Tết Giáp Ngọ
Sau ngày 23 tháng chạp không khí Tết ngày càng rõ rệt. Nhiều người thích thú khoảng thời gian chuẩn bị Tết (từ 23 tháng chạp đến mồng một Tết) bởi đó là khoảng thời gian mọi thành viên trong gia đình đều hướng về Tết cổ truyền. Người ở xa lo mua vé tầu, vé xe, máy bay để về đoàn tụ với gia đình. Người ở nhà lo mua hàng Tết, dọn dẹp ban thờ gia tiên...
Ngõ tôi năm nay lại gói bánh chưng. Tối 26 tháng chạp chúng tôi trải chiếu ngồi cạnh nồi bánh chưng để uống rượu, nhấm nháp thịt bò khô và xúc xích Sơn La do Tiến và Hà mang đến ( hai thành viên của một công ty thuê nhà trong ngõ ). Vợ chồng Phong, Thủy thức cả đêm hôm trước để gói bánh và nổi lửa từ sáng.
Ngồi cùng với chúng tôi có vợ chồng Đại và Bình. Đây là thành viên mới của ngõ. Họ vừa dọn đến ở ngày 8-1-2014. Đại là Phó tổng biên tập Tạp chí Hàng Không, Bình là phóng viên Truyền hình TTXVN. Tối 29 tháng chạp, Bình gọi điện thắc mắc: Anh ơi sao nhà em không được bánh chưng? Tôi giải thích, đã nhiều năm nay anh Kiên ( Phó chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội có sáng kiến tặng cho mười thành viên của nhóm mỗi người hai chiếc bánh chưng. Vợ chồng nhà Đại, Bình chưa làm “lễ nhập hội” chính thức cho nên chưa được tặng bánh chưng.
Ngày 28 tháng chạp Báo Nhân Dân đã làm lễ đón tượng Bác Hồ về Phòng truyền thống ngay dưới gốc đa 71 phố Hàng Trống. Lúc sinh thời Bác Hồ đã ba lần đến Báo Nhân Dân. Bức tượng Bác ngồi đọc báo được đúc bằng đồng tại Hải Phòng, nặng gần một tấn. Phòng Truyền thống được cải tạo nâng cấp từ nhiều tháng nay. Trong đó có một hạng mục quan trọng là tu bổ hầm tránh bom năm 1972.
Sau khi dự lễ đón tượng Bác Hồ về Phòng truyền thống Báo Nhân Dân, tôi tự thưởng cho mình bằng việc phóng xe máy ra tận vườn đào ngoài bãi sông Hồng để đón mùa xuân về ( đã thực hiện được mười năm nay ) . Một mình ngồi đó mà ngắm những bông hoa đào khoe sắc, nhìn mọi người chọn đào, lắng nghe mọi người mà cả giá với nhau. Hoa đào năm nay không đắt mà lại đẹp. Cành nào cành nấy đầy hoa và nụ.
Từ vườn đào Nhật Tân tôi phóng xe về Chợ hoa phố Hàng Lược. Ngày xưa cả Hà Nội gần như chỉ có nơi này là bán hoa đào ngày Tết. Bây giờ thành phố có nhiều nơi bán hoa đào, tuy vậy Chợ hoa phố Hàng Lược đối với tôi vẫn là nơi lắng đọng nhiều kỷ niệm nhất mỗi độ Tết đến xuân về. Dạo quanh chợ bán hoa đào, điều dễ thấy nhất là sự “ lên ngôi “ của những cành đào nhỏ. Không hiểu vì kinh tế khó khăn hay vì những cành đào nhỏ thường có nụ và hoa đẹp mà mọi người rất thích mua đào nhỏ. Ở chợ hoa Hàng Lược có đặc điểm: hoa thì đẹp mà người bán hoa cũng đẹp.
Ngày 30 Tết
Sáng:
Không gian chung quanh hồ tương đối yên ắng, vắng người qua lại. Phía đường đôi phố Lê Thái Tổ chỉ có người công nhân đang lặng lẽ tưới nước thảm cỏ, vườn hoa và quét vỉa hè.Từ nhiều năm nay nước tưới cho thảm cỏ được lấy từ bể nước riêng do xe téc trở đến chứ không phải bơm từ dưới hồ lên. Ngược lại những ngày nước hồ cạn, Công ty cấp nước sạch là điều xe téc trở nước sạch đổ xuống một cái bể ngầm cạnh quán Cà-phê Happro, để nước tự chảy xuống hồ. Ngoài hồ Hoàn Kiếm không có hồ nào trên thế giới được bổ cập nước sạch như vậy. Phía Thủy tạ, người đi nhặt giấy vụn vội vàng chằng, buộc bìa cát-tông mang đi bán kiếm ít tiền về tiêu Tết
Trên ghế đá gần tháp bút một người đàn ông lặng lẽ dùng kéo tự cắt tóc, lông mày, lông mũi... để đón giao thừa. Gần đó cán bộ của bên khí tượng Thủy văn đang bơm bóng bay thả trên hồ. Có người ngồi lặng trên ghế đá để nghĩ về cuộc đời....Quán Ca-phê Happro bán chỗ ngồi xem pháo hoa sát mép hồ: mỗi chỗ một ghế ( không kèm trẻ em ) giá 250 nghìn đồng. Từ sáng sớm không gian yên tĩnh bên hồ đã bị xáo trộn bởi âm thanh ầm ỹ của những chiếc xe hắc – lây. Chủ của những chiếc xe này đang thư giãn ở quán cà –phê Lục Thủy ( Nhà Khai trí Tiến Đức cũ ).
Phía bờ hồ đối diện với Báo Hà Nội mới, Bưu điện Hà Nội các chiến sỹ, sỹ quan, dân phòng đang cẩn trọng lắp đặt dàn súng bắn pháo hoa.
Phía cổng đền Ngọc Sơn cán bộ kỹ thuật của đài Truyền hình VTC và Đài tiếng nói Việt Nam đang hoàn tất khâu kỹ thuật để sẵn sàng tường thuật không khí đón giao thừa tại hồ Hoàn Kiếm.
Chiều:
Nhiều năm, chiều 30 Tết thường vắng vẻ nhưng năm nay do thời tiết đẹp cho nên nhiều gia đình đã cho các cháu nhỏ đi chơi Tết sớm. Thay vì chăng đèn kết hoa dưới lòng đường như các năm trước, năm nay thành phố Hà Nội cho chăng đèn kết hoa trên vỉa hè dọc phố Đinh Tiên Hoàng và phố Lê Thái Tổ ( đối diện với Báo Nhân Dân ). Dãy đèn hình ngôi sao năm cánh treo dọc theo phố Lê Thái Tổ được tận dụng lại từ năm trước ( từng được treo dọc theo phố Hàng Bài, đoạn Trung tâm thượng mại Tràng Tiền năm 2013 ).
Bên cạnh cây gạo đối diện Vườn hoa Lý Thái Tổ, tôi đã làm quyen với nhà thơ Nguyễn Hữu Long ( Hữu Nguyên). Nhà thơ đã tặng tôi bài thơ xuân. Xin giới thiệu với bạn đọc:
Giáp ngọ xuân 2014
Giáp ngọ nắng hửng xua cái rét
Xuân về đào thắm Mã long phi
Mừng Đảng quang Vinh Hiến pháp mới
Bài trừ tham nhũng cuốn phăng đi
Giữ yên bờ cõi duyên hải đảo
Kết bạn năm châu đỏ quốc kỳ
Kinh tế quốc gia thôi nghèo đói
Thi đàn đất Việt sáng đường thi.
Tối:
Lần đầu tiên vợ chồng tôi đến lăng Bác để thắp hương trước khi đi đón giao thừa ở Hồ Hoàn Kiếm. Sau khi các đồng chí chỉ huy trong đơn vị bảo vệ lăng thắp hương, nhân dân có mặt trên quảng trường lần lượt đến thắp hương vào thời khắc thiêng liêng này. Đến thắp hương cùng chúng tôi có rất nhiều khách du lịch nước ngoài, khách du lịch từ trong nam và miền trung. Mọi người lặng lẽ xếp hàng và cắm hương vào chiếc lư đồng đặt chính giữa cửa lăng. Mùi hương trầm lan tỏa. Ai cũng mong Bác về ăn Tết với con cháu.
Càng gần đến thời khắc giao thừa, dòng người đổ về hồ Hoàn Kiếm ngày càng đông. Tuy vậy vẫn không đông bằng mọi năm. Kinh tế khó khăn cho nên thành phố cũng cắt giảm nhiều hoạt động chung quanh hồ. Không có sân khấu ca nhạc trước cổng đền Ngọc Sơn hay Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Chúng tôi chọn chỗ ngồi ở cổng đền Ngọc Sơn để xem bắn pháo hoa. Tại vị trí này không những xem được pháo hoa bắn tại hồ Hoàn Kiếm mà có thể xem được pháo hoa bắn từ Sân vận động Mỹ Đình. Những ai có máy ảnh được mọi người ưu tiên cho ngồi sát hồ. Để có vị trí xem bắn pháo hoa tốt có người ra hồ ngồi từ chiều, nhất là những người từ xa đến. Chị Hoa nhà ở phố Hàng Bún cho biết : Gia đình em ra đây từ bảy giờ tối.
Pháo hoa năm nay bắn không đẹp, rất nhiều quả xịt, đó là nhận xét của nhiều người. Khi những loạt pháo hoa cuối cùng nổ trên bầu trời mọi người không ai bảo ai cùng vỗ tay chào đó mùa xuân về.
Ngày mồng một Tết
Thời tiết sáng mồng một rất đẹp. Như mọi năm chúng tôi lại xách máy đi lang thang trong phố cổ. Đây là cảnh “ đặc sản “ của phố cổ. Bởi trong thời điểm đó dáng vẻ duyên dáng, trầm lắng của phố cũ, phố cổ hiện nguyên hình. Ngước mắt nhìn lên tầng hai nhiều ngôi nhà với kiến trúc gần như được bảo tồn nguyên vẹn, ta có cảm giác như đang sống ở Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX ( kiến trúc tầng một ít được giữ nguyên vẹn vì đã bị thay đổi với nhiều mục đích khác nhau như làm cửa hàng, hàng quán... ).
Tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, từ sáng sớm nhiều gia đình đã đi du xuân. Vợ chồng già ngồi nghe hát quan họ phát ra từ chiếc đài nhỏ mang theo người. Bà cụ già quanh năm không nhìn thấy, sáng mồng một ngồi bán kẹo ở chân tháp Hòa Phong
Buổi chiều dòng người đổ về hồ mỗi lúc một đông. Ngày bình thường xe ô-tô không được đỗ chung quanh hồ. Nhưng ngày mồng một Tết, xe ô-tô đỗ chật cứng vòng hồ. Xe cẩu của cảnh sát giao thông có mặt nhưng bất lực bởi biết cẩu xe nào đi bây giờ ?
Mồng hai Tết:
Năm nay có chín ngày nghỉ Tết. Mồng bảy Tết mọi người mới phải đi làm. Nhưng đối với những người làm nhật báo như chúng tôi lại phải đi làm từ mồng hai Tết để chuẩn bị cho số báo xuất bản ngày mồng ba.
Đã thành truyền thống, vào hai giờ chiều mồng hai Tết, Báo Nhân Dân tổ chức cuộc họp hội ý xuất bản. Trước khi họp bàn nội dung số báo ngày hôm sau, Tổng Biên tập Thuận Hữu chúc Tết cán bộ, phóng viên tham gia trực Tết và lì xì cho mỗi người.
Riêng đối với tôi sau khi lì xì, Tổng Biên tập chuyển bài viết: “ Để đổi mới giáo dục - đào tạo căn bản và toàn diện” của nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và đề nghị biên tập, cho đăng sớm.
Thế là một năm làm việc mới bắt đầu !
Hà Hồng