Di tích luôn sống trong cuộc sống của người Hà Nội
Tối 22-2-2014, tại sân tượng đài vua Lý Thái Tổ, UBND Hà Nội tổ chức lễ đã đón nhận Bằng di tích Quốc gia đặc biệt cho năm di tích trên địa bàn thành phố đó là: đền Hai Bà Trưng, đền Hát Môn, đền Phù Đổng, đình Tây Đằng và hồ Hoàn Kiếm - đền Ngọc Sơn.
Chiều 22-2, trước vài giờ thành phố làm lễ đón nhận bằng di tích quốc gia đặc biệt cho năm di tích, chúng tôi đã đi chung quanh hồ Hoàn Kiếm để ghi lại hình ảnh sinh hoạt của người dân và khách du lịch ngày hôm đó.
Có thể nói hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn là di tích đặc biệt trong số năm di tích đặc biệt được công nhận lần này đó là nơi thu hút khách du lịch nhiều nhất của thành phố. Di tích không bị vắng lặng mà lúc nào cũng đông khách, nhộn nhịp.
Tại khu vực tượng vua Lý Thái Tổ mọi người đang chuẩn bị cho lễ đón nhận bằng di tích đặc biệt. Mấy ngày hôm trước và cả ngày 22-2 trời mưa phùn cho nên ban tổ chức đã chuẩn bị phương án hai là nếu đến tối mà trời vẫn mưa thì sẽ tổ chức lễ đón nhận tại Nhà hát lớn. Khoảng 17 giờ các đoàn nghệ thuật chèo, tuồng đã tập kết các đạo cụ hai bên cánh gà sân khấu.
Phía bên bờ hồ dòng người đi lại đông đúc. Không khí xuân vẫn hiển hiện với tiết trời nồm - mưa phùn ( đặc sản thời tiết xuân của Hà Nội ), cổng chào kết bằng đèn hoa.... Hồ Hoàn Kiếm là studio chụp ảnh cưới lý tưởng. Hồ Hoàn Kiếm gần như là hồ duy nhất trên thế giới, thường xuyên được bổ cập nước ngọt vào những lúc cạn nước với mục đích cấp đủ nước để Rùa thiêng trong hồ sống thoải mái.... ở cầu Thê Húc dòng người ra, vào không ngớt. Hình ảnh các cụ già hằng ngày ngồi bình thản đánh cờ tướng ở đình Trấn Ba đã thu hút sự chú ý của khách du lịch. Hình ảnh đó đã tạo cảm giác sống chậm, một trong những tính cách của người Hà Nội.
Buổi tối 22-2, phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định: Thăng Long, Hà Nội là nơi hội tụ, kết tinh những giá trị văn hóa lâu đời của đất nước, là nơi tỏa sáng những giá trị tốt đẹp, đồng thời là nơi giao lưu văn hóa với bầu bạn bốn phương của đất nước ta.
Nơi đây cũng là địa bàn sinh sống của người Việt cổ, rất đậm đặc các thần thoại, truyền thuyết, đền đài, miếu mạo đa dạng và phong phú cả về di tích vật thể và phi vật thể trên mặt đất cũng như dưới lòng đất qua hàng trăm năm, hàng nghìn năm tuổi, phản ánh sâu sắc quá trình xây nước và dựng nước của dân tộc ta. Các truyền thuyết về đức Thánh Tản, Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, các vị thành hoàng đã có công khai phá bờ cõi và các làng nghề truyền thống hầu như có mặt ở khắp nơi trên đất Thăng Long – Hà Nội.
Chính kho tàng di sản văn hóa đó đã tạo nên một động lực quan trọng, một sức sống mãnh liệt để Thăng Long, Hà Nội vượt qua mọi thách thức của lịch sử trở thành một điểm tựa vững chắc về trí tuệ, ý trí, nghị lực và niềm tự hào của Hà Nội và của đất nước. Trong nhiều năm qua với quan điểm bảo tồn di sản cho muôn đời, TP Hà Nội đã quan tâm chỉ đạo dành nguồn kinh phí để tôn tạo, phát huy giá trị các di tích. Chỉ tính riêng trong những năm gần đây, TP Hà Nội đã đầu tư gần một nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa của thành phố để cải tạo, tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp cho 645 di tích.
Việc năm di tích được công nhận di tích Quốc gia đặc biệt lần này đã nâng tổng số di tích quốc gia đặc biệt của thành phố Hà Nội lên chín di tích trên tổng số 2.311 di tích được xếp hạng trên địa bàn thành phố, trong đó di tích cấp quốc gia là 1.193 di tích, di tích cấp thành phố là 1.118 di tích, chiếm tổng số 1/3 di tích đã xếp hạng của cả nước.
Đền Ngọc Sơn và khu vực hồ Hoàn Kiếm là cái nôi của một huyền thoại gắn liền với chiến công oanh liệt chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Nơi đây gắn với truyền thuyết vua Lê Lợi trả gươm báu cho rùa thần, đã đi vào tiềm thức của lớp lớp người Việt. Đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, tháp Bút, tháp Rùa là những kiến trúc độc đáo, những giá trị lịch sử đặc sắc. Đền Ngọc Sơn (quận Hoàn Kiếm) thờ thần Văn Xương Đế Quân chuyên chủ trì việc văn chương khoa cử và thờ anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo.
Di tích hồ Hoàn kiếm - đền Ngọc Sơn luôn sống trong cuộc sống của người Hà Nội !
Hà Hồng