Tìm người trong ảnh
Lang thang trên mạng bất ngờ tôi tìm thấy một bức ảnh một cô gái tầm 20 - 22 tuổi đang đọc báo Nhân Dân. Đối với người bình thường, đây là bức ảnh lạ vì thời buổi bây giờ ai lại đọc báo cho tập thể nghe khi có đầy đủ các phương tiện nghe nhìn như ti-vi, đài, báo giấy, báo điện tử.


Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
https://hohoankiem.org/attachment.php?fid=871


Riêng tôi - một phóng viên của báo Nhân Dân thì không chỉ thấy lạ mà cảm thấy thân thuộc quá. Thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thời bao cấp việc việc đọc báo Nhân Dân đầu giờ là việc làm cố định vào đầu buổi sáng của nhiều cơ quan. Hồi nhỏ chúng tôi đã thấy nhiều nơi đọc báo như vậy vào mỗi buổi sáng và thường xuyên được bố, mẹ kể một cách hãnh diện rằng tờ báo Đảng là món ăn tinh thần không thể thiếu được của nhiều tầng lớp nhân dân.

Bức ảnh người con gái đọc báo trong một phân xưởng may, tôi tìm được trên mạng Corbis có chú thích: “Công nhân Nguyễn Thị Liên, thường đọc báo Nhân Dân cho các đồng nghiệp đang trong ca làm việc tại Nhà máy dệt kim Hà Nội vào ngày 13-2-1968”.

Tôi tìm được bức ảnh này đúng vào dịp cơ quan tổ chức đợt thu nhận hiện vật bổ sung cho phòng truyền thống. Xác định đây sẽ là một trong những bức ảnh tư liệu quý đáng tự hào của những người làm báo Đảng, tôi bắt tay vào việc “truy tìm” người trong bức ảnh.
Thông tin được nêu rõ trong lý lịch của bức ảnh là: Người con gái trong ảnh tên là: Nguyễn Thị Liên Hương và chụp bức ảnh đó là: 13-2-1968. Tôi đã đến Phòng Tư liệu Thư viện nhờ anh Vũ Kim, anh Xuân Lộc, chị Hồng tìm số báo ngày 13-2-1968. Nhưng khi đối chiếu với hình ảnh mờ mờ (trong ảnh) không phải như vậy. Chú thích ảnh nêu rõ địa chỉ cô gái đọc tờ báo Nhân Dân tại Nhà máy Dệt kim Hà Nội. Hỏi một số chuyên gia từng làm ở Nhà máy dệt kim Hà Nội thì họ nói nhà máy đã đổi tên thành Dệt kim Thăng Long, sau đó đổi thành Dệt kim Xuân Đỉnh.

Tuy vậy, cán bộ Phòng tổ chức ở Nhà máy Dệt kim Xuân Đỉnh cho biết nhà máy không dùng máy vắt sổ như trong ảnh. Tôi mở rộng phạm vi “điều tra”, gửi thư điện tử ảnh người con gái đọc báo đến Nhà máy Dệt 8-3, Công ty cổ phần Dệt 10-10,... Chị Tuyết ở Phòng tổ chức của Nhà máy Dệt 8-3 cho biết, vào thời điểm những năm 60-70, nhà máy chỉ làm nhiệm vụ dệt vải và nhuộm vải không có bộ phận vắt sổ như trong ảnh. Nhưng theo em người con gái trong ảnh xinh như vậy chắc nhiều người sẽ biết, anh cố tìm hiểu đi nhé, chúc anh thành công. Chị Lan Anh ở Công ty cổ phần Dệt 10-10, sau khi xem bức ảnh tôi gửi qua mạng cũng khẳng định công ty không có bộ phận nào làm việc với máy vắt sổ như trong mạng.

Khi chúng tôi gọi điện đến Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Xuân gặp được anh Dương, Chánh văn phòng. Chúng tôi nói với anh công việc mình đang tìm hiểu. Anh yêu cầu  gửi ảnh. Thật may ngày hôm sau anh Dương gọi điện lại, cho biết rất nhiều khả năng (khoảng 80%) bức ảnh này được chụp tại nhà máy chúng tôi. Vấn đề là ai đọc báo Nhân Dân, vào những năm 70 của thế kỷ trước thì phải chờ anh Dương gặp gỡ các cụ về hưu, cho các bác xem ảnh. Trong khoảng thời gian chờ anh Dương tìm hiểu người trong bức ảnh là ai, tôi đi “điều tra” theo hướng khác. Tôi đã nhờ một chuyên gia photoshop ở Nhà Xuất bản thế giới... nâng mật độ bức ảnh lên hàng chục lần để xem báo Nhân Dân mà cô gái đó đọc ngày nào. Tuy độ nét của ảnh đã được nâng lên hàng chục lần nhưng chúng tôi không đọc được ngày ra số báo Nhân Dân đó.

Mặc dù vậy chúng tôi đã đọc được những thông tin quan trọng: Phần cuối tít của một bài viết bên phải phía trên của trang báo là hai con số 2-9. Phỏng đoán đây có thể là bài viết vào dịp Quốc khánh 2-9.

Tôi chạy sang Phòng Tư liệu - Thư viện, cùng anh Vũ Kim tìm số báo chung quanh ngày 2-9-1968. Nhưng không thấy đúng đặc điểm như số báo trong  bức ảnh. Trang nhất, nửa phần trên chỉ có hai bài và không có ảnh. Mở rộng phạm vi “điều tra” chúng tôi xem các số báo liên quan dịp kỷ niệm 2-9 năm 1967 và năm 1969.

May thay chúng tôi tìm thấy số báo Nhân Dân ngày 19-8-1967, giống đầy đủ các chi tiết thể hiện trên bức ảnh.

Như vậy cô gái tên là Nguyễn Thị Liên Hương trong ảnh đang đọc tờ báo Nhân Dân ngày 19-8-1967 chứ không phải ngày: 13-2-1968 (phần nhìn thấy trong bức ảnh có hai phần chính: phía bên trái đó là bài xã luận: “Mừng ngày kỷ niệm lớn bằng những chiến công lớn”. Phía bên phải đó là “Khẩu hiệu Kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và mừng Quốc khánh 2-9”.
Nhìn vào bức ảnh chúng ta thấy cô gái đang đọc bài xã luận, ở đoạn: “...Lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam có nhiều giai đoạn oanh liệt lừng lẫy mà giai đoạn hiện nay bắt đầu từ Cách mạng Tháng Tám là giai đoạn oanh liệt, lừng lẫy nhất...”.

Quay trở lại hướng “điều tra” ở Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Xuân. Đúng nửa tháng sau (theo lời hẹn) anh Nguyễn Bá Dương, Chánh văn phòng báo cho chúng tôi biết  tin mừng người trong bức ảnh đó là chị Nguyễn Thị Liên Hương. Chị đã theo chồng vào nam từ sau năm 1975, hiện nay “chị” đã ngoài 70 tuổi. Từ đó đến nay cán bộ của công ty không biết chị ở địa điểm nào. Chiếc loa mà chị Hương đọc không phải bằng tôn mà được làm từ bìa cát-tông. Như vậy qua hai tháng “điều tra” tôi đã xác định được một số thông tin chính của bức ảnh.

Bức ảnh nói tên được một nhiếp ảnh nước ngoài chụp chị Nguyễn Thị Liên Hương đang đọc báo Nhân Dân ngày 19-8-1967, tại một phân xưởng (dùng máy vắt sổ) của Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Xuân.

Trên mạng có một độc giả bình luận: “Tấm ảnh này mà báo Nhân Dân không đưa vào phòng truyền thống thì hơi bị phí”. Và bây giờ tấm ảnh nói trên đã được chúng tôi đưa vào tập hồ sơ bổ sung tư liệu cho Phòng truyền thống Báo Nhân Dân.


Hà Hồng
Khach | Dang nhap