nhìn chuyển động quanh hồ, phủi đi lớp bụi thời gian, bóc tách sự việc bình thường sẽ tìm thấy cái mới của HHK” – anh bày tỏ đầy hào hứng.

Mỗi khi thoát công việc, ngày nào anh cũng đi bộ quanh hồ, cũng tìm thấy cái mới của hồ. Ra với hồ, anh thấy khung cảnh và cuộc sống ở đây như một kịch bản, một bộ phim trường kỳ không có hồi kết, mỗi tấc đất là một kho chuyện đầy lôi cuốn.


Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
https://hohoankiem.org/attachment.php?fid=103

Con đường ven hồ nơi anh đếm những bước chân mình,
nơi anh ghi lại hình ảnh một chiều mùa đông lạnh tê tái. (Ảnh: H.H)


Nhiều câu chuyện anh ghi lại khiến người nghe không khỏi rơi nước mắt, như chuyện về số phận cô bé ăn xin mà anh biết năm 2007, anh kể, trong một ngày mùa đông có 2 vợ chồng ông Hải - một doanh nhân trên phố Đội Cấn đến ăn phở sáng trên phố Hàng Hành, ông Hải thấy một cô bé 8 tuổi đứng lấp ló bên gốc cây ven đường đang chăm chăm nhìn vợ chồng mình liền vẫy cô bé lại và bảo gọi cho cô bát phở, nhưng cô nói đang chờ vợ chồng ông ăn xong để xin ăn lại đồ thừa - chính câu nói ấy mà vợ chồng ông Hải đã dắt cô về nhà làm con nuôi, dù hai người đã có 2 đứa con.
Cô bé được ở tầng 3 của ngôi nhà, các con đẻ vợ chồng ông Hải có gì cô bé có cái đó, đến năm 18 tuổi cô bé yêu một cán bộ công tác ở Bộ tư lệnh Lăng, khi hai bên có ý định nên duyên thì vấp phải khó khăn, cô cần phải có một lý lịch rõ ràng, nhưng cô bé ăn xin năm xưa không còn nhớ gì về cha mẹ đẻ và quê quán của mình, suốt 2 năm trời vợ chồng ông Hải làm thủ tục để thành bố mẹ nuôi của cô nhưng vì thông tin về cô chỉ vỏn vẹn “nhặt được ở ven hồ Hoàn Kiếm” nên thủ tục không suôn sẻ được.

Cho đến một ngày, đôi trẻ chở nhau đi ăn cưới bạn ở ngoại thành, người bạn trai uống rượu say nên để cô gái lái xe, chẳng may đâm vào xe công nông và cô chết – đúng vào lúc vợ chồng ông Hải cũng nhận được tin mừng là đã nhập được khẩu cho cô vào nhà mình...

3 năm sau ngày cô gái chết, đến thăm nhà cô trên phố Đội Cấn, anh Hồng thấy phòng cô vẫn được giữ nguyên, người mẹ nuôi ôm bức ảnh của cô khóc nức nở, bà bảo có lẽ bà “hại” cô vì đáng lẽ số phận của cô lang thang thì còn được sống lâu hơn…

Câu chuyện có thật này mấy ai biết được, nhưng với anh, nó cho thấy một cách ứng xử rất nhân văn của con người Hà Nội, dù bà mẹ nuôi có ân hận như vậy nhưng vợ chồng bà đã cho cô bé có hơn 10 năm thực sự được sống làm con người.

Một câu chuyện khác anh ghi lại cũng hết sức cảm động, dù chỉ về một cái cây ven hồ, “cái cây chịu đau cho mọi người được sung sướng”. Anh kể, mỗi năm cứ tết đến xuân về là lại có bắn pháo hoa ở hồ Hoàn Kiếm, bắn pháo hoa cần có khoảng trống và quang để bảo đảm an toàn. Khu vực gần tháp Hòa Phong (đường Đinh Tiên Hoàng) đáp ứng tiêu chí này, ở đó có 2 cây liễu nhỏ, lá xanh quanh năm, nhưng hễ khi tết đến thì 2 cây liễu này lại bị đốn chặt để phục vụ bắn pháo hoa.

Mấy năm liền anh đều thấy cây cứ mọc lên thì đến chiều 30 Tết lại bị đốn, từ thân cây nhựa ứa ra giống như “nước mắt của cây”. 3-4 năm liền anh đều chụp ảnh 2 cây liễu như thế, những bức ảnh cho thấy trong ánh đèn xanh đỏ của pháo hoa, trong tiếng cười nói hân hoan mừng năm mới của mọi người thì 2 cây liễu nhỏ cứ thầm lặng ứa nhựa chịu đau để cho đời được vui…

Không chỉ có những câu chuyện, anh còn có cả một kho tới 50-60 nghìn bức ảnh về HHK với cách chụp rất “khủng bố”. Ví dụ chỉ một cái cống thoát nước ở phố Hàng Khay – Tràng Tiền – Đinh Tiên Hoàng thôi, anh cũng chụp không ít hơn 100 kiểu ảnh ở không gian và thời gian khác nhau. Theo anh, bây giờ nghĩ 50-60 nghìn bức ảnh là bình thường, nhưng nó giống như “kho vàng chôn dưới đất”, sẽ giúp cho con cháu trăm năm sau sẽ thấy được một hình ảnh hồ HHK dân dã, chứ không chỉ có hình ảnh HHK nghi lễ như các bức ảnh được lưu giữ lâu nay.

Anh nói vậy vì năm 2006, khi anh vào kho ảnh của Thông tấn xã Việt Nam để mua những bức ảnh về HHK nhưng anh thấy toàn ảnh đua xe, mít tinh… không có ảnh đời thường như ảnh về bà bán hàng rong hay ông bán tào phớ… Với giá 25.000 đồng/chiếc ảnh, ngày đó anh đã bỏ ra vài triệu đồng – số tiền không nhỏ - để mua những bức ảnh HHK, nhưng anh chưa thỏa mãn, anh quyết định tự chụp để lưu giữ những hình ảnh về HHK đời thường nhất.


Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
https://hohoankiem.org/attachment.php?fid=104

Một góc nhìn lãng mạn về hồ Hoàn Kiếm (Ảnh: H.H)


Vì thế, mỗi khi ra hồ, anh “bắn” (bấm) máy liên tục vì biết rằng nó không bao giờ diễn lại nữa. Số ảnh của anh sẽ trả lời rất nhiều câu hỏi, ví như câu hỏi: vào thời khắc 10 giờ 10 phút 10 giây ngày 10/10/2010 cảnh ở HHK như thế nào? Anh kể, lúc đó anh đã giơ máy ảnh lên chụp hình ảnh đồng hồ bưu điện TP Hà Nội chỉ thời khắc đó, với một đám đông chen lấn bên hồ chờ đón Thăng Long – Hà Nội tròn 1000 tuổi, chờ đón cụ Rùa nổi lên trên mặt hồ...
Anh cũng có tham vọng chụp toàn bộ ảnh hồ sơ cụ Rùa nổi từ 2003 đến 2010 để làm một đồ thị xem tần xuất cụ nổi như thế nào, ngày giờ tháng năm và chỗ nào cụ nổi nhiều nhất... để tạo nên một đồ thị về sự xuất hiện của cụ. Hiện anh đã chụp được khoảng 50 lần cụ Rùa nổi từ năm 2003 đến nay. Anh cho biết, tất cả những lần đó, anh đều thấy cụ có đốm màu trắng sau mắt trái khoảng 5cm, phóng to lên thì thấy giống hình 1 con rùa nhỏ đang bơi…

Cứ lọ mọ như thế, anh tự hào sau này với những thông tin của mình, với kho ảnh của mình, anh sẽ dựng được cuộc sống sinh động về HHK, về một phần của Hà Nội, để mọi người xem sẽ thấy thỏa mãn với những thông tin của anh.

Đến ngừng thở vẫn.. yêu hồ Hoàn Kiếm

Làm nghề báo, anh biết tôn chỉ là bám sát sự kiện để mô tả và truyền tải kịp thời đến bạn đọc, với HHK, nhưng giờ đây anh còn đang chủ động tạo ra sự kiện, mô tả nó, dẫn dụ mọi người cùng vào đam mê với mình để thêm yêu HHK như mình. Anh tiết lộ đang ấp ủ sẽ xây dựng một bảo tàng kỷ vật của những nhân vật mà anh viết bên hồ.

Anh khoe, hiện anh đã có được cây tiêu của ông già Châu hay thổi bên hồ Hoàn Kiếm. Ông già này cứ tháng 12 hàng năm là lại ra ngồi bên cây lộc vừng 9 gốc ven hồ (phía đường Đinh Tiên Hoàng) thổi tiêu bài Hồn tử sĩ. Anh ngồi nghe nhiều năm và được ông kể lại, vào ngày mùa đông 19/12/1946 cả Hà Nội sục sôi đánh Pháp, khi đó ông Châu là cậu bé 13 tuổi, bố mẹ bắt đi tản cư trong khi những người bạn nhỏ của ông xung phong ở lại tình nguyện tải đạn cho chiến sỹ Thủ đô đánh giặc.


Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
https://hohoankiem.org/attachment.php?fid=105

Ông già Châu thổi tiêu nhớ bạn
trong chiều đông bên hồ Hoàn Kiếm (Ảnh: H.H)


Lúc đó, quanh chỗ ông Châu ngồi thổi tiêu bây giờ (giữa cây lộc vừng và Tháp Bút) chính là chiến lũy để đánh giặc, các bạn nhỏ của ông đã tử nạn ở đó. Vì vậy, mỗi dịp cuối năm là ông lại đến nơi này thổi tiêu nhớ về những người bạn của mình. Trong cảnh mùa đông bên hồ, gió đấy, sóng đấy, tiếng tiêu đấy như mãi mãi kể về sự hy sinh thầm lặng của những con người vô danh.
Với anh, câu chuyện này tự nó toát lên văn hóa của người Hà Nội: trọng việc nghĩa, làm điều thiện và yêu cái đẹp. Ông già Châu đã tặng cây tiêu cho anh, ông thổi một cây tiêu khác – chính cây tiêu đã khiến anh hình thành ý tưởng làm bảo tàng về kỷ vật của những con người Hà Nội bình dị gắn bó với HHK.

Một kỷ vật khác cũng cực kỳ độc đáo mà anh rất quý, đó là một miếng bùn khô cán mỏng như chiếc bánh đa anh lấy từ dự án thí điểm hút bùn cải tạo môi trường HHK năm 2009. Anh chứng kiến cảnh hút bùn hồ lên, đưa bùn qua hệ thống máy vắt bùn để ra bùn khô được nén và cán mỏng. Anh đã nhặt một mảnh bùn, cắt vuông vức và đề nghị những người tham gia dự án, từ ông kỹ sư trưởng người Đức, nhân viên điều khiển hệ thống xử lý bùn người Thái Lan, anh công an giữ trật tự và các kỹ sư có mặt ở đó ký vào – giờ anh đặt miếng bùn trang trọng trong tủ sách ở phòng làm việc của mình. Lý giải điều này, anh bảo, cái “lãng mạn” và ý nghĩa ở đây là trong miếng bùn đó có những hạt phù sa đã bồi tụ cách đây hơn 600 năm tuổi, khi HHK còn là hồ Lục Thủy, hồ thủy quân hay chỉ là một nhánh của sông Nhĩ Hà trước khi được gọi là HHK (1428).

Anh còn cho tôi xem những con chữ được gắn trên phông treo ở tượng đài Lý Thái Tổ bằng 3 thứ tiếng Việt – Hán Nôm và tiếng Anh trong dịp chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Sau Đại lễ, những chữ này bị dỡ bỏ, anh đã nhặt một số chữ đó về cất đi, sau này, anh sẽ “thổi hồn” vào đó, để mọi người biết rằng những chữ này, với ý nghĩa nội dung này, đã được gắn ở phông này, đặt ở vị trí này… đúng dịp Hà Nội tròn 1000 năm tuổi.

Anh bảo, những kỷ vật vô tri vô giác như thế nhưng khi “thổi hồn” vào sẽ có ý nghĩa biết bao. Vì thế, hàng ngày, anh vẫn lọ mọ đi sưu tầm kỷ vật, anh cũng không bao giờ ngưng nghỉ việc này.

Anh mong muốn, khi về hưu, anh sẽ có một quán bên hồ Hoàn Kiếm, ở đó có những bức tranh panorama đẹp nhất về HHK mà anh chụp, có video đăng tải toàn bộ clip, phóng sự về HHK mà anh đã dày công ghi lại, có bảo tàng kỷ vật của những nhân vật trong câu chuyện của anh, có những món ăn ngon đặc trưng của Hà Nội do những cô gái yếm đào áo lụa mời khách, ở đó có cafe Giảng được pha bằng chiếc phin to sụ và thô sơ thời bao cấp (một trong những kỷ vật anh được chính con gái cụ Giảng tặng)… để người đến không chỉ được ăn ngon mà còn “bội thực” về văn hóa người Hà Nội, nơi mà mọi người biết được rằng Hà Nội địa linh nhân kiệt như thế nào,  thiêng thế nào, quý thế nào - thay vì chỉ đến ngó nghiêng hay tra về lịch sử Hà Nội trên google.

“Đó là cách tôi kéo mọi người lại để cho họ thấy được lịch sử của Hà Nội, của mảnh đất 1000 năm mà không ở đâu có được, nhưng đó cũng đang là điều mà tôi ấp ủ, mong muốn, để nó thành hiện thực thì tôi chưa biết đến bao giờ…”

Tôi biết, ra đời bảo tàng kỷ vật về HHK không chỉ phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của anh mà còn rất nhiều yếu tố khác nữa. Tôi thấy anh giống như một “cô gái xinh đẹp” đang chờ một vị hoàng tử mang niềm hạnh phúc đến cho mình. Ý tưởng của anh, đam mê của anh, mong muốn của anh cần một nhà doanh nghiệp thực sự yêu văn hóa của Hà Nội đầu tư để hiện thực hóa. Bây giờ, mọi người bỏ ra rất nhiều tiền để thỏa mãn nhu cầu thưởng thức văn hóa của mình như xem fim, nghe nhạc, đi du lịch… so với nhu cầu ăn và nhu cầu sống. Nhưng tôi biết, một “cô gái” như anh chắc chắn không mở lòng với vì hoàng tử nào ném xoạch đống của trước mặt bảo “đấy, làm đi!”, anh cần một hoàng tử thật sự yêu văn hóa, yêu Hà Nội và vị hoàng tử đó chưa xuất hiện…

Anh vẫn tiếp tục gắn bó với HHK, năm nào mừng sinh nhật www.hohoankiem.org (22/1) anh cũng làm một cuốn sách với hơn 100 bài viết kèm mỗi bài 4 ảnh về những sự kiện trong năm mà anh ghi lại được. Hiện anh đã làm được 4 cuốn, đang hoàn chỉnh cuốn thứ 5 - đây là phần anh tự thưởng cho mình, nói cách khác, anh vật chất hóa công việc của mình trong một năm gắn với HHK để khoe với người thân, bạn bè.

Anh khoe, từ ngày gắn với HHK, anh có hẳn một đội quân “vệ tinh” riêng, có hẳn một đường dây nóng, hễ có sự kiện gì lại điện thoại báo ngay với anh: “anh ơi, cụ Rùa nổi đấy!” “anh ơi chỗ này chỗ kia có chuyện…”. Có lúc, anh thấy mình như ông bảo vệ hồ bất đắc dĩ, “sướng thật!” – anh cười hào hứng.

Chưa bao giờ anh thấy mệt mỏi, cũng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ dừng lại công việc tìm hiểu, phản ánh về HHK, thậm chí mới đây, khi ông cụ thân sinh 83 tuổi của anh phải mổ dạ dày ở viện Việt Xô, anh chăm cụ ca đêm từ 23 giờ đến 2 giờ sáng, khi thay ca, anh lọ mọ phóng ngay ra HHK vì… nhớ hồ. Hôm đó là thời gian sau Đại lễ, anh bảo chưa thấy lúc nào HHK lại đẹp đến thế, đường phố quang đãng, sáng trưng vì TP tiếp tục trang hoàng để chào mừng Đại hội Đảng XI, anh đứng lặng người và kỳ công chụp được bức panorama toàn cảnh HHK, đẹp lung linh như một câu chuyện thần thoại với ánh điện rực rỡ, TP gần như không người, sạch sẽ, thơ mộng huyền ảo…


Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
https://hohoankiem.org/attachment.php?fid=106

Anh Hà Hồng trong một lần tận mục sở thị tháp Rùa giữa hồ Hoàn Kiếm (Ảnh: NV)


Hiện anh đã có 650 câu chuyện liên quan đến HHK, số người truy cập trang web về HHK của anh cũng lên tới hơn 700 nghìn người, gấp đôi số lượng truy cập của 4 năm qua cộng lại, cứ mỗi tuần anh đều dành công sức update 2 sự kiện mới và 4 ảnh mới để những người yêu HHK, những bạn đọc của anh có thêm thông tin từ lăng kính của anh.
Anh khoe, cả ngày làm việc ở cơ quan, tối về lại lao vào… HHK, vợ anh bảo “ông này hâm rồi, chả được gì mà cũng say mê” – nói vậy, nhưng anh biết vợ anh là người ủng hộ anh nhất, “không có cô ấy thì tôi không dành thời gian cho HHK được như vậy đâu, về nhà tôi như ông vua vậy, không phải đụng chân đụng tay việc nhà. Bạn bè đồng nghiệp cũng ủng hộ và khuyến khích tôi, có người gặp chỉ để nghe tôi kể chuyện hồ, mà cũng lạ, hễ kể là chưa bao giờ họ lơ là – sự dày công của mình đã được mọi người biết đến, đó là niềm vui mà không phải ai cũng có được” – anh nói.

Yêu đến mức, thao thao nói về HHK hàng tiếng đồng hồ cùng tôi mà anh không mệt mỏi, anh bày tỏ rằng “giờ tôi thấy ai mê HHK hơn là tôi ghen với người đó” – anh bảo đây một sự ghen tuông lành mạnh, bởi vì ghen, anh lại càng tìm hiểu về HHK nhiều hơn, để thấy mình phải là người yêu HHK nhất…

Những ngày cuối năm này, anh có nhiều thời gian để ở bên niềm đam mê của mình, anh bảo riêng ngày 30 Tết năm nào anh cũng đi quanh hồ 3 lần, sáng, chiều, tối.

Sáng 30 anh xem ngày cuối cùng của năm diễn biến quanh hồ thế nào, chiều 30 khi mọi người quây quần làm mâm cơm tết thì anh lại lang thang ra hồ xem bà con nghèo – “những người không có Tết” chuẩn bị hàng hóa bán đêm giao thừa để kiếm sống ra sao, đến tối 30 Tết anh lại cùng vợ và con đi xem và ghi lại hình ảnh HHK chia tay năm cũ đón năm mới với pháo hoa sáng rực trời. Sáng mùng 1 Tết, sau khi đưa vợ con về ngoại, anh lại anh tiếp tục xách xe ra hồ và khu phố cổ để ghi nhận những câu chuyện và hình ảnh đầu năm mới…

Anh nói anh cứ làm vậy thôi, thấy yêu và đam mê không dứt, đến khi ngừng thở vẫn yêu và đam mê HHK- cuộc sống như vậy mới có ý nghĩa. Anh  bảo, đến những chiếc lá cây bên hồ anh thấy chúng còn có ý nghĩa, khi còn xanh thì làm ô che đầu cho người đi bộ, lúc vàng rơi thì làm êm chân người qua lại trước lúc hóa vào làm mùn tốt cho đất.

“Chả ai bắt lá phải như thế nhưng lá tồn tại để có nghĩa như thế” - anh tâm đắc - “đời chiếc lá đơn giản vậy thôi”!

Kiều Minh
Nguồn: http://vtc.vn
Khach | Dang nhap