Câu chuyện sáng mồng một Tết Đinh Dậu
Như mọi năm, vào sáng mồng một Tết tôi lại xách máy đi chụp phố cổ Hà Nội. Cảnh Hà Nội thật đẹp vào những ngày như thế này. Phố vắng, người thưa. Hàng, quán, xe máy  để trên vỉa hè không thấy nữa. Tất cả đã được cất sau cánh cửa của những ngôi nhà mặt tiền và trong ngõ nhỏ chỉ đủ dắt một chiếc xe. 36 phố phường của Hà Nội lúc này trông như một trường quay khổng lồ. Những ngôi nhà ống cao hai, ba tầng như những bao diêm xếp chồng lên nhau, bên những con phố hẹp. Hai hàng cây bên đường chẳng hiểu có ai uốn nắn không mà cùng ngả ra giữa đường để che nắng cho người đi xe đạp, xe máy; lá bàng đỏ vương khắp trên đường…Cảnh tượng này ngày thường không thấy. Đó là lý do tại sao cánh phó nháy chúng tôi thường thích đi săn ảnh Hà Nội vào sáng mồng một Tết.


Sau khi đi chung quanh hồ Hoàn Kiếm, tôi dừng xe và chụp ảnh trên phố Lê Thạch, rồi đến phố Tạ Hiện, Ô Quan Chưởng. Tại đây chúng tôi thấy cánh phó nháy tập trung rất đông. Người mẫu cũng nhiều. Vòng qua phố Hàng Mã tôi đã thấy bà cụ bán trầu cau đang dọn hàng ( người mà tôi đã có dịp giới thiệu với các bạn trong câu chuyện đầu năm 2016).

Đến ngã ba phố Bát Sứ- Hàng Bút, tôi dừng lại chụp cảnh một chồi lá non với ô cửa cổ kính đằng sau. Đang loay hoay chụp ảnh, tôi bỗng nghe tiếng nói: Mời anh ngồi uống với em một chén nước đầu năm mới. Ngoảnh lại tôi nhận ra một người chạc 40 tuổi. Anh là người trông xe máy, xe đạp trong khu vực phố cũ, phố cổ.


Vừa ngồi uống chén nước chè nóng vừa nói chuyện với anh tôi được biết,  anh tên là Nguyễn Quốc Toản, nhân viên của Công ty cổ phần Đồng Xuân, nhà ở phố Thụy Khuê có vợ và hai con.Tổng thu nhập của anh mỗi tháng khoảng sáu, bẩy triệu đồng. Tết này được công ty thưởng 10 triệu đồng. Hôm nay là ca trực đầu tiên của năm mới. Công việc trong mỗi ca trực của anh là trông xe máy cho các hộ dân sống trong các phố gần đó. “Văn phòng” làm việc đặt dưới gốc cây có ô che gồm mấy chiếc ghế nhựa, bộ ấm chén, điếu cày, thùng thư, và bình chữa cháy. Những hôm nào mưa bão thì mặc áo mưa đứng trú nhờ hiên nhà của người dân trong phố. Tuy lần đầu quen nhau, nhưng tôi cũng mừng tuổi cho hai đứa con của anh đang ở nhà nhân dịp đầu năm mới.

Công  việc của anh thật đơn giản tưởng chừng rất tẻ nhạt, nhưng khi ngồi nói chuyện với anh tôi mới biết nghề trông xe cũng có nhiều điều thú vị. Làm ở đây lâu cho nên người trong phố coi các anh như người nhà. Nhiều người vứt xe ở đó chẳng cần khóa, chẳng cần lấy vé xe vì người trông đã quen mặt, quen xe. Khi chúng tôi đang nói chuyện, chị chủ nhà tầng một số 11 Bát Sứ mở cửa, thấy Nguyễn Quốc Toản nở nụ cười thân thiện y như người nhà mình vậy và chúc mừng chú em một năm mới gặp nhiều may mắn, an khang thịnh vượng.

Toản cho biết giá trông xe ở đây dao động từ ba nghìn đồng đến mười nghìn đồng tùy thời gian gửi một vài tiếng hay cả ngày. Anh chỉ cho tôi xem một dãy xe máy lấm bê bết bùn đất và nói đây là xe của mấy anh du lịch ba-lô, gửi ở đây cả năm rồi không đến lấy, tiền trông xe khéo bằng giá trị cả chiếc xe, chúng em không biết xử lý thế nào. Bên trong sát với cửa nhà của phòng giao dịch Ngân hàng Maritime Bank, có hơn một chục chiếc xe đã cũ nát. Đây là những chiếc xe chính quyền phường nhờ trông hộ. Đó là những chiếc xe của những đối tượng đua xe trái phép.

Hết nói chuyện xe lại nói chuyện bán nhà. Toản chỉ cho tôi xem ngôi nhà trước mặt và nói ngôi nhà này rộng 35-40m2, chủ giao bán 31 tỷ đồng nhưng chỉ bán được 25 tỷ đồng. Nhà trong phố cổ thường có giá cao vì ở trung tâm đi lại thuận tiện, không chịu cảnh tắc đường, kẹt xe nhiều giờ đồng hồ khi ở nhà ngoài các vành đai. Tuy vậy khi có nhu cầu cải tạo sửa chữa thì rất phức tạp phải xin giấy phép và làm thủ tục đủ kiểu. Vì thế có  nhiều nhà do bị dột, cũ nát, chưa xin được giấy phép cải tạo đành phải “thiết kế” nhà hai mái, tức là để nguyên mái bị dột, lợp lên trên đó một lớp tôn. Trong nhà, vì kèo gỗ mối mọt thì lồng thêm dầm sắt, cột chống. Tìm được nhà cũ, nhà cổ còn nguyên kiến trúc ban đầu thật hiếm.


Chỉ lên mấy chiếc loa treo trên cột điện trước nhà 20 Bát Sứ,  Toản bảo, dân trong phố kêu ghê lắm, ngày nghỉ hàng tuần, chưa mở mắt ra đã bị đánh thức bởi âm thanh choang choang phát ra từ loa phường. Nhất là những nhà gần sát chỗ đặt loa. Có nơi xảy ra mâu thuẫn khi không ai muốn loa chõ sang phía nhà mình. Nhiều nơi đã tìm ra giải pháp rất thông minh: “ chĩa loa lên trời” thế là các nhà khỏi cãi nhau. Tuy vậy loa phường cũng có tác dụng trong việc thông báo tình hình an ninh trật tự của phường, báo các cụ về hưu trong phường đi lĩnh lương; bố mẹ đưa con đi tiêm chủng; nêu tên những hộ đổ rác bừa ra đường…. Nhưng ngày gần đây chính quyền thành phố đang lấy ý kiến người dân có nên duy trì loa phường hay bỏ đi. Theo chúng tôi mức sống của người dân ở bốn quận nội thành nói chung là cao cho nên có thể thay hình  thức truyền đạt thông tin qua loa phường bằng truyền thông tin qua mạng In-tơ-nét bằng thư điện tử, bởi nhà nào cũng có máy tính, thậm trí nhắn tin qua điện thoại di động.

Tuy vậy, theo tôi ở vùng huyện, xã mới nhập vào Hà Nội duy trì hình thức loa công cộng vẫn hợp lý, bởi nhà này cách nhà kia nhiều khi là một quả đồi, một cánh đồng, và không phải nhà nào cũng có điện thoại di động hay In-tơ-nét mà nhắn tin. Hơn nữa loa phường, loa xã đã gắn bó nhiều năm với cuộc sống của người dân. Thật ấm cúng, đậm tình người  khi loa phường, loa xã thông báo tin ai đó qua đời để mọi người đến thắp nén hương cho người đã mất. Thật vui khi loa thông báo nhà hàng xóm có người dựng vợ, gả chồng cho con. Thật cần thiết khi loa thông táo những hiểm họa về thời tiết, sự cố môi trường đang đe dọa tính mạng người dân trong khu vực. Đã trở thành nét văn hóa, mỗi khi thức giấc là mọi người được nghe tiếng gà gáy, cùng với chương trình nhà nông phát trên đài tiếng nói Việt Nam được loa phường, loa xã tiếp sóng. Nay bỏ đi thật nhớ.


Kể cũng lạ loa phường trong nội thành nhiều khi làm ta khó chịu vì âm thanh ồn ào phá giấc ngủ mối sáng nhất là vào ngày nghỉ, nhưng nghĩ rồi đây trên cột điện loằng ngoằng dây điện, không còn những chiếc loa nhô ra nữa lại thấy nhớ thêm về Hà Nội. Biết là không còn thích hợp sao trong lòng vẫn muốn níu kéo.  Chuyện loa phường sẽ trở thành kỷ niệm, quá khứ, con cháu sau này lại chỉ được nghe và xem các bức ảnh để biết một thời Hà Nội đã có loa phường. Thực tế nói trên làm tôi nẩy ra ý tưởng cho một chủ đề sáng tác ảnh: “ Chân dung” loa phường.

Sáng mồng một Tết Đinh Dậu, trong không gian yên ắng,  tôi được nghe một âm thanh đặc biệt đó là tiếng gà gáy. Nhìn lên ban công nhà số 20 Bát Sứ, tôi thấy một chú gà trống đang vươn cổ gáy. Chưa hết, chú còn “rủ” mấy con gà leo qua ban công nhà bên cạnh, rồi nhẩy lên mái nhà ngói kế cận, đi lên đỉnh mái vươn cổ gáy tiếp.

Anh Toản cho tôi biết, chủ của đàn gà ở tầng ba  tên là anh Phong Phở. Anh có biệt hiệu như vậy vì anh bán phở trên vỉa hè trước nhà mỗi sáng. Anh Phong Phở nuôi từ 70 đến 80 con gà tre. Trong đó có những con gà tre rất đẹp, khách trả mấy triệu đồng một con nhưng anh không bán. Hằng ngày vào buổi sáng, chúng thay phiên nhau gáy, vang khắp cả khu phố. Có những hôm gà bay xuống đất, trèo qua dây cáp điện sang phố Hàng Bút để kiếm ăn sau đó lại  bay về chuồng như chim…


Cuộc gặp ngắn ngủi giữa tôi và anh Toản kết thúc khi anh phải ra trả xe cho người dân trong phố để họ đi chúc Tết, du xuân đầu năm Đinh Dậu. Mấy con gà nhà anh Phong Phở vẫn vươn cổ gáy vang…

Hà Hồng
Khach | Dang nhap