Thư Hà Nội
(TT&VH Cuối tuần) - Tháng Giêng năm 1928, tại Hà Nội, một thanh niên người Pháp, bắt đầu viết một lá thư dài gửi Regoer Martin du Gard, nhà văn lớn của nước Pháp (người đã được trao giải Nobel văn chương năm 1937 với bộ trường thiên tiểu thuyết Les Thibault). Một bức Thư Hà Nội. Một bài thơ về Hà Nội. Một ký ức Hà Nội của một người ngoại quốc có thể khiến những người Hà Nội gần một thế kỷ sau đọc lại còn thấy rưng rưng.


Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
https://hohoankiem.org/attachment.php?fid=525


Thời gian 18 tháng sống ở Hà Nội (1927- 1928) đã trở thành một bước ngoặt lớn trong toàn bộ quá trình hình thành con người nghệ thuật ở người thanh niên ấy - Jean Tardieu, mà sau này trở thành một tên tuổi của nền thơ ca và kịch nghệ Pháp. Jean cũng chính là con trai của Victor Tardieu, vị hiệu trưởng đầu tiên của ngôi trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nơi đào tạo những thế hệ họa sĩ hàng đầu của lịch sử mỹ thuật Việt Nam, một người đã chọn Hà Nội để đến, để vẽ và để chết! Về Victor Tardieu, TT&VH Cuối tuần sẽ trở lại vào một dịp khác để nói về con người kỳ lạ này và một tình yêu kỳ lạ của ông dành cho mảnh đất này.

Năm 2000, năm năm sau ngày Jean Tardieu mất, Thư Hà Nội được xuất bản lần đầu tiên bằng tiếng Việt (NXB Phụ nữ). Ngài Tham tán hợp tác và hoạt động văn hóa thuộc Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội lúc bấy giờ đã gọi đây là một “cuốn sách lớn”. Và nói như nhà văn Hoàng Ngọc Biên, dù Jean Tardieu đối với chúng ta vẫn là một “người ngoài”, nhưng “Cái chút ít “người ngoài” ấy viết về những chiều dạo chơi trên sông Hồng, buổi sáng Chủ nhật cùng họa sĩ Lê Phổ ngồi chuyện trò về nghệ thuật trong sân một ngôi chùa cổ ở đồng quê, hay buổi hoàng hôn đứng trên cầu Doumer (cầu Long Biên - TT&VH) nhìn ra chân trời xa, cái chút ít ấy sẽ còn lại trong ký ức của ta như một ngụm trà uống vào một buổi chiều mưa trở về nhà, trong nhiều kỷ niệm-và trong thời gian”...

Dưới đây chúng tôi xin trích đăng một số đoạn của Thư Hà Nội (bản dịch của Đặng Thị Hạnh, NXB Phụ nữ, 2000) với những góc nhìn của một người Pháp về Hà Nội của gần 80 năm về trước.

Ngày 23 tháng Giêng

... Chưa bao giờ tôi cảm thấy thất thường như từ khi tôi đến “định cư” một thời gian ở Hà Nội. Điều này chắc do khí hậu: tôi thấy dường như ở xứ này, hơn bất cứ ở nơi nào khác, con người trực tiếp lệ thuộc vào quyền lực độc đoán và đỏng đảnh của các yếu tố thời tiết. Về phần tôi, chưa có ngày nào mà trạng thái tinh thần và thể chất của tôi lại chẳng trải qua nhiều giai đoạn kế tiếp: từ mệt mỏi tới sảng khoái, từ thoải mái thanh thản đến một sự khó chịu bí ẩn, từ niềm vui trọn vẹn tới tuyệt vọng. Ở xứ Bắc kỳ này người ta có cảm tưởng rất rõ về một thiên nhiên không phân hóa, hoặc chưa phân hóa: không có phân biệt giữa các mùa, không có giới hạn chính xác giữa mùa này và mùa khác, từ ngày này sang ngày sau, khí hậu chênh từ 10 đến 15 độ; cách đây ít hôm là rét thực sự: buổi sáng đi từ nhà, trang bị áo len, cuộn kín trong áo capot da, tôi có thể tưởng mình đang ở Paris tháng Mười hai: cũng ánh nắng nhạt và vui, trời một màu xanh - xám tuyệt đẹp, tiếng động đanh đanh của đường phố, cảm giác nhẹ bỗng. Và đột nhiên, ngày hôm sau, nóng như mùa Hè Pháp - trời đầy giông tố, màu xám chì, màu phơn phớt bóng bẩy của các đám mây. Và thời tiết cứ thay đổi vậy ngày lại ngày, với một sự sáng tạo phong phú không sao kể xiết, hết thảy sắc màu, màu nọ kế tiếp màu kia... Không biết bao điều bất ngờ ngộ nghĩnh dành cho người khách du hành mới đến: một nông dân ngồi câu bằng cần câu bên ruộng của mình nếu cây lúa đã cao, người ta không nhìn thấy nước và không hiểu ra sao nữa! Trên mười thửa ruộng cạnh nhau, có một thửa người ta đang gieo hạt, một thửa nữa người ta đang cấy mạ, những thửa khác mỗi thửa lại ở một độ sinh trưởng khác nhau và ở thửa cuối cùng người ta đang gặt!...Toàn bộ thiên nhiên do vậy như giục những khách lạ, những người không thích nghi, sống ngày qua ngày và trong một trạng thái thường xuyên chuyện nọ xọ chuyện kia. Bởi ở cái thế giới kỳ cục này, cảm giác khó ở cũng như sảng khoái có một cường độ gấp ba bốn lần so với khi người ta ở xứ ôn đới.

Ngày 30 tháng Giêng

... Buổi chiều trước khi mặt trời lặn ít lâu, tôi thường đi dạo ven sông, trên con đê cao bằng đất mà những người Bắc kỳ cứ kiên nhẫn từng sọt, từng sọt một, mỗi năm lại tôn cao lên để bảo vệ thành phố khỏi những cơn lụt ghê gớm mùa Xuân. Phía trong con đê này, ngay trên nền đã khô của con sông, có một mô đất cao, gần như một đồi nhỏ, chắc là một con đê cũ (có lẽ là bãi bồi giữa sông Hồng - TT&VH), dưới chân con đê này cuối cùng ta mới thấy dòng sông; đến đây nó vòng lại và làm thành  một vịnh nhỏ, ngay lúc nước rút, vẫn giống như một eo biển. Từ mũi đất nhỏ của tôi, tôi nhìn thấy dưới chân nhưng thuyền đánh cá, xa hơn, những ghe có mái chèo đi qua hoặc những thuyền buồm trở về bến. Phía bên kia con sông cứ dâng lên, dâng lên dường như cao hơn cả chân trời. Cuối cùng, một nét mảnh màu xám ở xa như chỉ ra một bến bờ thấp thoáng. Trong tất cả không gian ấy, không một sắc màu rực rỡ, không hề có một màu đỏ thực sự, màu lục hoặc màu vàng gắt như người ta thấy ở Ấn Độ. Một hòa hợp sắc màu tráng lệ, màu xám-nâu. Đủ mọi thang của màu xám và màu hạt dẻ, ở đấy các màu sắc chỉ kín đáo hòa lẫn, để khiến cho bùn đất cất lên một khúc ca đơn điệu u buồn, cực kỳ tinh vi và sâu kín... Dân chúng do một linh cảm đầy yêu thương đối với phong cảnh của mình, mặc những bộ quần áo có màu hòa hợp với bối cảnh: đó chỉ là những áo dài vải thô, những quần áo rách rưới một màu đỏ gạch đã phai. Dưới chân tôi những khối nâu đó đang cử động trên những chiếc thuyền mành bằng gỗ tốt màu đen hoặc màu gụ, chiếc cầu tre nhỏ cong xuống dưới sức nặng một người phụ nữ đang đi qua. Cô in hình rõ hơn trên những tia phản chiếu một màu vàng óng đã xỉn của mặt nước: quần rộng, áo dài màu đất vạt bay phấp phới, một chiếc khăn buộc quanh má. Đội trên đầu một sọt đất hoặc than bùn, cô đi qua với dáng điệu kiểu Gauguin.

Ngày 2 tháng Ba

Hòa cùng cả nước đếm ngược thời gian hướng về Đại lễ Ngàn năm Thăng Long-Hà Nội (10/2010), hãy cùng TT&VH Cuối tuần khám phá lại một “Hà Nội mến yêu” từ những góc nhìn “lạ”, những góc nhìn từ “bên ngoài”, của những người không biết nói “tiếng Hà Nội”, nhưng họ đã, hoặc tình cờ, hoặc bị thu hút, đến với thành phố này, khám phá nó. Góc nhìn Hà Nội của người nước ngoài, phần nào cho chúng ta thấy một Hà Nội khác, một Hà Nội không còn chỉ của riêng người Hà Nội, người Việt Nam, mà còn là một thành phố của con người.

... Cứ như vậy tôi đi cho tới tận “Cầu Doumer”, cái cầu duy nhất nối Hà Nội với bờ bên kia con sông. Phải nói rằng chiếc cầu này là một trong những công trình lớn nhất mà các kỹ sư của chúng ta đã hoàn thành ở đây: đó là một cái cầu bằng sắt dài hơn một kilomet rưỡi với những vòm chống rất lớn, ở giữa eo là một đường xe lửa và mỗi bên có một đường cho xe ô tô và vỉa hè cho người đi bộ. Từ rất xa phía trên nông thôn bằng phẳng, người ta đã thấy cuộn ra những đốt vòng của con rắn lớn mênh mông này, nhẹ nhõm, duyên dáng và mạnh mẽ, qua những cột cao, nó để lộ một chân trời... Trên phương diện là một công trình bằng sắt, đó là cái tôi đã được thấy quan trọng nhất sau tháp Eiffel.

Ngày hôm qua đứng giữa cây cầu sau lúc hoàng hôn, khi một ánh sáng nhợt nhạt mượt mà còn hòa lẫn với bóng tối đang lan rộng, tôi đã ngắm rất lâu các khoảng không kỳ diệu ấy, lòng sông, đồng bằng rộng vô tận. Cho tới nay, kể cả chân trời đại dương cũng chưa bao giờ cho tôi cảm giác về không gian đến như vậy, không gian ở trạng thái thuần khiết...

PV
Nguồn bài từ báo TT&VH Cuối tuần
Khach | Dang nhap