Sớm thu
Theo kế hoạch, ngày 31-8-2013, tôi dậy lúc 5 giờ sáng, sớm hơn mọi ngày để là công việc mà mười năm trước đó mình đã làm đó là đi chụp ảnh toàn bộ mặt tiền các ngôi nhà trên phố Hàng Đào. Trước đây mười năm, tôi đã có một ảnh toàn cảnh về tất cả các nhà số chẵn, và số lẻ. Sau mười năm tôi cũng sẽ có một bức ảnh toàn cảnh về các nhà số chẵn, và lẽ. Như vậy sẽ nhận thấy sự thay đổi của con phố này.
Sáng sớm trời thu Hà Nội se lạnh, đường phố vắng vẻ như ngày mồng một Tết. Các bà các chị trên phố Hàng Trống tranh thủ nhóm bếp than tổ ong, đi chợ, dọn quán nước chè chén vỉa hè, thứ nước uống “đặc sản” của Hà Nội. Biết là sáng chưa ăn gì mà uống nước chè vào sẽ cồn ruột, nhưng người Hà Nội đã nghiện thứ nước uống này rồi. Họ thích thú ngồi uống nước chè vỉa hè trên phố Đinh Tiên Hoàng sau khi đi bộ chung quanh hồ. Họ tụ tập năm sáu người, ngồi trên những chiếc ghế nhỏ quây chung quanh chị bán hàng.
Độ ba bốn tháng nay xuất hiện địa điểm uống nước chè mới đó là đầu hồi Nhà hàng Thủy Tọa, đối diện với Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Khoảng chục người tuổi trung niên ngồi cởi trần uống nước chè nói chuyên rôm rả, đến giờ mọi người đi làm, thì tự giải tán.
Trên phố Hàng Gai một bà cụ ngồi đan áo len. Có lẽ cụ muốn tự đan cho mình chiếc áo ấm vào mùa đông tới. Thời bao cấp, con gái Hà Nội ai cũng biết đan áo len. Tôi còn nhớ ở phố Ấu Triệu có một tổ đan len. Chị tổ trưởng rất xinh đẹp, chân bị tật. Cứ mỗi sáng như thế này các chị trong tổ đan len lại tụ tập trước nhà chị tổ trưởng vừa ngồi đan len nhoay nhoáy vừa nói chuyện liên hồi về tem phiếu, sổ gạo. Các cuộn len được để trong rổ nhựa. Nay cảnh đó trên phố Ấu Triệu không còn nữa, thay vào đó là nhân viên các khách sạn mi-ni, ăn mặc chỉnh tề đứng ngoài cửa đón khách. Phố trước đây toàn nhà một tầng nay đã thành phố mới với những khách sạn mi-ni ba, bốn tầng.
Ngã ba phố hàng Gai - Tô Tịch, hay đoạn nối phố Hàng Gai, Hàng Đào, Cầu Gỗ, có nhiều người ngồi ăn quà sáng. Đó là xôi đỗ xanh, xôi lạc, bánh cuốn Thanh Trì, bún đậu mắm tôm. Đa phần người ăn quà sáng là những người đi tập thể dục, đi chợ. Ăn xong họ thường mua về cho chồng, con và các cháu ở nhà.
Sở dĩ tôi phải dậy sớm là vì lúc đó các cửa hàng chưa mở, hơn nữa vào ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, mật độ người đi trên đường vắng hơn ngày thường, do vậy mình có thể chụp mặt tiền ngôi nhà trên phố Hàng Đào hoàn chỉnh nhất. Có như vậy mới có thể ghép được ảnh panorama.
Sau mười năm, mặt tiền các số nhà của phố đã có nhiều thay đổi hơn phố Hàng Ngang. Nhiều nhà đã được cải tạo, xây mới khác với trước. Ngôi nhà số 7 đã được đập đi xây dựng mới hoàn toàn. Các số nhà chẵn và lẻ cuối phố Hàng Đào gần như không thay đổi so với mười năm trước. Ngôi nhà số 4, nhà của lãnh tụ của Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, Lương Văn Can trước đây ở vẫn giữ nguyên được hiện trạng so với mười năm trước. Tuy vậy, ngôi nhà số 10, nơi mà Lương Văn Can dùng làm trường học đã bị hỏng nặng. Đứng từ dưới đường nhìn lên tầng hai, tôi đã thấy ngôi nhà không còn mái. Ngôi nhà đang trong quá trình sửa chữa. Hy vọng dáng vẻ bên ngoài ngôi nhà vẫn được giữ lại sau đợt sửa chữa này.
Đang mải chụp phố Hàng Đào, tôi nghe thấy tiếng nói đằng sau lưng. Anh chụp phố cổ à ? Quay lại tôi nhìn thấy người đàn ông gầy, nhỏ, đang ngồi trên chiếc xe máy. Hỏi chuyện, tôi được biết anh làm nghề xe ôm được ba năm nay, sau khi nghỉ hưu. Nhà ở phố Hàng Chuối. Sáng nào cũng đi xe đến đây ngồi ở đầu hồi nhà số lẻ cuối phố Hàng Đào ( đoạn giáp với Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục ). Sao bác biết tôi? Tôi hỏi người lái xe ôm. Bác xe ôm tên là Minh cười nói: Chiều nào tôi chẳng thấy anh lang thang ở hồ, có hôm còn thấy anh trên ti-vi nói chuyện về Rùa hồ Hoàn Kiếm. Tôi nở mũi tự hào về điều đó và nhớ đến câu nói của phóng viên Đài truyền hình Việt Nam, Hà Bình phong cho mình: “ Phóng viên thường trú tại hồ Hoàn Kiếm “.
Qua cuộc nói chuyện chúng tôi biết người lái xe ôm từng là cán bộ kỹ thuật của một viện nghiên cứu; đã được đào tạo trình độ trung cấp tại Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây chuyên ngành về quang học; có hai đứa con đã tốt nghiệp đại học; vợ là con gái Hà Nội ở phố Nhà Chung. Bác Minh tâm sự: Lương hưu tạm đủ nhưng vẫn thích đi làm xe ôm. Cái được lớn nhất của tôi khi ra đây không chỉ kiếm thêm vài đồng mà là được thư thái (trong lúc chờ khách) ngắm nhìn phố xá đông đúc, người Hà Nội đi qua, đi lại. Hôm nào, trời mưa hay vì lý do nào đó không ra được đây thì thấy người bứt rứt, khó chịu lắm.
Thành phần người lái xe ôm ở đây không chỉ là những người lao động chân tay bình thường, đôi khi họ là văn nghệ sỹ ( như chúng tôi đã có câu chuyện kể với các bạn trong hohoankiem.org) , nhà doanh nghệp làm ăn thua lỗ ở nước ngoài về ( người để đầu cua, tóc bạc, thường dựng xe dưới lòng đường cạnh đầu hồi Nhà hàng Thủy Tạ), và là cán bộ nghiên cứu sau khi nghỉ hưu, như bác Minh. Ở họ đều có chung một đặc điểm là chỉ thích đi xe ôm và đứng chờ khách ở chung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Chụp ảnh xong phố Hàng Đào, tôi tự thưởng cho mình bằng cách thả bộ chung quanh hồ để tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ của một ngày mới. Có một quy định bất thành văn đó là khu vực hồ Hoàn Kiếm phía phố Lê Thái Tổ thường dành cho những người tập thể dục cao tuổi. Chủ yếu tại khu vực trạm của Đội An ninh trật tự hồ Hoàn Kiếm. Trong tiếng nhạc khoan thai của bài Bèo dạt mây trôi, các bác múa tay, bước chân uyển chuyển, nhẹ nhàng trong nắng vàng nhạt rắc đầy trên Tháp Rùa - Đó là cảnh buổi sáng sớm mùa thu bên hồ mà tôi ghi lại được trong máy ảnh của mình !
Hà Hồng
Sáng sớm trời thu Hà Nội se lạnh, đường phố vắng vẻ như ngày mồng một Tết. Các bà các chị trên phố Hàng Trống tranh thủ nhóm bếp than tổ ong, đi chợ, dọn quán nước chè chén vỉa hè, thứ nước uống “đặc sản” của Hà Nội. Biết là sáng chưa ăn gì mà uống nước chè vào sẽ cồn ruột, nhưng người Hà Nội đã nghiện thứ nước uống này rồi. Họ thích thú ngồi uống nước chè vỉa hè trên phố Đinh Tiên Hoàng sau khi đi bộ chung quanh hồ. Họ tụ tập năm sáu người, ngồi trên những chiếc ghế nhỏ quây chung quanh chị bán hàng.
Độ ba bốn tháng nay xuất hiện địa điểm uống nước chè mới đó là đầu hồi Nhà hàng Thủy Tọa, đối diện với Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Khoảng chục người tuổi trung niên ngồi cởi trần uống nước chè nói chuyên rôm rả, đến giờ mọi người đi làm, thì tự giải tán.
Ngã ba phố hàng Gai - Tô Tịch, hay đoạn nối phố Hàng Gai, Hàng Đào, Cầu Gỗ, có nhiều người ngồi ăn quà sáng. Đó là xôi đỗ xanh, xôi lạc, bánh cuốn Thanh Trì, bún đậu mắm tôm. Đa phần người ăn quà sáng là những người đi tập thể dục, đi chợ. Ăn xong họ thường mua về cho chồng, con và các cháu ở nhà.
Sở dĩ tôi phải dậy sớm là vì lúc đó các cửa hàng chưa mở, hơn nữa vào ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, mật độ người đi trên đường vắng hơn ngày thường, do vậy mình có thể chụp mặt tiền ngôi nhà trên phố Hàng Đào hoàn chỉnh nhất. Có như vậy mới có thể ghép được ảnh panorama.
Sau mười năm, mặt tiền các số nhà của phố đã có nhiều thay đổi hơn phố Hàng Ngang. Nhiều nhà đã được cải tạo, xây mới khác với trước. Ngôi nhà số 7 đã được đập đi xây dựng mới hoàn toàn. Các số nhà chẵn và lẻ cuối phố Hàng Đào gần như không thay đổi so với mười năm trước. Ngôi nhà số 4, nhà của lãnh tụ của Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, Lương Văn Can trước đây ở vẫn giữ nguyên được hiện trạng so với mười năm trước. Tuy vậy, ngôi nhà số 10, nơi mà Lương Văn Can dùng làm trường học đã bị hỏng nặng. Đứng từ dưới đường nhìn lên tầng hai, tôi đã thấy ngôi nhà không còn mái. Ngôi nhà đang trong quá trình sửa chữa. Hy vọng dáng vẻ bên ngoài ngôi nhà vẫn được giữ lại sau đợt sửa chữa này.
Đang mải chụp phố Hàng Đào, tôi nghe thấy tiếng nói đằng sau lưng. Anh chụp phố cổ à ? Quay lại tôi nhìn thấy người đàn ông gầy, nhỏ, đang ngồi trên chiếc xe máy. Hỏi chuyện, tôi được biết anh làm nghề xe ôm được ba năm nay, sau khi nghỉ hưu. Nhà ở phố Hàng Chuối. Sáng nào cũng đi xe đến đây ngồi ở đầu hồi nhà số lẻ cuối phố Hàng Đào ( đoạn giáp với Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục ). Sao bác biết tôi? Tôi hỏi người lái xe ôm. Bác xe ôm tên là Minh cười nói: Chiều nào tôi chẳng thấy anh lang thang ở hồ, có hôm còn thấy anh trên ti-vi nói chuyện về Rùa hồ Hoàn Kiếm. Tôi nở mũi tự hào về điều đó và nhớ đến câu nói của phóng viên Đài truyền hình Việt Nam, Hà Bình phong cho mình: “ Phóng viên thường trú tại hồ Hoàn Kiếm “.
Qua cuộc nói chuyện chúng tôi biết người lái xe ôm từng là cán bộ kỹ thuật của một viện nghiên cứu; đã được đào tạo trình độ trung cấp tại Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây chuyên ngành về quang học; có hai đứa con đã tốt nghiệp đại học; vợ là con gái Hà Nội ở phố Nhà Chung. Bác Minh tâm sự: Lương hưu tạm đủ nhưng vẫn thích đi làm xe ôm. Cái được lớn nhất của tôi khi ra đây không chỉ kiếm thêm vài đồng mà là được thư thái (trong lúc chờ khách) ngắm nhìn phố xá đông đúc, người Hà Nội đi qua, đi lại. Hôm nào, trời mưa hay vì lý do nào đó không ra được đây thì thấy người bứt rứt, khó chịu lắm.
Thành phần người lái xe ôm ở đây không chỉ là những người lao động chân tay bình thường, đôi khi họ là văn nghệ sỹ ( như chúng tôi đã có câu chuyện kể với các bạn trong hohoankiem.org) , nhà doanh nghệp làm ăn thua lỗ ở nước ngoài về ( người để đầu cua, tóc bạc, thường dựng xe dưới lòng đường cạnh đầu hồi Nhà hàng Thủy Tạ), và là cán bộ nghiên cứu sau khi nghỉ hưu, như bác Minh. Ở họ đều có chung một đặc điểm là chỉ thích đi xe ôm và đứng chờ khách ở chung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Hà Hồng