Chúc Tết nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
Nhiều tháng nay, đường chung quanh hồ Hoàn Kiếm vắng bóng hai người thường đi “ bát phố “ cùng nhau. Đó là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và nhà thơ Bảo Sinh. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đang bị ốm. Hôm chúng tôi tổ chức lễ sinh nhật kỷ niệm tám năm trang Web “ hohoankiem.org” vào ngày 24-1-2014, chỉ có nhà thơ Bảo Sinh đến, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp gọi điện chúc mừng.
Mồng bốn Tết Giáp Ngọ tôi đến thăm và cũng là để chúc Tết nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Từ Ngã Tư Sở, rẽ vào Khương Trung, qua nhiều đoạn đường quanh co, ngoằn ngoèo tôi tìm được đến ngõ 77 số 71 Bùi Xương Trạch. Ngôi nhà thuộc thôn Xóm cò, làng Khương hạ. Nơi trước đây nổi tiếng Hà Nội với nghề muối dưa, cà . Qua một cái cổng nhỏ là vào khoảng sân rộng ở giữa hai khối nhà. Trên khoảng sân rộng đó có một bức tượng phật bằng bê- tông cao ba mét. Đó là nhà của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Chưa thấy người đã nghe thấy tiếng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói trong nhà vọng ra: Dựng xe chỗ đấy Hồng ơi, vào đây ta làm chén rượu xuân. Giọng nhà văn to, vang y như chưa hề có việc ốm đau nào. Vào đến nhà tôi thấy nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đang ngồi tiếp khách.
Kể cũng lạ, hôm trước tôi gọi điện mời ông đến dự sinh nhật trang Web “ hohoankiem.org”, nhà văn từ chối vì đang đau lưng, lệch đĩa đệm. Thế mà hôm nay đã thấy nhà văn đi lại được ( tuy chưa được như người bình thường ). Gần như đoán được điều tôi thắc mắc, nhà văn giới thiệu người ngồi trước mặt đó là thầy “ lang “ Cường. Ân nhân của tôi đấy- nhà văn Nguyễn Huy Thiệp khoe như vậy. Tuy không làm việc ở bệnh viện nào nhưng “ thầy lang “ Cường đã trực tiếp nắn , xoa bóp cho nhà văn.
Vừa mời chúng tôi thưởng thức những món ăn hương vị ngày Tết, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa kể cho tôi nghe “ dự tính “ của mình những ngày bệnh nặng: Mặc dù đi chữa nhiều bệnh viện nhưng không khỏi , đêm nằm đau buốt đến tận xương, thấy vợ con chăm mình vất vả quá, lúc đó tôi chỉ nghĩ đến cái chết để cho khỏi đau, khỏi làm khổ vợ, khổ con...Thế nên, Tết này đã nghĩ có thể là cái Tết cuối cùng của mình do vậy mời anh anh bạn bè đến chơi Tết...rồi uống liều thuốc ra đi cho nó thanh thản...
Không ngờ được mọi người giới thiệu “ thầy lang “ Cường nhà ở Bắc Giang, người đã từng nhiều năm học bên Trung Quốc về chữa bệnh cho những người bị lệch đĩa đệm. Mới có chín buổi xoa bóp, chỉnh nắn tôi đã ngồi dậy được, đi lại bình thường không phải dùng gậy chống.
Đang ngồi nói chuyện, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có thêm khách đến chơi đó là GS Lã Khắc Hòa và TS Vũ Toàn Phó chủ nhiệm Khoa Văn Trường đại học Sư phạm. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp giới thiệu với tôi: GS Lã Khắc Hòa từng là chủ tịch hội đồng bảo vệ luận án tiến sỹ nghiên cứu về các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp. Hai người biết nhau từ lúc nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đến dự buổi bảo vệ luận án nói trên.
Vừa nâng chén rượu xuân, ăn miếng giò cá tầm, do những người bạn gửi tặng, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa kể cho chúng tôi nghe vì sao lần này bị bệnh nặng như vậy: Đó là do ngồi lỳ hằng tháng ở Bát Tràng để vẽ trên đĩa sứ.
Hóa ra nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lại có tài vẽ tranh trên đĩa sứ. Biết tôi rất quan tâm những vật phẩm liên quan hồ Hoàn Kiếm, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mời mọi người ra góc phòng và lần lượt lấy ra bộ đĩa sứ gần 20 chiếc với các bức tranh về hồ Hoàn Kiếm do chính tay Nguyễn Huy Thiệp vẽ ( đường kính 20cm ). Độc đáo hơn nữa mặt sau mỗi chiếc đĩa là những bài thơ cổ được nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chép lại. Trước đó từ năm 2000, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã vẽ nhiều đĩa với đường kính 10cm.
Thật vinh dự cho tôi khi được nhà văn Nguyên Huy Thiệp tặng một chiếc đĩa sứ mặt trước vẽ hai người yêu nhau đang ngối trên ghế đá, cạnh cây liễu, phía xa là Tháp rùa. Mặt sau đĩa có trích câu thơ : “ ... Có những chiều không biết cất vào đâu...“ của Thi Hoàng, phía dưới ký tên Nguyễn Huy Thiệp. Chiếc đĩa này nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vẽ vào một ngày đáng nhớ: 31-12-2000. Như vậy bộ sưu tập của tôi lại có thêm một kỷ vật có ý nghĩa vào những ngày đầu xuân Giáp Ngọ.
Hà Hồng