Vùng xanh

Một trong những đặc điểm của ngôn ngữ là luôn phát sinh nhiều từ mới phù hợp với sự vận động, phát triển không ngừng của cuộc sống.

Ngược lại nhiều từ cũ cũng dần mất đi do không còn phù hợp nữa. Tra từ điển Tiếng Việt, chúng tôi không tìm ra cụm từ "vùng xanh". Vùng xanh là cụm từ mới xuất hiện trong thời gian giãn cách. Chắc trong thời gian tới từ điển Tiếng Việt phải bổ sung nhiều từ, cụm từ mới xuất hiện trong đợt bùng phát dịch Covid – 19 lần thứ tư như: vùng xanh, vùng vàng, vùng da cam, vùng đỏ, luồn xanh, phiếu đi chợ, đứt gãy sản xuất…

Ngày 08/8/2021, chúng tôi thấy trên địa bàn của Hà Nội đồng loạt xuất hiện các vùng xanh trong khu dân cư, chung cư. Từ điển tiếng Việt chưa định nghĩa được thế nào là vùng xanh, vùng xanh có nhiệm vụ gì?

Căn cứ vào tấm pa – nô vùng xanh treo tại chốt, ta có định nghĩa vùng xanh:  “Vùng an toàn không có dịch”. Chốt  vùng xanh có nhiệm vụ: không cho  người lạ, người giao hàng (shipper) vào. Khi các shipper tới giao hàng phải đứng bên ngoài hàng rào, gọi người đặt hàng ra nhận và toàn bộ hàng hóa đều được khử khuẩn. Người trong vùng xanh đi ra, hay trở về phải khai báo y tế, xuất trình giấy đi đường, giấy công tác, phiếu đi chợ.

Nhiều chuyên gia cho rằng bảo vệ "vùng xanh" ở cấp độ "tế bào" (tổ dân phố, xóm) được xem là "vắc - xin cộng đồng", mũi giáp công hiệu quả trong chiến lược chuyển hướng từ phòng ngự sang phản công. Mô hình "vùng xanh" cũng như việc phân vùng xanh, đỏ, vàng để có cách phòng, chống dịch phù hợp, là một cách tiếp cận mới so với trước, để chủ động phòng ngừa dịch ngay khi dịch bệnh chưa xảy ra, nhất là khi biến thể Delta có hệ số lây nhiễm R0 rất cao (R0 = 8 - 9, trung bình một người có thể lây cho 8-9 người, trong khi chủng gốc chỉ là 2 người).

Hiệu quả cao nhất mà mô hình này mang lại chính là ý thức tự giác của người dân được nâng cao hơn, phát huy sức mạnh cộng đồng. Từ việc tự đứng ra lập các chốt kiểm soát, cùng tham gia vào công tác chốt chặn, mỗi người dân sẽ tự ý thức được đây là việc làm đang bảo vệ sự an toàn cho chính gia đình mình và cho cộng đồng. 30 quận, huyện của Hà Nội đã thành lập hàng trăm chốt vùng xanh. Quận Hoàng Mai có hơn 400 chốt, quận Hoàn Kiếm gần 200 chốt, huyện Ứng Hòa 145 chốt, huyện Thanh Trì 219 chốt...

Đi dọc nhiều phố trong quận Hoàn Kiếm chúng tôi ghi nhận có rất nhiều vùng xanh được thiết lập trên phố Hàng Bài, Hàng Ngang, Hàng Đào, Lê Thái Tổ (khu dân cư đối diện Nhà hàng Thủy Tạ). Dân cư Ngõ Lý Thường Kiệt (nằm trong tổ 2 phường Trần Hưng Đạo) cũng hình thành một vùng xanh. Có một điều lạ hơn các vùng xanh khác là trực chốt không chỉ người dân trong ngõ mà cả người dân ở nơi khác không ở trong ngõ nhưng cùng tổ cũng đến tham gia trực chốt. Bác Thịnh tổ trưởng nhà ở số 75 phố Lý Thường kiệt nhưng cũng tham gia trực chốt, hầu như ngày nào bác cũng có mặt. Điều này làm người dân trong ngõ Lý Thường Kiệt cảm động lắm, bởi tinh thần cộng đồng của những người dân cùng tổ dân phố.

Là cư dân của ngõ cho nên tôi được điều động trực chốt. Qua việc theo dõi người ra, vào đi chợ hoặc đi trực (đi những đâu, làm gì) bản thân tôi cũng biết thêm được “lý lịch” của nhiều người trong khu dân cư của mình, mà trước đó chưa có cơ hội tìm hiểu. Có chị đi chợ qua chốt, dừng lại  tâm sự chốc lát (đứng cách nhau 2m): Phường mình không có chợ cho nên chính quyền cho phép đi chợ trong quận, chị phải đến chợ Hàng Bè mới mua được thức ăn chế biến sẵn đấy, vất vả quá.

Ngày 12 – 8 – 2021, Phường Trần Hưng Đạo thiết lập một chợ mới đặt tại Trường THPT Việt Đức, các hộ dân trong ngõ tôi được phát phiếu bốn ngày đi chợ một lần. Không gian chợ là sân trường, thoáng mát. Người đi chợ đứng xếp hàng theo khoảng cách 2m, “được cái” giá một số mặt hàng bán ở đây đắt hơn so với chợ truyền thống. Qua nói chuyện với bác tổ trưởng (tất nhiên là thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, ngồi cách 2m) tôi được biết nhiều thông tin về tổ dân phố của mình cũng như tình hình phòng, chống dịch ở phường Trần Hưng Đạo. Cả phường có tám chốt, có bốn tổ mỗi tổ một chốt, hai tổ còn lại mỗi tổ hai chốt.

- Tôi hỏi bác tổ trưởng: Theo bác làm thế nào để vùng xanh thật là “xanh”?
- Lý tưởng nhất là tất cả dân cư sống trong vùng xanh đều được tiêm vắc –  xin. Điều này khó thực hiện bởi không chỉ thành phố mà cả nước đang thiếu vắc –  xin. Nguồn vắc – xin hiện có đang được ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu, các đối tượng ưu tiên, vùng có dịch. Sau này khi lượng vắc – xin về dồi dào, nhất là sau khi Việt Nam tự sản xuất được vắc – xin, vùng xanh sẽ là một trong những nơi được ưu tiên tiêm vắc – xin.

Hiện nay nhiều đối tượng trong vùng xanh, nói riêng và quận Hoàn Kiếm nói chung đã được đi tiêm như: thanh niên từ 18 tuổi đến 45 tuổi. Ngày 16-8, những người trong độ tuổi dưới 65 tuổi cũng được đi tiêm vắc – xin. Thật may mắn và rất mừng, hiện tại cả phường không có ai mắc Covid - 19. Phó chủ tịch UBND phường động viên những người tham gia trực chốt: Các bác trực đều có kinh phí bồi dưỡng, tuy vậy kinh phí bao nhiêu lúc nào nhận thì chờ phường thông báo sau.

Hôm tôi chực chốt đúng vào lúc trời mưa to. Trên đường vằng người qua lại, chỉ có tiếng chổi tre của người quét rác. Mọi người ở nhà thực hiện giãn cách phòng, chống dịch Covid - 19 còn những người công nhân quét rác thì ra mặt đường làm cho thành phố luôn sạch – đẹp.

 

Hà Hồng

Khach | Dang nhap