Dự án Bảo tồn, cải tạo cầu Long Biên
Chiều 17-1-2015, tại Quán Cà-phê Thứ Bảy (số 3A phố Ngô Quyền), cách không xa hồ Hoàn Kiếm, chúng tôi được dự một cuộc tọa đàm với chủ đề: “Cầu Long Biên - Giải pháp nào để gắn bảo tồn với phát triển”.
Trước khi nói về nội dung cuộc tòa đàm, chúng tôi có đôi dòng giới thiệu về quán cà – phê này. Quán Cà- phê Thứ Bảy tại 3A phố Ngô Quyền - Hà Nội chính thức khai trương ngày 16-8-2014. Đây là điểm hẹn, mô hình sinh hoạt văn hóa, ý nghĩa dành cho các văn nghệ sĩ, giới trí thức và công chúng yêu nghệ thuật. Đây cũng là điểm sinh hoạt thứ hai của Cà - phê Thứ Bảy, sau địa điểm đầu tiên ở 19B Phạm Ngọc Thạch, Q.3, TP.Hồ Chí Minh.
Không gian Văn hóa “Cà - phê Thứ Bảy” được hình thành từ mong ước về một “Việt Nam tinh hoa” của Nhạc sĩ Dương Thụ kết hợp với khát vọng về một “Việt Nam hùng mạnh” của Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên. Để từ đó, Dự án Không gian văn hóa cà - phê Thứ Bảy ra đời vào tháng 9-2009, là mô hình thưởng thức văn hóa cà - phê, mang lại không gian văn hóa gặp gỡ cuối tuần thú vị cho các văn nghệ sĩ, giới trí thức và công chúng yêu nghệ thuật.
Trở lại với cuộc tọa đàm chiều 17-1-2015, chủ trì cuộc tọa đàm là TS Phó Đức Tùng. KTS Nguyễn Nga (Việt kiều Pháp) trình bày Dự án Bảo tồn, cải tạo cầu Long Biên và giải đáp những thắc mắc do các đại biểu dự tọa đàm và dư luận quan tâm.
Đó là các vấn đề: Bảo tồn nguyên trạng hay bảo tồn, cải tạo để phát triển; ý tưởng về giao thông xanh; cây cầu vẫn làm nhiệm vụ giao thông hay làm bảo tàng; tính khả thi của dự án; ngân sách lấy từ đâu để triển khai dự án; vai trò của cầu Long Biên với Hà Nội, khu vực có liên quan.
Trên tầng hai, trong căn phòng rộng chừng 25 m2, của ngôi biệt thự cổ của Pháp, chúng tôi thấy có khoảng 40 người tham dự. Trong số đó chúng tôi thấy có ông Trần Tiến Đức (con trai nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Duy Hưng); Phú Bình nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản; chị Hồi nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ca-na-đa; ông Trần Hưng Vượng Việt kiều ở Mỹ chuyên làm về du lịch và nhiều người yêu Hà Nội nó chung, cầu Long Biên nói riêng đến dự.
Sau khi xem các phóng sự về cầu Long Biên, các buổi ghi hình của chị Nga trên các đài truyền hình, và nghe chị Nga trực tiếp giới thiệu về dự án, nhiều đại biểu rất cảm kích trước việc làm của chị Nga. Tuy vậy các đại biểu cũng chỉ ra những khó khăn khi triển khai dự án.
Dự án đã đưa ra phương án phục chế nguyên vẹn cầu Long Biên, xây dựng bảo tàng, khu vực dịch vụ... sao cho cầu Long Biên vừa là chiếc cầu cho giao thông xanh, đồng thời là địa điểm thu hút khách du lịch.
Theo quan điểm của chúng tôi dự án huy động vốn ngoài ngân sách (trong và ngoài nước) khả thi hơn nhiều so với việc huy động vốn từ ngân sách Nhà nước hay thông qua vốn ODA. Bởi vay vốn ODA và đồng thời phải có tiền đối ứng (ngân sách Nhà nước) không thể giao cho một đơn vị tư nhân thực hiện dự án. Ở nước ta chưa có tiền lệ đó.
Với vai trò là một phóng viên, chúng tôi đã dự nhiều cuộc tọa đàm, được nghe các ý kiến phát biểu trong tọa đàm, phần lớn các đại biểu là chuyên gia trong lĩnh vực thảo luận tại hội thảo. Nhưng đây là lần đầu chúng tôi dự (với tư cách cá nhân) một buổi tọa đàm không phải do một cơ quan Nhà nước, một viện, trường đại học nào đó đứng ra tổ chức mà là một quán cà-phê đứng ra tổ chức. Khách mời công tác từ nhiều ngành, nhiều trình độ, nhiều lứa tuổi khác nhau nhưng có cùng tình yêu với Hà Nội nói chung và cầu Long Biên nói riêng.
Để dự án thành công chắc chắn người chủ của dự án phải trải qua nhiều khó khăn, thủ tục. Tuy vậy chúng tôi vẫn mong trong một ngày không xa mình sẽ được uống cà-phê trên cầu Long Biên để ngắm sông Hồng và nghe những câu chuyện lịch sử về cầu Long Biên thơ mộng và anh hùng. Cuộc tọa đàm nói trên rất bổ ích đối với chúng tôi vì nó nảy sinh một ý tưởng: Liệu có một dự án về du lịch lịch sử ở hồ Hoàn Kiếm ?
Hà Hồng