Một chiều đầu đông se lạnh
Chiều 19-11-2013, tuy không đi bộ chung quanh hồ nhưng tôi lại có một kỷ niệm khó quên bên hồ. Đó là được nhà văn Nguyên Huy Thiệp tặng cuốn tuyển truyện ngắn Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt.


 
Khi đang ở cơ quan làm việc, tôi nhận được cú điện thoại của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp : Tôi đang ngồi ở Lục Thủy ( tên nhà hàng cạnh Khu tưởng niệm vua Lê ), cuối giờ Hà Hồng ra tôi tặng sách nhé.

Khi tôi ra đến nơi đã thấy nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ngồi đó cùng với nhà thơ Bảo Sinh. Cuốn sách tôi được tặng có tên Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt. Cuốn sách dầy hơn 280 trang gồm 16 truyện ngắn. Trong đó tôi thích nhất truyện Cà –phê Hàng Hành. Tôi thích vì câu chuyện này nói đến một địa danh nổi tiếng  ở khu vực hồ Hoàn Kiếm.

“ Như một cánh cung, phố Hàng Hành bên hồ Hoàn Kiếm dài hơn trăm mét có đến mấy chục hàng ăn, hàng cà - phê, gallery, shop quần áo. Nghe nói ngày xưa đây là nơi bán hành tỏi, sau chuyển sang nghề tiện gỗ. Đền thờ tổ nghề tiện gỗ ở trong nhà số 11. Nghề tiện gỗ vốn là nghề truyền thống của làng Nhị Khê quê hương Nguyễn Trãi”.... Những dòng đầu tiên của truyện ngắn đã hút ngay sự chú ý của người đọc.

Một câu tổng kết rất hay mà nhà văn đã ghi chép lại từ lời nói của một trong những người thường xuyên đến đây uống cà - phê đó là ông Vũ nhà ở phố Hàng Giấy : “Hà Nội là đất thánh nên đi đến đâu cũng là di tích!”.

Dường như để chứng minh điều đó Nguyễn Huy Thệp dẫn chứng: “ Ở phố Hàng Hành có mấy di tích cổ là đình và đền làng Tả Khánh Thụy ở trong nhà số 23. Ngoài ra ở nhà số 40 còn đền Trúc Lâm là đền thờ của các ông tổ của nghề thuộc da giầy là các ông Phạm Đức Chính, Phạm Sĩ Bân và phạm Thuần Chính”.

Đọc câu chuyện này mới thấy sự quan sát cuộc sống hết sức tỷ mỷ của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ở con phố nhỏ này từ mờ sáng tới đêm khuya. Đây là truyện ngắn, nhưng có rất nhiều “chi tiết” , đoạn viết giống như  một bài báo thể tài phóng sự: “ Cà-phê Nhân là nơi bọn giai phố và đám thanh niên trẻ rất thích ngồi. Một nhóm họa sĩ thời thượng ở Hà Nội để râu xồm xoàm cũng hay ngồi đây, có một bàn được đặt hẳn hoi được trả tiền trước. Bên cạnh bàn đặt của nhóm họa sĩ là bàn của hoa hậu Mai Phương Thúy và đám thuộc hạ của cô  thỉnh thoảng cũng hay đến tán phét. Khách thập phương và tây ba-lô cũng thích đến đây ăn sáng với món bánh mì  sốt vang  và trứng ốp –lếp” .


 
Đi bộ chung quanh hồ mười năm nay, hễ có Nguyễn Huy Thiệp là có Bảo Sinh. Ngồi uống cà -phê ở phố Hàng Hành hễ có Bảo Sinh là có Nguyễn Huy Thiệp. Và đây, mở đầu truyện ngắn Cà - phê Hàng Hành của Nguyễn Huy Thiệp lại có bài thơ của Bảo Sinh:

“Ngủ đi, hãy ngủ đi em,
Đời là như thế dậy xem là gì.
Dậy đi, em hãy dậy đi,
Đời là huyễn mộng có gì mà mơ ? “


Xem qua truyện Cà-phê Hàng Hành, tôi xin được bổ sung thêm một số chi tiết mà trong truyện nói trên chưa nhắc tới đó là đầu thế kỷ 20 phố Hàng Hành và ngõ Bảo Khánh mới được thông với nhau. Trước đó ngõ Bảo Khánh là ngõ cụt. Phố Hàng Hành lại thông với phố Hàng Trống ( số nhà 17 phố Hàng Trống ). Sau khi phố Hàng Hành thông với ngõ Bảo Khánh thì đoạn nối với phố Hàng Trống được bịt lại. Những thông tin này chúng tôi đọc được từ tập bản đồ Hà Nội cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.


 
Sau khi tặng sách, tôi thấy nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lấy ra một  túi  ni-lông. Nhà văn lần ra một khúc sắn luộc còn ấm rồi chia cho tôi, nhà thơ Bảo Sinh và nói: Tôi hay có tính ăn vặt, vợ chuẩn bị cho khúc sắn để vừa đi chung quanh hồ vừa nhấm nháp.

Chúng tôi ( ba người cách nhau lần lượt mười tuổi) ngồi uống nước trà nóng, nhấm nháp miếng sắn luộc và  kể mãi chuyện hồ Hoàn Kiếm trong chiều đầu đông se lạnh.

Hà Hồng
Khach | Dang nhap