Làm MC của một cuộc thi ảnh
Nhận lời mời của anh Ngọc Xiêm Trưởng phòng Văn hóa-Văn nghệ Truyền hình Nhân Dân, tôi làm MC chính cho một chương trình truyền hình chấm ảnh dự thi của cuộc thi ảnh Vẻ đẹp Việt Nam số 8, tháng 5-2016 với chủ đề, chân dung người Lao động. Giám đốc Truyền hình Nhân Dân Đinh Như Hoan đã ký quyết định thành lập ban tổ chức Cuộc thi ảnh Vẻ đẹp Việt Nam. Trong đó tôi là người ngoài đài duy nhất có tên trong ban tổ chức đó.
Cuộc thi ảnh Vẻ đẹp Việt Nam do Truyền hình Nhân Dân phát động. Chương trình đầu tiên vào ngày 2-9-2015. Bẩy chương trình Cuộc thi ảnh Vẻ đẹp Việt Nam trước đây do một đơn vị khác trong Truyền hình Nhân Dân thực hiện. Chương trình thứ tám này là chương trình hoàn toàn mới do Phòng Văn hóa-Văn nghệ thực hiện. Chương trình đã có nhiều sự thay đổi như thành phần ban giám khảo, tăng tính tương tác với xã hội để đến với đông đảo người chụp ảnh chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp trong cả nước. Có một yếu tố mới nữa là chương trình được “ mở hàng “ trường quay S2 trong khuôn viên Trụ sở Báo Nhân Dân (71 Hàng Trồng) với hệ thống thiết bị hiện đại được đầu tư hơn 40 tỷ đồng.
Thời gian bấm máy thực hiện chương trình lúc 14 giờ ngày 27-5-2016. Tham gia dẫn chương trình cùng tôi là Hồng Tươi, một MC của phòng, đã từng dẫn hai chương trình nói trên. Thành viên ban giám khảo có ba người, anh Bùi Hỏa Tiễn, hiện là Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam; Việt Thanh, Phóng viên nhiếp ảnh TTXVN; Việt Hùng giảng viên nhiều lớp nhiếp ảnh đồng thời là quản trị nhiếp ảnh đầu tiên của Việt Nam. Cả ba thành viên trong ban giám khảo đều là những nhà nhiếp ảnh đã có tác phẩm nhiếp ảnh đạt giải cao trong các cuộc thi trong nước và quốc tế; đồng thời họ là những thành viên của nhiều ban giám khảo chấm các cuộc thi ảnh, do vậy họ có nhiều kinh nghiệm để chọn ra những bức ảnh xuất sắc cho cuộc thi này.
Theo kịch bản, buổi ghi hình này tuy không phải phát trực tiếp nhưng là buổi ghi hình trực tiếp các thành viên ban giám khảo chấm giải. Trước đó, sau ngày 22-5 (ngày hết hạn nộp ảnh) mỗi thành viên trong ban giám khảo tự chấm ảnh do các nhà nhiếp ảnh cả nước gửi về dự thi và chọn ra 15 bức ảnh tiêu biểu nhất theo cảm nhận của mỗi người. Sau đó mỗi người ngồi lại với nhau để thảo luận, phân tích rồi thống nhất chọn 15 bức ảnh đưa vào vòng sơ khảo. Tại trường quay sẽ ghi hình trực tiếp các thành viên ban giám khảo chấm 15 bức ảnh lọt vào vòng sơ khảo để chọn ra năm bức ảnh xuất sắc nhất và sau đó chọn ra bức ảnh đẹp nhất trong tháng năm.
Tôi đã thống nhất với anh Ngọc Xiêm là chuẩn bị trước lời dẫn phần mở đầu và phần kết luận còn phần chấm ảnh thì dẫn trực tiếp. Làm như vậy sẽ hấp dẫn hơn vì các câu thoại trên trường quay đều ứng biến từ thực tế chức không phải đóng khuôn trong các câu hỏi chung chung có sẵn. Tuy vậy điều này đòi hỏi người dẫn phải rất tập trung và có kiến thức nhất định về nhiếp ảnh.
Đây là một chương trình với hình thức thể hiện mới: điều lệ dự thi có nhiều thay đổi; ban giám khảo mới; các MC mới biết nhau; trường quay thực hiện buổi ghi hình đầu tiên…Tất cả những điều mới như vậy làm cho mọi người thuộc ê- kíp thực hiện chương trình không khỏi hồi hộp khi đạo diễn trường quay ra hiệu bằng một cái phất tay, bắt đầu ghi hình.
Do đây là buổi ghi hình trực tiếp hoạt động của ban giám khảo trong việc phân tích, chọn lựa ảnh cho nên không khí phòng quay nóng ngay từ đầu. Sau khi tôi công bố thể thức chấm ảnh các thành viên trong ban giám khảo làm việc rất tập trung. Có khi các thành viên trong ban giám khảo thể hiện ngay quan điểm của mình bằng cách đưa phiếu bầu, có khi chụm đầu bàn bạc trao đổi. Vòng một các thành viên trong ban giám khảo chấm 15 bức ảnh vào vòng sơ khảo để tìm ra năm bức ảnh xuất sắc nhất và từ đó tìm ra bức ảnh đẹp nhất trong tháng phù hợp với chủ đề chân dung người lao động. Vòng hai bình chọn từ năm bức ảnh đó để tìm ra bức ảnh đẹp nhất.
Để đổi mới chương trình anh Ngọc Xiêm đã thành công trong việc thực hiện nhiều hình thức quảng bá cuộc thi trong đó có việc mời vào ban giám khảo là những người nổi tiếng trong làng nhiếp ảnh, có rất nhiều người hâm mộ. Thông tin về cuộc thi được các thành viên trong ban giám khảo đăng trên Facebook của mình, đã thu hút một lượng lớn các nhà nhiếp ảnh nghiệp dư và chuyên nghiệp trong cả nước gửi ảnh về tham gia cuộc thi. Tôi tâm đắc với một sự thay đổi trong kịch bản đó là gọi điện trực tiếp cho cả năm tác giả có năm bức ảnh được bình chọn là xuất sắc nhất. Thật thú vị khi chúng tôi được nghe thấy lời nói của các tác giả với sự vui sướng khi biết tác phẩm của mình được bình chọn xuất sắc. Đồng thời được nghe chính các tác giả kể về quá trình sáng tạo tác phẩm của mình. Các thành viên trong ban giám khảo cũng đối thoại trực tiếp với tác giả. Điều này không chỉ làm rõ hơn nhận xét trước đó của các thành viên trong ban giám khảo khi mô tả nội dung, yếu tố nghệ thuật và thông tin của bức ảnh do chính người đang đối thoại chụp mà còn tạo sự hấp dẫn, kịch tính cho người xem bởi có những điều thành viên ban giám khảo phỏng đoán không khớp với thực tế.
Hy vọng sau này khi phát sóng trực tiếp, chương trình sẽ hấp dẫn và sôi động hơn rất nhiều. Lúc đó không chỉ có các thành viên trong ban giám khảo phân tích cho điểm mà có sự tham gia của người xem, trong đó có các nhà nhiếp ảnh và phê bình nhiếp ảnh.
Tuy không có kịch bản chi tiết về lời thoại giữa MC với các thành viên trong ban giám khảo, với các tác giả có ảnh xuất sắc nhưng chúng tôi đã hoàn thành chương trình quay gần như chỉ có một đúp, không phải làm lại nhiều lần.
Sau gần hai tiếng ghi hình, ban giám khảo đã chọn lựa từ 800 bức ảnh của hơn 160 tác giả gửi đến dự thi được năm bức ảnh xuất sắc nhất đó là: Thành công rồi (tác giả Hồ Anh Tiến); Người lao động (tác giả Nguyễn Lương Hiệu); Hạnh phúc giản đơn (tác giả Lê Trung Kiên); Công nhân sửa cầu Long Biên (tác giả Trần Anh Tuấn); Mẻ lưới (tác giả Bùi Việt Đức). Tác phẩm đạt giải nhất của tháng 5 với chủ đề chân dung người lao động là tác phẩm: Hạnh phúc giản đơn.
Cảm nhận của tôi sau khi dẫn chương trình này đó là học được rất nhiều kiến thức về nội dung, bố cục và sáng tác nghệ thuật cho mỗi tác phẩm nhiếp ảnh khi được nghe các ý kiến phân tích của từng thành viên trong ban giám khảo. Hơn nữa khi xem các bức ảnh của các nhà nhiếp ảnh gửi về dự thi nhất là 15 bức ảnh vào vòng sơ khảo và năm bức ảnh xuất sắc nhất rồi bức ảnh đạt giải nhất trong tháng tôi có cảm giác như được xem một bộ phim tài liệu về bài ca của những người lao động, với những khuôn hình đẹp về nụ cười, ánh mắt tinh anh, thân hình vạm vỡ của những người lao động đang cống hiến sức lực và trí tuệ của mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, trong thời kỳ đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế.
Hà Hồng