Nặng lòng với Hồ Gươm
"hohoankiem.org". Các bạn thân mến, Tết Giáp Ngọ năm nay tôi có thêm một niềm vui khi được một số báo và tạp chí giới thiệu. Tạp chí Môi trường đô thị đã đăng bức ảnh toàn cảnh cây lộc vừng tôi chụp lên trang bìa. Bên trong đăng lại bài viết về tôi của nhà báo Kiều Minh ( VTC ): “ Tôi ghen với ai yêu hồ Hoàn Kiếm hơn tôi”. Trên Báo Lao động Thủ đô đăng bài viết của nhà báo Thương Huế: “ Nặng lòng với Hồ Gươm “. Trân trọng gửi đến các bạn bài viết nói trên, như một món quà đầu xuân.












 
Nhà báo Hà Hồng: 2173 bước chân cho một tình yêu

LĐTĐ - Hồ Gươm (hồ Hoàn Kiếm) không chỉ là di tích lịch sử mà còn là đất thiêng, vùng địa linh nhân kiệt, nơi kết tinh văn hóa không phải ở đâu cũng có. Bởi thế mà bất kể bước chân nào, dẫu chỉ rảo bước một lần, đến hồ Gươm cũng cảm thấy vấn vương với nhiều cung bậc cảm xúc thật khó diễn tả bằng lời. Thế nhưng đâu đó, có những cảm xúc đã được chuyển thành những hành động cụ thể, trường hợp hai nhà báo (công tác tại hai cơ quan đóng bên Hồ Gươm): Nhà báo Hà Hồng (Báo Nhân dân) và Nguyễn Ngọc Tiến (Báo Hà Nội mới) là những thí dụ điển hình.
 
Anh đã từng đếm bước chân mình khi dạo bộ vòng quanh hồ Gươm. 2173 là con số của một vòng tròn anh thu được. Với người khác, nó chỉ là con số, còn với anh, nó là dấu ấn góp phần thắp lên tình yêu mãnh liệt để có một www.hohoankiem.org hôm nay.

Cách đây 14 năm, khi mọi người đang háo hức bước vào thiên niên kỷ mới thì anh - nhà báo Hà Hồng (Vụ trưởng- Trưởng Ban Khoa giáo Báo Nhân dân)- lại gần như bị stress nặng bởi công việc. Vào một buổi chiều sau giờ làm việc, anh lang thang quanh hồ Gươm, đếm mỗi bước chân, gạt ra ngoài khỏi những sân, si, của cuộc sống. 2173 bước chân là con số mà anh có được sau một vòng dạo quanh hồ. Sợ sai, anh đã đếm đi đếm lại trong vài lần như thế. Con số vẫn không đổi thay. Anh bảo, vừa đi vừa đếm giúp anh giảm stress và luyện thói quen tập trung, đi từ siêu thị Intimex đến trước báo Hà Nội mới, tới Hàng Khay anh nhớ lại ngày học lớp 3, anh cùng các bạn đến thăm nhà cô giáo ở số nhà 9 phố Hàng Khay, không gặp được cô nên anh “xúi” các bạn ra bờ hồ ngồi chia cam (quà cho cô giáo) ra ăn. Giờ nghĩ lại vẫn thấy nóng bừng tai và không khỏi bật cười với sự vô tư ngày ấy.

Chả thế mà mỗi bước chân lại giúp anh gợi nhớ kỷ niệm, những câu chuyện mà anh từng biết. Thế là mỗi khi thoát công việc anh lại đi bộ quanh hồ như để tìm một cái gì đó ở nơi đây. Và anh bị cuốn vào đó, cuốn vào những câu chuyện về Hồ Gươm, bên Hồ Gươm. Chồng bản thảo hay nói đúng hơn là chồng nhật ký Hồ Gươm của anh ngày một dày lên theo năm tháng và đến một ngày, năm 2006, ý tưởng về một trang web do người bạn chắp nối đã tạo cho cảm xúc của anh được vỡ òa cùng bạn đọc. www.hohoankiem.org đã chính thức ra mắt ( 22-1-2006 ) sau nửa năm nghiên cứu và chuẩn bị cả về sức, lực, trí tuệ.

Hiện, không chỉ trên www.hohoankiem.org mà trong cả kho tư liệu riêng, phải có đến 300-400 nghìn bức ảnh anh chụp về những sự kiện liên quan đến Hồ Gươm cùng 1000 câu chuyện về hồ. Mỗi bức ảnh, mỗi câu chuyện là mỗi sự kiện diễn ra với bao gửi gắm của tác giả. Những tấm hình ấy sẽ trả lời rất nhiều câu hỏi, ví như: vào thời khắc 10 giờ 10 phút 10 giây ngày 10/10/2010 cảnh ở hồ Gươm như thế nào?. Không những thế, anh còn mày mò đi tìm tư liệu về Hồ Gươm để có thêm kiến thức cho mình và sau đó giới thiệu tới bạn đọc để hòa chung suy nghĩ. Thậm chí, anh nhờ các cán bộ thư viện đọc giúp anh những tin, bài chỉ cần có từ hồ Hoàn Kiếm hoặc hồ Gươm từ năm 1954 trở về trước và photo lại giúp anh, mỗi bản anh gửi 40.000 đồng thù lao, y như nhuận bút. Kết quả đã có 100 bản theo yêu cầu. Anh tâm sự, niềm đam mê nào cũng phải có đầu tư và tốn kém nhưng quan trọng nó có ích, mình vui là được.

Làm nghề báo, anh bám sát sự kiện để mô tả và truyền tải kịp thời đến bạn đọc, song với www.hohoankiem.org, anh còn đang chủ động tạo ra sự kiện, mô tả nó, “dẫn dụ” mọi người cùng vào đam mê với mình để thêm yêu hồ. Giờ đây, gia tài của anh về hồ Gươm không chỉ có những bức ảnh, câu chuyện với trang web www.hohoankiem.org mà ở phòng làm việc báo Nhân dân, anh còn một cái tủ lưu giữ rất nhiều kỷ vật của những nhân vật mà anh viết, anh tình cờ gặp bên hồ. Đó có thể chỉ một miếng bùn khô cán mỏng lấy từ lòng hồ mà anh có được từ dự án thí điểm hút bùn cải tạo môi trường hồ Gươm năm 2009 bằng công nghệ của Đức. Hay đó chỉ là những con chữ được gắn trên phông treo ở tượng đài Lý Thái Tổ bằng 3 thứ tiếng Việt -Hán Nôm và tiếng Anh trong dịp chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Sau Đại lễ, những chữ này bị dỡ bỏ, anh đã nhặt một số chữ đó về cất đi với mong muốn sau này, anh sẽ “thổi hồn” vào đó, để mọi người biết rằng những chữ này, với ý nghĩa nội dung này, đã được gắn ở phông này, đặt ở vị trí này… đúng dịp Hà Nội tròn 1000 năm tuổi.

Anh kể, ngày 30 Tết năm nào anh cũng đi quanh hồ 3 lần, sáng, chiều, tối. Sáng 30 anh xem ngày cuối cùng của năm diễn biến quanh hồ thế nào, chiều 30 khi mọi người quây quần làm mâm cơm tết thì anh lại lang thang ra hồ xem bà con nghèo - “những người không có Tết” chuẩn bị hàng hóa bán đêm giao thừa để kiếm sống ra sao, đến tối 30 Tết anh lại cùng vợ đi xem và ghi lại hình ảnh hồ Gươm chia tay năm cũ đón năm mới … Một chút chạnh lòng vì con gái đang học ở phương trời xa, anh lại càng nỗ lực để có nhiều tin, bài, hình ảnh update lên trang web như một cách gửi tình yêu tới con gái nơi xứ người. Dường như bất kể động thái nào của mình, cũng xen cài tình yêu hồ Hoàn Kiếm vào đó. Năm hết tết đến, anh khoe, giờ có hẳn một đội quân “vệ tinh” riêng, có hẳn một đường dây nóng, hễ có sự kiện gì lại điện thoại báo ngay với anh, ví như “anh ơi, cụ Rùa nổi” “anh ơi chỗ này có chuyện…” cứ y như mình là người bảo vệ hồ. Điều đó thật đáng trân trọng!.

THƯƠNG HUẾ
 
Khach | Dang nhap