Có bốn người Việt Nam ở Kenya và cả bốn người đều là con gái Hà Nội
Ở kenya được năm tiếng. Có lẽ đó là thời gian ngắn nhất mà chúng ở tại một quốc gia trong chuyến đi công tác nước ngoài. Tuy vậy những thông tin mà chúng tôi thu thập được rất thú vị: Ở Kenya chỉ có bốn người Việt Nam và cả bốn người đó đều là con gái Hà Nội.

Ngày 20-8-2013, từ Nam Phi trở về Việt Nam chúng tôi phải chuyển tiếp ở sân bay Nairobi ( Kenya ). Và chờ ở đó năm tiếng để bay tiếp về Việt Nam. Đây là lần đầu chúng tôi thấy tất cả thủ tục chuyển tiếp, nhập cảnh tại một trong những sân bay trung tâm nhất của châu Phi được thực hiện ngay trên đường băng sân bay, trong nhà bạt do hậu quả của đám cháy phòng xuất, nhập cảnh, ngày 7-8 chưa khắc phục được.






Chúng tôi có năm tiếng ở Kenya. Một là ngồi chờ ở đây hai là làm thủ tục nhập cảnh để vào Kenya. Ở lại thì thật buồn, không biết làm gì trong nhà bạt mới dựng lên, trong cái lạnh khoảng 10 độ. May cho chúng tôi, trong đoàn có anh Việt Anh Tổng biên tập báo Kinh tế đô thị. Anh có cô cháu ở đây và có nhã ý mời anh về thành phố chơi vài tiếng. Thế là đoàn chúng tôi theo anh làm thủ tục xuất cảnh vào Kenya.  Người đầu tiên mà chúng tôi nhìn thấy ở cổng sân bay là một cô gái nhỏ nhắn. Cô tên là Phạm Hảo. Cô và chồng đã chờ ở sân bay hơn hai tiếng đồng hồ.

Sau 20 phút đi ô-tô, chúng tôi đến một nhà hàng, nguyên trước đây là Đại sứ quán Mỹ. Sau khi bị đánh bom, Đại sứ quán Mỹ chuyển đi nơi khác, chỗ này trở thành khách sạn năm sao và nhà hàng. Nhà hàng chúng tôi ăn nằm sát với tường rào của khu bảo tồn thiên nhiên.  
Vừa gọi món, chúng tôi tranh thủ hỏi thông tin về nhau. Phạm Hảo nhìn Hà Thành ( Trưởng ban Truyền thông Tập đoàn Viettel  ) và nói: Tớ nhìn bạn quen lắm.
- Chắc là Phạm Hảo hay nhìn thấy Hà Thành hay dẫn trong Chương trình Hà Nội của chúng ta trên Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội trước đây
- Không phải. Hà Thành học ở đâu ?
- Tớ học ở Trường phổ thông cấp ba Việt Đức ( nay là THPT Việt Đức trên phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội )

Phạm Hảo reo lên, thôi đúng rồi hai đưa mình học cùng một trường cùng một khóa nhưng khác lớp. Như vậy trong bữa ăn hôm nay có ba người cùng học Trường phổ thông cấp ba Việt Đức. Tôi học trong thời gian từ năm 1975 -1978. Thế là cả ba chúng tôi nâng cốc bia kenya ( loại bia mầu đen và đậm hơn bia Hà Nội ) chúc mừng nhau dưới sự chứng kiến của mọi người.








Khi biết Phạm Hảo là người Hà Nội, tôi đã tranh thủ phỏng vấn để lấy thông tin nhất là thông tin liên quan hồ Hoàn Kiếm.

Phạm Hảo kể: Em sinh ra và lớn lên ở phố Thiền Quang, ngay cạnh “ Thông tấn xã Liên Xô” cũ, nay là trụ sở của hội Chữ Thập Đỏ thì phải. Tuổi thơ êm đềm trôi qua ở con phố nhỏ xinh đẹp và hiền lành, với lớp học vẽ tư nhân của ông nội Phạm Viết Song. Ông là họa sỹ đã đào tạo nên hàng chục thế hệ họa sỹ trẻ, trong đó có nhiều người sau này trở nên nổi tiếng. Bố mẹ em khi đó cũng là những giảng viên hội họa của Trường cao đẳng Sư phạm Nhạc Họa Trung ương (nay là Đại học Sư phạm Nhạc Họa). Vì vậy ngày thường của em là những bảng màu, giấy, bút với các học trò của ông nội hoặc một vài chuyến đi thực tế với sinh viên của bố mẹ tại các tỉnh và vùng miền quê phía Bắc (mặc dù chỉ là đi theo chơi vì khi ấy em còn quá nhỏ, khoảng 4-5 tuổi). Hết phổ thông, em chọn thi vào Trường đại học Kiến trúc vì cảm thấy mình thích hợp hơn với các môn học tự nhiên.

Ông ngoại Phạm Hảo là  Tạ Thúc Bình, họa sỹ nổi tiếng về những tập truyện tranh cho thiếu nhi như Thạch Sanh, Tấm Cám, Con ếch là cậu ông trời, v.v..Khi còn sống, ông là giảng viên hội họa của Trường đại học mỹ thuật Đông Dương (nay là Đại học Mỹ thuật ). Hai ông Tạ Thúc Bình và Phạm Viết Song quen nhau khi cùng học hội họa ở Trường  Mỹ thuật Đông Dương, cùng thời với những họa sỹ lão thành như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, v...v...

Bố của Phạm Hảo là họa sỹ Phạm Viết Hồng Lam, mẹ là họa sỹ Tạ Phương Thảo. Họ là bạn  cùng học tại Trường đại học Mỹ thuật. Giờ cả hai người đã về hưu. Họ  mở lớp học mỹ thuật dạy  các cháu nhỏ và học sinh chuẩn bị thi vào các trường mỹ thuật và kiến trúc để cho thỏa nỗi “nhớ nghề, nhớ bục giảng”.
Qua máy điện thoại di động, trên Facebook của Phạm Hảo , chúng tôi  nhìn thấy  những bức tranh về chim, hoa, quả  ở châu Phi do chính chị vẽ. Không ai nghĩ đây là những bức ảnh của  một họa sỹ nghiệp dư. Cũng đúng thôi, chị sinh trưởng trong một gia đình hội họa cho nên trong con người chị đã  sẵn có năng khiếu bẩm sinh. Không tin mời các bạn vào chiêm ngưỡng những bức  ảnh do Phạm Hảo vẽ theo địa chỉ: http://haophamart.wordpress.com/page/2/

Phạm Hảo kể về lý do chị trở thành họa sỹ:  Em theo hội họa chỉ là tình cờ. Nghề chính của em là kiến trúc, toàn vẽ những thứ liên quan đến kỹ thuật và dùng máy tính là chính. Em bắt đầu vẽ ở Nairobi, khi thấy đất nước tươi đẹp này có thật nhiều chim đủ màu sặc sỡ và rất nhiều hoa đẹp. Thượng đế ưu ái nơi này, thiên nhiên và phong cảnh tuyệt vời cùng khí hậu lý tưởng cho nên mọi thứ đẹp đẽ, hoa lá chim muông đều dồn về đây. Sau khi sinh con, em có nhiều thời gian ngồi nghỉ ngơi và ngắm vườn.  Hằng ngày có rất nhiều loài chim sà xuống vườn nhà em để tìm sâu, uống nước. Quan sát,  thấy chúng rất yêu và bắt đầu...vẽ. Tác phẩm đầu tiên là vẽ một chú chim sẻ đỏ có những chấm trắng, khi ấy tay vẽ chưa thạo nên mầu không trong. Nhưng dần dần vẽ nhiều, màu sắc đã trong hơn. Vì em là dân “mới tập tọe” cho nên cũng chưa gửi được đi nhiều  nước, hiện chủ yếu người yêu thích và mua tranh ở Kenya và Việt Nam.

Ngồi bên cạnh Phạm Hảo là chồng của chị. Anh tên là Andrea Fiori, người Italy. Anh xuất thân từ thành phố Bologna nhỏ và xinh đẹp, nơi có trường đại học lâu đời nhất châu Âu. Anh đang làm việc cho một tổ chức y tế phi chính phủ (Bác sỹ không biên giới) cho nên  hay phải đi đây đó và thế là vợ con anh cũng khăn gói đi theo. Phạm Hảo quen và lấy Andrea Fiori  sau khi sang  Italy học thêm về ngành trang trí nội thất và thiết kế công nghiệp.

Vừa ăn vừa tranh thủ phỏng vấn Phạm Hảo, chúng tôi thu thập được thông tin hấp dẫn: ở Kenya chỉ có bốn người Việt Nam và điều thú vị hơn nữa bốn người đó đều là con gái Hà Nội.  Người có “thâm niên” sống ở Nairobi lâu nhất là chị Hạnh, nhà ở Gia Lâm. Chị Hạnh là người Hà Nội đầu tiên lập gia đình với người Mỹ vào quãng năm 1982, lúc đó chồng của chị là chuyên gia của Dự án phát triển UNDP của tổ chức Liên Hợp quốc làm việc ở Việt Nam (chị Hạnh khi ấy làm phiên dịch cho dự án này). Chị qua Mỹ sống vài năm rồi sau đó bôn ba cùng chồng đi các nước trên thế giới, nơi triển khai dự án. Chị Hạnh sống ở  Nairobi đã gần 13 năm. Chị Huyền, nhà ở Cầu Giấy có chồng người Bỉ. Hai anh chị quen nhau khi là đồng nghiệp cho một dự án phi chính phủ ở Việt Nam. Hiện chồng chị cũng làm việc cho Liên Hợp quốc. Đây cũng là một gia đình bôn ba, trước khi qua Nairobi họ sống và làm việc ở Rome trong năm năm. Chị Trang, nhà ở Thụy Khuê, chồng là người Hà Lan. Đây là một cặp đôi Liên Hợp quốc khác cũng rất bôn ba. Chồng chị Trang làm cho quỹ phát triển của châu Âu, chị Trang công tác tại Ủy ban Bảo vệ môi trường của Liên Hợp quốc đặt tại Nairobi (cùng ngành với chồng chị Huyền). Cả bốn người con gái Hà Nội ở Nairobi thỉnh thoảng vẫn gặp nhau. Vui nhất là lúc bốn gia đình “ liên hiệp quốc “ cùng gặp nhau. Trong buổi gặp đó lúc ta nghe được tiếng Việt lúc là tiếng  Anh, Pháp, Hà Lan hay tiếng Kenya.

Cuộc phỏng vấn của chúng tôi đến đoạn cao trào khi Phạm Hảo nói tình cảm của mình về Hà Nội nhất là về hồ Hoàn Kiếm. Phạm Hảo tâm sự: Em có nhiều kỷ niệm với hồ Thiền Quang vì tuổi thơ của em gắn liền với nơi ấy,  ngày ngày đi bộ đến trường. Khi học phổ thông thì đi vòng nửa bên phải của hồ, qua công viên Lê -  nin để tới học Trường THCS Tây Sơn. Vào THPT thì lại đi vòng nửa kia của hồ để tới Trường THPT Việt Đức, vậy là 17 năm gắn bó với hồ Thiền Quang.
Hồ Hoàn Kiếm trong ký ức của Phạm Hảo là nơi được bố mẹ dắt đến chơi để thưởng cho thành tích học giỏi. Bố mẹ cho đi thăm đền Ngọc Sơn, ngắm tháp Rùa,  Bưu điện Hà Nội, đi dạo trên phố Tràng Tiền và tất nhiên là được ăn kem que. Phạm Hảo cũng nhiều lần được đến hồ Hoàn Kiếm khi ông hoặc bố mẹ tổ chức triển lãm tranh ở Nhà triển lãm Ngô Quyền.

Phạm Hảo kể tiếp: Khi thành thiếu nữ  cũng ngồi sau xe máy của người yêu làm vài vòng qua hồ Hoàn Kiếm  rồi hồ Tây, như bao cặp yêu nhau khác.  Về sau với anh “Tây” cũng thế, anh Tây thích lái xe máy dạo hồ và tiện thể đi ăn kem que, nhưng vì “ngượng” khi mới yêu nhau cho  nên không dám dắt tay nhau dạo quanh hồ như ai, đành đợi đến Tết năm  2010 mới dắt tay vợ đi dạo hồ Hoàn Kiếm trước giờ khắc giao thừa sau khi đã gửi con gái đầu lòng cho ông bà ngoại (khi ấy cháu mới hơn ba tháng).

Năm tiếng ở Kenya đã gần hết, chia tay chúng tôi, Phạm Hảo nói nghèn nghẹn: Là người con gái Hà Nội bôn ba hơn 10 năm, mỗi khi Tết đến xuân về hoặc những ngày lễ, xem báo chí và hình ảnh về Hà Nội em lại thấy nao nao, thèm cái không khí đón Tết và thèm được quây quần với gia đình, nhiều khi không khỏi chạnh lòng và rưng rưng. Cứ đi lâu lâu lại muốn về nhà, muốn lượn đó lượn đây cho thỏa, ăn hết những gì muốn ăn, xem hết những gì muốn xem, gặp lại bạn bè thân, họ hàng, những người thầy cô yêu mến, dạo qua hiệu sách Tràng Tiền, ăn kem que Tràng Tiền.....

Đi xa rồi mới ngẫm lại hình ảnh tháp Rùa được rọi sáng vào buổi tối muộn, khi mọi thứ đã vào tĩnh lặng, giống hệt như một viên ngọc sáng. Hồ Hoàn Kiếm, một hình ảnh vô cùng đặc biệt mà bất cứ người con Hà Nội nào khi đi xa đều nhớ khôn nguôi, giống như một phần quan trọng trong tim và trong tâm tưởng của mình.

Hà Hồng
Khach | Dang nhap