Lầu Ngũ Long
Lầu Ngũ long ở vị trí ngoài cửa Tuyên Vũ của phủ Chúa trịnh ( thế kỷ XVI-XVII ) (nay là Bưu điện Hà Nội ), gần sát hồ tả vọng (  hồ Hoàn Kiếm ).


Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
https://hohoankiem.org/attachment.php?fid=667


Qua cuốn sách Họ Trịnh và Thăng Long,  của tác giả Bình Di và Quang Vũ, (NXB Từ điển Bách Khoa, 2008) và cuốn sách Những Ðại lễ và Vũ khúc của vua chúa Việt Nam, của Ðỗ Bằng Ðoàn và  Ðỗ Trọng Huề chúng ta phần nào hình dung ra lầu Ngũ Long, và hoạt động tại đây thời chúa Trịnh.
Lầu cao chót vót ba tầng chính, năm tầng mái, cao khoảng 120 thước ( tương đương 60m ). Lầu được xây dựng kiên cố bằng đá phiến lớn. Có hai mặt thềm đá bậc lên tầng lầu, chính giữa là điện Quang Minh. Phía ngoài lan can, cửa lớn rộng sơn son. Trong điện cột lớn sơn son thiếp vàng. Tầng dưới lầu Ngũ Long là nơi thiết yến tiệc, đón các tân khoa làm lễ trao áo mũ. Trên điện Quang Minh là nơi chúa ngự duyệt thủy quân, ngoài sông Hồng làm lễ kỳ đạo.


Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
https://hohoankiem.org/attachment.php?fid=668


Lầu có ba cửa lớn. Khuôn cửa có đặc điểm khép chéo góc với bộ khung lớn. Phần mái trên điện Quang Minh có năm tầng mái đắp năm con rồng nổi thân vẩy dát mảnh sứ tầu vàng óng ánh. Vây rồng bằng đá cẩm thạch mầu. Khi mặt trời chiếu sáng, ánh nắng rọi vào mình rồng óng ánh như đang chuyển động theo ánh mặt trời, khi ánh sáng thay đổi. Lầu có năm tầng mái, có rồng trang trí nên gọi là lầu Ngũ Long. Dưới chân lầu là nơi diễn võ thuật, thi bắn đánh vật.

Đây là công trình mang tính chất quân sự, phòng thủ rất vững chắc. Mùa tháng sáu nước sông Nhĩ Hà ( sông Hồng ) ngập đến chân lầu, mặt lầu Ngũ Long tiếp giáp với sông sông Hồng , có thủy trại và các chiến thuyền canh phòng và luyện tập thủy binh. Thềm hai bên cửa lầu Ngũ Long mặt phía trước và phía sông có đặt súng thần công bằng gang nòng năm tấc dài năm thước đã được phong hiệu: Điện Xiết tướng quân, Lôi Chấn tướng quân, Phi đằng tướng quân v.v...


Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
https://hohoankiem.org/attachment.php?fid=669


Đến triều Nguyễn Gia Long, lầu Ngũ Long đã không còn các khẩu thần công này. Chúng đã được chuyển vào thành Hà Nội. Phía trước lầu Ngũ Long có rặng muỗm cổ thụ cao lớn, gốc sần sùi trông xa rất uy nghiêm hùng vĩ.

Mỗi khoa thi Hương, trường Phụng-thiên (Thăng-long) sau khi kéo bảng, các ông tân khoa lĩnh mũ áo mặc vào rồi theo quan trường đến lầu Ngũ long bái mạng Chúa. Hôm ấy nhân dân ở kinh đô bảo nhau nghỉ công việc, nô nức ra đứng hai bên đường xem mặt các tân khoa.


Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
https://hohoankiem.org/attachment.php?fid=670


Giờ thìn, đội quân nhạc, ban nữ nhạc rước Chúa trong phủ đường. Đi tiền đạo là cờ, quạt cùng các đồ nghi trượng. Ba trăm lính cầm hèo sơn son. Chúa ngồi kiệu Kim Long che bốn tàn tía, 12 quạt vả thêu long phượng. Thế tử cưỡi ngựa, yên thiếp vàng, đeo nhạc vàng đi bên kiệu. Tiếp sau là hơn một vạn quân các đội Thi hậu, Nghiêm nhất, Hùng trung đều mặc nhung phục chỉnh tề mang võ khí, súng tay hoặc giáo mác, mã tấu. Các quan văn, võ cưỡi voi, ngựa đi hộ vệ. Cuối đám rước là quan trường, ngồi võng trần che lọng và các tân khoa cưỡi ngựa, che lọng theo sau.

Tới lầu Ngũ Long, quân lính đứng giàn hàng, Chúa và Thế tử bước lên lầu. Chúa ngồi trên sập hoặc trên võng, Thế tử ngồi ghế bành, các quan phủ liêu đứng hầu hai bên. Dưới lầu xá nhân coi cửa, tướng thần lại đứng chực  giáp lối đi và thừa hành công vụ. Quan trường đọc tên tân khoa thứ tự vào chiếu làm lễ bái mạng, lạy năm lạy, ba vái.

Trong khoa thi hương ở Thăng Long 1643-1648, Nguyễn Đình Trụ đỗ thủ khoa và Đăng Long đỗ hương cống thứ tư. Khi các tân khoa vào lầu Ngũ Long bái mạng, chúa Trịnh Tráng thấy Đăng Long mặt đẹp bèn bảo quan trường: “ Gã này thật xứng đáng thủ khoa”. Lúc ban yến chúa cho, Đình Trụ ngồi bên trái, Đăng Long ngồi bên phải nên đương thời gọi Đăng Long là Mỹ mạo thủ khoa ( ông chủ khoa mặt đẹp ).  

Năm 1786, khi Tây Sơn ra Bắc lần thứ nhất, Lê Chiêu Thống còn cho họp tướng lĩnh ở lầu này. Sau khi Phủ chúa bị Lê Chiêu Thống phóng hỏa đốt năm 1787 thì lầu Ngũ long cũng bị phá. Dân đến đây làm nhà, lập thôn Cựu Lâu.

Khoảng năm 1842, Tổng đốc Hà Ninh là Nguyễn Đăng Giai đã quyên tiền dân xây dựng chùa ở khu vực này. Chùa có tên là Báo Ân. Vì hồ trong chùa rất nhiều sen nên dân còn gọi là chùa Liên Trì và cũng còn có tên khác là Quan Thượng, tên của viên quan lập chùa. Chùa có 180 gian, kiến trúc phức tạp và cầu kỳ ( chúng tôi sẽ có bài viết giới thiệu chùa Báo Ân ).

Năm 2006, tại Hoàng thành Thăng Long có cuộc triển lãm các bức tranh phục dựng lại cảnh hồ Hoàn Kiếm tại thời điểm chúa Trịnh ở Thăng Long. Chúng tôi đã chụp lại được  bức tranh vẽ lầu Ngũ Long ( họa sỹ Trần Quang Vũ vẽ lại tranh trong sách Vương quốc Bỉ năm 2004 ). Xin giới thiệu với các bạn yêu “ hohoankiem.org “.

Hà Hồng

Khach | Dang nhap