Đầu tháng 11-2017, một sự kiện được nhiều người chú ý khi các họa sĩ Việt Nam và Hàn Quốc cùng tham gia vẽ tranh tại 18 vòm cầu trên phố Phùng Hưng. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Dự án: "Bích họa trên phố Phùng Hưng" do Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat) phối hợp Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc và UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện. Dự án nói trên dự kiến hoàn thành từ một đến hai tháng. Trước khi thực hiện dự án này các họa sĩ Hàn Quốc từng hợp tác với họa sĩ Việt Nam biến ngôi làng Tam Thanh (Quảng Nam) thành làng bích họa.
Ban tổ chức đã giới thiệu 11 tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ Việt Nam và Hàn Quốc, được triển lãm trong khuôn viên Tòa nhà Xanh Liên Hợp Quốc trước khi chính thức thi công tại phố Phùng Hưng. Các tác phẩm truyền tải thông điệp về một Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến đang đứng trước những đổi thay to lớn, song vẫn luôn gìn giữ những truyền thống và tinh hoa văn hóa để ghi dấu ấn trong lòng người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng” nằm trong giai đoạn 1. Giai đoạn 2 sẽ tác động đến các cổng vòm từ đoạn phố Phùng Hưng đến phố Hàng Cót (mở vòm để phục vụ không gian văn hóa của Hà Nội). Giai đoạn 3 là tác động vào các cổng vòm từ Cửa Đông đến phố Lê Văn Linh. Cổng vòm số 58 là cổng đầu tiên được dựng khung vẽ. Dự kiến các bức bích họa sẽ bắt đầu từ phố Lê Văn Linh kéo dài đến phố Hàng Cót.
Các tác phẩm truyền tải thông điệp về một thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến đang đứng trước những đổi thay to lớn, song luôn gìn giữ truyền thống và tinh hoa văn hóa. Trả lời trước cơ quan truyền thông đại chúng, Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn - đại diện nhóm các nghệ sĩ trong dự án cho biết: “Dự án nghệ thuật này là một dịp tốt để biến bức tường lịch sử trên đoạn phố Phùng Hưng trở thành một bối cảnh nghệ thuật của cộng đồng. Mục tiêu tương tác tối đa được đặt ra ngay từ giai đoạn đầu cho tác phẩm tham dự. Ông Park Kyong Chul – Trưởng đại diện Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc tại Hà Nội cho biết: Đây không chỉ là một dự án nghệ thuật thông thường với mục đích trang hoàng lại diện mạo của một công trình mà là một diễn đàn cho nghệ sĩ hai nước sáng tạo và là cơ hội để đánh thức những giá trị di sản của văn hóa.
Chiều 6-11-2017, chúng tôi có mặt tại khu vực các họa sĩ Hàn Quốc đang vẽ trực tiếp trên các khung tranh đã gắn vào các vòm cầu. Họa sĩ Lee Seung Hyun cho biết: Tôi rất vịnh dự được thể hiện tác phẩm Hà Nội xưa tại không gian phố cổ như thế này. Còn nữ họa sĩ Oh Ye Seul lại thể hiện một bức tranh con gái Hà Nội với gánh hàng hoa. Chúng tôi được biết: Các họa sĩ của Việt Nam và Hàn Quốc vẽ tranh bằng loại sơn PU và golden acrylics, độ bền 5-10 năm để thực hiện các tác phẩm. Trước đó, chất liệu vẽ tranh đã được xử lý lớp chống nước đằng sau.
Do thời gian triển khai gấp cho nên phía bên trên các họa sĩ vẽ tranh còn phía dưới công nhân lát vỉa hè, đặt ngầm lưới điện. Chắc chắn sau khi phố tranh này hình thành sẽ thu hút đông người đến xem. Vấn đề đặt ra là UBND thành phố Hà Nội cụ thể là UBND quận Hoàn Kiếm cần nghiên cứu tiếp phương án cả phố Phùng Hưng sẽ được cải tạo sắp xếp như thế nào nhằm mục đích vừa có không gian để mọi người đến đây thưởng thức các bức tranh về Hà nội, vừa bảo đảm giao thông và cuộc sống của người dân trên con phố này.
Hà Hồng