Gặp nhà báo say Hồ Gươm như... người tình

Nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, trên Báo Nhà báo và Công luận (Hội Nhà báo Việt Nam) số đặc biệt, nhà báo Hà Văn có bài viết về nhà báo Hà Hồng, xin trân trọng gửi đến các bạn bài viết nói trên.

Gặp nhà báo say Hồ Gươm như... người tình

(NB&CL) Nhà báo Hà Hồng – Trưởng Ban Bạn đọc báo Nhân dân trong cảm nhận của tôi có chút gì đó “gàn dở” của một ông đồ xứ Nghệ, lại có chút hào khí của kẻ sĩ Bắc Hà... Nên vẽ bức chân dung về anh thật chẳng dễ. Khó hơn nữa là bởi đã có quá nhiều cây bút viết về anh, mà bài nào cũng như kiểu “gan ruột” thân tình lắm rồi, hay là cùng đồng nghiệp, người ta cứ “ưu ái” nhau nhỉ?... Tôi đã gặp Hà Hồng trong cái tâm trạng khá hoang mang như thế.

Đắm đuối với hơn hai nghìn bước chân tròn một vòng hồ

Một buổi chiều đã tắt nắng, gặp nhà báo Hà Hồng trong một căn phòng làm việc nhỏ chỉ rặt là ảnh, từ ảnh dán sau cửa, đến ảnh treo khắp tường, ảnh to ảnh nhỏ với đủ màu sắc và chỉ toàn về Hồ Gươm. Nhân vật chính của tôi thì nhỏ thó ngồi lọt thỏm ở giữa nhưng chất giọng thì sang sảng, rộn ràng khiến cho người gặp lần đầu tiên cũng thấy gần gũi, dễ chịu.

Chẳng cần hỏi ý định của tôi, cũng không quan tâm tôi bắt đầu hỏi gì, anh cứ thao thao bất tuyệt như người truyền đạo về Hồ Hoàn Kiếm, mà có muốn cắt ngang cũng phải đắn đo lắm. Nhưng kể cũng lạ, một người làm báo đã đi rất nhiều nơi, gặp rất nhiều người mà vẫn chỉ đắm đuối với hơn hai nghìn bước chân tròn một vòng hồ, say mê những con người ở đó như thể họ là một phần trong cuộc sống của anh. Người mà đã từng nói: “Nếu có ai yêu hồ Hoàn Kiếm hơn tôi thì tôi sẽ ghen với người đó”. Cái tình yêu đặc biệt của anh đã nảy nở ngay từ ngày thơ bé. Anh sinh ra ở Hà Nội, bố mẹ lại làm việc ở Báo Nhân dân ngay bên hồ nên từ nhỏ đã thường xuyên đến đây chơi, nhất là mỗi dịp hè. Sau đó, năm 1983 anh về Báo Nhân dân công tác đến nay thấm thoát đã gần 40 năm rồi. Vì thế, theo thời gian, tình cảm của anh dành cho Hồ Gươm ngày một lớn dần lên và 2006, anh lập ra trang web: www.hohoankiem.org để “gói ghém” những cảm xúc, tình yêu.

Năm 2017, Cuốn sách dày lên tới 400 trang mang tên “Chuyện kể bên Hồ Gươm” của anh ra đời với gần 200 câu chuyện và vài trăm bức ảnh về cuộc sống, con người, thiên nhiên quanh Hồ Gươm mà nhà báo Hà Hồng đã viết từ đầu những năm 2000. Bây giờ, khi ngồi giở sách ra ký tặng tôi, Hà Hồng lại lẩn mẩn bảo rằng: “Chắc có khi anh lại phải in thêm cuốn sách nữa... vì còn quá nhiều câu chuyện hay, nhiều con người đã gặp, khó quên. Mà có khi như thế vẫn chưa đủ, chắc anh sẽ làm thêm cái bảo tàng về các kỷ vật của những con người đó". Nghe Hà Hồng nói vậy, tôi cũng gật gù thích thú và hỏi lại: “Tâm huyết và thai nghén mười mấy năm mới in được một sách, giờ mà ra sách nữa chắc cũng phải chừng ấy năm anh nhỉ?".

Nhà báo Hà Hồng – Trưởng Ban Bạn đọc báo Nhân dân

Hà Hồng cười và hào sảng bảo rằng: “Có lẽ vậy! Những gì là tinh túy đâu thể vội vàng. Sau mỗi cú bấm máy, bức ảnh đó, sự kiện diễn ra ngày hôm trước đó đã trở thành quá khứ. Tuy không phải là nhà sử học nhưng tôi “viết sử” bên hồ bằng chính các tác phẩm báo chí của mình. Cho đến hôm nay, nhiều người là nhân vật trong các bài viết của tôi đã ra người thiên cổ, vì thế cuốn sách này đã lưu giữ hình ảnh và câu chuyện về họ. Và những gì của hôm nay, tôi mong ước có thể là 100 năm sau, thế hệ con cháu chúng ta khi xem lại những hình ảnh về Hồ Gươm trong cuốn sách của tôi, xem tranh của tôi, xem các hiện vật ở bảo tàng của tôi cũng sẽ có những nỗi niềm rưng rưng xúc động giống như tôi bây giờ"...

Sống chậm, viết chậm

Hà Hồng không giống ai, kể cả trong cách sống và cách viết. Anh thích viết chậm, sống chậm chứ không chạy theo lối viết vội vàng, nhạt nhòa. Thế nên có người không hiểu sẽ bảo anh “khùng khùng điên điên”, nhưng với những người yêu mến anh thì rất trân trọng điều ấy. Trong câu chuyện với anh, mở đầu cũng là Hồ Gươm rồi khép lại cũng là Hồ Gươm. Anh bảo: Với 1,7 cây số chiều dài quanh hồ, nếu ta đi ào ào lướt qua nó thì thấy rất bình thường, nhưng chầm chậm lại, sẽ thấy bao nhiêu số phận, bao nhiêu cuộc đời chứa trong đó cả một phần lịch sử của dân tộc. Với tôi, lịch sử của một dân tộc sẽ vô cùng đáng yêu nếu ta nghiên cứu nó qua văn hóa.

Hồ Hoàn Kiếm - Hà Nội.

Có lẽ, đằng sau mỗi tác phẩm của Hà Hồng còn là biết bao câu chuyện về lòng kiên trì, đam mê sáng tạo nghệ thuật. Là biết bao lần anh mang máy ra để rồi lại trở về, chỉ khi anh thực sự “cảm”, thực sự “yêu” một điều gì đó thì anh mới thực hiện. Anh cũng chẳng ngại gì khi bỏ cả một buổi chiều thu để lang thang, để trò chuyện với một chị bán hàng rong, với một ông lão tóc bạc phơ... Đối với nghề báo cũng vậy, anh cũng “nắn nót” từng câu chữ, từng bài viết đến nỗi cái sapo của một bài phóng sự cách đây nhiều năm bây giờ anh cũng đọc lại rành rẽ, thuộc lòng. Trong thời đại hiện nay, trong cuộc sống xô bồ hôm nay, có một người như Hà Hồng quả thực rất hiếm. Cái sự “viết chậm, sống chậm” của Hà Hồng có lẽ cũng thành “thương hiệu” của anh lâu nay trong lòng bè bạn, đồng nghiệp. Thế nên khi nói chuyện về nghề nghiệp, anh luôn coi trọng những bài viết có sự đầu tư, có sự tâm huyết, thậm chí phải có những lớp lang trí tuệ, của sự đào sâu suy nghĩ, của lao động miệt mài...

Thế là gặp nhà báo Hà Hồng chẳng bõ công và càng thấy câu nhận định của một đồng nghiệp về anh là rất đúng: "Nếu viết chân dung thì hãy viết về nhà báo Hà Hồng, người có một niềm say mê nghề nghiệp hồn nhiên như đứa trẻ, rồi từ nghề nghiệp lại đam mê Hồ Gươm như một người tình say đắm với vô số những tác phẩm ảnh, bài viết ý nghĩa, giá trị"...

Sông Mây

Khach | Dang nhap