Câu chuyện sáng mồng một Tết Bính Thân
Như thường lệ cứ vào sáng mồng một Tết hằng năm tôi dậy sớm và chạy ào ra đường để chụp ảnh phố phường Hà Nội. Sáng mồng một năm ngoái trời mưa nhỏ. Sáng mồng một Tết Bính Thân năm nay (8-2-2016) trời hửng nắng kèm theo một làn sương mỏng. Phố phường Hà Nội thật đẹp, thưa thớt bóng người. Trên đường đi những người tôi gặp chủ yếu là các bạn đồng nghiệp “phó nháy” và các cụ già đi lễ chùa. Đoạn phố Hàng Lược, Hàng Mã người dân đã dựng cây nêu treo khánh, đồng tiền cổ được nung bằng đất. Đến phố Hàng Vải đoạn bán thang tre, chúng tôi có cảm giác như đến một chợ quê nào đó…
Phố Hàng Mã, hằng ngày đông nghìn nghịt người là vậy nay vắng tanh. Cả phố chỉ có một nơi mở “cửa hàng”. Đó là “cửa hàng” của bà cụ bán trầu cau. “ Cửa hàng” vỏn vẹn 0,5 m2, tựa vào cây xà cừ trước cửa nhà số 2 Hàng Mã. Nói là cửa hàng cho oai chứ thật ra nó là khoảng đất trống giữa gạch lát vỉa hè với thân cây xà cừ có đường kính gần một mét.
Hơn bảy giờ sáng mồng một Tết bà đã dọn hàng. Ngày thường bà bán trầu cau, ngày Tết như thế này bà bán thêm bao lì-xì. Tôi nhìn thấy bà cụ bán trầu cau từ nhiều năm. Mỗi lần đến phố Hàng Mã nhất là dịp Tết Trung thu, Nô-en, Tết nguyên đán… Tôi đều thấy “cửa hàng” của bà bị bao bọc chung quanh hàng hóa. Bà không bận tâm, thản nhiên ngồi têm trầu theo đơn đặt hàng của các bà, các cụ trong các phố lân cận. Trời nắng thì bà đội nón, trời mưa thì bà dùng tấm ni-lông để che và mặc cả quần, áo mưa. Có người suốt ngày ốm đau, thuốc để hết túi này, túi nọ còn bà cứ ngồi đó hằng chục năm nay.
Sáng mồng một cả phố chỉ có bà ngồi bán hàng. Thấy bà đang ngồi têm trầu ăn tôi đến mừng tuổi bà. Bà không nhận. Bà bảo, tôi có tiền ăn quà rồi. Tôi nói mãi bà mới nhận, và cho lại tôi hai tập bao lì-xì. Sáng mồng một vắng người qua lại, tôi có dịp “phỏng vấn” bà cụ. Làm nghề báo tôi có nhiều cơ hội phỏng vấn các đồng chí lãnh đạo bộ, ngành, nhiều nhà doanh nghiệp trong không gian sang trọng, có máy điều hòa, ghế đệm… lần này tôi ngồi bệt trên vỉa hè để phỏng vấn. Thật thú vị cho nghề báo. Cái nghề tạo cho mình cơ hội như anh bạn tôi tổng kết: “ Nói chuyện với ai cũng được, đi bằng phương tiện gì cũng được, ăn cùng mâm với ai cũng không có vấn đề gì, đi công tác ngủ với ai cùng phòng cũng được, không phân biệt anh này ở cơ quan nào, anh kia bao nhiêu tuổi…”. Bản thân tôi thấy có cảm giác mới lạ, ngày mồng một Tết được ngồi bệt trên vỉa hè nói chuyện với bà cụ về chuyện xưa Hà Nội, về chuyện đời.
Bà kể, ngày trước năm 1945, mẹ bà bán rau, quả, còn bố lái xe tuyến Hà Nội - Hà Đông. Kinh tế gia đình khá giả. Nhà có riêng một chiếc xe kéo tay và thuê người kéo. Khi tám tuổi muốn đi chơi phố, được mẹ đồng ý là anh xe kéo đưa đi. Cuộc đời có nhiều đổi thay, mặc dù đã hơn 85 tuổi nhưng tôi vẫn thấy bà còn giữ lại nét ăn, nét mặc, lời nói, cá tính của con gái Hà Nội xưa. Trời lạnh, bà phải cuốn khăn len, nhưng trong qua trình nói chuyện tôi thấy bà đeo hoa tai như con gái ngày xưa. Ngồi ở đây bán trầu cau hơn 50 năm, bà không để lại điều tiếng gì với người chung quanh. Không làm phiền mọi người. Thấy người tàn tật đi qua bà gọi lại hỏi han rồi dúi cho mấy chục nghìn. Các anh công an, cán bộ phường thấy bà già hằng ngày cặm cụi ngồi bán trầu cau cho nên không ai nỡ đuổi bà đi.
Ngồi “bệt” cạnh gốc cây hằng chục năm, được liệt vào diện khó khăn, nhưng bà khái tính lắm. Bà trọng người tử tế ghét người hợm hĩnh, cậy có của mà chê người nghèo.
Bà kể, có chị qua đây nói giọng của kẻ có tiền: Này, bà già bán cho tôi hai nghìn đồng vôi.
Bà cụ hỏi lại, chị mua làm gì? ( mặc dù người con gái đó chỉ đáng tuổi con bà).
Tôi mua về bôi vôi cuống mấy quả bưởi để đến Tết ăn, bà có bán hay không mà hỏi nhiều thế.
Cám ơn chị tôi không bán vôi, nhưng nếu chị cần mai ra đây tôi cho một ít về mà bôi cuống quả bưởi.
Biết mình nói không phải với bà cụ, ngày hôm sau không thấy người con gái đó quay trở lại.
Có lần một chị mang một túi “hổ lốn” thức ăn và cơm cho bà, nhưng bà không nhận. Bà cảm thấy tủi thân, họ coi mình như là…Bà kìm dọng “ thưa” lại: Cám ơn chị tôi ăn no rồi.
Đang nói chuyện với tôi có một người đàn ông tuổi trung niên ra chúc Tết bà. Bà bảo anh này lái xe ôm, nhà ở phố Hàng Lược, có con gái 12 tuổi, ngoan lắm. Bà lần trong túi của mình lấy ra 50 nghìn dúi vào tay người đàn ông đó và nói bà lì-xì cho cháu.Người đàn ông không nhận, bà bảo: Không cầm về cho cháu, bà giận đấy.
Trong quá trình nói chuyện với bà, tôi nhiều lần hỏi tên, nhà bà ở đâu, nhưng bà đều từ chối không nói. Chờ người đàn ông nói trên đi một đoạn xa tôi chạy theo và hỏi thì được biết bà tên là Ngà, nhà ở bên Gia Lâm. Hỏi xong tôi lại quay trở lại nói chuyện tiếp với bà Ngà
Cuộc nói chuyện giữa tôi với bà Ngà lại bị ngắt quãng khi có cô gái trẻ đi xe đạp điện vòng qua vòng lại.
Ngập ngừng cô gái hỏi, bà đã bán mở hàng chưa?
Hỏi làm gì, vào đây bà bán cho.
Con hỏi thế vì sợ mua mở hàng cho bà đầu năm mới, cả ngày bà vắng khách bà lại mắng con.
Bà bán mở hàng rồi.
Cô gái rút ra 50 nghìn đồng mua một tập bao lì-xì. Bà trả lại 40 nghìn đồng. Cô gái biếu bà số tiền thừa còn lại. Bà không nhận. Thấy mình mắc lỗi, cô gái mở tập bao lì-xì, lấy một bao, đút số tiền đó vào bao và biếu bà. Trước cử chỉ đó bà Ngà nhận và chúc phúc cho cô gái. Trước khi đi cô gái nói: Con ba năm nay đều gặp điều không hay, hy vọng với lời chúc của bà con sẽ gặp may măm trong Bính Thân này.
Hà Hồng