Câu chuyện sáng mồng một Tết Kỷ Hợi

Như thường lệ sáng mồng một Tết tôi dậy sớm đi chụp phố cũ, phố cổ. Đối với cánh thợ ảnh chúng tôi đây là khoảnh khắc đẹp nhất trong 365 ngày của Hà Nội phố. Sáng mồng một Tết Kỷ Hợi (5-2-2919) chung quanh hồ Hoàn Kiếm đã đông người.

Chúng tôi gặp một nhóm những người đi xe đạp trong CLB xe đạp thể thao sông Hồng Hà Nội. Nhiều người đã đi chơi Tết. Đông nhất vẫn là cánh thợ ảnh. Đi đến phố nào cũng gặp. Lúc thì một người, lúc thì cả nhóm. Lúc thì người lớn tuổi, lúc thì sinh viên dùng máy ảnh chụp bằng phim…Trời sáng mồng một không mưa, nhưng cũng không có nắng, hạn chế tầm nhìn cũng như sắc ảnh cho nên tôi chuyển mục đích chụp. Không chụp toàn cảnh phố mà đánh tỉa từng ngôi nhà, góc phố cổ: hoa ở ban công nhà cổ trên phố Đinh Liệt, Góc phố liêu xiêu Hàng Bạc, Đinh Liệt, Đình Kim Ngân…

Đến phố Đào Duy Từ tôi ngồi nghỉ tại một quán nước chè nóng trên vỉa hè. Chủ quán là bác trai chạc khoảng 65 tuổi, người gầy, ít lời. Biết là chưa ăn sáng mà uống nước chè đặc sẽ bị cồn ruột nhưng tôi vẫn làm một chén nóng. Bù lại được tận hưởng không khí trong lành, tĩnh lặng, dân dã khu phố cổ Đào Duy Từ. Hỏi chuyện bác chủ quán tôi được biết bác tên là Hùng nhà ở số 9 Đào Duy Từ. Bác là người sinh ra và lớn lên ở con phố này, trước khi về hưu bác lái xe cho Công ty Lương thực Hà Nội.

Bác Hùng kể năm 1972, khi Mỹ mở đợt không kích ném bom Hà Nội mọi người trong phố phải đi sơ tán hết, vỉa hè trước cổng được đào hầm trú ẩn cho người còn lại trong số nhà cũng như khách đi ngang qua khi gặp máy bay. Nơi đây là tọa độ nguy hiểm vì gần cầu Long Biên. Chị Phượng nhà cùng phố Đào Duy Từ ( sinh năm 1967) ngồi uống nước cùng chúng tôi, góp thêm chuyện: Hồi đó gia đình tôi cũng được lệnh phải đi sơ tán gấp trong đếm. Xe ô-tô tải gom tất cả người dân trong còn lại trong phố, chở đến nơi sơ tán ở Hà Tây. Thời đó chẳng biết nhau, chẳng có quan hệ họ hàng gì, nhưng chúng tôi đến đâu cũng được các hộ nông dân cho ở nhờ. Tình người lúc đó thật quý.

Đang ngồi uống nước chè, Tôi gặp Việt Anh (phóng viên Truyền hình Nhân Dân) phóng xe máy qua. Tôi ới lại để hỏi chuyện ngày Tết. Việt Anh bảo cháu trực Tết tối hôm qua, sáng nay trước khi đi xe máy về quê ở Hưng Yên có dạo quanh khu vực phố cổ để săn cảnh. Một lúc sau có hai phó nháy đứng tuổi cũng đến ngồi uống nước chè với chúng tôi. Hỏi chuyện chúng tôi được biết anh tên là Sơn, và anh tên là Minh. Thật thú vị khi biết hai anh đều tuổi canh tí như tôi (cùng sinh năm 1960). Thế là tại quán nước chè vỉa hè sáng mồng một Tết Kỷ Hợi có ba ông tuổi canh tí cùng mê chụp ảnh. Thú vị hơn nữa khi tôi được biết bố của anh Minh là nhà báo Hồng Lân, phóng viên Ban An ninh quốc phòng cua Báo Nhân Dân. Thời nhỏ tôi thường được bố cho sang chơi dưới gốc đa Báo Nhân Dân (Bố mẹ tôi về công tác tại Báo Nhân Dân từ năm 1954). Năm 1972 nhà tôi trong khu tập Báo Nhân Dân ở Ngõ Lý Thường Kiệt bị máy bay Mỹ ném bom, do đó được cơ quan cho ở nhờ tại một phòng nhỏ đằng sau hội trường dưới gốc đa cổ thụ. Vì thường xuyên được ở cơ quan cho nên tôi được biết nhiều cô chú phóng viên trong đó có là báo Hồng Lân. Trong trí nhớ của tôi nhà báo Hồng Lân được chuyển từ Bộ quốc phòng sang, người gầy, nghiện thuốc lá.

Ngồi một lúc tôi thấy ông chủ quán Hùng về nhà, vợ ông thay ông bán nước chè. Bác Hùng kiệm lời bao nhiêu thì chị Liên vợ bác Hùng lại nhiều lời bấy nhiêu. Chị kể cho tôi nghe một mạch về gia đình của mình mà tôi không phải gợi chuyện như khi nói chuyện với bác Hùng. Chị Liên kể: Ông chồng nhà tôi bây giờ so với mấy tháng trước là khá lắm đấy anh à. Ba lần mổ rồi đấy. Ba tôi là Đảng viên lão thành cách mạng, quê ở Nha Trang, hiện đang sống tại Mộc Châu. Cụ vừa nhận huy hiệu 70 năm tuổi đảng, đi du kích từ khi mới 15 tuổi. Thời bao cấp cụ làm lĩnh vực thương nghiệp, nổi tiếng là bôn-sê-vích anh à. Ông quản đủ thứ hàng viện trợ của nước ngoài, nhưng vợ con chẳng được cậy nhờ gì vẫn thiếu thốn khó khăn như các gia đình khác. Thật vui cuối đời ông được chính quyền trợ cấp cho cán bộ lão thành cách mạng hơn bốn chục triệu đồng để sửa sang lại chỗ ăn, chỗ ở. Thỉnh thoảng tôi và hai đứa con lên thăm cụ ở Mộc Châu.

Đến trưa trời hửng nắng, dòng người đi lại mỗi lúc một đông, tôi lại hòa mình vào dòng người đó để đi chụp cảnh xuân, và không quên những câu chuyện mình đã lượm lặt được trong sáng mồng một Tết Kỷ Hợi.

Hà Hồng

Khach | Dang nhap