Những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch Covid – 19, đường phố yên tĩnh, quang đãng, sạch sẽ, ít khói bụi. Ước gì sau giãn cách không khí Hà Nội lại như thời gian giãn cách. Chắc điều ước đó còn lâu mới trở thành hiện thực.
Có một thực tế là trong những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách, cây cối hai bên đường nhiều tuyến phố nhất là khu vực chung quanh hồ Hoàn Kiếm, công viên dường như xanh hơn, thảm hoa gần như thắm hơn. Nhiều tuyến phố như Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng… rợp bóng mát. Tiếng chim réo rắt cả thành phố. Ngoài công của người chăm sóc, không khí trong lành trong thời kỳ giãn cách đã làm cho cây cối phát triển tốt hơn.
Ngày 15 – 7 – 2021, trên Chuyên trang Quản lý môi trường, có đăng bài Tổng quan môi trường: “Tác động của đại dịch Covid – 19 đối với môi trường và giải pháp bền vững”. Bài báo đã đưa ra kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới: Việc các ngành công nghiệp, giao thông vận tải và các công ty đóng cửa đã làm giảm đột ngột lượng phát thải khí nhà kính. Mức độ ô nhiễm không khí ở New York đã giảm gần 50% nhờ các biện pháp được triển khai để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh Covid - 19. Người ta ước tính rằng việc giảm gần 50% N2O và CO là do đóng cửa các ngành công nghiệp nặng ở Trung Quốc.
Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) dự đoán rằng, do việc cách ly toàn xã hội trong thời gian bùng phát COVID-19, lượng khí thải NO2 đã giảm từ 30 đến 60% ở nhiều thành phố châu Âu bao gồm Barcelona, Madrid, Milan, Rome và Paris. Ở Mỹ, NO2 giảm 25,5% trong giai đoạn Covid - 19 so với những năm trước.
Phương tiện giao thông vận tải, trong đó có máy bay lần lượt đóng góp gần 72% và 11% lượng phát thải khí nhà kính. Khi đại dịch bùng phát nhiều quốc gia đã hạn chế khách du lịch quốc tế nhập cảnh và xuất cảnh bằng đường hàng không. Trung Quốc giảm từ 50 đến 90% công suất các chuyến bay khởi hành và 70% các chuyến bay nội địa do đại dịch, do đó đã giảm gần 17% lượng khí thải CO2 quốc gia. Hơn nữa, lượng khách du lịch bằng đường hàng không đã giảm 96% so với cùng thời điểm năm ngoái trên toàn cầu do đại dịch Covid - 19.
Theo trang Carbon Brief - Chuyên trang về chính sách và khoa học khí hậu có trụ sở tại Anh, cuộc khủng hoảng Covid - 19 gần đây đã làm giảm 25% lượng khí thải CO2 ở Trung Quốc và xuống dưới mức giới hạn bình thường hơn hai tháng sau khi nước này bắt đầu đóng cửa.
Báo cáo Chất lượng Không khí Thế giới năm 2020 tổng hợp dữ liệu từ 106 quốc gia trên thế giới vừa được tổ chức IQAir có trụ sở tại Thụy Sĩ công bố. Theo đó, ở các đô thị lớn, nguồn sinh ra bụi mịn PM 2.5 hầu hết là từ khí thải giao thông, công trình xây dựng, đường giao thông và nhà máy công nghiệp. Các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan của Covid -19 đã giúp không khí năm 2020 sạch hơn ở 84% các quốc gia và vùng lãnh thổ được phân tích. Những thành phố có chất lượng không khí được cải thiện nhiều nhất so với năm 2019 là Singapore, nồng độ bụi mịn PM 2.5 giảm 39%, Dubai và Jakata giảm 20%, Hà Nội giảm 19% (xếp thứ 12) các thành phố lớn như Bắc Kinh, Chicago, New Delhi, London, Paris và Seoul cũng giảm từ 11-17%.
Cả nước đang chống “giặc Covid – 19” bằng các giải pháp tích cự như các ly y tế, phong tỏa, giãn cách xã hội, thực hiện 5K, tiêm vắc – xin …Sẽ đến ngày đại dịch Covid – 19 được khống chế. Thật vui và cũng thật buồn. Thật vui vì đất nước chuyển sang trạng thái bình thường mới. Thật buồn vì không khí các thành phố lớn trong đó có Hà Nội lại trở nên ô nhiễm như thời chưa có đại dịch Covid – 19 bởi ba nguyên nhân. Thứ nhất: khói, bụi, tiếng ồn hơn 5,8 triệu xe máy, ô – tô chạy trên các con đường của Thủ đô gây ra. Thứ hai: bụi, bùn đất do hơn 1000 công trình xây dựng thi công trở lại và ô - tô chở nguyên vật liệu chạy trên địa bàn thủ đô gây ra. Thứ ba: khí thải của hàng trăm nhà máy, 60.000 bếp than tổ ong, và các đống rơm được người dân đốt sau mỗi vụ thu hoạch…
Một điều ước của chúng tôi là khi Hà Nội hết đại dịch Covid - 19 bước vào trạng thái bình mới, cán bộ công chức lại đến công sở, công nhân đến nhà máy, học sinh đến trường…Và không khí Hà Nội lại trong lành như những ngày giãn cách. Để làm được điều đó không chỉ ngành môi trường mà cả xã hội phải chung tay giải quyết được ba nguyên nhân nói trên.
Hà Hồng