Ngày 22-11, tại số 2 phố Lê Thái Tổ, UBND Quận Hoàn Kiếm đã tổ chức triển lãm giới thiệu các Đồ án kiến trúc đoạt giải về thiết kế, vị trí đặt điểm Km số 0 đồng thời lấy ý kiến của người dân về việc nói trên.
Theo chúng tôi việc UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức cuộc thi và lấy ý kiến người dân về vị trí đặt cột mốc km số 0 là thể hiện sự dân chủ, dân được biết và tham gia vào những việc liên quan cộng đồng.
Trước đây có nhiều ý kiến đặt cột mốc tại vị trí đồng hồ thủy tinh tại ngã tư Đinh Tiên Hoàng - Hàng Khay. Cũng có đồ án kiến trúc thể hiện ở vị trí này. Tuy vậy không ấn tượng.
Nhiều ý kiến ủng hộ việc đặt cột mốc tại sân tượng đài vua Lý Thái tổ và lựa chọn đồ án kiến trúc số một. Cùng với việc đặt một tấm đồng làm cột mốc, nhóm tác giả còn dùng công nghệ chiếu sáng hiện đại để dựng hình Km số 0.
Đây cũng là vị trí có không gian để cho khách du lịch đến chụp ảnh lưu niệm. Tuy vậy tôi xin bổ sung ý kiến sau: Thiếu hình tượng Rùa gậm kiếm vàng trên mặt tấm đồng đặt tại cột mốc. Rùa ngậm kiếm có ý nghĩa sâu sắc: Đất nước không bao giờ chịu nô lệ, luôn đánh tan giặc ngoại xâm. Khi đánh xong giặc ngoại xâm chỉ mong muốn một đất nước hòa bình, như hình tượng Rùa ngậm gươm (người xưa cho rằng rùa biểu tượng là âm, gươm là dương. Rùa gậm gươm là biểu hiện sự hòa hợp âm dương, hòa bình vững bền). Có hình tượng Rùa gậm gươm trên tấm đồng, trong bức ảnh của khách du lịch sẽ có hình ảnh này, và như vậy ta có thêm cơ hội giới thiệu mảnh đất thiêng Hồ Gươm ra thế giới, giới thiệu truyền thuyết Vua Lê trả gươm cho Rùa.
Nhóm tác giả trẻ có thể nghiên cứu đưa hình tượng Rùa ngậm kiếm vàng lên vùng ánh sáng la-ze chiếu số 0. Số không trong đồ án là "vuông thành sắc cạnh" nay cần "vuốt" tròn. Như vậy có thể hiểu số 0 đó là hồ và trong đó có hình tượng Rùa ngậm kiếm vàng. Rất mong các ý kiến đóng góp của những người yêu Hồ Gươm về ý tưởng này và nêu các ý tưởng khác, để cho cột mốc thật sự có ý nghĩa văn hóa, lịch sử.
Hà Hồng